Tôi đã theo cách mệnh và phục vụ Tổ Quốc như thế nào?

13/04/2024 17:36

Gần hết năm 1970 là năm kỷ niệm 40 năm của Đảng và 25 năm của Nhà nước, tôi muốn nhân cơ hội này suy nghĩ lại cuộc đời 45 năm phục vụ của mình.

Năm 1925 trong nước ta đã xảy ra hai sự kiện chính trị có ảnh hưởng và hậu quả lớn lao, tức là sự trở về nước của cụ Phan Chu Trinh sau một cuộc lưu vong hơn 15 năm ở Paris và sự bị bắt đem về nước của cụ Phan Bội Châu sau một cuộc lưu vong hơn hai chục năm ở Nhật Bản và Trung Quốc. Vụ xử án cụ Phan Bội Châu trước Tòa án Đề hình cuối năm 1925 và lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh được cử hành trong cả nước hội tháng 3 năm 1926 đã gây vang động trong toàn thể quốc dân, nhất là đã thức tỉnh mạnh mẽ tinh thần ái quốc trong giới thanh niên, đặc biệt là giới thanh niên trí thức.

Bấy giờ, tôi đương dạy học ở trường Tiểu học Đồng Hới, chỉ biết chăm lo việc dạy học và đọc sách để học thêm, bỗng cảm thấy mình không thể kéo dài mãi cuộc sống cầu an ở một thị trấn vắng vẻ như Đồng Hới, xa những nơi trung tâm chính trị. Từ khi được biết tin một số thanh niên trí thức ở Hà Nội và ở Vinh mà tôi có biết mấy người đã lập nên Phục Việt hội rồi Hưng Nam hội thì tôi lại càng không tự yên ở Đồng Hới được nữa. Đầu kỳ nghỉ hè năm 1926, tôi quyết định từ chức giáo học để vào Sài Gòn làm báo. Đi qua Huế, tôi được yết kiến cụ Phan Bội Châu bị an trí ở đấy từ cuối năm trước và được tiếp xúc với nhóm Trần Đình Nam là một nhóm thanh niên trí thức và nhân sĩ tiến bộ bắt đầu hoạt động từ sau khi nghe tin cụ Phan Chu Trinh về nước và cụ Phan Bội Châu bị bắt, nhóm này đã đấu tranh đem cụ Phan Bội Châu ra khỏi vòng khống chế của tên Việt gian Nguyễn Bá Trác và làm nòng cốt trong cuộc cử hành lễ truy điệu Phan Chu Trinh ở Huế, lại hoạt động tích cực trong cuộc tranh cử hồi mùa xuân 1926 để bầu cụ Huỳnh Thúc Kháng và một số nhân sĩ tiến bộ khác vào Viện Nhân dân Đại biểu ở Trung Kỳ.

Sau đó, tôi vào Tu-ran [Tourane = Đà Nẵng] định ở chơi với một người bạn học làm giáo học ở đấy cho hết nghỉ hè, để đọc sách và chuẩn bị việc đi Nam. Tu-ran là đất nhượng địa cho nên không khí chính trị không đến nỗi ngột ngạt như Huế là nơi mà chính quyền thực dân vẫn lợi dụng chế độ quân chủ để thi hành một chính sách hết sức phản động.

Bấy giờ nhà thờ Phan Chu Trinh mới được xây dựng xong là một trung tâm thu hút giới thanh niên tiến bộ ở Tu-ran và ở Quảng Nam thường lui tới đấy. Tôi được gặp cụ Huỳnh Thúc Kháng mới được cử làm Viện trưởng Viện Nhân dân Đại biểu [Trung Kỳ]. Cụ đã thỏa thuận với các đồng chí là những phần tử tiến bộ chiếm đại đa số trong Viện và với các nhóm thanh niên ở Huế và ở Tu-ran nhận đứng ra lập một [2] tờ báo tiếng Việt – tờ báo đầu tiên ở xứ Trung Kỳ – để làm cơ quan mở mang dân trí và bênh vực dân quyền, định lấy tên là Tiếng Dân. Biết tôi đương chuẩn bị đi Nam, Cụ Huỳnh cùng với nhóm thanh niên và nhân sĩ tiến bộ ở Tu-ran rủ tôi ở lại đây để giúp cụ tổ chức tờ báo dự định. Cố nhiên là tôi nhận ngay và được cử đi Sài Gòn để nghiên cứu nghề làm báo, từ việc xây dựng nhà in, cho đến việc biên tập, việc quản lý, việc phát hành.

Trong khoảng ấy thì Việt Nam cách mệnh đảng, tức Hưng Nam hội trước, cử anh Trần Mộng Bạch vào Tu-ran kết nạp tôi vào Đảng. Bấy giờ công việc còn mới mẻ, ngoài sự nhận thức tôn chỉ của Đảng là trước làm cách mệnh quốc gia, sau làm cách mệnh thế giới và học thuộc lòng một số bài Đảng quy bằng văn vần, đảng viên mới được kết nạp chưa nhận được tài liệu tuyên truyền và huấn luyện gì khác. Biết tôi sắp đi Sài Gòn, anh Trần Mộng Bạch giao cho tôi nhiệm vụ tìm hiểu tình hình chính trị ở Sài Gòn và nghiên cứu khả năng phát triển Đảng ở đấy, kèm theo nhiệm vụ phụ là tìm kiếm tài liệu về chủ nghĩa cộng sản. Tình hình hoạt động chính trị của tôi, tôi đã có dịp trình bày ở hai bài phát biểu trong và sau cuộc tọa đàm do Hội đồng khoa học của Vụ Bảo tồn Bảo tàng tổ chức ngày 28 tháng 5 năm 1964 về Đảng Tân Việt, ở đây tôi chỉ xin nói riêng về sự đóng góp của tôi về văn hóa, sau khi tôi đã được giác ngộ về chính trị.

Tình hình chính trị ở trong nước và ngoài thế giới, thực ra tôi biết rất ít: ngoài những điều sơ lược mấy lâu nhận thức được qua mấy tờ báo trong nước như Thực nghiệp dân báo ở Hà Nội, Đông Pháp thời báo, Lacloche fêlée, L’Echo Annamite ở Sài Gòn, và một số Le Paria và Việt Nam hồn thỉnh thoảng được xem lén lút một cách bất ngờ, thì đại thể của phong trào cách mệnh thế giới tôi chưa biết gì. Chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa Tam Dân thì ngoài ít điều sơ lược và đại khái do cụ Phan Bội Châu cho biết trong khi tôi yết kiến cụ tại chùa Phổ Quang ở Huế, tôi cũng chưa biết gì trơn.

Vào Sài Gòn khoảng mùa đông năm 1926, thì một trong những việc tôi làm khẩn trương nhất là đi lục các hiệu sách chữ Pháp ở Sài Gòn, nhất là các hiệu sách chữ Trung Quốc ở Chợ Lớn. Tôi có nhiệm vụ xây dựng tủ sách cho tòa báo Tiếng Dân. Ngoài những sách về chủ nghĩa Tam Dân và về chủ nghĩa Mác hợp pháp tôi tìm mua hết, tôi còn mua được nhiều sách về kinh tế học và xã hội học do người Trung Quốc dịch của các nước Tây phương. Đặc biệt là tôi mua toàn bộ cái tùng thư tên là Đông phương văn khố gồm hơn trăm quyển sách nhỏ nghiên cứu về các vấn đề chính trị, kinh tế, triết học, nghệ thuật theo tinh thần tân học của người Trung Quốc sau Cách mệnh Tân Hợi. Đối với một gã thanh niên khao khát học giỏi mấy lâu chưa được thấy sách gì khác mấy quyển sách của nhà trường, thì những sách [3] chữ Trung Quốc của Mỹ Quần thư quán và các hiệu sách khác ở Chợ Lớn mở cho một thế giới mới hấp dẫn vô cùng. Về chính trị thì mới được đọc sách Tam Dân chủ nghĩa luận của Tôn Văn và mấy quyển về chủ nghĩa Mác hợp pháp như Duy vật sử quan, Kinh tế sử quan, Nhân loại tiến hóa sử v.v... tôi cũng lấy làm sung sướng lắm rồi. Sách chứ Pháp tôi cũng mua được một số, chủ yếu là về các [sách] khoa học xã hội: sử học, triết học, kinh tế học, xã hội học. Trong số các sách mua được, có một số sách bấy giờ tôi rất chú ý là sách của các nhà học giả Tây phương, Nhật Bản và Trung Quốc nghiên cứu về văn hóa và triết học Đông phương, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản.

