Nhiều địa phương trên cả nước đang bước vào mùa mưa, trong đó các tỉnh phía Nam như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương liên tục ghi nhận mưa lớn gây ngập nặng.
Ghi nhận trong sáng 10/5 tại TP.HCM cho thấy nhiều tuyến đường rơi vào tình trạng ngập hơn nửa bánh xe máy. Không ít phương tiện gặp phải sự cố chết máy, kẹt động cơ ngay giữa dòng nước ngập, khiến người dân vừa khó khăn khi di chuyển, vừa lo lắng về thiệt hại cho xe.

Theo các chuyên gia kỹ thuật, xe máy sau khi đi qua vùng nước ngập rất dễ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu không kiểm tra, bảo dưỡng kịp thời. Có ít nhất bốn bộ phận trọng yếu của xe cần được lưu ý đặc biệt vì nguy cơ hư hại cao sau khi ngâm nước.
Dầu động cơ
Dầu động cơ giữ vai trò bôi trơn và làm mát cho toàn bộ hệ thống máy móc của xe. Khi xe lội nước, nước có thể thâm nhập qua đường ống xả, lọc gió hoặc các vị trí nạp, xả dầu và làm nhiễm bẩn dầu động cơ.
Dầu bị nhiễm nước sẽ đổi màu, chuyển sang dạng lỏng sệt có màu xám như cà phê sữa, không còn khả năng bôi trơn hiệu quả, từ đó gây hư hỏng nhanh chóng cho động cơ.
Người sử dụng xe nên kiểm tra ngay bằng cách mở que thăm dầu để đánh giá màu và độ nhớt của dầu. Nếu phát hiện dầu bị biến đổi, cần thay ngay lập tức để tránh rủi ro nghiêm trọng cho động cơ.

Lọc gió động cơ
Lọc gió bị nước ngập thấm vào sẽ kết hợp với bụi bẩn và gây tắc nghẽn, làm giảm khả năng đưa không khí sạch vào buồng đốt. Hậu quả là xe vận hành yếu, hao xăng và có thể gây ra hiện tượng hụt ga.
Nếu lọc gió còn sạch và ít bị thấm nước, người dùng có thể vệ sinh và phơi khô để tái sử dụng. Tuy nhiên, nếu đã bị đóng bụi bẩn và nước lâu ngày, nên thay mới để đảm bảo hiệu suất động cơ.
Hệ thống phanh
Khi đi qua vùng nước ngập, phanh là bộ phận chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất do nằm gần bánh xe. Nước có thể cuốn theo đất cát bám vào má phanh, đĩa phanh, làm phát sinh tiếng kêu và giảm hiệu quả phanh. Trường hợp nghiêm trọng hơn, nước có thể xâm nhập vào hệ thống dầu phanh, làm giảm áp suất phanh, gây nguy hiểm khi lưu thông.
Sau khi lội nước, nếu phát hiện phanh kém hiệu quả hoặc có tiếng lạ khi bóp phanh, cần tiến hành kiểm tra, vệ sinh kỹ lưỡng hoặc thay thế linh kiện nếu cần thiết.

Hệ thống điện
Hệ thống điện là "mạch máu" điều khiển nhiều chức năng trên xe như khởi động, đèn, còi, tín hiệu... Khi ngập nước, các bộ phận như bugi, dây điện, công tắc, rơ-le, cầu chì dễ bị ẩm hoặc thấm nước. Điều này không chỉ khiến xe chết máy đột ngột mà còn tiềm ẩn nguy cơ chập cháy khi hệ thống điện bị đoản mạch.
Người sử dụng xe nên tháo nắp bugi, bình điện, cầu chì… để kiểm tra và lau khô. Nếu thấy bất kỳ dấu hiệu rỉ sét, chập chờn hoặc cháy đen, nên thay thế để đảm bảo an toàn khi vận hành.