Triết lý “Đủ đầy” và cách người Thái hỗ trợ phát triển “Cộng đồng nông thôn” ở Thái Lan

Trong rất nhiều các mục tiêu phát triển thì “Không ai giàu một mình” là một trong các mục tiêu/phương châm mà người Thái lan đặt ra trong phát triển nông nghiệp, nông thôn được nhà vua Thái Lan đặt ra trong Triết lý Kinh tế “Đủ đầy". Thật ngạc nhiên, điều này có gì mâu thuẫn với triết lý của “Kinh tế thị trường” mà ở đó sự cạnh tranh được xem là động lực quan trọng nhất của phát triển? Nó dường như cũng đối nghịch với giáo lý dăn dạy “Xấu đều còn hơn Tốt lỏi” tưởng như rất nhân văn bấy lâu nay? Bài viết này sẽ giúp giải tỏa những băn khoăn đó và cho chúng ta cơ hội trải nghiệm về những cách làm tưởng như rất đỗi bình thường như kiểu “biết rồi, nói mãi” nhưng rất thức thời, thực tế ở một quốc gia láng giềng quen thuộc của Việt nam, đất nước Thái Lan.

 

I. Triết lý Kinh tế “Đủ đầy" (Sufficiency Economy Philosophy - SEP)

Triết lý Kinh tế “1. Tóm tắt về Triết lý Kinh tế “Đủ đầy"

Đủ đầy của Vua Thái Lan Rama IX đã trở thành một nguyên tắc quan trọng trong việc phát triển kinh tế và xã hội bền vững tại Thái Lan. Thực tiễn triển khai các dự án và chính sách dựa trên triết lý này đã đem lại những kết quả tích cực, không chỉ trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân mà còn trong việc xây dựng một nền kinh tế bền vững và chống chịu. Triết lý này là một minh chứng cho tầm nhìn sâu rộng và sự tận tâm của nhà Vua Bhumibol Adulyadej đối với sự phát triển bền vững và hạnh phúc của đất nước Thái Lan. Triết lý Kinh tế “Đủ đầy” dựa trên ba nguyên tắc cốt lõi:

Điều độ (Moderation): Mọi hành động và quyết định kinh tế cần được thực hiện trong phạm vi khả năng và không vượt quá giới hạn của tài nguyên và môi trường. Tài nguyên luôn hữu hạn, cần phải được sử dụng tiết kiệm và hiệu quả.

Hợp lý (Reasonableness): Các quyết định kinh tế cần dựa trên lý trí và sự phân tích kỹ lưỡng, xem xét các tác động xã hội, kinh tế và môi trường.

Khả năng chống chịu (Self-immunity): Phát triển khả năng tự bảo vệ và chống chịu trước những thay đổi và biến động từ bên ngoài, đặc biệt là các khủng hoảng kinh tế và thiên tai.

Triết lý này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Kiến thức Đạo đức: Việc sử dụng kiến thức và sự học hỏi liên tục thông qua cộng đồng góp ý cho nhau để có thể đề ra được các quyết được định đúng đắn hơn, giải quyết những khó khăn đtrong bối cảnh luôn giữ vững và kiên định với mục tiêu phát triển ban đầu.

Việc duy trì đạo đức và giá trị xã hội trong mọi hoạt động kinh tế và phát triển là vô cùng quan trọng. Cần khuyến khích đạo đức kinh doanh và phát triển nhiều hơn đội ngũ doanh nhân và các doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội.