Ở Sài Gòn một thời gian, do một người bạn giới thiệu, tôi làm quen được với một người thanh niên quê ở Thanh Hóa, anh này thường lui tới săn sóc cụ Phan Chu Trinh trong thời gian cụ ở Sài Gòn, đương làm thư ký tàu biển cho một công ty hàng hải Pháp nên thường có dịp đi Hương Cảng và Thượng Hải. Nhờ nghề này, anh ta có liên lạc với những người thủy thủ Pháp tiến bộ, do đó thường nhận được của họ những gói sách báo cộng sản đem về phân phát cho người quen. Tôi được hai lần anh ta cho sách, mỗi lần một gói to, phần nhiều là những sách do Đảng Cộng sản Pháp xuất bản, tôi còn nhớ những đề mục như ABC du communisme, Théorie du matérialisme historique, Lénine et la question nationale v.v... Có cả những sách của những nhà xuất bản khác, như Histoire du socialisme, Karl Marx, savie, son oeuvre v.v... Theo số sách này, tôi cho rằng công việc tìm kiếm tài liệu của tôi ở Sài Gòn trong khoảng mấy tháng đã có kết quả mỹ mãn.

Thế là tôi vừa xây dựng được tử sách cho tòa báo Tiếng Dân, vừa có được tài liệu về chủ nghĩa cộng sản để góp vào tủ sách của Đảng tôi. Tôi sở dĩ nói hơi nhiều về việc này là bởi vì những sách mua được và xin được đó sẽ là cơ sở tài liệu đầu tiên tôi nhờ đó mà hoạt động về văn hóa sau này.

Khoảng mùa thu năm 1927, khi tôi phụ trách công việc thư ký tòa soạn của báo Tiếng Dân bắt đầu xuất bản thì tôi được Đảng giao cho trách nhiệm lấy danh nghĩa cá nhân mà xuất bản Quan Hải tùng thư để hỗ trợ cho việc tuyên truyền cách mệnh. Tôi vừa được đọc những tài liệu tuyên truyền và huấn luyện cách mệnh mới do Tổng bộ của Đảng gửi cho, trong ấy quan trọng nhất là tập sách in thạch đề là Đường cách mệnh gồm những bài giảng của lớp huấn luyện cán bộ do Việt Nam [thanh niên] cách mệnh Đồng chí hội tổ chức ở Quảng Châu, nên tôi đã được hiểu thêm nhiệm vụ cách mệnh quốc gia và nhiệm vụ cách mệnh thế giới kết hợp nhau như thế nào. Sau một năm đọc một cách tranh thủ thời gian những sách chữ Pháp và chữ Hán tôi kiếm được ở Sài Gòn và Chợ Lớn, tôi đã nhận thấy rằng phương pháp, tư tưởng và chủ trương cách mệnh của chủ nghĩa Mác đã giúp tôi giải quyết được hầu hết những vấn đề về nhân sinh quan và về chính [4] trị tôi tự đặt cho mình mà các thuyết khác, từ các triết học của Đông phương như Nho giáo, Phật giáo, đến các học thuyết cách mệnh dân chủ của Tây phương cũng như chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Văn không thể giúp tôi giải quyết được một cách thỏa đáng. Tôi bèn nghĩ rằng để chuẩn bị cho lớp thanh niên ta có điều kiện mà gần gũi với con đường cách mệnh do Đảng chủ trương thì phải làm sao dần dần khiến họ làm quen được với những tư tưởng sơ đẳng của chủ nghĩa Mác mà tôi cho là cái chìa khóa mở cửa tất yếu. Tôi bèn quyết định lợi dụng việc xuất bản hợp pháp mà gieo vào tâm trí của thanh niên ta một ít kiến thức sơ đẳng về chủ nghĩa Mác lẫn với một số kiến thức mới về khoa học, nhất là khoa học xã hội, với cái chiêu bài hợp pháp là mở mang trí thức.

Về hình thức thì tôi bắt chước Đông Phương văn khố mà ra những tập sách nhỏ chừng một trăm trang trở lại. Về nội dung thì tôi dựa theo kinh nghiệm học hỏi mà bản thân tôi đã trải qua để dựng nên một chương trình xuất bản trước mắt. Tôi nghĩ rằng với cơ sở tư tưởng truyền thống của nhân dân ta là tư tưởng Nho giáo hoặc Tam giáo, cũng như với cơ sở tư tưởng duy tâm của Tây phương mà thanh niên hấp thụ được ở trên ghế nhà trường, người ta khó lòng đi thẳng đến tư tưởng duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác.

Trước hết, cần cho người ta làm quen với tư tưởng khoa học, mặc dầu là tư tưởng duy vật thông thường. Tôi bèn bắt đầu cho ra tập sách Trí khôn của Trần Đình Nam khiến người ta thấy rõ cơ sở duy vật (cấu tạo của bộ óc) của tư duy và tư tưởng. Để cho người ta nhận thấy tầm quan trọng của cơ sở kinh tế trong sự sinh hoạt của xã hội, tôi cho ra tập Lịch sử các học thuyết kinh tế do tôi lược dịch. Để cho người ta cảm thấy các nền tư tưởng truyền thống của Đông phương cũng như của Tây phương không thể thỏa mãn yêu cầu hạnh phúc của con người, tôi cho ra hai tập Đông Tây văn hóa phê bình thượng và hạ (sách của Đông Phương văn khố) do Ngạc Am Võ Liêm Sơn phiên dịch. Để cho người ta thấy rõ là các chính thể dân chủ trên thế giới, tuy là tiến bộ hơn chính thể quân chủ và thực dân của nước ta, vẫn chưa thỏa mãn được mọi yêu cầu tự do của con người, tôi cho ra tập Thế giới cường quốc chính thể của Trần Mạnh Nhẫn. Để cho người ta thấy chế độ quan lại và chế độ thực dân thống trị dân ta không có cái gì là thần thánh bất khả xâm phạm, tôi cho ra tập Hài văn của Ngạc Am Võ Liêm Sơn. Tập này chưa kịp phát hành thì đã bị cấm và tịch thu. Để cho người ta thấy rằng ngày nay phụ nữ cũng tham gia hoạt động xã hội và chính trị như đàn ông, tôi cho ra quyển Phụ nữ vận động (sách của Đông Phương văn khố) do tôi phiên dịch. Nội dung các sách trên chưa có gì là mác xít cả. Đến tập sách thứ tám là Lịch sử nhân loại, tôi mới bắt đầu dựa vào quan điểm của chủ nghĩa Mác trình bày các giai đoạn lớn của lịch sử loài người, từ chế độ công xã nguyên thủy, trải qua chế độ chiếm [5] hữu nô lệ, chế độ phong kiến, chế độ tư bản, đến chế độ xã hội chủ nghĩa như ở Liên Xô. Tôi trình bày tập sách ấy như một tập sách thường thức về sử học, không có lời lẽ gì đả kích, nên chính quyền thực dân không để ý. Nhưng tôi vẫn phải đề phòng.

Khi ấy, tôi mới được cử cùng các anh Phan Đăng Lưu và Ngô Đức Diễn tham gia Ban Thường vụ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Tân Việt, tôi nghĩ nên hãy tạm lui một bước mà cho ra một tập sách có vẻ hiền lành, Xã hội luận (sách của Đông Phương văn khố) do Phan Đăng Lưu phiên dịch. Tập này chỉ nhằm dựa vào tiến hóa luận của Đác-uyn [Darwin] mà cho độc giả thấy rằng xã hội loài người tiến hóa là do quy luật chứ không phải là do ý muốn chủ quan của con người.

