Với doanh số tăng gấp ba lần kể từ năm 2021, Aito hiện là minh chứng rõ nét cho sự trỗi dậy mạnh mẽ của các thương hiệu ô tô nội địa Trung Quốc trong bối cảnh thị trường xe hơi đang thay đổi sâu sắc.
Theo số liệu do Bloomberg công bố, tổng doanh số năm 2023 của Seres Group – công ty mẹ của Aito đã đạt 427.000 xe, tăng gấp ba lần so với năm 2020.
Trong đó, riêng Aito đóng góp 151.000 xe hạng sang, vượt qua BMW (145.000 xe) và Mercedes-Benz (127.000 xe). Các vị trí tiếp theo thuộc về Land Rover (50.000 xe) và Porsche (48.000 xe), theo dữ liệu từ ThinkerCar.

Aito là thương hiệu còn khá mới trên bản đồ ngành công nghiệp ô tô toàn cầu. Được thành lập vào năm 2021, Aito là kết quả của sự hợp tác giữa Huawei – ông lớn trong ngành công nghệ và Seres Group - một nhà sản xuất xe tải và xe van lâu năm tại Trung Quốc.
Ban đầu, sự kết hợp giữa một công ty công nghệ chưa từng sản xuất xe và một hãng xe không chuyên về xe sang khiến nhiều người hoài nghi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy Aito đã tận dụng tốt lợi thế công nghệ của Huawei để nhanh chóng vươn lên trong phân khúc cao cấp, vốn lâu nay do các thương hiệu châu Âu thống trị.
Một trong những nhân tố chủ lực giúp Aito tạo đột phá là mẫu SUV M9 – dòng xe có kích thước tương đương BMW X5 phiên bản trục cơ sở kéo dài, được thiết kế với 3 màn hình lớn trên bảng táp-lô.
M9 cung cấp hai lựa chọn động cơ: thuần điện (BEV) và dạng mở rộng phạm vi (EREV), sử dụng động cơ đốt trong chỉ để sạc pin.

Trong năm 2024, Aito tiếp tục đẩy mạnh sản phẩm với mẫu SUV M8 – phiên bản nhỏ hơn M9 khoảng 40 mm nhằm mở rộng tệp khách hàng và tăng áp lực lên các thương hiệu xe sang phương Tây.
Dù thành công đến nhanh chóng, Aito không phải là hiện tượng nhất thời. Thành tích ấn tượng của hãng là kết quả từ chiến lược sản phẩm hợp lý, tích hợp công nghệ tiên tiến của Huawei và sự nhạy bén trong việc nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng Trung Quốc – vốn ngày càng ưu tiên các mẫu xe thông minh, hiệu suất cao và giá cạnh tranh.
Tuy nhiên, Aito cũng đang đối mặt với thách thức không nhỏ: thị trường xe sang tại Trung Quốc có dấu hiệu chững lại và cuộc chiến giảm giá giữa các thương hiệu nội địa đang trở nên khốc liệt. Ngay cả BMW và Mercedes-Benz cũng buộc phải điều chỉnh giá để giữ chân khách hàng.

Trong nhiều năm, các thương hiệu phương Tây từng "tung hoành" tại Trung Quốc, xem đây là thị trường tiêu thụ xe sang quan trọng bậc nhất. Thế nhưng, Aito và một số hãng nội địa khác như Nio, XPeng, và gần đây là Xiaomi, đang làm thay đổi hoàn toàn cán cân cạnh tranh.
Cuộc "soán ngôi" ngoạn mục của Aito không chỉ là cột mốc đáng nhớ của ngành ô tô Trung Quốc, mà còn là lời cảnh báo rõ ràng đến các thương hiệu lâu đời: thời kỳ độc quyền của xe sang phương Tây tại thị trường tỷ dân đang dần khép lại.