Xuân nói chuyện xuân: Lai lịch một câu đối xuân

03/02/2022 00:14

Không biết có nên kể chuyện này. Song vẫn nhớ, những lần đón xuân giữa rừng, chả hiểu sao lính thích thơ, thích chuyện Bà chúa thơ Nôm nhiều nhất. Dường như bao giờ cũng có cái để thích thú cười. Thơ bà đã đành, đến câu đối của bà sao vẫn có cái tinh nghịch, ỡm ờ đến vậy.

cau-oi-1643769804.jpg

Ảnh: Duy Son

Trong cuộc đời ba chìm bảy nổi chín lênh đênh của nữ sĩ Xuân Hương, có vô số giai thoại. Một trong số đó là câu chuyện đẹp, còn ít người biết tới, và chẳng ít sai lạc. Đó là giai thoại quanh một câu đối xuân nổi tiếng, tương truyền rằng của Xuân Hương. Đó là:

Tối ba mươi khép cánh càn khôn kẻo nữa ma vương đưa quỷ tới

Sáng mồng một mở then tạo hóa để cho thiếu nữ rước xuân vào

Thấy ngay đầy văn phong và khẩu khí của nữ sĩ, dường chẳng lẫn đâu được. Trước hết đó là dạng câu đối nôm, đúng niêm luật, từng từ ngữ đối nhau chan chát. Song lại rất nhẹ nhàng, như buột miệng nói ra. Gần lắm với tục ngữ ca dao. Thứ hai, trong câu đối dùng nhiều từ hai nghĩa, ỡm ờ. Tục đấy, mà lại thanh, một cách dùng từ dân gian, dấu ấn rất riêng của nữ sĩ.

Chẳng hạn, hai chữ khép mở vừa chỉ một cử động thông thường, như khép mở cánh càn khôn, coi càn khôn như cái cửa. Vừa gợi nên cử chỉ riêng có chốn phòng the của các chị các bà. Tương tự, trong cặp đối quỷ xuân, chữ quỷ vừa nghĩa là con quỷ, vừa ám chỉ đối tượng mắng yêu của các nàng. Đồ quỷ nào. Chữ xuân vừa hàm nghĩa mùa xuân, vừa gợi một sự vật hoàn toàn khác, như xuân tình. Chẳng phải hay sao chính trong thơ nữ sĩ đã có câu “Đem cái xuân tình vứt bỏ đâu” (Bỡn quan thị).

Hai vế đối nhau. Nhưng một như lời bên nữ, một của bên nam. Vì thế, không khỏi gợn hoài nghi, biết đâu câu đối là do hai nhân vật. Mà nghi ngờ là có lí. Theo người dân làng Giáp thuộc Tứ Xã (nay thuộc Lâm Thao, Phú Thọ) đây là câu đối của hai người, Tổng Kình và Xuân Hương. Nàng là người xuất đối (ra câu đối).

Họ cho biết thủa còn chưa ai, Xuân Hương từng theo cha về làng Sơn Dương, cạnh làng Giáp dạy học. Cha nàng là cụ Đồ Xứ (đỗ đầu xứ, khi đi dạy gọi là Đồ Xứ) người Nghệ An. Môn đồ của cụ có ba chàng, Tổng Kình (dân làng Giáp), Tú Điếc (Xuân Lũng) và Nho Trâm (Kinh Phệ). Cả ba thân nhau, cùng là bạn văn thơ với Xuân Hương, và cũng cùng rắp ranh bắn sẻ.

Năm ấy, tận tối ba mươi ba chàng vẫn đến, tán tỉnh lần khân mãi không về. Xuân Hương bèn ra một vế đối. Hẹn, ai đối chỉnh sẽ lấy làm chồng. Rồi xua cả ba về. Gãi đầu gãi tai không đối nổi, Tú Điếc và Nho Trâm đành lảng, chẳng dám bén mảng đến nhà nàng. Riêng Tổng Kình chỉ tủm tỉm, song chả nói gì.

Sớm mồng một chàng đã sang nhà cụ đồ. Cụ hỏi, theo lệ hôm nay mới tết cha, sao lại đến nhà thày. Tổng Kình lễ phép, hôm nay ở đây là đúng, vì đã hẹn giải câu đối của Xuân Hương. Hôm qua nàng ra, “Tối ba mươi khép cánh càn khôn kẻo nữa ma vương đưa quỷ tới.” Nay xin đáp: "Sáng mồng một mở then tạo hóa để cho thiếu nữ rước xuân vào." Nghe vế đối chỉnh, lại mẫn tiệp, cụ Đồ Xứ ngạc nhiên khen ngợi. Khen vì chàng còn lộ cái ý ngầm, coi cụ như cha, là muốn hỏi Xuân Hương làm vợ.

Thế ra, câu đối lạ lùng lắm kẻ yêu người thích ấy là của hai người, Tổng Kình và Xuân Hương. Một câu đối có xuất xứ đầy thú vị, xuất hiện giữa mùa xuân, không ít phần tinh nghịch. Có người bảo, phải chờ hai năm mới có. Không sai, song là giữa tối giao thừa năm trước đến sáng mồng một năm sau. Chỉ một đêm. Điều đó chẳng đã hiển hiện ngay mở đầu hai vế đối đó sao.

Chiều con gái chót hẹn, cụ Đồ Xứ gả Xuân Hương cho chàng. Đó là người đầu gối tay ấp đầu tiên trong đời nàng. Đem đến một cuộc tình đằm thắm, nàng được hưởng không ít yêu chiều, và tương đắc, đầy thi vị giữa hai thi nhân. Dân Tứ Xã nhờ đó biết không ít thơ nàng, suốt đêm ngày ngâm nga, truyền tụng. Hiềm vì chàng đã có vợ, nên chẳng bao lâu các bà vợ trước dùng kế hiểm, buộc nàng dứt áo chia xa. Chàng hiểu ra đã muộn.

Phải thêm, Tổng Kình còn có tên móc nôi là Cóc, có phần do nổi tiếng gan lì. Đấy là nguồn cơn khiến, khi than khóc về cuộc tình khó quên đã chết, Xuân Hương đã viết nên bài thơ Khóc Tổng Cóc nổi tiếng. Vì không biết chuyện, có không ít đồn đại quanh cuộc tình. Chẳng hạn, chẳng xứng đôi, chàng vừa già vừa xấu. Đó lại là một câu chuyện khác.

30/01/2022

Trái Tim Người Lính

Trịnh Xuân Tiến
Bạn đang đọc bài viết "Xuân nói chuyện xuân: Lai lịch một câu đối xuân" tại chuyên mục Khoa học - Kỹ thuật. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309