Sau khi hai tập sách thứ tám, thứ chín đó được nhà cầm quyền để cho lưu hành, chúng tôi quyết định giới thiệu dần dần những tư tưởng cơ bản của chủa nghĩa Mác. Tôi cho ra tập Lịch sử các học thuyết kinh tế, quyển hạ, cũng do tôi lược dịch, trong ấy một phần là giới thiệu học thuyết kinh tế của Mác. Rồi tôi lần lượt cho ra mấy tập sách nhỏ là Tôn giáo là gì? Xã hội là gì? Dân tộc là gì? Chủ yếu là dựa vào các sách của Boukharine và vào lý luận về dân tộc của Lê-nin mà biên soạn. Đến tháng 9 năm 1929, tôi bị bắt trong vụ đàn áp cách mệnh chung xảy ra khoảng thu đông năm ấy thì Quan Hải tùng thư cũng đình bản sau khi ra được 13 tập sách nhỏ.

Tôi rất lấy làm sung sướng rằng ngay đương thời những tập sách nhỏ ấy đã được nhân dân nói chung cùng các bạn bè và đồng chí hoan nghênh. Nhưng sung sướng hỡn nữa là ngày nay, về già, thỉnh thoảng ngẫu nhiên được gặp mặt người cán bộ lão thành cùng một thế hệ với mình và cũng đã về hưu, thì có khi mới trông thấy tôi người ta đã tay bắt mặt mừng mà nói rằng: “Tôi vẫn nhớ rằng hồi trẻ tôi được bắt đầu giác ngộ về chủ nghĩa Mác là do đọc sách Quan Hải tùng thư của anh”.

Sau khi ở tù một năm, tôi và vợ chưa cưới của tôi cũng bị bắt trong cùng một vụ được trở lại tự do. Chúng tôi thành hôn và tôi về ở với vợ tôi tại cái cửa hàng sách nhỏ mà vợ tôi vốn có từ trước. Bấy giờ tôi 26 tuổi. Vì những nguyên nhân cá biệt, chúng tôi không tiếp tục hoạt động cách mệnh, tôi bèn nghĩ rằng nếu mình không thể phục vụ Tổ quốc bằng hoạt động cách mệnh như trước nữa, thì cũng phải tiếp tục phục vụ Tổ quốc bằng hoạt động văn hóa với phương pháp tư tưởng và nghiên cứu của chủ nghĩa Mác mà tôi vẫn hâm mộ. Nhưng bấy giờ là thời kỳ thoái trào của cách mệnh ở nước ta cũng như ở Trung Quốc, rất khó tìm kiếm sách vở và chủ nghĩa Mác, mà những tài liệu cũ của tôi thì đã mất cả rồi.

Nhân tôi còn giữ được một số tài liệu về từ ngữ, tức là các mục từ khảo ở cuối mỗi tập sách Quan Hải tùng thư với một tập phít khá phong phú tôi ghi chép những thuật ngữ lấy ở các sách mà tôi đọc được trong khi chuẩn bị việc xuất bản từng tập sách trên, những tài liệu ấy không bị mật thám tịch thu, tôi bèn nghĩ đến việc, trên cơ sở những tài liệu ấy, tiến hành biên tập một quyển từ điển mà tôi [6] tin rằng các thanh niên nước ta bấy giờ chỉ được học tiếng Pháp ở nhà trường rất cần để có thể tự học tiếng mẹ đẻ mà viết lách bằng quốc văn. Tôi tập hợp, sắp xếp những từ ngữ đã có, bổ sung bằng cách tham khảo các từ thư của Trung Quốc và bằng cách lột soát những sách và tạp chí quốc văn quan trọng (việc này tôi nhờ được vợ tôi và mấy người bà con giúp đỡ) để lặt lấy những từ Hán Việt thường dùng.

Chỉ sau nửa năm làm việc ngày đêm, tôi đã lập thành một bản thảo đầu tiên sách Hán Việt từ điển và đem trình cụ Phan Bội Châu xem để xin ý kiến. Cụ chỉ vẽ cho những thiếu sót và đề cho một bài tựa với biệt hiệu là Hãn Mạn Tử. Tôi lại nhờ được sự giúp đỡ của một người bạn vong niên, ông Giao Tiều Lâm Mậu là một nhà túc Nho, cũng là đồng chí của tôi trong Đảng Tân Việt trước kia. Sau khi được cụ Phan đề tựa, tôi vẫn tiếp tục bổ sung và sửa chữa bản thảo cho đến đầu năm 1932 thì thành cảo hoàn toàn, có thể nhờ nhà in Tiếng Dân in quyển thượng và nhà in Lê Văn Tân in quyển hạ. Trong việc biên soạn sách Hán Việt từ điển này tôi có cái dụng ý riêng là nhân đấy mà phổ biến vào trong nhân dân một số khái niệm chính trị theo hướng chủ nghĩa Mác, cho nên về những thuật ngữ chính trị, tôi cố giải thích bằng cách hiểu biết của mình do nghiên cứu sách về chủ nghĩa Mác trước kia, chứ không theo hẳn cách giải thích của các từ thư thông thường. Dụng ý ấy tôi đã thực hiện được một phần nào, và ngày nay tôi được biết rằng bấy giờ cũng đã có những người tôi có thể gọi là tri kỷ. Gần đây, một họa sĩ người Nam Bộ và một cán bộ cách mệnh lão thành nói với tôi rằng khi xem sách Hán Việt từ điển mới ra, họ đã đoán biết cái dụng ý ngầm của tác giả.

Nhận thấy rằng không những mình còn thiếu kiến thức về chủ nghĩa Mác, mà cả về học vấn phổ thông, tôi phải kết hợp việc biên soạn sách Hán Việt từ điển với việc học thêm. Do cái ý thức vừa học vừa làm, tôi định thỉnh thoảng biên soạn một tập sách nhỏ để đánh dấu những điều mình học được và để tiếp tục truyền thống của Quan Hải tùng thư, do đó tôi mới biên soạn sách Thế giới sử và cho xuất bản. Nhưng khi in ra, sách Hán Việt từ điển khiến tôi vui vẻ chừng nào thì sách Thế giới sử khiến tôi không vui chừng ấy, vì sách này chỉ là biên tập một cách chắp vá – một phần dựa theo sách Esquisse d’histoire univerlle của H.G. Wells – tuy về một số vấn đề thì quan điểm của nó cũng có đôi chút tiến bộ so với những sách lịch sử thế giới dạy ở nhà trường, nhưng thực ra còn xa với quan điểm duy vật lịch sử nhiều lắm. Tôi bèn đình chỉ việc xuất bản sách Quan Hải tùng thư để trập trung sức lực vào việc học. Tôi lại nghĩ rằng sách Hán Việt từ điển có thể giúp cho người ta học tiếng Việt và viết tiếng Việt, nhưng xét kho sách tiếng Việt của ta nghèo nàn quá, cho nên chỉ biết tiếng Việt thì không học được gì nhiều. Nếu có được một quyển [7] Pháp Việt từ điển nữa thì người ta có thể dùng nó mà tự học tiếng Pháp và có thể phiên dịch những sách tiếng Pháp ra tiếng Việt, do đó làm phong phú thêm kho sách tiếng Việt của ta. Nhân mới mua được bộ Larousse du XXe Siècle của nước Pháp mới xuất bản và thấy nó là một bộ từ thư tiếng Pháp rất phong phú về phương diện ngôn ngữ, tôi quyết định dựa vào sách ấy mà soạn bộ Pháp Việt từ điển. Trong khi biên soạn sách này, tôi cũng có dụng ý nhấn mạnh các từ ngữ về chính trị và các khoa học xã hội khác. Ý đồ cũng có tham lam, nhưng kết quả cũng tốt là đáp ứng được nhu cầu thiết tha của nhiều người, do đó sách được hoan nghênh, kể ra còn rộng rãi hơn sách Hán Việt từ điển, nhất là nó lại ra đời giữa lúc phong trào Mặt trận Bình dân ở Pháp cởi mở một phần nào cho tư tưởng của thanh niên trí thức nước ta.

