TS. Lê Thành Ý: Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam

12/05/2022 10:45

Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) là công cụ người dân tham gia giám sát hiệu quả của chính quyền trong thực thi chính sách đến cơ sở. PAPI đo lường 8 nội dung bao gồm sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch của việc ra quyết định; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công, cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; và quản trị điện tử.

Với sự đóng góp về tài chính và chuyên gia của Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) , được các tổ chức quốc tế như Cơ quan hợp tác và phát triển Tây Ban Nha, Thụy Sỹ (SDC); Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT); Đại sứ quán Ai-len tài trợ.; sau khảo sát thí điểm vào năm 2009 và thực hiện trên quy mô lớn hơn vào năm 2010, khảo sát PAPI đã được tiến hành trên phạm vi cả nước  từ năm 2011.

Trong 13 năm qua đã có trên162.065 lượt người dân được lựa chọn ngẫu nhiên để tham gia đánh giá hiệu quả từ những trải nghiệm tương tác trực tiếp với chính quyền các cấp. Đây là sản phẩm hợp tác nghiên cứu giữa Trung tâm Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (VFF-CRT), Công ty Phân tích Thời gian thực (RTA) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam.

Nhằm xem xét, đánh giá kết quả hoạt động cốt lõi thực hiện trong năm 2021, ngày 10 tháng 5 năm 2022, tại Hà Nội, Lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp cùng UNDP, Đại sứ Úc và Đại sứ Ai-len tai Việt Nam tổ chức công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam PAPI 2021. Bài viết đề cập đến những nội dung cơ bản về sự kiện này.

11-1652326998.png

PAPI chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh

Quản trị và hành chính công cấp tỉnh từ kiến giải của người dân trong năm 2021

Vào năm 2021, năm thứ 13 của chương trình PAPI nhưng cũng là năm thách thức nhất khi đất nước phải trải qua cuộc khủng hoảng gay gắt do đại dịch Covid-19 gây ra. Nhiều hoạt động kinh tế, xã hội bị đóng băng hoặc đình trệ, song với sự kiên trì sáng tạo và mạnh dạn trong tổ chức thực hiện, dự án PAPI 2021đã vượt qua những thách thức để huy động được trên 15.830 người tham gia phỏng vấn trong 4 tháng từ tháng 10 năm 2021 đến. giữa tháng 02 năm 2022. Mặc gặp nhiều khó khăn, nhưng 2021 lại là năm PAPI có số lượng phỏng vấn trực tiếp cao nhất từ trước tới nay ở  cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Theo Báo cáo công bố trong ngày 10 tháng 5, cơ sở hạ tầng cơ bản đã được cải thiện với chất lượng đường xá, nước sạch và vệ sinh môi trường tốt hơn. Bình đẳng đối với dân di cư cũng là nội đáng quan tâm trong đại dịch COVID-19 của báo cáo.

Trong bối cảnh kinh tế suy giảm mạnh,người dân đã lựa chọn di cư là để đoàn tụ gia đình, để có công việc làm và được sống trong môi trường tự nhiên tốt hơn. Trên cơ sở thí điểm của năm 2020, PAPI 2021 tiếp tục mở rộng nghiên cứu khả năng tiếp cận của người di cư đối với quản trị tốt và các dịch vụ công có chất lượng ở những tỉnh, thành phố mà họ chuyển tới. Theo đó, PAPI 2021đã phỏng vấn trên 1.040 người ở 12 tỉnh, thành có tỷ suất nhập cư nội địa ròng dương.

Từ kiến giải chung của những người tham gia khảo sát thì tình hình tội phạm, trật tự an ninh trên địa bàn các khu dân cư có chiều hướng giảm bớt. Tuy nhiên, dư địa cần cải thiện trong hoạt động ứng phó với đại dịch, công tác quản trị và hành chính công vốn có nhiều thách thức trong xử lý các chỉ số đã ảnh hưởng đến niềm tin của người dân. Kết quả khảo sát PAPI 2021 cho thấy, Việt Nam đã chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.

Trong năm, mối quan tâm về sức khỏe người dân đã nổi lên với tỉ lệ quan ngại về y tế tăng từ 2% lên 23%. Bên cạnh tăng trưởng kinh tế và việc làm, quan ngại về Y tế và bảo hiểm y tế đã trở thành mối lo lớn nhất của người dân.