2. Triết lý kinh tế "Đủ đầy"trong phát triển kinh tế - xã hội ở Thái Lan.

anh-chup-man-hinh-2024-06-09-luc-211444-1717942586.png

Một trong những ứng dụng rõ nét nhất của triết lý "Đủ đầy" là trong phát triển nông nghiệp và nông thôn thông qua 2 nhóm dự án: Dự án nông nghiệp tự cung tự cấp và Dự án phát triển nông thôn. Dự án nông nghiệp tự cung tự cấp đã khuyến khích nông dân áp dụng mô hình nông nghiệp tự cung tự cấp, giảm sự phụ thuộc vào thị trường và tăng cường khả năng tự bảo vệ trước biến động giá cả và các cú sốc kinh tế xã hội phi truyền thống (thiên tai, dịch bệnh). Chính phủ Thái Lan khuyến người dân quy hoạch hợp lý các mảnh đất sản xuất của mình trên cơ sở đa dạng hóa các cây trồng vật nuôi với mục tiêu trước tiên là phục vụ chính nhu cầu tại chỗ của gia đình và địa phương, phần thừa mới đem bán. Đất và nước là 2 tài nguyên quan trọng nhất trong nông nghiệp, nông thôn cần được sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nhất (vừa đủ). Để giữ nước để phục vụ tưới tiêu, sinh hoạt các nhà kỹ thuật đã khuyên nông dân đào ao nuôi cá và tích nước cho sản xuất và sinh hoạt. Độ sâu ao tối thiểu phải đạt 4,0 m. Với độ sâu này trong điều kiện bốc hơi mạnh dưới cái nắng 40oC của mùa khô kéo dài 6 tháng thì nước trong ao không bị cạn kiệt, bảo đảm đủ cho tiêu dùng trong suốt mùa khô (xem ảnh). Đối với các Dự án phát triển nông thôn, Thái lan tập trung cho việc cải thiện cơ sở hạ tầng, giáo dục, và y tế tại các khu vực nông thôn, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo đói. Việc chỉnh trang từ “đơn vị sản xuất cơ bản” nông nghiệp cũng có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn sau này.

Triết lý "Đủ đầy" cũng được áp dụng trong việc phát triển kinh tế địa phương ở các phương diện phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và du lịch cộng đồng. . Nhà nước hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) nhất là những doanh nghiệp nhỏ và vừa do các cộng đồng đăng ký thành lập thông qua việc cung cấp tài chính/tín dụng, đào tạo và kỹ thuật cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp họ phát triển bền vững và tạo công ăn việc làm tại địa phương. Khuyến khích du lịch cộng đồng bền vững, giúp bảo tồn văn hóa và môi trường, đồng thời tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương.

Quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là một phần quan trọng của triết lý "Đủ đầy". Người Thái phát triển các Dự án quản lý và bảo tồn nguồn nước, bao gồm xây dựng hồ chứa, hệ thống thủy lợi, và trồng rừng để bảo vệ nguồn nước, đảm bảo trữ nước ngọt phục vụ sản xuất sinh hoạt cho nhân dân nhưng cũng giáo dục và hỗ trợ những giải pháp kỹ thuật sử dụng tiết kiệm hiệu quả nguồn tái nguyên quý giá và rất hạn chế này. Tương tự, Chương trình tái chế và giảm thiểu chất thải nhằm bảo vệ môi trường và giảm thiểu ô nhiễm.

Các dự án phát triển nông thôn và nông nghiệp đã giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, giảm tỷ lệ nghèo đói và tăng thu nhập, bảo vệ môi trường đã giúp giảm thiểu ô nhiễm và bảo vệ hệ sinh thái. Bên cạnh đó Thái Lan đã xây dựng một nền kinh tế có khả năng chống chịu cao trước các biến động kinh tế và thiên tai nhờ vào triết lý "Đủ đầy". Triết lý "Đủ Đầy" khuyến khích sự tự lập và tự chịu trách nhiệm của các cá nhân và cộng đồng, giúp tạo ra một xã hội mạnh mẽ và bền vững.