Sau khi biên soạn tạm xong sách Pháp Việt từ điển (1936), thì nhân phong trào Mặt trận Bình dân, trong chương trình học của cấp Cao đẳng Tiểu học có một điều bổ sung mới mẻ, tức là cho dạy thêm môn Văn hóa Việt Nam. Bấy giờ tôi đương dạy lịch sử ở một trường tư thục, thấy việc cải tiến ấy, tôi nói với vợ tôi rằng: “Muốn dạy môn nay cho chu đáo thì phải mất nhiều công tìm kiếm tài liệu đây”. Vợ tôi khuyên tôi nên nhân việc sưu tầm tài liệu ấy mà viết ra một quyển sách để mình dùng mà đồng thời giúp cho người khác đỡ công tìm kiếm. Tôi bèn nhân cái đương nghiên cứu lịch sử Việt Nam, mở rộng thêm phạm vi sưu tầm tài liệu mà biên soạn sách Việt Nam văn hóa sử cương. Tôi thấy rằng mục đích cung cấp tài liệu cho việc dạy học và trình độ hiểu biết có hạn của tôi về chủ nghĩa Mác đều chưa cho phép tôi vận dụng phương pháp duy vật lịch sử vào việc biên soạn sách này, tôi chỉ thử theo quan điểm duy vật thô sơ mà phân bố tài liệu, song chỗ dụng tâm đặc biệt của tôi là cố gắng nêu cao những ưu điểm mà bấy giờ tôi nhận thấy trong văn hóa cổ truyền của dân tộc. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng làm như thế chưa xứng đáng với lòng hâm mộ chủ nghĩa Mác của mình, cho nên sau khi soạn xong sách ấy tôi viết ngay một tập sách nhỏ: Khổng giáo phê bình tiểu luận, để thử đứng trên quan điểm của chủ nghĩa Mác mà nhìn một vấn đề mới được tranh luận sôi nổi trên báo chí đương thời (cuộc bút chiến giữa Trần Trọng Kim và Phan Khôi). Nếu trong sách ấy quan điểm của tôi còn vướng nhược điểm máy móc, thì đó là do trình độ non nớt của mình.

Sách Khảo luận về Kim Vân Kiều tôi cho xuất bản sau đó cũng chỉ là phát triển những tài liệu tôi dùng để dạy học. Ở sách này, tôi lại vướng một nhược điểm khác, là quá chú trọng về địa lý quyết định luận, nhưng tôi cũng lấy làm vui là lần đầu tiên tôi nghiên cứu được tương đối đầy đủ thân thế và gia thế của Nguyễn Du, lần đầu tiên tôi so sánh tác phẩm của Nguyễn Du với tác phẩm của Thanh Tâm tài nhân là nguồn gốc Truyện Kiều, lần đầu tiên tôi giới thiệu thơ chữ Hán của Nguyễn Du, nhất là hai việc sau thì [8] trước tôi chưa ai làm cả. Cùng một thời gian với sách ấy, tôi biên soạn sách Trung Hoa sử cương, nhờ dùng được kết quả nghiên cứu của một số học giả Trung Quốc và Nhật Bản tiến bộ như Quách Mạt Nhược, Lã Chấn Vũ, Tá-dã-cà-sa-mỹ, tôi đã cố gắng viết theo quan điểm duy vật lịch sử, mặc dầu tự xét cũng còn khá nhiều chỗ vụng về. Tôi thấy rằng sự cố gắng của tôi để lần mò mà nắm lấy phương pháp nghiên cứu của chủ nghĩa Mác thực không phải dễ dàng gì.

Trong thời gian từ sau khi soạn xong sách Pháp Việt từ điển, thì công việc chủ yếu của tôi là nghiên cứu lịch sử Việt Nam. Vấn đề quan trọng đầu tiên trong nghiên cứu lịch sử, theo điều kiện của nước ta bấy giờ là thu thập và chỉnh lý tài liệu. Tôi thường lợi dụng thời gian nghỉ hè và nghỉ Tết để đi về nông thôn các tỉnh, nhất là miền Nghệ Tĩnh, cố tìm tài liệu, do đó tôi đã thu được một số tài liệu quý mà các thư viện cũng không có, ví như bản Hoa Tiên ký nguyên tác của Nguyễn Huy Tự tôi tìm được ở nhà họ Nguyễn ở làng Trường Lưu (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh), những bản thảo gốc một số điều trần của Nguyễn Trường Tộ tôi xin được của con cháu ông tại làng Bùi Chu (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An), những gia phả và địa bạ tôi tìm được ở Phố Lở và Hội An cho biết địa thế xưa của hai thị trấn ấy, và tình hình buôn bán của người Trung Quốc ở đấy thời xưa. Tôi còn thuê in tất cả những sách của Quốc sử quán ở Huế hiện còn có bản in gỗ, trong số tài liệu ấy có một bộ đề là Khâm định tiễu bình phỉ khấu phương lược toàn thư gồm 150 quyển ghi những công văn thuộc về sự đàn áp nhưng cuộc nổi dậy của nông dân các địa phương và các dân tộc thiểu số ở thời Minh Mệnh, đó là một bộ tài liệu duy nhất hiện còn giữ được. Bấy giờ tôi đã hợp tác với cụ Nguyễn Văn Tố để xây dựng kế hoạch biên soạn và xuất bản một tùng thư về văn học cổ điển và một tùng thư về sử học với sự cộng tác của nhiều nhà nghiên cứu trong nước, nhưng chưa kịp tiến hành công việc xuất bản thì xảy ra cuộc Thế giới đại chiến thứ hai, giấy in bị hạn chế nên đành phải bỏ dự kiến. Để giữ được liên lạc với độc giả, tôi chỉ thỉnh thoảng viết một bài nghiên cứu nhỏ về lịch sử hay về văn học để đăng các tạp chí như Tri Tân, Thanh [9] Nghị ở Hà Nội và Văn Lang ở Sài Gòn. Nhưng công việc chính của tôi bấy giờ đặt làm kế hoạch lâu dài là đi sâu vào chỉnh lý tài liệu lịch sử và nghiên cứu lịch sử cổ đại Việt Nam. Về tài liệu thì tôi làm công việc khảo chứng, phiên dịch và chú giải sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn là một tập tài liệu quan trọng về lịch sử và địa lý của miền Đường [Đàng] Trong mà vì tam sao thất bản và khó hiểu nên những người nghiên cứu lịch sử từ trước đến gần đây vẫn chưa dùng đến. Nhờ một người bạn giới thiệu, Trường Viễn Đông bác cổ hứa sẽ in bản dịch, nên tôi đã viết bằng chữ Pháp, nhưng chưa kịp in thì xảy ra cuộc đảo chính của phát xít Nhật. Hiện nay bản thảo chính đã mất trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến, may sao tôi còn giữ được bản thảo chép tay đầu tiên của bản dịch nên gần đây tôi đã dùng nó làm cơ sở cho việc hiệu đính bản dịch bằng tiếng Việt của nhóm phiên dịch Viện Sử học (sách đã được xuất bản). Song điều tôi tiếc là cái danh sách các trang trại thôn xã tổng huyện của xứ Đường Trong mà nhiều bản Phủ biên tạp lục tôi thu thập được trước kia có chép (Những bản ấy đều đã mất cùng với những tập danh sách mới hơn tôi đã dùng để nghiên cứu đối chiếu với các tên đất xưa) thì mấy bản Phủ biên tạp lục hiện có ngày nay không thấy chép đến.

Đồng thời với công việc giám định và phiên dịch tài liệu ấy, tôi tiến hành nghiên cứu lịch sử cổ đại Việt Nam. Nhờ công việc xây dựng thư viện tôi làm chu đáo cho nên công việc tập hợp tài liệu để nghiên cứu không gặp khó khăn gì. Tôi đã dùng một phần không nhỏ tiền nhuận bút và tiền lãi của sách Pháp Việt từ điển để mua sắm sách và tài liệu. Vì tôi ở Huế là nơi xa cách các thư viện lớn của nước ta, tôi phải tự xây dựng một thư viện phong phú gồm nhiều mặt về khoa học xã hội, văn học, nghệ thuật, ngôn ngữ học, kinh tế học, xã hội học, dân tộc học, triết học, tôn giáo, nhất là lịch sử là mặt tôi chú trọng nhất. Ngoài sách in chữ Pháp, chữ Hán, chữ Việt, những tập toàn bộ của các tập san, tạp chí có quan hệ với sử học bằng chữ Pháp và chữ Việt, tôi còn sưu tập và thuê chép được nhiều sách chép tay, trong số ấy có những tài liệu rất hiếm. Nhờ thế mà có thể nói rằng tất cả các tài liệu cơ bản cần thiết tôi đã có sẵn trong tay, cho nên mặc dầu sau khi bắt đầu việc nghiên cứu ít lâu tôi mắc bệnh phổi, tôi vẫn có thể cứ nằm ở nhà mà tiếp tục công việc nghiên cứu những khi không ốm lắm. Công việc này lôi cuốn tôi đến nỗi nhiều khi không biết rằng mình đương bị một bệnh nguy hiểm đe dọa nghiêm trọng.

