Đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng trong sản xuất Nông sản thực phẩm

13/03/2022 22:10

Nongthonvaphattrien - Ngày 10 tháng 7 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1035/QĐ-TTg lấy ngày 15 tháng 3 hàng năm là Ngày Quyền của người tiêu dùng(NTD). Ngày Quyền của NTD Việt Nam được tổ chức hàng năm nhằm khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi NTD với sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội và đất nước; tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và các chính sách về bảo vệ quyền lợi NTD; tạo cơ sở để huy động, tập trung sự quan tâm, hưởng ứng, tham gia của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ quyền lợi NTD; góp phần xây dựng một môi trường tiêu dùng lành mạnh cho cả NTD và các tổ chức, cá nhân kinh doanh;... 

Quyền và nghĩa vụ của NTD được thể hiện trước hết là được tiêu dùng thực phẩm an toàn. Thực phẩm là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng cho sự triển cơ thể, đảm bảo sức khỏe nhưng đồng thời cũng là nguồn gây bệnh. Sử dụng thực phẩm không đảm bảo an toàn đẫn tới ngộ độc và nguy hiểm hơn là sự tích lũy chất độc gây dị tật , dị dạng sau này. Trung bình hàng năm ở nước ta có từ  5.000 đến 7.000 người bị ngộ độc thực phẩm dẫn đến nhiều ca tử vong. Đề phòng những ca bệnh từ thực phẩm có ý nghĩa không chỉ để phát triển kinh tế xã hội mà quan trọng là bảo vệ môi trường sống lâu dài.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới(WHO), Thực phẩm an toàn là loại thực phẩm cung cấp đủ chất dinh dưỡng thiết yếu, phù hợp mà không gây hại cho đời sống. Hầu hết thực phẩm con người ăn, uống ở dạng tươi sống hoặc đã qua sơ. chế biến, nó được phân thành nhóm có nguồn gốc động vật và thực vật, tất cả đều do sản xuất nông nghiệp tạo ra. Trong đó, thực phẩm hữu cơ đã trở thành một trong những lựa chọn có ý nghĩa của NTD.

q11-1647184124.jpg
Đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng trong sản xuất Nông sản thực phẩm

Trong tiêu dùng, thực phẩm an toàn đã và đang là mối quan tâm hàng đầu của nhân loại. Để tồn tại và phát triển bền vững, các nhà sản xuất đều đặc biệt coi trọng việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng mà HACCP, VietGap và Global Gap được xem là xu hướng lụa chọn trong sản xuất nông nghiệp nước ta, Bài viết đề cập đến những vấn đề nổi bật của xu hướng này.

Thực trạng vệ sinh an toàn thực phẩm ở Việt Nam

Có thể khẳng định, để duy trì sự sống con người phải tiêu dùng thực phẩm. Tuy nhiên, tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm đang ngày một gia tăng, trở thành vấn đề nhức nhối mà nhiều năm qua vẫn chưa có cách giải quyết triệt để. Thực tế dễ thấy là, tình trạng thực phẩm không đảm bảo chất lượng đã tràn lan ở khắp mọi nơi và vì nhiều lý do khác nhau, NTD đành phải chấp nhận. Bên cạnh đó, các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc và xuất xứ, thực phẩm bị làm giả, làm nhái khiến việc lựa chọn sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh lại càng trở nên khó khăn (Luatvn.vn 2022). 

Trong sản xuất nông nghiệp, người ta đã lạm dụng phân hóa học, thuộc trừ sâu, diệt cỏ và thuốc kích thích tăng trưởng độc hại trong canh tác các loại rau, củ quả, hoa màu…Trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy hải sản cũng đã dùng nhiều loại thuốc tăng trọng có hàm lượng chất khngs sinh cao; Riêng công nghiệp chế biến thực phẩm lại sử dụng nhiều hóa chất tẩy rửa, tạo màu, tạo mùi và nhiều hóa chất độc hại khác. Tất cả những thành phần chất độc này đều ngấm vào thực phẩm và chính con người qua sử dụng LTTP làm thức ăn hàng ngày. 

Thực trạng thường xuyên được chứng kiến đó là tình trạng mất vệ sinh trong quá trình chế biến như dùng nước sông, hồ để làm nước đóng bình, sản xuất đá lạnh, Các cơ sở chế biến không đảm bảo đúng quy trình chế biến, không có giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường làm việc không đảm bảo vệ sinh nhưng vẫn hành nghề.Đây là những lý do dẫn đến tình trạng thực phẩm mất vệ sinh, không an toàn gây nguy hại cho sức khỏe con người.

