Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong thị trường Khoa học công nghệ nhộn nhịp, nhà khoa học đề xuất ngay việc này

29/06/2022 09:11

Sau bức thư ngỏ của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan gửi các nhà khoa học, trao đổi với Dân Việt, PGS.TS Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, đổi mới công tác nghiên cứu khoa học là một đòi hỏi tất yếu để sớm hình thành thị trường khoa học công nghệ đúng nghĩa.

Sau bức thư ngỏ của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan gửi các nhà khoa học, trao đổi với Dân Việt, PGS.TS Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, đổi mới công tác nghiên cứu khoa học là một đòi hỏi tất yếu để sớm hình thành thị trường khoa học công nghệ đúng nghĩa.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan thăm khu nhà lưới thí nghiệm của Viện Bảo vệ thực vật. (Ảnh: VAAS).

 

Việt Nam mới đầu tư 0,2% GDP nông nghiệp cho nghiên cứu khoa học công nghệ. 

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đã có thư gửi các nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó Bộ trưởng đánh giá cao vai trò của các nhà khoa học với sự phát triển của ngành nông nghiệp nước nhà. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng kêu gọi các nhà khoa học đổi mới công tác nghiên cứu khoa học để không rơi vào bẫy "hành chính hóa". Là một nhà nghiên cứu, ông cảm nhận như thế nào về bức thư đầy tâm huyết này?

- Không chỉ tôi mà nhiều nhà khoa học nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn cũng rất xúc động, bởi những người làm công tác nghiên cứu khoa học cũng cảm nhận được sự đồng cảm sâu sắc của tư lệnh ngành nông nghiệp.

Nói cách khác, chúng tôi cảm nhận bức thư của Bộ trưởng Lê Minh Hoan giúp "cởi được tấm lòng", giúp đội ngũ các nhà khoa học có suy nghĩ tích cực hơn về tương lai của nghiên cứu nông nghiệp và nông thôn dù phía trước còn không ít khó khăn.

Đây cũng là động lực để mỗi nhà khoa học đổi mới suy nghĩ, tư duy nghiên cứu, chứ không chỉ trông chờ, phụ thuộc vào cơ chế chính sách của Nhà nước đúng như lời Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói: "Nếu mạnh dạn bước khỏi cái cũ bám víu quá lâu, chân trời mới hứa hẹn sẽ bừng sáng", “Thắp lên một ngọn đuốc, thay vì cứ oán trách bóng đêm”.

PGS.TS Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, đổi mới công tác nghiên cứu khoa học là một đòi hỏi tất yếu để sớm hình thành thị trường khoa học công nghệ đúng nghĩa. (Ảnh: V.Ngọc).

Nhưng cũng có một thực tế, lâu nay nguồn lực đầu tư cho khoa học công nghệ vẫn còn hạn chế, ảnh hưởng đến công tác nghiên cứu khoa học. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Có thể khẳng định, khoa học công nghệ đã góp phần tạo nên sự phát triển mạnh mẽ của nông nghiệp, nông thôn, giúp nông nghiệp khẳng định được vị trí trụ đỡ của nền kinh tế, nông sản Việt ngày càng khẳng định chất lượng trên thị trường thế giới.

Nhưng có một thực tế, đầu tư của Nhà nước cho công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ dù đã được cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp, chưa tới ngưỡng nên khó tạo ra được sản phẩm khoa học công nghệ mang tính đột phá.

Có thể lấy ví dụ thế này, nếu như năm 2010, kinh phí của Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI) là 57 triệu USD thì năm 2018, tổng kinh phí dành cho khoa học công nghệ, khuyến nông, đầu tư cho phát triển của Bộ NNPTNT chỉ khoảng 54 triệu USD (tương đương 1.250 tỷ đồng/năm). 

Theo đánh giá của Viện Chính sách lương thực thế giới (IFPRI), Việt Nam mới chỉ đầu tư cho nghiên cứu và phát triển ngành nông nghiệp tương đương 0,2% GDP nông nghiệp, trong khi ở Brazil, con số này là 1,8% và Trung Quốc là 0,5%. 

Mức đầu tư cho nghiên cứu khoa học đã thấp, lại còn dàn trải nên hiệu quả sử dụng các phòng thí nghiệm chưa cao, chất lượng của nhiều sản phẩm nghiên cứu chưa đạt yêu cầu của sản xuất, mức độ lan tỏa còn thấp. 

Gần đây, đã có hiện tượng nhiều cán bộ được đào tạo bài bản, đam mê nghiên cứu nhưng vì nhiều lý do đã chuyển ra ngoài làm. Đó là điều rất đáng tiếc. 

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan thăm mô hình trồng thử nghiệm giống dưa lê vàng Happy 6 tại Viện Nghiên cứu Rau quả. (Ảnh: H.Tiến).