Về cổ sử Việt Nam, các sách sử cũ bằng chữ Hán, cho đến cả bộ sách lịch sử tiếng Việt có tiếng nhất bấy giờ là Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, chỉ cho chúng ta biết một mớ truyền thuyết về thời Hùng Vương và thời An Dương Vương. Sách giáo khoa viết bằng chữ Pháp của Dương Quảng Hàm thì chỉ dựa vào những bài nghiên cứu tuy có vẻ là khoa học, nhưng đầy thiên kiến thực dân chủ nghĩa [10] của các học giả người Pháp, xem tổ tiên chúng ta là một nhóm người nguyên thủy may nhờ cuộc chinh phục của người Hán tộc mới được thấy chút ánh sáng của văn minh. Tôi quyết tâm dùng ánh sáng của khoa học lịch sử tiên tiến mà nghiên cứu các vấn đề cơ bản có quan hệ đến lịch sử cổ đại của ta. Tôi rất phấn khởi đã nhận thấy ý nghĩa lịch sử của các truyền thuyết có quan hệ với nguồn gốc của dân tộc ta và thấy được mối quan hệ giữa các tên đất và tên tộc xưa của ta với tín ngưỡng tô tem là điều phổ biến trong xã hội thị tộc. Tôi lấy làm phấn khởi hơn nữa là đã chứng minh rằng cái nền văn hóa Đông Sơn có tiếng mà các nhà học giả phương Tây trình bày như là không có quan hệ gì với tổ tiên trực tiếp của chúng ta và chỉ được nảy sinh nhờ ảnh hưởng của văn hóa đồ đồng Hán tộc, lại là sản phẩm độc đáo của tổ tiên trực tiếp của chúng ta là người Lạc Việt đã sáng tạo nó ngay trên đất nước chúng ta.

Tôi đã phát hiện rằng nước Âu Lạc do An Dương Vương dựng lên là kết quả của sự đoàn kết chiến đấu của hai bộ tộc Tây Âu và Lạc Việt, mà do sự đoàn kết chiến đấu, hai bộ tộc ấy sau này trở thành hai thành phần dân tộc cơ bản của nước ta, đã tiến hành một cuộc kháng chiến trường kỳ gần chục năm trời đánh bại quân đội nhà Tần là lực lượng quân sự ghê gớm nhất ở châu Á bấy giờ. Điều này cho chúng ta thấy rằng cái truyền thống bất khuất chống ngoại xâm của nhân dân ta kéo dài không ngớt trong hơn hai chục thế kỷ để đến ngày nay vượt lên đến đỉnh tuyệt vời là có nguồn gốc sâu xa lắm. Đồng thời lần đầu tiên tôi đã dùng địa lý học lịch sử mà sơ bộ xác định cương vực của nước Âu Lạc và do đó tìm hiểu luôn cương vực đất nước của Hùng Vương và cương vực của ba quận thời Hán.

Ngày nay, các nhà nghiên cứu đã tìm thêm được nhiều tài liệu mới, nhất là về khảo cổ học, và có những điều người ta đã tìm cách giải thích mới. Nhưng cách đặt vấn đề của tôi nói chung thì chưa thấy bị phủ nhận, mà cho đến ngày nay, người ta vẫn chưa phá vỡ khuôn khổ cách đặt vấn đề như thế để đặt vấn đề khác đi. Qua các tài liệu mới, tôi cũng đã có sở đắc mới mà trong cuộc thảo luận về thời kỳ Hùng Vương vừa rồi, tôi đã có phát biểu ý kiến bằng hai bài được đăng ở tạp chí Khảo cổ học số 3 và số 4 và một bài đề là “Góp ý kiến về sự nghiên cứu xã hội thời Hùng Vương” chưa được đăng ở đâu cả.

Trong công việc nghiên cứu lịch sử này, tôi đã ứng dụng được phương pháp duy vật lịch sử chưa? Từ khi ở tù ra, tuy không trực tiếp tham gia hoạt động cách mệnh mà chỉ thỉnh thoảng tham gia những phong trào công khai như phong trào Đông Dương đại hội, phong trào Truyền bá Quốc ngữ, tôi vẫn thường xuyên tiếp tục việc học hỏi về chủ nghĩa Mác. Từ phong trào Mặt trận Bình dân trở đi, việc mua sách báo về chủ nghĩa Mác được tương đối dễ dàng. Nguồn cung cấp tài liệu chính của tôi là nhà xuất bản Bureau d’ Adition và nhà xuất bản Editions internationales [11] của Đảng Cộng sản Pháp, do đấy thư viện của tôi đã có được một ngăn riêng gồm nhiều sách lý luận về chủ nghĩa Mác, đặc biệt là từ hai tùng thư “Problèmes” và “A la lumière du marxisme”. Nhưng nắm được tinh túy của chủ nghĩa Mác và mà quán triệt vào công việc nghiên cứu không phải là điều đơn giản. Nếu tôi tự hào là đã có đóng góp về mặt đề cao tinh thần dân tộc, tôi vẫn chưa dám tự tin về mặt vận dụng lý luận mác-xít vào nghiên cứu.

Chính vì thế cho nên sau Cách mệnh tháng Tám, trong thời đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, hoạt động ở Chi hội Văn nghệ Liên khu IV, khi được Phòng Chính trị của Quâ khu IV yêu cầu tôi viết một quyển sách lịch sử Việt Nam để làm tài liệu huấn luyện cho anh em bộ đội thì tôi ngần ngại không dám nhận lời ngay, lấy cớ mình chưa có khả năng quán triệt chủ nghĩa Mác vào việc viết sử, đồng thời, về mặt tài liệu thì ngoài bản thảo về các vấn đề cổ sử tôi không bao giờ rời khỏi mình nên còn giữ được thì về các thời khác hiện chẳng có gì đáng kể ở trong tay. Nhưng sau nghe anh em khuyên là không nên cầu toàn trách bị mà chỉ cần cung cấp tài liệu một cách có hệ thống là được, tôi bèn đi vòng, gặp những người quen biết ở Thanh Hóa bấy giờ để tìm mượn tài liệu và mạnh dạn tiến hành việc biên soạn. Sau một năm làm việc khẩn trương, mặc dầu vẫn phải tiếp tục điều trị bệnh phổi, tôi viết xong bộ sách Việt Nam lịch sử giáo trình gồm 4 tập, tuy chưa phải là một bộ sử theo quan điểm mác-xít, tôi tự xét nó cũng đã là tiến bộ so với các sách lịch sử trước kia, về tài liệu cũng như về quan điểm.