Không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm gây nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe giống nòi và môi trường sống dẫn đến nhiễm và ngộ độc thực phẩm ngày một gia tăng cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng; có nhiều người tử vong vì sử dụng thực phẩm không đảm bảo an toàn. Ngoài ra, tỉ lệ ung thư cũng có chiều hướng tăng mạnh, Ung thư có nguyên nhân không nhỏ từ chính tình trạng thực phẩm bẩn, thực phẩm quá hạn và tái chế lại vẫn được cung cấp thường xuyên cho NTD. Nhiều vấn đề khác khó tin nhưng đó lại là sự thật; bên cạnh đó, các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất sứ, thực phẩm còn bị làm giả, làm nhái khiến cho việc lựa chọn sản phẩm đảm bảo vệ sinh, an toàn lại càng khó khăn.

Do quy trình chế biến hoặc do bị nhiễm độc từ môi trường, từ dùng nước thải, nước bẩn để tưới rau màu khiến hàm lượng kim loại nặng và vi sinh vật gây bệnh trong rau, củ quả cao hơn so với qui định, đã ảnh hưởng xấu đến chất lượng nông sản tiêu dùng và xuất khẩu. Mặt khác, tình trạng dịch bệnh gia súc, gia cầm xảy ra thường xuyên cùng với ngộ độc thực phẩm và vi phạm tiêu chuẩn ATTP gia tăng đã làm cho NTD hoang mang, lo lắng.

Báo cáo của nhiều cơ quan cho biết, việc bảo đảm ATTP nhiều năm có tiến bộ, đã coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân. Luật Bảo vệ quyền lợi NTD và Luật ATTP đã nâng cao vai trò quản lí nhà nước từ Trung ương đến địa phương; công tác quản lý nhà nước về ATTP được chú trọng, kiến thức, sự hiểu biết của người dân về bảo đảm sức khỏe được nâng lên; các nhà sản xuất, kinh doanh cũng hiểu rõ hơn trách nhiệm của mình trong tuân thủ các điều kiện bảo đảm ATTP đối với sản phẩm làm ra. Tuy nhiên, việc nhận biết, phân biệt giữa thực phẩm an toàn với không an toàn vẫn còn là một khó khăn. Theo Cục Quản lý chất lượng vệ sinh ATTP Bộ Y tế, số lượng các vụ bị ngộ độc cũng như số người bị nhiễm độc thực phẩm còn khá cao, đặc biệt là mắc những bệnh nhiễm trùng bởi thực phẩm. Số liệu thống kê còn cho thấy, trên địa bàn cả nước, các vụ ngộ độc thực phẩm đang diễn biến phức tạp, có nhiều trường hợp tử vong. Có thể nói, chưa bao giờ người dân lại quan tâm. lo ngại trước vấn đề ATTP như ngày nay (luat 7s.com 2020).

Tiêu chuẩn chứng nhận an toàn thực phẩm và vấn đề nổi bật trong ngành nông nghiệp

ATTP đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của mọi người dân và các nhà sản xuất. Để tồn tại và phát triển, việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng thực phẩm đang là xu thế toàn cầu. Trong xu thế này, Chứng nhận tiêu chuẩn HACCP là môt lựa chọn của Việt Nam. Ngoài ra, nông sản thực phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP hay Global GAP cũng là những hệ tiêu chuẩn quan trọng của sản xuất nông nghiệp.

HACCP tên viết tắt của 5 từ tiếng Anh Hazard Analysis and Critical Control Point, là một hệ thống quản lý mang tính phòng ngừa, nhằm đảm bảo ATTP thông qua nhận biết các mối nguy , thực hiện các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát tại tại các điểm tới hạn, giúp giảm thiểu rủi ro về ATTP đến mức chấp nhận được. HACCP càng trở nên quan trọng vì nó giúp kiểm soát mọi mối nguy tiềm ẩn trong quá trình sản xuất thực phẩm cả về tác nhân gây ô nhiễm sinh học, hóa học và vật lý. Từ đó, nhà sản xuất có thể đảm bảo sản phẩm an toàn cho NTD.

NTD ngày nay có thể tìm thấy sự an toàn trong sử dụng những sản phẩm đạt tiêu chuẩn ISO.22000. ISO.22000 là Hệ thống Quản lý Chất lượng ATTP theo tiêu chuẩn Quốc tế, đây là bộ tiêu chi kết hợp Hệ thống Quản lý chất lượng của tổ chức Tiêu chuẩn Quốc tế (ISO.9001) và HACCP. Như vậy là, nếu sản phẩm được chứng nhận ISO.22000 đông nghĩa với sản phẩm đó đã đạt chuẩn HACCP và ISO. 9001.