Hình thành "thị trường" khoa học công nghệ

Trong bức thư, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kêu gọi các nhà khoa học: "Đừng để hoạt động nghiên cứu khoa học rơi vào cái bẫy “hành chính hoá”. Đừng bắt tay vào công việc như một thói quen lặp lại. Có nghĩa là, nghiên cứu cái thị trường đang cần chứ không phải nghiên cứu xong rồi xếp gọn vào ngăn tủ. Ông thấy sự chuyển hướng của hoạt động nghiên cứu theo hướng thị trường diễn ra như thế nào?

 - Ngành khoa học nông nghiệp có tính ứng dụng cao, nếu kết quả nghiên cứu được đưa vào thực tế sản xuất, và lan tỏa sẽ tạo động lực cho các nhà nghiên cứu.

Tại Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, một số đơn vị nghiên cứu đã có tiếp cận mở rộng (kinh tế, thị trường) và năng động trong việc tiếp cận nhu cầu của địa phương, các doanh nghiệp và hợp tác xã.

Nhờ đó, nhiều đề tài có tính ứng dụng cao. Như vậy đã phần nào thể hiện được tư duy kinh tế nông nghiệp đối với cán bộ nghiên cứu là phải định hướng nghiên cứu theo yêu cầu của sản xuất, của thị trường thông qua đặt hàng của nhà nước, của doanh nghiệp, hay của nông dân.

Tôi cho rằng, tiến tới các đơn vị nghiên cứu khoa học công nghệ cũng phải đi tiếp thị, marketing các đề tài , tư vấn chăm sóc khách hàng sau khi chuyển giao, tiến tới chuyên nghiệp hóa hoạt động nghiên cứu.

Riêng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cũng thông báo nhu cầu đặt hàng nghiên cứu, tư vấn đến các tỉnh và các hợp tác xã, doanh nghiệp trong cả nước theo vùng sinh thái, từ đó sẽ cùng chọn lọc và đề xuất các đề tài, dự án có ý nghĩa thực tiễn, ứng dụng cao để trình lên Bộ NNPTNT.

Là một nhà quản lý, là một cán bộ nghiên cứu khoa học nông nghiệp, ông có kiến nghị, đề xuất giải pháp gì để công tác nghiên cứu khoa học công nghệ ngày càng phát triển, đúng như kỳ vọng của Bộ trưởng Lê Minh Hoan: “Thị trường” khoa học và công nghệ sẽ sôi động và nhộn nhịp?

- Theo tôi, để hình thành thị trường khoa học và công nghệ đúng nghĩa, cần ưu tiên phát triển các nhóm nghiên cứu liên ngành theo chuỗi giá trị. Các đề tài đặt hàng của Nhà nước cũng nên giao theo nhóm chuỗi giá trị.

Đây chính là cơ sở để hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh theo chuỗi, trong mỗi nhóm có các nhà khoa học đầu ngành hay các nhà khoa học trẻ có năng lực chủ trì; là cách để đào tạo được các nhà khoa học có trình độ cao.

Cán bộ Viện Di truyền nông nghiệp thí nghiệm với máy móc hiện đại. (Ảnh: Tùng Đinh).

Giải pháp thị trường khoa học công nghệ cần được hình thành với đầy đủ thể chế để vận hành đảm bảo công tác tự chủ. Trong 10 năm trở lại đây, mới có khoảng vài chục giống cây trồng mới do các viện, trường chọn tạo được chuyển giao cho các doanh nghiệp. 

Hiện nay, việc chuyển nhượng bản quyền công nghệ còn chậm phát triển, các lĩnh vực khác như quy trình công nghệ trong sản xuất, chế biến nông lâm sản và thủy sản, bản vẽ, thiết kế máy nông nghiệp… hầu như chưa được chuyển nhượng.

Nhà nước cần kết hợp với doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin thông qua các cơ sở dữ liệu số về tiến bộ khoa học công nghệ, các nền tảng số để dạng chia sẻ và truy cập đối với cộng đồng.

Tăng cường đầu tư cho nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cho hệ thống các đơn vị nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam đạt mức tương đương với các nước trong khu vực, phấn đấu đạt mức 0,5% GDP nông nghiệp.

Chính phủ có thể áp dụng cơ chế đầu tư dựa trên kết quả đóng góp của khoa học công nghệ vào sản xuất và xuất khẩu nông sản như trích 0,5% kim ngạch xuất khẩu để đầu tư lại cho khoa học công nghệ nông nghiệp. 

Như vậy, với trên 40 tỉ USD xuất khẩu nông sản, chúng ta có khoảng 200 triệu USD đầu tư lại cho nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ: sắp xếp theo hướng đầu tư nghiên cứu cơ bản tập trung, không chồng chéo về chức năng, nghiên cứu ứng dụng liên kết với thị trường và chuyển giao phát triển ở hệ thống các viện vùng. 

Riêng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam chúng tôi đề xuất Bộ và Chính phủ cho phép xây dựng Quỹ nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ và hỗ trợ phát triển hệ sinh thái các hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.