II. Cách người Thái giải bài toán tiêu thụ nông sản của nông dân

Giống như nhiều quốc gia, ở Thái lan cũng được xem là quốc gia sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún. Một số thống kê so sánh dưới đây cho thấy điều kiện phát triển nông nghiệp, nông thôn ở Thái Lan khá giống với Việt Nam. Tuy nhiên năng suất nông nghiệp của Thái Lan lại cao hơn Việt Nam hơn 2,5 lần như bảng dưới đây:

Bảng: Ngành nông nghiệp Việt Nam và Thái Lan

anh-chup-man-hinh-2024-06-09-luc-211658-1717942639.png

                                                             Nguồn: Nation Master(2) và WB

Đã có nhiều nghiên cứu lý giải điều này như người Thái sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi, nhất là hoa và CAQ chất lượng rất tốt, áp dụng nhiều các tiến bộ kỹ thuật và đặc biệt xúc tiến thương mại hiệu quả... Tuy nhiên, còn khía cạnh khác cách giải thích khác ít được chú ý đó cách cách người Thái biến những sản phẩm nông nghiệp thông thường thành những thương phẩm trên thị trường, thông qua ứng dụng triết lý đủ đầy, phát triền nền kinh tế dịch vụ dựa vào năng lực các cộng đồng nông thôn.

1. Phát triển kinh tế dịch vụ tích hợp đa giá trị và dựa vào cộng đồng

anh-chup-man-hinh-2024-06-09-luc-211453-1717942586.png

Sản xuất trước tiên để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại chỗ của nông trại, thừa mới mang bán. Điều này như thuyết minh của người Thái là giúp nông dân ít chịu tác động bất lợi của thị trường và những cú sốc thiên tai dịch bệnh nặng (ví dụ như khủng hoảng tài chính năm 2008 và covid19 năm 2020-2021). Nhưng điều đó không có nghĩa là người Thái không quan tâm đến việc thương mại hóa sản phẩm nông nghiệp của các trang trại mà ngược lại họ còn cố gắng để tiêu thụ ổn định sản lượng nông sản hàng hóa vốn chiếm 70-80% tổng sản lượng của các trang trại, biến các sản phẩm nông nghiệp thông thường thành những sản phẩm có giá trị gia tăng cao thông qua bảo quản, chế biến và đặc biệt là tiếp thị, quảng bá, xây dựng thương hiệu nông sản, tích hợp thêm giá trị như đặc tính nổi trội, nguồn gốc, phương thức sản xuất độc đáo của sản phẩm, các giá trị lịch sử, văn hóa tạo nên các thương phẩm thực thụ trên thị trường.

Theo sơ đồ mô phỏng ở trên đây, giá trị các sản phẩm nông sản mặc dù đã được các nông trại ở Thái sản xuất theo các quy trình bảo bảo đảm ATVSTP, có quy hoạch nhằm tiết kiệm và sử dụng hiệu quả các tài nguyên quý hiếm là Đất và Nước (xem phần trên) nhưng nếu “bán thô” giá trị vẫn rất thấp. Người Thái không dừng lại ở đấy tiếp tục chuyển hóa nâng tầm giá trị nông sản Thái thành nhưng sản phẩm có giá trị gia tăng cao (phần lớn nông sản Thái đã qua chế biến) và mang những thương hiệu, nhãn hiệu cá nhân, cộng đồng và thậm chí là nhãn hiệu quốc gia, tạo nên sự nổi tiếng cho các sản sản phẩm nông nghiệp của hộ mà chúng ta thường nghe như “gạo Thái - Hom Mali” “trái cây Thái” hay “tôm Thái”.

Tuy nhiên người Thái đã làm thế nào để có thể đẩy mạnh chế biến, bảo quản, tích hợp đa giá trị tạo nên sản phẩm hàng hoàng hóa nông sản giá trị cao?