Giữa năm 1950 tôi ra Việt Bắc, được phụ trách Ban Sử Địa của Vụ Văn học Nghệ thuật thuộc Bộ Giáo dục. Có thể nói là việc này đánh dấu một bước tiến bộ mới trong công tác nghiên cứu của tôi. Gần các cơ quan thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương, tôi mượn được hai bộ sách lịch sử Trung Quốc viết theo quan điểm mác-xít, tức bộ Trung Quốc xã hội sử cương của Lã Chấn Vũ và bộ Trung Quốc thông sử giản biên của Phạm Văn Lan, đồng thời một người bạn đồng cơ quan lại cho tôi mượn sách Trung Quốc cổ đại xã hội nghiên cứu của Quách Mạt Nhược. Đọc ba bộ sách ấy, tôi học thêm được nhiều: Những điều mà trước đây tôi chỉ lĩnh hội được một cách hơi lờ mờ trong hơn mười năm đọc sách về lý luận mác-xít bỗng thấy được ứng dụng vào lĩnh vực nghiên cứu lịch sử một cách có hệ thống. Tôi đọc lại bản thảo Mấy vấn đề cổ sử Việt Nam mà tôi đã có dịp bổ sung trong khi đem làm đề tài giảng dạy ở trường Đại học Văn khoa Hà Nội sau Cách mệnh tháng Tám, và đem so sánh với những vấn đề cổ sử Trung Quốc do Quách Mạt Nhược xử lý. Tôi lấy làm sung sướng nhận thấy rằng cách xử lý của tôi đối với những vấn đề cơ bản của lịch sử cổ đại Việt Nam không có gì là sai trái với quan điểm của chủ nghĩa Mác, chỉ cần nhấn mạnh thêm ở những chỗ cần thiết về trạng thái và về hình thái xã hội của thời công xã nguyên thủy và của nước Âu Lạc thôi. Cần [12] phải sửa lại nhiều điểm là sách Việt Nam lịch sử giáo trình mà tôi định viết lại hoàn toàn. Nhưng để có thể viết lại sách ấy tôi cần có thêm nhiều tài liệu, mà ở Việt Bắc, ngoài tập bản thảo và quyển sách nói trên tôi có đem theo, trong tay tôi không có tài liệu gì khác. Tôi bèn xin Vụ Văn học Nghệ thuật giúp cho tôi một món tiền thuê gánh tài liệu, rồi tôi xin phép trở về Thanh Hóa tập hợp những tài liệu mà tôi đã thu thập được trong mấy năm qua, và nhất là vào Nghệ An mượn ở thư viện của họ Cao ở Phủ Diễn [Diễn Châu] tất cả những sách cần thiết để làm tài liệu cơ bản cho việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam. Thưa viện của họ Cao do Cao Xuân Dục xây dựng là một kho sách chữ Hán vô cùng phong phú, trước kia đã nhiều lần tôi đến mượn sách ở đấy, đến nay tôi lại mượn được khoảng gần hai trăm quyển, toàn là sách tốt. Tôi thuê người gánh sách ra Việt Bắc để dùng chung làm tủ sách nghiên cứu của Ban Sử địa.

Trước khi viết lại sách giáo trình, tôi thấy cần nắm vững thêm phương pháp duy vật lịch sử. Tôi bèn đem dịch hết bộ sách Trung Quốc thông sử giản biên của Phạm Văn lan. Mùa thu năm 1951 thì tôi dịch xong, và bắt đầu viết sách Lịch sử Việt Nam. Ngoài thời cổ đại là thời tôi đã nghiên cứu kỹ càng, về các thời khác tôi chưa từng đặt ra chuyên đề mà nghiên cứu. Trừ một số tài liệu vụn vặt tôi từng thu thập được một cách không có hệ thống cùng với những tài liệu thuộc về sách Phủ biên tạp lục tôi đã từng khảo chứng kỹ càng, tôi chỉ có hai bộ tài liệu cơ bản là Đại Việt sử ký toàn thư và Khâm định Việt sử thông giám cương mục và mấy bộ thư chí khác, cho nên có thể nói là tình hình tài liệu, tuy có hơn khi viết sách Việt Nam lịch sử giáo trình ở Thanh Hóa, cũng chưa phải là đã chín mùi. Nhưng tôi vẫn có ý đồ mạnh bạo là thử sơ bộ áp dụng phương pháp duy vật lịch sử vào sự xử lý toàn bộ lịch sử Việt Nam cho đến trước thời Pháp thuộc. Ý đồ ấy cố nhiên là tôi chỉ đặt làm mục tiêu phấn đấu, chứ sau khi mới học một cách sống sượng cách vận dụng đại khái phương pháp duy vật lịch sử và khi còn ở trong tình trạng tài liệu chưa chín chắn lắm, thì cái tham vọng viết một bộ lịch sử Việt Nam theo quan điểm mác-xít chắc chắn còn là mộng tưởng xa xôi. Tuy nhiên, cái hứng thú làm việc luôn luôn được giữ vững là do hoài bão cố gắng nêu làm sao cho được cái tinh thần bất khuất tự cường của tổ tiên ta đấu tranh không mệt mỏi để bảo vệ tự do, độc lập theo dọc hơn hai chục thế kỷ, có khi phải đương đầu với những lực lượng hùng hổ và bạo tàn nhất thế giới, mà cuối cùng vẫn thắng lợi vẻ vang, và cái tinh thần lao động cần cù bền bỉ của tổ tiên ta trải mấy chục thế kỷ đã kinh dinh và mở mang thắng lợi một mảnh đất lầy lội chẹt ở giữa biển rộng núi cao thành một dải giang sơn gấm vóc. 

Cái mục tiêu thứ hai ấy chắc chắn là tôi cũng chỉ đạt được một phần nhỏ mọn, nhưng cái lòng thành thì không bao giờ rời bỏ ngòi bút của tôi.

[13] Tôi viết gần xong bản thảo thì tháng 3 năm 1952 bệnh phổi của tôi tái phát. Những trang cuối cùng tôi phải từ trên giường bệnh ở bệnh viện Quẵng [Tuyên Quang] đọc cho vợ tôi viết giùm để hoàn thành bản báo. Vì bệnh tôi quá trầm trọng, không biết có sống được không, tôi nhờ vợ tôi thu xếp bản thảo sách Lịch sử Việt Nam và bản dịch sách Trung Quốc thông sử giản biên cùng với danh sách toàn bộ tủ sách nghiên cứu của Ban Văn Sử Địa gửi lên Ban Tuyên huấn Trung ương, vì Vụ Văn học Nghệ thuật đã bị giải thể từ mấy tháng trước. Về sau, đồng chí Trần Huy Liệu cho tôi biết rằng số sách và tài liệu đó đã được chuyển sang làm vốn đầu tiên cho thư viện của Ban Văn Sử Địa, tức Viện Sử học ngày nay.

Khoảng tháng 9 năm 1952, bệnh tình tôi hơi giảm. Được sự giúp đỡ của Chính phủ, vợ tôi thuê chở tôi vào Thanh Hóa để tiếp tục điều trị. Một năm sau, sức khỏe tôi phục hồi, tôi lại được vào lớp Dự bị Đại học sau trở thành Trường Sư phạm Cao cấp đóng ở Thanh Hóa, dạy môn lịch sử Việt Nam. Ngoài bản thảo về cổ sử Việt Nam tôi vẫn giữ bên mình, tôi không có tài liệu gì khác về lịch sử. May sao lớp Dự bị Đại học mới được phép vào Nghệ An nhận một số sách chữ Hán còn sót lại trong thư viện họ Cao bị tịch thu sau cuộc đấu tranh chính trị vừa rồi. Tôi lại có được tài liệu tối thiểu để viết lại một lần nữa sách Lịch sử Việt Nam, để làm tài liệu giảng dạy. Thư viện họ Cao có cái đặc điểm là mỗi bộ sách thường có đến 5 bản giống nhau, ý chủ nhân của nó là muốn về sau chia sách cho 5 người con trai lớn mỗi bộ sách đều cho mỗi người một bản, cho nên trải qua bao nhiêu năm, một số sách bị phân tán, vẫn còn sót lại nhiều sách quý. Nội dung sách tôi viết lần này đại khái không khác gì bản tôi mới viết ở Việt Bắc trước khi bị bệnh.