Kết quả khảo sát còn cho thấy, tỉ lệ hài lòng với điều kiện kinh tế hộ gia đình giảm 11% so với năm 2020. Lần đầu tiên sau gần một thập niên liên tục gia tăng, sự lạc quan của người dân với tình hình kinh tế hộ đã bị giảm sút. Cùng với thực trạng này, số người cho biết bị mất việc làm và thu nhập trong năm cũng tăng thêm 10% so với năm trước.

Ngoài động thái về kinh tế và đời sống, tỉ lệ người dân hài lòng với cách ứng phó với đại dịch Covid-19 của các cấp giảm từ 89% xuống còn 84%. Đặc biệt, mức độ hài lòng đối với dịch vụ của bệnh viện công tuyến huyện/quận và thành phố trực thuộc tỉnh đã bị giảm sút mạnh với tỉ lệ phải ‘chung chi’ gia tăng để được chăm sóc tốt hơn tại bệnh viện công tuyến huyện.

Trách nhiệm giải trình với người dân năm 2021 giảm mạnh so với những năm trước. Sự sụt giảm này có thể do chính quyền bị quá tải trước yêu cầu liên quan đến chính sách hỗ trợ và ứng phó với đại dịch tăng cao. Bên cạnh đó, giãn cách xã hội đòi hỏi nhiều hoạt động trực tuyến, nhưng tỉ lệ dịch vụ công qua cổng dịch vụ điện tử còn rất thấp là những hạn chế của hiệu quả quản trị điện tử trong năm.

22-1652327032.png
Lễ công bố báo cáo PAPI 2021

Về những mặt được cải thiện, người dân cho biết cơ sở hạ tầng căn bản như nước sạch và vệ sinh môi trường tốt hơn, tỉ lệ người dân và hộ dân bị trộm cắp trên địa bàn giảm; chất lượng giáo dục tiểu học công lập tăng trở lại. Trong năm thứ hai của đại dịch, trên 60% số người được hỏi toàn quốc cho biết trường học của con em họ đã được trang bị thiết bị công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho việc học trực tuyến. Nhưng tỉ lệ này còn thấp ở miền núi hoặc các tỉnh nghèo.

Kết quả thực hiện chỉ số PAPI2021 và những quan ngại trong năm

Phân tích hiệu quả của các tỉnh, thành phố thông qua 8 chỉ số nội dung và chỉ số tông hợp của PAPI 2021 giới phân tích cho rằng, tham gia chủ động vào đời sống chính trị-kinh tế-xã hội của đất nước là quyền hiến định của mọi người dân. Việc làm này có ý nghĩa quan trọng để phát huy quyền làm chủ, góp phần cải thiện hiệu quả thực thi chính sách và pháp luật ở các địa phương.

1.Tương tự kết quả của nhiều năm trước, sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở thực hiện PAPI ở các tỉnh phía Bắc có xu hướng cao hơn so với phía Nam.

Trong bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp dường như vẫn còn tình trạng đi bầu hộ, bầu thay. Đối với những dự án mới hoăc tu sửa công trình công cộng, dưới 50% số người được hỏi cho biết, ban giám sát đầu tư có huy động người dân tham gia đóng góp tự nguyện ở nơi cư trú. Tuy nhiên tỷ lệ đóng góp đã từ 50% (năm 2015) giảm còn 38% trong năm 2021

2.Việc công khai minh bạch khi ra quyết định được thể hiện trên các mặt tiếp cận thông tin; công khai, minh bạch về danh sách hộ nghèo, ngân sách cấp xã, kế hoạch sử dụng đất và bảng giá đất ở các địa phương. Cả nước chỉ có 13 tỉnh, thành phố đạt mức cải thiện đáng kể; 23 tỉnh/thành giảm so với năm 2020. Trong những nội dung cần công khai, minh bạch tiếp cận thông tin đạt mức điểm thấp nhất, chỉ khoảng 20% số người cần thông tin về chính sách và pháp luật cho biết nhận được thông tin họ cần. Ở các tỉnh, thành phố có từ 5% đến 30% số người trả lời biết được kế hoạch sử dụng đất, khoảng 1,5% hộ gia đình bị thu hồi đất và tỷ lệ bị thu hồi đất nông nghiệp từ 5,1% giảm xuống 3,7% trong năm 2021.