2. Chất lượng và niềm tin khách hàng luôn được quan tâm coi trọng

Người Thái quan tâm số 1 đến chất lượng và uy tín của sản phẩm nông sản Thái. Các viện nghiên cứu dưới sự hỗ trợ một phần của Hoàng gia Thái Lan luôn quan tâm tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi, quy trình sản xuất tạo ra sản phẩm có chất lượng cao nhất. Hàng hóa của họ cũng phải được đảm bảo từ khâu trồng trọt theo tiêu chuẩn, đến khâu đóng gói phải tuân thủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu ai đã từng đến thăm các nông trại, điểm khu chế biến, tiêu thụ nông sản ở Thái Lan Dù ở công đoạn nào các sản phẩm nông sản sản phẩm nông sản quan tâm chất lượng và và được nâng niu trân trọn. Chính bởi tiêu chuẩn chất lượng cao ở các sản phẩm nông sản mà Thái Lan đã dễ dàng mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản chế biến sang các quốc gia châu Âu và châu Mỹ, nổi bật là Canada và Mỹ. Đây là những thị trường đòi hỏi khắt khe về chất lượng sản phẩm cũng như các tiêu chuẩn đi kèm như nguồn gốc xuất xứ, chỉ dẫn địa lý,… Đồng thời, Thái Lan tích cực thâm nhập vào các nước láng giềng như Việt Nam, Trung Quốc, Lào và Campuchia, Indonesia, Malaysia, Singapore, Hồng Kông,…

3. Phát triển nông nghiệp, nông thôn dựa trên liên kết, hợp tác và phát triển các cộng đồng nghề ở nông thôn.

Có lẽ đây là chìa khóa quan trọng nhất để giải bài toán nâng cao giá trị gia tăng, tích hợp đa giá trị trong sản xuất và thương mại sản phẩm nông sản Thái? Ai cũng biết, thách thức đầu tiên của quá trình phát triển đó là thiếu nguồn lực bao gồm như đất đai, tài sản, tài chính, lao động và cả năng lực quản lý, kinh doanh (nhân lực)? Các doanh nghiệp lớn cũng thiếu, và đương nhiên các nông hộ, nông trại càng thiếu hơn. Sẽ là không tưởng nếu yêu cầu mỗi nông hộ, trang trại nông nghiệp phải đầu tư thêm kho, xưởng máy móc để đẩy mạnh bảo quản, sơ chế, chế biến sản phẩm nông sản của mình nhằm nâng cao giá trị gia tăng? Bởi ngay những chi phí đầu tư cho sản xuất nông nghiệp đã là gánh nặng cho các chủ trrang trại nhỏ lẻ. Gần như nông hộ, trang trại nào ít nhất cũng phải 1 lần đã từng mua chịu giống, thuốc, phân, máy móc thiết bị của các đại lý, doanh nghiệp. Bên cạnh đó là những khó khăn về quản lý, quản trị hoạt động cuae nông hộ, trang trại sao cho hiệu quả? Trông rời trông đất trông mây đã khó giời thêm phải trông nhà xưởng, máy móc và nhất là thị trường thì sao các nông hộ, trang trại kham được đây?

Để giải bài toán này, người Thái đã chủ động khuyến khích sự hợp tác, liên kết của không chỉ những người nông dân thành các tổ nhóm, hợp tác xã mà còn khuyến khích nhiều thành phần kinh tế xây dựng nên các thể chế hợp tác liên kết dưới nhiều hình thức khác nhau như tổ nhóm tự nguyện, các doanh nghiệp công đồng (do các cộng đồng đăng ký thành lập) các trung tâm phát triển nông nghiệp, các quỹ tín dụng nông thôn, các tổ, nhóm khuyến nông nhiều cấp, các cơ sở đào tạo, sửa chữa máy nông cụ. Cao hơn là các viện nghiên cứu, trung tâm, trường đào tạo chuyên nghiệp cấp vùng, cấp quốc gia… Tạo nên một xã hội nghề nghiệp với nhiều loại hình tổ chức, nhiều thành phần tham gia một cách đa dạng tập hợp thành những cộng đồng nghề nghiệp ở nông thôn Thái Lan. Các tổ chức xã hội nghề nghiệp này có mục tiêu hoạt động và hướng đến các nguyên tắc cơ bản được giáo dục trong hệ thống “Triết lý Đủ đầy” cụ thể như:

- Cùng đạt đến sự thịnh vượng, hỗ trợ kéo dài phát triển chuỗi giá trị nhằm nâng cao giá trị gia tăng và thúc đẩy tiêu thụ nông sản dễ dàng, hiệu quả,