Cuối năm 1954, tôi trở lại Thủ đô giải phóng, vẫn phụ trách môn Lịch sử Việt Nam ở Trường Đại học Sư phạm rồi ít lâu sau được chuyển sang Trường Đại học Tổng hợp. Năm 1955 tôi cho xuất bản sách Cổ sử Việt Nam, tức là bản thảo về cổ sử tôi khởi thảo từ trước Cách mệnh tháng Tám và bổ sung sau Cách mệnh cùng sách Lịch sử Việt Nam gồm hai quyển tức là bản thảo tôi dùng để giảng ở Trường Sư phạm Cao cấp. Sách Cổ sử Việt Nam đã được Viện Đông phương học ở Matxcova phiên dịch và in, lời giới thiệu sách ấy trong một bản thư mục mà một đứa con tôi lưu học ở Liên Xô được đọc đã nhận rằng đó là quyển sách đầu tiên về lịch sử cổ đại Việt Nam viết theo quan điểm duy vật lịch sử. Sách ấy đến năm 1957 tôi bổ sung và mở rộng ra để viết lại và cho xuất bản dưới đề mục Lịch sử cổ đại Việt Nam, chia làm 4 tập. Bản mới được ông Lưu Thống Văn là cán bộ của Viện Khoa học Trung Quốc phiên dịch. Bản dịch đã được gởi cho tôi xem lại trước khi in để góp ý kiến và đã được Khoa học xuất bản xã xuất bản năm 1959. Lời [14] hậu ký của dịch giả nói rằng tác giả đã “dùng sử liệu phong phú mà nghiên cứu và phân tích một cách cực kỳ tường tế nhiều vấn đề trọng yếu về lịch sử cổ đại Việt Nam”. Sách Lịch sử Việt Nam năm 1957 tôi cũng bổ sung và sửa chữa, đã được nhà xuất bản Văn hóa cho xuất bản quyển thượng vào năm 1958. Quyển thượng ấy đã được ông Từ Dật Quân ở một trường đại học ở Quảng Châu phiên dịch. Bản dịch cũng được gửi cho tôi xem lại, những chưa kịp in thì ở Hà Nội xảy ra vụ Nhân văn Giai phẩm, sau đó tôi không biết tin tức gì nữa.

Sau vụ Nhân văn Giai phẩm thì quyển hạ không được xuất bản tiếp mà tôi thì thôi việc giảng dạy để chuyển sang công tác khác. Trong thời gian dạy ở trường đại học, tôi có viết trong Tập san Đại học Sư phạm một bài và cho xuất bản một tập sách nhỏ (Vấn đề hình thành của dân tộc Việt Nam), lần đầu tiên nêu lên ý kiến cho rằng dân tộc Việt Nam đã do đặc điểm của xã hội ta cũng như nhiều xã hội Đông phương khác mà được hình thành sớm từ thời phong kiến chứ không phải chờ đến sự xuất hiện của chủ nghĩa tư bản mới hình thành như các dân tộc Tây phương.

Ngày nay nhớ lại tình hình bấy giờ, tôi vẫn ân hận là bấy giờ tôi chưa lường hết những khó khăn thực tế của nước nhà cho nên nhiều khi chỉ bằng vào những nhận định chủ quan của mình mà đòi hỏi, do đó trong khi làm việc thường tưởng rằng mình có quyền cứ theo thiện chí phục vụ của mình mà đấu tranh, khiến sự đấu tranh có khi thành bừa bãi và vô nguyên tắc. Nhưng tôi cũng được yên ủi chút đỉnh là thực tình tôi đã làm việc hết sức mình nên đã có chút ít đóng góp tích cực, tức là xây dựng được một thư viện khá phong phú cho khoa sử để cán bộ và sinh viên có sẵn những tài liệu cơ bản mà làm việc nghiên cứu, nhất là về lịch sử Việt Nam, truyền đạt được một phần nào cái lòng yêu sử học cho sinh viên khoa sử buổi đầu là cái khoa người ta không có hứng thú xin vào đã trở thành một trong những khoa có sức hấp dẫn nhất; bồi dưỡng được vài lớp cán bộ khiến họ có được khả năng tương đối và nhất là lòng ham mê nghiên cứu để trở thành cán bộ nghiên cứu lịch sử phục vụ tốt. Tôi chỉ tiếc là vì lỗi mình mà không được tiếp tục tham gia xây dựng trường đại học còn ở bước đầu chập chững...

Trong khi chờ đợi công tác mới, không tiện làm việc nghiên cứu, để không bỏ phí thì giờ, tôi đã phiên dịch và chú giải sách Đạo đức kinh của Lão Tử. Tôi cố gắng dịch rất sát ý tứ của nguyên văn mà lại phản ánh được cái phong cách độc đáo của nguyên văn chính là một tập thơ đặc biệt. Bài dịch ấy được Viện Triết học nhận là tốt và yêu cầu tôi để cho Viện sử dụng làm tài liệu nghiên cứu. Tôi lại phiên dịch sách Trung Quốc mỹ thuật sử (sách dày 340 trang) của Lý Dục do Nhân dân mỹ thuật xuất bản xã ở Bắc Kinh xuất bản năm 1957. Bản dịch này được Viện Mỹ thuật [15] cho là tốt và khoảng năm 1965 đã đề nghị với nhà xuất bản Khoa học xuất bản. Nhà xuất bản đã mượn quyển nguyên văn của tôi đem về đối chiếu mà chuẩn bị xuất bản, nhưng họ để mãi không cho in và cuối cùng bảo tôi hãy lấy lại bản thảo.

Từ khi sang công tác ở Viện Sử học thì công việc chủ yếu tôi được giao phó là hiệu đính những bản dịch tài liệu sử học bằng chữ Hán do các cụ Nho học phiên dịch. Mặc dầu đây là việc mới, tôi thấy là việc cần thiết và có ích nên làm rất nghiêm túc và tự đặt cho mình yêu cầu khoa học cao. Tôi tự tin rằng các nhà nghiên cứu dùng làm tài liệu do tôi hiệu đính có thể hoàn toàn yên tâm và tin cậy. Trong 5 năm ở Viện Sử học, tôi đã hiệu ddisnh gần một vạn trang, gồm những tài liệu lịch sử cơ bản nhất của ta, kết quả ấy khiến tôi rất hài lòng và phấn khởi. Về nghiên cứu thì ngay buổi đầu đồng chí Trần Huy Liệu đã nói với tôi rằng tôi muốn nghiên cứu đề tài gì thì tự chọn lấy, đồng chí chỉ khuyên tôi nên chọn những vấn đề hiền lành, tôi hiểu ngầm là nên tránh những vấn đề có tính chất tranh luận. Tôi bèn chuyên tâm nghiên cứu địa lý học lịch sử là bộ môn hiện ít người để ý và thỉnh thoảng viết những bài tạp chí có tính chất cung cấp tài liệu. Năm 1963 tôi viết xong một tập Mấy vấn đề địa lý học lịch sử gồm hơn 700 trang. Tập ấy đã được Viện Sử học duyệt và nhận vào chương trình xuất bản của Viện để đưa sang Nhà xuất bản Khoa học. Nhà xuất bản bản sau khi nghiên cứu bàn với tôi chia làm hai tập mà in để phát hành cho dễ, và hứa với tôi là sẽ in hai tập tiếp nhau. Năm 1964, tập thứ nhất dưới đầu đề Đất nước Việt Nam qua các đời được cuất bản; còn tập thứ hai dưới đầu đề Địa lý học lịch sử về những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm trong thời phong kiến thì cuối cùng bị bỏ rơi mà tôi không được biết lý do.

Để phục vụ lễ kỷ niệm vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, tôi đã tự đem phiên âm lại và chú thích rất cẩn thận sách Quốc âm thi tập, cố gắng dùng phương pháp khoa học mà giải quyết ổn thỏa  nhiều vấn đề khó về chữ Nôm, khiến có được một bản thơ Nôm khá chính xác của vị thi hào dùng chữ Nôm sớm nhất của ta, và dịch lại tập Ức Trai thi tập, cố gắng phản ánh được đúng đắn ý thơ, tứ thơ, hình tượng và phong cách của nguyên tác. Hai tập ấy đã được xuất bản trong Nguyễn Trãi toàn tập.