3. Chỉ số trách nhiệm giải trình đối với người dân được thể hiện trong mức độ hiệu quả tương tác với chinh quyền địa phương; giải đáp khiếu bại tố cáo của người dân và tiếp cận dịch vụ tư pháp. Đối với chỉ số này, không có tỉnh, thành nào đạt mức cải thiện đáng kể so với năm trước; dưới 40% số người được hỏi cho biết đã gửi đề xuất, khuyến nghị, tố giác tới chính quyền địa phương song chưa hài lòng với kết quả nhận được Khi có khúc mắc, người dân có xu hướng tiếp cận với cán bộ, công chức cửa UBND hơn là đại biểu dân cử ở Hội đồng Nhân dân. Ngoài ra, cơ chế giải quyết tranh chấp dân sự phi tòa án chưa được người dân tin tưởng; tỷ tệ người giải quyết tranh chấp dân sự ở tòa án cao hơn rất nhiều so với qua thiết chế phi tòa án.

4, Về kiểm soát tham nhũng trong khu vực công

Chỉ số này đo lường thông qua cảm nhận của người dân về hiệu quả phòng chống tham nhũng đồng thời cũng phản ánh mức độ chịu đựng tham nhũng của người dân. Nội dung cấu thành chỉ số bao gồm kiểm soát tham nhũng trong chính quyền địa phương, trong cung ứng dịch vụ công; công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công và quyết tâm chống tham nhũng của chính quyền địa phương.

Trong năm 2021, nhóm đạt điểm cao nhất dược phân bố đều hơn cả ở các tỉnh phía Bắc và Nam. Song nội dung công bằng trong tuyển dụng nhân lực vẫn còn thấp nhất; mối quan hệ thân quen có vai trò quan trọng khi muốn xin vào làm việc ở các vị trí công chức viên chức. Đáng quan ngại là tỷ lệ người làm thủ tục về quyền sử dụng đất phải chi lót tay còn cao, dao động từ 40% đến 90% ở 40 tỉnh, thành trong cả nước . Từ 40% đến 80% số người sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở bệnh viện công tuyến huyện cho biết, hoj còn phải chi trả chi phí ngoài quy định để được chăm sóc tốt hơn.

5. Về thủ tục hành chính công Nội dung này được đo lường ở 3 lĩnh vực cần thiết bao gồm chứng thực, xác nhận của chính quyền cơ sở; dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSĐ) và dịch vụ hành chính công. Trong năm 2021, nhóm dẫn đầu phân bố khá đồng đều trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, thủ tục và dịch vụ hành chính công liên quan đến giấy CNQSĐ vẫn còn nhiều phiền hà. Chậm trả kết quả là điểm yếu nhất trong xử lý hồ sơ cấp giấy CNQSĐ cho người dân.

6.Đối với dịch vụ công. Cung ứng dịch vụ công được đo lường bằng các dịch vụ y tế công, giáo dục tiểu học công; cơ sở hạ tầng cơ bản và trật tự an ninh trên địa bàn khu dân cư.

Năm 2021 có 50 tỉnh, thành phố đạt cao hơn đáng kể so với năm trước. Tuy nhiên, trên 60% số người dân được hỏi cho biết, chưa biết rõ về việc trường tiểu học công lập con em họ theo học có được trang bị để học trực tuyến hay không. Mặc dù tình hình trật tự an ninh được đánh giá tốt song số nạn nhân của tội phạm trật tự an ninh ở các tỉnh nghèo lại có xu hướng tăng cao

7.Về quản trị môi trường Chất lượng không khí và nguồn nước sinh hoạt cũng như sự nghiêm túc của các cấp chính quyền và doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường là cơ sở để các cấp chính quyền biểu rõ hơn mối quan ngại về môi trường của người dân. Kết quả khảo sát PAPI 2021 cho thấy sự khác biệt khá rõ giữa 7 vùng kinh tế sinh thái, Theo đó, mối quan ngại về môi trường vẫn tập trung ở đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ là những nơi tập trung phát triển công nghiệp và vùng Tây Nguyên.

Đánh giá về chính quyền các địa phương trong bảo vệ môi trường, dưới 75% số người được hỏi cho biết, doanh nghiệp hoạt động không phải chung chi với chính quyền để trốn tránh nghĩa vụ bảo vệ; số đông xác nhận, chính quyền địa phương đã xử lý vấn đề môi trường ngay sau khi nhận được thông báo của họ.