- Tăng cường chia sẻ lợi ích, hạn chế (tự) cạnh tranh lẫn nhau. Không phải tham gia là để chia trác bánh lợi nhuận mà phải cùng nhau làm cho cái bánh lợi nhuận to lên để rối ai đó đều nhận được những phần của mình trong đó nhiều hơn (xem đồ thị mô phỏng dưới)

- Hợp tác, liên kết là cách tốt nhất để huy động nguồn lực cả về vật chất, tài chính, trí tuệ và phát huy sự sáng tạo của tất cả các thành phần chung sức vì một mục tiêu là phát triển thình vượng “Không ai giàu một mình”

anh-chup-man-hinh-2024-06-09-luc-211500-1717942586.png

Như vậy bên cạnh các cộng đồng nông thôn được gới hạn bởi địa lý hành chính là các thôn, xã (Tampon) thì các cộng đồng nghề nghiệp (các tổ nhóm, tổ nhóm tình nguyện, câu lạc bộ nghề, cùng sở thích, hợp tác xã, các doanh nghiệp, doanh nghiệp cộng đồng, cơ sở nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu, đào tạo...) tạo nên xã hội nghề nghiệp ở nông thôn để có thể hợp tác liên kết, hỗ trợ giúp đỡ, tương hỗ  lẫn nhau cùng phát triển tạo ra nền kinh tế dịch vụ đa dạng, hiệu quả và bền vững, không ai bị bỏ lại phía sau nhưng cũng không ai giàu một mình, mở rộng vòng tròn kết nối không để người nông dân lủi thủi một mình.

III. Cộng đồng nông thôn và việc hỗ trợ nâng cao năng lực cộng đồng nông thôn ở Thái Lan

anh-chup-man-hinh-2024-06-09-luc-211508-1717942585.png

Trong phát triển người Thái không bắt đầu từ sản phẩm hay dịch vụ mà bắt đầu từ CON NGƯỜI và các cộng đồng ở nông thôn. Quan tâm đến việc nâng cao năng lực cho cộng động, bao gồm cả các thành viên và người lãnh đạo cộng đồng là yếu tố quan trọng, quyết định sự thành công. Đối với người Thái, điều quan trọng là phải biến những tiềm năng của những con người cụ thể thành sức mạnh nhóm, sức mạnh của các cộng đồng ở nông thôn.

Phát triển cộng đồng bền vững cần tập trung vào phát triển phát triển tư duy, ý thức, tri thức của cộng đồng thay vì tập trung phát triển về vật chất (cơ sở hạ tầng, các yếu tố khác).

anh-chup-man-hinh-2024-06-09-luc-211514-1717942585.png

1. Nâng cao năng lực cho cộng đồng:

Cộng Người Thái hơn ai hết đều hiểu mỗi thành phần, mỗi thể thế sinh ra đều có chức năng, nhiệm vụ của mình. Không ai làm thay ai tất cả được. Nông thôn có những cộng đồng dân cư to lớn không chỉ canh tác nông nghiệp (theo nghĩa rộng) nuôi sống dân cư trong nước và xuất khẩu mà còn là nơi chứa đựng nguồn lực, những trầm tích của lịch sử, văn hóa, an ninh trật tự xã hội và bảo vệ nguồn lực môi trường cho hôm nay và mai sau, nơi chứa đựng những tiềm năng to lớn đối với sự phát triển trong tương lai nhưng chưa được khai thác hết. Để phát triển nông nghiệp nông thôn, cách tốt nhất là luôn khuyến khích, nâng cao năng lực cộng đồng để các cộng đồng đủ năng lực vươn lên làm chủ quá trình phát triển trong tương lai. Tuy nhiên bằng cách nào? Dưới đây mà một số cách làm của người Thái để hỗ trợ nâng cao năng lực của cộng đồng như sau:

i. Đẩy mạnh hợp tác liên kết, huy động sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội nghề nghiệp tiếp sức cho nông dân, trang trại phát triển các chuỗi giá trị không giới hạn của sự sáng tạo. Đó là cách thúc đẩy mạng lưới, xây dựng và phát triển một nền kinh tế dịch vụ đa dạng, đa lĩnh vực ở nông thôn như đã đề cấp trên đây.

