“Thơ ca Trần Nhân Tông và sự khởi đầu của văn chương Tiếng Việt”

Với chủ đề trên, buổi tọa đàm diễn ra vào sáng Chủ nhật ngày 27/7/2025, tại Trung tâm Học liệu Đại học Cần Thơ (đường 3/2, phường Ninh Kiều, TP Cần Thơ) do diễn giả, giảng viên, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu trình bày.
dien-gia-nhat-chieu-va-tho-ca-tran-nhan-tong-1753069728.png
Buổi tọa đàm “Thơ ca Trần Nhân Tông và sự khởi đầu của văn chương Tiếng Việt” do diễn giả, giảng viên, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu trình bày diễn ra vào sáng Chủ nhật ngày 27/7/2025.

Nhắc đến diễn giả, giảng viên, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu là nhiều lớp cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành văn chương trong và ngoài nước bày tỏ sự yêu kính. Bởi qua hơn 20 năm giảng dạy ở trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), ông đã dành thời gian xây dựng giáo trình cho sinh viên các môn văn học Nhật, Trung Cận Đông, Phương Đông... với nhiều đầu sách được tái bản nhiều lần như: Ba nghìn thế giới thơm (biên khảo), Những kiệt tác văn chương thế giới (viết chung), Basho và thơ Haiku (biên khảo), Nhật Bản trong chiếc gương soi (biên khảo), Đại cương văn hoá phương Đông (viết chung)...

Diễn giả, giảng viên, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu sinh năm 1951 tại TP.HCM. Ông nguyên là Ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình dịch thuật- Hội Nhà văn TP.HCM khóa VII, có hơn 40 năm miệt mài nghiên cứu, giảng dạy và viết lách. Từ trẻ ông đã mê đọc sách, nhất là sách chuyên sâu về văn hóa, văn học Nhật Bản, Anh, Mỹ, Đức... Từ sau năm 1975, ông gắn bó việc dạy văn ở trường Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM), trước khi là giảng viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM. Ông còn được nhiều độc giả yêu mến trong vai trò một dịch giả, nhà nghiên cứu văn học, văn hóa Phật giáo... 

dien-gia-nhat-chieu-anh-duy-nhat-1753069654.jpg
Diễn giả, giảng viên, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu.

Diễn giả, giảng viên, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu đã dành nhiều thời gian sưu tập tài liệu, thơ ca về Trần Nhân Tông - vị hoàng đế thứ ba của triều Trần, là một nhân vật kiệt xuất của lịch sử Việt Nam, không chỉ ở vai trò lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông thắng lợi mà còn ở vị thế là Sơ tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử- dòng Thiền mang bản sắc Việt. Vượt ra khỏi khuôn khổ của một vị vua hay một nhà tu hành, Trần Nhân Tông còn là một nhà văn hóa lớn, một thi sĩ tài hoa, người đặt nền móng quan trọng cho văn học Thiền tông Việt Nam, đồng thời khai mở dòng chảy văn học chữ Nôm- hình thái ngôn ngữ viết đầu tiên phản ánh linh hồn tiếng nói dân tộc…

Có thể thấy, buổi tọa đàm “Thơ ca Trần Nhân Tông và sự khởi đầu của văn chương Tiếng Việt” do nhà nghiên cứu Nhật Chiêu trình bày, diễn ra vào sáng Chủ nhật ngày 27/7/2025, tại Trung tâm học liệu Đại học Cần Thơ, hứa hẹn mở ra một góc nhìn mới, sâu sắc và đầy cảm hứng về vai trò của vua Trần Nhân Tông (1258–1308) trong tiến trình hình thành, khẳng định và phát triển của ngôn ngữ Tiếng Việt và văn học dân tộc.