8. Đối với quản trị điện tử . Chỉ số này đo lường sự tương tác giữa chính quyền với người dân trên không gian mạng Internet; nó thể hiện ở mức độ sẵn có, khả năng sử dụng và đáp ứng dịch vụ công trực tuyến. Năm 2021, khoảng 30 tỉnh, thành phố được cải thiện  hơn so với năm trước, Trong các địa phương thuộc nhóm dẫn đâù có các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Mặc dù có những thành công song chỉ số này vẫn còn khoảng khá xa giữa các địa phương. Chỉ có 3,5% số người được hỏi cho biết đã sử dụng cổng dịch vụ công trực tuyến Quốc gia, tương đương với mức của năm 2020. Trong những tỉnh có người sử dụng cao tỉ lệ cũng chỉ dao động từ 0,12% đến 0,18% dân số với 61% dùng vào tìm hiểu thông tin thủ tục hành chính.

Trong trao đổi tại diễn đàn, các nhà quản lý nhấn mạnh, báo cáo PAPI 2021 đã cung cấp cách nhìn tổng quan về những phát hiện nghiên cứu theo các chỉ số nội dung cấu thành các chỉ số. Theo đó, điểm PAPI tổng hợp có thể dùng để so sánh giữa các địa phương có cùng điều kiện phát truển kinh tế-xã hội và vùng địa lý.

Phân tích dữ liệu của năm 2021 cho thấy, nhóm đạt điểm cao và trung bình cao tập trung nhiều ở các tỉnh phía Bắc. Nhìn chung, có sự chênh lệch lớn giữa điểm cao nhất và thấp nhất ở chỉ số cung cấp dịch vụ công; các chỉ số tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai minh bạch trong việc ra quyết định ở cơ sở và kiểm soát tham nhũng trong khu vực công đều giảm so với năm 2020.Từ những kết quả phân tích, trao đổi các nhà nghiên cứu và cán bộ dự án đã rút ra những vấn đề quan ngại trong năm.

 Báo cáo PAPI2021 cho thấy, Việt Nam đã gánh chịu hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19 qua tác động năng nề cả về tình trạng sức khỏe và điều kiện kinh tế khi chất lượng môi trường suy giảm. Lần đầu tiên trong danh sách những vấn đề đáng quan ngại hàng đầu là đói nghèo đã nhường vị trí thứ nhất cho y tế để đứng hàng thứ 2, tăng trưởng và việc làm đứng bàng thứ 3.

Những bất ổn liên quan đến kinh tế trong đánh giá giá PAPI2021 được thể hiện rõ khi người trả lời ít lạc quan hơn về tình hình kinh tế đất nước. Tới 1/4 số người được hỏi cho rằng, kinh tế đất nước kém đi; trên 30% đánh giá kinh tế hộ gia đình kém hơn. Số người cho rằng kinh tế hộ gia dình xấu đi hoặc không thể dự đoán được cũng cao hơn nhiều so với trước đây.

Như đã được đề cập qua vấn đề đáng quan ngại, đại dịch Cobid-19 khiến ngành y tế ít được thiện cảm với mức độ hài lòng thấp của người dân dùng dịch vụ công tuyến huyện. Điều này cùng với trách nhiệm giải trình suy giảm có thể là nguyên nhân dẫn đến chính quyền địa phương không xử lý được kịp thời yêu cầu của người dân đối với chính sách hỗ trợ và ứng phó.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy; đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm thách thức trong tiếp cận quản trị công hiệu quả đối với cả dân tạm trú và thường trú ở các tỉnh tiếp nhận nhiều dân di cư.

So với kết quả của năm 2020, 30 tỉnh, thành phố đã cải thiện hiệu quả hoạt động trong cung ứng dịch vụ công, quản trị môi trường và quản trị điện tử. Tuy nhiên, ở các tỉnh thành phố này vẫn có ​​sự sụt giảm về điểm số ở các chỉ số nội dung ‘Tham gia của người dân ở cấp cơ sở’, ‘Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương’,‘Trách nhiệm giải trình với người dân’, và ‘Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công’.

Nhiều tỉnh, thành phố trong nhóm dẫn đầu tập trung ở khu vực phía Bắc. Ngược lại, phần lớn các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long thuộc nhóm trung bình thấp hoặc thấp nhất.