Để phục vụ lễ kỷ niệm thi hào Nguyễn Du, tôi đã biên soạn sách Từ điển Truyện Kiều. Tôi được biết rằng Liên Xô có Từ điển Puskin; nước Anh và nước Pháp đều có Từ điển Sếch-xpia. Tôi nghĩ vai trò của Nguyễn Du đối với ngôn ngữ và văn học nước ta không khác gì vai trò của Puskin đối với ngôn ngữ và văn học nước Nga và vai trò của Sếch-xpia đối với ngôn ngữ và văn học nước [16] Anh. Mặc dầu Nguyễn Du chỉ có một tác phẩm tiếng Việt là Truyện Kiều (chỉ kể tác phẩm mười phần chắc chín), địa vị của Truyện Kiều trong văn học và ngôn ngữ của ta lại to lớn vô cùng. Tôi thấy cũng cần có một quyển từ điển về Nguyễn Du. Tôi bèn phỏng theo thể thức của Từ điển Puskin mà tôi được thấy và kết hợp với yêu cầu thực tiễn của nước ta mà soạn quyển Từ điển Truyện Kiều. Công việc này tôi nhờ được vợ tôi giúp đỡ nhiều, không những trong việc sắp xếp, biên chép và trích dẫn tài liệu mà còn trong việc giải nghĩa nữa. Sách đã được đồng chí Nguyễn Khánh Toàn và Viện Ngôn ngữ học góp ý kiến cho tôi hoàn chỉnh bản thảo và hiện nay bản thảo đã được giao cho Nhà xuất bản Khoa học Xã hội. Nếu không có rủi ro gì đặc biệt cho tôi thì, theo lời đồng chí Giám đốc Nhà xuất bản nói với tôi, nội đầu năm 1972 nó sẽ được in xong. Sách ấy mà in được thì thực là vui sướng cho tôi vì tôi đã gửi gắm nhiều tâm huyết vào nó để mong từ nay trở đi nó sẽ có thể giúp cho những người học, những người dạy, những người đọc, cùng những người nghiên cứu Truyện Kiều kỹ hơn các mặt. Đồng thời, nó sẽ có thể giúp cho các bạn của ta ở ngoài biết Truyện Kiều đúng đắn hơn trước.

Hiện nay tôi đã về hưu, nhưng tôi vẫn cộng tác với Viện Sử học, Viện Khảo cổ học, Viện Ngôn ngữ học. Tôi lại mới nhận cộng tác với Ban Hán Nôm thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội. Tôi đã có tham gia ý kiến vào những cuộc thảo luận về thời kỳ Hùng Vương của Viện Khảo cổ học. Tôi thường góp ý kiến vào công trình biên soạn Từ điển Tiếng Việt phổ thông của Viện Ngôn ngữ học.

Để khai thác cái vốn cổ Hán Nôm chúng ta hiện có, phù hợp với nhiệm vụ của Ban Hán Nôm, tôi đã biên soạn gần xong một quyển sách về lai lịch chữ Nôm, đặc biệt có thể giúp cho thanh niên nắm vững các quy tắc cấu tạo chữ Nôm để đọc chữ Nôm cho dễ dàng. Trong công việc sưu tầm tài liệu, tôi đã phát hiện được một cái bia có nhiều chữ Nôm dựng năm 1209 đời Lý Cao Tông, chứng tỏ một cách xác tạc rằng từ đầu thế kỷ thứ XIII chữ Nôm đã đạt đến mức hoàn chỉnh với quy cách đầy đủ.

[17] Tôi đã phiên âm và chú giải sách Khóa hư giải âm, nguyên văn chữ Hán là Khóa hư lục của Trần Thái Tông là một áng thơ triết học có giá trị cao, lại là tác phẩm triết học và văn học bằng chữ Hán xưa nhất ta còn giữ được, mà bản giải âm của hòa thượng Phúc Điển ở đời Thiệu Trị lại là bản sách Quốc âm bằng văn xuôi xưa nhất của ta.

Tôi đã tập trung đủ tài liệu (hơn bốn chục bản kinh và nhiều bài lẻ tẻ) để soạn một bản tuyển tập về văn chương giảng kệ bằng chữ Nôm, nhằm giới thiệu một khía cạnh đặc biệt mà chưa được chú ý trong phong trào giải phóng dân tộc của ta trong khoảng phần tư đầu thế kỷ XX – lợi dụng hoạt động tôn giáo để ngụy trang sự tuyên truyền ái quốc – và một bộ phận độc đáo của văn học dân gian ái quốc rất phong phú, đầy thú vị và ý nghĩa.

Tôi thấy các tác phẩm văn học cổ điển Nôm của ta hiện nay được dạy ở các trường đại học và phổ thông, trừ Chinh phụ ngâm ra, chưa có tác phẩm nào được khảo chứng cẩn thận để tìm một văn bản đúng đắn, cho nên những bài, những sách được đem dạy rất là linh tinh, có khi đầy những sai lầm ấu trĩ. Sách Hoa Tiên ký và sách Truyện Kiều đã được xuất bản có chú thích khảo chứng, nhưng cách làm cũng còn nhiều thiếu sót chưa bảo đảm được yêu cầu khoa học. Văn học cổ điển bằng tiếng mẹ đẻ là một bộ mặt của văn hóa dân tộc, chúng ta không thể để cho nó ở trong tình trạng bừa bãi như thế, khiến học sinh phải học những bản có thể nói là chưa xứng đáng với thanh danh của dân tộc ta. Buồn bã trước tình hình ấy, mà chẳng biết làm thế nào, cuối cùng tôi quyết định dùng những năm tháng cuối cùng còn làm việc được để cố gắng góp công vào sự bổ cứu tình hình ấy. Tôi đã định một kế hoạch khảo chứng và chú giải những tác phẩm cổ điển Nôm để lập thành những văn bản tương đối chính xác và được chú giải theo phương pháp khoa học. Theo tác phong vốn có của tôi, tôi thấy việc cần thiết mà mình có thể làm được thì cứ làm chứ không chờ ai đòi hỏi cụ thể. Vì là công việc cũng khá phức tạp, trong khi làm cố nhiên là tôi phải tranh thủ sự giúp đỡ của những người tôi thấy là cần. Đây là một cái mộng tôi đã từng ôm ấp trong cuộc hợp tác không thành với cụ Nguyễn Văn Tố mà tôi nhắc đến trên kia, ngày nay về già may ra có thể thực hiện được một phần nào. Mỗi tác phẩm làm xong, tôi sẽ trình với Ban Hán Nôm để xin góp ý kiến cho tôi sửa chữa kỳ cho đạt đến một văn bản có chú giải xứng đáng với trình độ khoa học ngày nay. Hiện nay sức một ngày một suy, chưa biết sẽ có thể thực hiện kế hoạch ấy đến chừng mực nào, tôi chỉ biết chắc rằng giữa lúc nước nhà đương cần sự đóng góp của mọi người để xây dựng tương lai, tôi cũng sẽ góp hết sức mình cho đến hơi thở cuối cùng, mặc dầu tôi biết rằng những bước cuối cùng của tôi trên đường đời không phải là đã hết chông gai. Nhưng để khắc phục khó khăn, ngày nay cũng như ngày trước, tôi đã quen nhờ vào cái lòng say mê là việc và thành khẩn phục vụ, như [18] tôi đã từng nói trong mấy câu thơ tôi làm cách đây mươi năm:

Sẩy bước không chừng muôn thuở hận;

Sửa mình duy có một lòng băng.

Tuy rằng sức bền bỉ so với khi còn trẻ có sút đi, nhưng đầu óc vẫn còn sáng suốt và nhất là lòng hăng say làm việc vẫn chưa thấy chùn, cho nên khi tình hình cơ quan sơ tán buộc tôi phải xin về hưu, trong bài thơ lưu giản tôi để lại cho các bạn đồng nghiệp tôi đã viết mấy câu nêu cái lòng thành không thay đổi ấy:

Bút ngỗng tuy mòn còn đượm máu;

Ruột tằm đén thác hãy vương tơ.

Non sông gấm vóc cùng thêu dệt;

Thân dẫu già nhưng dạ vẫn chưa.

**

*

Đã đến độ chiều tàn của cuộc đời, tôi ghi lại mấy trang soát lại cuộc đời phục vụ của mình để lại cho con cháu tôi, cho các em tôi, cho bạn bè tôi, để họ biết rõ tôi hơn, phòng khi sau này tôi không còn nữa, có người không hiểu đời tôi và lòng tôi thì cũng còn có ít người thân cận hiểu rõ tôi hơn mà bênh vực, biết trước như thế thì lòng tôi cũng được yên ủi./.

(Ngày 29 tháng 12 năm 1970)

 

Đào Duy Anh
Bạn đang đọc bài viết "Tôi đã theo cách mệnh và phục vụ Tổ Quốc như thế nào?" tại chuyên mục Diễn đàn. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309