ii. Tập trung cho nâng cao nhận thức, khả năng tư duy, sáng tạo trong phát triển hơn là hỗ trợ phát triển sản phẩm cụ thể. Không phát xét hay làm thay mà để cộng động trải nghiệm tự làm và rút ra kinh nghiệm để làm tốt hơn ở những lần sau. Ví dụ trong phát triển sản phẩm OTOP chẳng hạn. Bắt đầu vào đầu những năm 2000 đến nay Thái Lan đến nay đã có trên 220.000 sản phẩm Otop được đăng ký (Chương trình Tambon một sản phẩm - One Tambon One Product). Mục tiêu của OTOP là tạo việc làm và tăng thu nhập cho cộng đồng; Phát huy kiến thức bản địa; tăng cường cộng đồng Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực; Thúc đẩy sự sáng tạo của cộng đồng. Những chiến lược cụ thể là: Sử dụng kiến thức, lao động và nguồn lực địa phương để sản xuất các sản phẩm cộng đồng đặc biệt. Sản xuất các sản phẩm không gây hại cho môi trường và tài nguyên. Thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và khu vực. Thiết lập mạng lưới mạnh mẽ của các nhóm nhề nghiệp. Tăng cường sự tham gia của các cơ quan chính phủ và chính quyền địa phương.

anh-chup-man-hinh-2024-06-09-luc-211523-1717942586.png

Trong phát triển Otop chính quyền và các cơ quan chuyên môn tập trung vào việc xây dựng dữ liệu phục vụ quảng bá, truy suất nguồn gốc và phân loại đánh giá, tìm kiếm các nhà vô địch (cách tư duy, cách làm) thông qua các cuộc thi, các hội trợ, diễn đàn và phân các sản phẩm thành 5 nhóm sao (*) như hình dưới đây.

Căn cứ kết quả này, mà có các giải pháp hỗ trợ khác nhau để các cộng đồng có thể rút kinh nghiệm cải tiến cách tư duy, cách làm. Chẳng hạn nếu sản phẩm được phân loại là nhóm sản phẩm 1 sao (*) thì cộng đồng sản xuất sản phẩm đó phải bàn bạc để xây dựng lại chiến lược, cách làm. Nếu thuộc nhóm 2-3 nhà nước sẽ hỗ trợ hoặc khuyến khích liên kết với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nâng cao chất lượng và tạo cơ hội để sản phẩm tham gia các hội trợ, cọ sát khách hàng. Nếu được phân loại ở nhóm 4, các cơ quan chuyên môn nhà nước sẽ giúp xúc tiến thương mại ra ngước ngoài.

iii. Quan tâm đào tạo, đào tạo bồi dưỡng năng lực cho cộng đồng nhất là khuyến khích phát hiện, bồi dưỡng về nhân lực, đặc biệt những lãnh đạo (leader) cho cả các cộng đồng nghề và cộng đồng nông thôn.

iv. Tạo các không gian, thiết chế phục vụ cho các cộng đồng trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp (các trung tâm đào tạo cộng đồng, các khu chợ giới thiệu sản phẩm Otop, chợ đầu mối nông sản)

v. Khuyến khích và trao quyền mạnh mẽ.cho các cộng đồng ở nông thôn. Ví dụ trong việc triển khai chương trình OTOP của người Thái chẳng hạn. Hiện nay, Thái lan có đến 220.000 sản phẩm Otop được đăng ký. Sở dĩ có số lượng lớn sản phẩm được đăng ký là vì người Thái khuyến khích tất cả thôn xã, người dân tham gia và tạo điều kiện cho tất cả các cộng đồng được giới thiệu sản phẩm của mình ở các khu, hội chợ giới thiệu sản phẩm từ thấp (liên xã), đến trung bình, cao (liên huyện/tinh/quốc gia, quốc tế). Mỗi lần tham gia bán được hàng hay không bán được hàng thì cộng đồng có trách nhiệm bàn bạc, trao đổi, phân tích tìm ra bài học. Quan trọng là phải học hỏi từ sai lầm của mình và học hỏi từ thất bại và tiếp tục tiến về phía trước trước khi nhận được sự giúp đỡ từ bên ngoài.