PAPI 2021 từ góc nhìn chính khách và các nhà quản lý

Chia sẻ trong lễ công bố báo cáo PAPI 2021, Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam. Caitlin Wiesen, cho rằng “Những phát hiện từ Báo cáo PAPI 2021 được công bố có ý nghĩa quan trọng để hiểu được tác động của đại dịch COVID-19 tới hiệu quả quản trị công có sự tham gia của người dân. Điều này giúp chính quyền các cấp chuẩn bị các kịch bản ứng phó với khủng hoảng kinh tế và sức khỏe tương tự có thể xảy ra trong tương lai,” bà hy vọng “…số liệu công bố sẽ cung cấp dẫn cứ hữu ích cho những thảo luận sắp tới trong chương trình xây dựng luật, pháp luật năm 2022, đặc biệt là dự án Luật thực hiện dân chủ cơ sở và dự án Luật đất đai sửa đổi, cũng chính là những vấn đề nghiên cứu PAPI đo lường qua nhiều năm.”

Từ năm 2018, Bộ Ngoại giao và Thương mại (DFAT) Úc, Đại sứ quán Ireland và UNDP tại Việt Nam đã trở thành những nhà đồng tài trợ cho chương trình nghiên cứu PAPI Viêt Nam. Phát biểu tại Hội nghị này, Cherie Russell, Tham tán phát triển, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam nhận xét “Khảo sát PAPI đóng vai trò quan trọng, giúp chính quyền các cấp cải thiện việc ra quyết định, hoạch định chính sách và cung cấp dịch vụ công cho người dân dựa trên cơ sở dữ liệu tin cậy về trải nghiệm của người dân. Trong bối cảnh Việt Nam mong muốn trở thành nước phát triển hướng tới mục tiêu của nền kinh tế thu nhập cao, việc chính quyền các cấp hiểu được mong muốn của người dân, kịp thời chuyển đổi và cải thiện đường lối chính sách dựa trên các phản hồi của người dân là vô cùng quan trọng.”

John McCullagh, Đại sứ Ai-len tại Việt Nam, cho biết: “Mối quan hệ đối tác giữa Ai-len và Việt Nam cũng như hoạt động phát triển toàn cầu của Ai-len được thực hiện trên nguyên tắc “ưu tiên những người đang bị bỏ lại phía sauvà sự cần thiết phải hỗ trợ các nhóm yếu thế. Đại sứ hoan nghênh kết luận của Báo cáo PAPI 2021, cho đây là “dấu hiệu tích cực” trong đảm bảo bình đẳng giới trong cuộc bầu cử đại diện các cơ quan dân cử năm 2021. Ông đánh giá cao việc mở rộng nghiên cứu nhóm dân di cư trong khảo sát PAPI 2021 và khẳng định “ Trong năm 2022, Ai-len tiếp tục tài trợ cho các sáng kiến hướng tới các nhóm mục tiêu hiện còn bị bỏ lại phía sau, bao gồm cộng đồng các dân tộc thiểu số, người khuyết tật và dân di cư thông qua chương trình nghiên cứu PAPI.”

Phát biểu tại hội nghị công bố báo cáo PAPI 2021, TS. Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhận định: “Chỉ số PAPI đã hỗ trợ thúc đẩy trách nhiệm giải trình với người dân của các cấp chính quyền, đóng góp vào quá trình đổi mới và sáng tạo trong khu vực công vì mục tiêu “dân hưởng lợi” ngoài những mục tiêu “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đây cũng là tinh thần của dự án Luật thực hiện dân chủ cơ sở sẽ được thảo luận tại Quốc hội năm nay.”

Thay cho lời kết

Là công cụ người dân tham gia giám sát hiệu quả của chính quyền trong việc thực thi chính sách đến cấp cơ sở, PAPI được các cơ quan nghiên cứu, quản lý và lãnh đạo các tổ chức chính trị xã hội trong ngoài nước đặc biệt quan tâm, dành nhiều nguồn lực để tập trung nghiên cứu và phát triển. Dữ liệu PAPI  là những thông tin hữu ích cho nghiên cứu và vận động chính sách, giúp dự báo xu thế quản trị công, chỉ ra những điểm mạnh, điểm yếu trong thực thi chính sách và pháp luật ở các cấp. Thông qua chỉ số PAPI, các cấp chính quyền có thể tìm kiếm và vận dụng những giải  pháp nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm nâng cao niềm tin của người dân.

Vượt qua những khó khăn, thách thức của đại dịch Covid-19, báo cáo PAPI 2021 đã thể hiện thành công trong nỗ lực bền bỉ của cộng đồng khoa học và niềm tin, sự đóng góp to lớn của người dân trong sự nghiệp phát triển đất nước. Hy vọng sức mạnh này sẽ được nhân lên để mang lại thành công trong mở rộng chỉ số hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh trong cả nước./.

Trung Đức