Áp dụng ISO.22000 đối với NTD sẽ giảm được nguy cơ ngộ độc và các bệnh truyền qua thực phẩm, còn với doanh nghiệp nó sẽ nâng cao uy tín chất lượng, khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường của sản phẩm. Được cấp giấy chứng nhận ISO.22000 là điêu kiện để tiến hành tự công bố tiêu chuẩn ATTP và là căn cứ để giảm tần suất kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền về ATTP.

NTD ngày nay cũng cần hiểu rõ những vấn đề về tiêu chuẩn GAP và phân biêt được sự khác nhau giữa chuẩn VietGAP và Global GAP trong sản xuất. GAP là cụm từ viết tắt tiếng Anh Good Agricultural Practices với hàm nghĩa là thưc hành nông nghiệp tốt. Tiêu chuẩn VietGAP được ban hành bởi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam; tiêu chuẩn này dành cho các sản phẩm thuộc nhóm ngành trồng trọt, thủy sản và chăn nuôi.

Tiêu chuẩn VietGAP đưa ra những yêu cầu để doanh nghiệp xây dựng và áp dụng các quy trình từ sản xuất cho đến khâu xử lý, thu hoạch; nhằm đảm bảo chất lượng và an toàn của thực phẩm. VietGAP dựa trên 4 tiêu chí về tiêu chuẩn kỹ thật sản xuất, ATTP, môi trường làm việc và truy xuất nguồn gốc gốc sản phẩm. Nếu VietGAP là tiêu chuẩn về thực hành sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam thì GlobalGAP lại là tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trên toàn thế giới. Nói cách khác, GlobalGAP là tiền thân của VietGAP và là tiêu chuẩn toàn cầu, nó đưa ra các yêu cầu, tiêu chí áp dụng dành cho các nhóm thực phẩm thuộc lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản và trồng trọt. Ngoài 4 tiêu chí như VietGAP, Global GAP có thêm tiêu chí thứ 5 về trách nhiệm xã hội. Một sản phẩm khi được cấp chứng nhận GlobalGAP chứng tỏ mặt hàng đó đã sản xuất với hệ thống vận hành khắt khe để đạt tiêu chuẩn GlobalGAP (German Cooperation, GIZ,VICOPRO 2021).

So sánh VietGAP và GlobalGAP người ta dễ thấy những điểm khác nhau, đó là: Sản phẩm cấp chứng chỉ GlobalGAP được thừa nhận trên phạm vi toàn cầu, còn sản phẩm được cấp chứng chỉ VietGAP chỉ có giá trị tại Việt Nam.Những đối tác kinh doanh hoặc nhà phân phối lớn thường ưu tiên đối với các doanh nghiệp được cấp chứng nhận GlobalGAP vì nó có thể đáp ứng được yêu cầu khắt khe từ các thị trường khó tính.

Đối với sản phẩm muốn đạt được chứng chỉ GlobalGAP cần đáp ứng được 252 tiêu chuẩn. bao gồm 127 phải tuân thủ tới mức 95%;89 tiêu chuẩn mang tính kiến nghị nhà sản xuất thực hiện và 36 tiêu chuẩn phải tuân thủ 100%. Trong khi đó, để đạt được chứng chỉ VietGAP, nông sản thực phẩm chỉ cần phải thông qua 70 tiêu chí.

Nông sản đạt tiêu chuẩn VietGAP được nhận biết thông qua dấu chất lượng và giấy chứng nhận VietGAP; với các sản phẩm đạt tiêu chuẩn GlobalGAP cần được dán nhãn với mã số GlobalGAP gồm 13 chữ số. Ngoài ra, những nông sản GlobalGAP được lưu trữ thông tin tại cơ sở dữ liệu toàn cầu giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Giới phân tích nhận thấy, bất kỳ sản phẩm nào trong ngành thủy sản, trồng trọt hoặc chăn nuôi đều có thể áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP hoặc VietGAP trong quá trình từ sản xuất đến lưu thông trên thị trường. Các cơ sở xây dựng và áp dụng quy trình sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP đều có mục tiêu đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất và an toàn nhất, không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Đồng thời giúp đảm bảo phúc lợi cho người lao động, giúp NTD truy xuất được nguồn gốc sản phẩm dễ dàng và góp phần bảo vệ môi trường vì không dùng hóa chất độc hại.

Tại nhiều quốc gia ngày nay người ta đã coi sản phẩm nông sản được cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa kỳ(FDA) chứng nhận cấp phép là sản phẩm an toàn. Với hệ thống tiêu chí đánh giá nghiêm ngặt, minh bạch, chứng nhận của FDA là một đảm bảo quan trọng cho việc lưu hành những nông sản thực phẩm an toàn cho NTD./.

Trung Đức