2. Yếu tố làm nên sự thành công, các tiêu chí về cộng đồng và người lãnh đạo cộng đồng.

i. Theo người Thái yếu tố làm nên thành công của cộng đồng bao gồm:

- Cộng đó luôn quan tâm (hoặc được quan tâm hỗ trợ) việc học tập và phát triển về con người (vai trò của con người trong giáo dục)

- Sức mạnh cộng đồng nằm ở khả năng hợp tác, làm việc cùng nhau (vai trò của con người trong tổ chức)

- Tính kỷ luật và trách nhiệm của các cá nhân và cả cộng đồng (vai trò của con người trong giáo dục)

ii. Tiêu chí đánh giá về “năng lực” cộng đồng:

- Tâm thế, niềm tin và khát vọng luôn sẵn sàng tiến lên với khát vọng phát triển thịnh vượng và niềm tin ở sự thành công trong tương lai.

- Có khả năng “tư duy” nhất là “tư duy” về phát triển kinh tế

- Sự sáng tạo không ngừng với mục tiêu mỗi gia đình người Thái là một hạt nhân sáng tạo trong cộng đồng.

- Hợp tác cùng phát triển (thông qua các HTX, câu lạc bộ, nhóm tổ cùng sở thích, cùng lĩnh vực kinh doanh…)

iii. Năng lực của người Lãnh đạo cộng đồng (Leader)

- Có khả năng quản lý

- Có khả năng giải quyết vấn đề

- Có khả năng ra quyết định

- Tự lực, tự giúp đỡ bản thân

IV. Vai trò của Nhà nước trong hỗ trợ, nâng cao năng lực cộng đồng

1. Phương châm tổ chức hỗ trợ phát triển cộng đồng.

 “Không ở trên, không ở ngoài mà ở phải trong cộng đồng” đó là nguyên tắc trong hỗ trợ, nâng cao năng lực cộng đồng của người Thái. Điều đó cũng có nghĩa là vai trò của nhà nước không phải là chỉ có để kiểm tra, đánh giá; cũng không bỏ mặc bỏ quên mà phải liên tục đồng hành thúc đẩy các dự án kinh doanh của cộng đồng.

Thái lan có Cục phát triển cộng đồng thuộc Bộ Nội vụ Thái lan với số luwongj biên chế rất lớn khoảng 6.300 người nhưng trên 6.200 cán bộ phát triển cộng đồng này làm việc ở địa phương. Trung bình mỗi cán bộ có thể phụ trách một số xã/huyện nhất định.

Dưới đây là nhiệm vụ và các nội dung phát triển cộng đồng mà các cơ quan chuyên môn của nhà nước, chính quyền địa phương và và các cán bộ phát triển cộng đồng cần ưu tiên thực hiện:

Nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn hỗ trợ cộng đồng:

- Giải quyết vấn đề của các thành viên trong cộng đồng

- Tạo bầu không khí, một môi trường thuận lợi cho mọi người trong cộng đồng phát huy tiềm năng của mình một cách không giới hạn

- Tạo ra giá trị xã hội cho cộng đồng

Nội dung phát triển cộng đồng cần phải được quan tâm

Chính quyền và nhất là các cán bộ hỗ trợ phát triển cộng đồng phải quan tâm đến 08 nội dụng hỗ trợ phát triển cộng đồng sau đây:

·      Tổ chức cộng đồng

·      Quy trình học hỏi cộng đồng

·      Kiến thức và Kỹ năng

·      Tài nguyên thiên nhiên

·      Cơ sở hạ tầng

·      Nghề nông nghiệp

·      Nghề phi Nông Nghiệp

·      Tài chính và Tín dụng

2. Nguyên tắc và cách truyền đạt thông tin khi làm việc với cộng đồng.

anh-chup-man-hinh-2024-06-09-luc-211533-1717942586.png

Người Thái rất quan tâm đến chất lượng của cán bộ phát triển cộng đồng (bao gồm các cán bộ của Cục phát triển cộng đồng – Bộ nội vụ Thái Lan, cán bộ khuyến nông, cán bộ của 878 Ủy ban Otop cấp huyện, 79 UB cấp tỉnh, của Học viện Otop - Viện dân trí và kiến thức bản địa, cán bộ của 878 trung tâm hỗ trợ hỗ trợ phát triển sản phẩm và đào tạo huấn luyện. Người cán bộ hỗ trợ cộng đồng phải có kỹ năng và nguyên tắc làm việc sau đây (hình bên).

Bên cạnh đó kỹ năng trao đổi, trình bày trong tập huấn, thảo luận của cán bộ phát triển cộng đồng cũng rất quan trọng. Khi làm việc, trao đổi, tập huấn, thảo luận với cộng đồng người dân nông thôn người cán bộ cần tránh một số vấn đề sau đây:

- Hạn chế việc trình bày quá nặng về lý thuyết, học thuật (academic)

- Chuyển thể về ngôn ngữ, phù hợp với phương nữ địa phương.

- Khuyến khích các cán bộ, người cộng tác sinh sống tại địa phương, cộng đồng cùng tham gia

- Khuyến khích người dân tự học, khêu gợi cảm hứng, đam mê hơn là dạy kiến thức. Phải chú ý người tuổi thích tự học hơn là nghe người khác dạy mình.

- Ba nội dung cần trao đổi và cũng luôn thu hút các thành viên cộng đồng tham gia:

i) Chi phí là gì? Giá thành và cách để kiểm soát giá thành? Làm sao để chi phí không tăng, giá thành sản phẩm cạnh tranh và ổn định?

ii) Hiệu quả của giải pháp/cách làm mới (tiền lời thế nào)

iii) Chu kỳ kinh doanh, cách quay vòng vốn.

Không nên xa đà vào các vấn đề ít liên quan đến cộng đồng, đến những gì mà cộng đồng không có hoặc chưa gặp bao giờ gặp phải. Phải diễn đạt bằng ngôn ngữ của người nghe.

V. Lời kết

Bài viết này nhằm tập hợp tổng kết lại những gì mà người viết tiếp thu, cảm nhận, học hỏi được từ các chuyên gia, các người bạn Thái Lan trong chuyến công tác 5 ngày hồi tháng 3/2024 vừa qua và đặc biệt là tuần làm việc với các chuyên gia của đoàn công tác do CP Group tổ chức cuối tháng 5.2024. Nhân đây, người viết cũng xin bày tỏ cám ơn đến các bạn Thái Lan về sự giúp đỡ vừa qua. Kiến thức rộng lớn, vài ngày vài tuần học hỏi chưa bao giờ là đủ, điều quan trọng là phải: “Làm cùng nhau, Chia sẻ cùng nhau và Hạnh phúc cùng nhau” là điều cá nhân tôi cảm phục các bạn. Hy vọng các đồng nghiệp cùng nghiên cứu, cùng chiêm nghiệm và cùng rút ra những bài học cho riêng mình.

Để tiếp tục có thể phải tổ chức nhiều hơn nữa các cuộc trao đổi, làm việc cùng nhau, tổ chức các chuyến thăm quan chia sẻ cho đông đảo các đồng nghiệp, nông dân hợp tác xã. Tiềm năng, sức mạnh, tương lai nằm ở các “Cộng đồng”, trách nhiệm hỗ trợ, đồng hành cùng các cộng đồng phát triển nông thôn thuộc về tất cả chúng ta./.