Thái Nguyên: Xây dựng nông thôn mới nâng cao

23/11/2022 07:58

Nhiều người biết tới xã Tân Cương, TP Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) là miền quê “đệ nhất danh trà”. Lợi thế này được kỳ vọng đưa Tân Cương sớm về đích trong công cuộc xây dựng nông thôn mới nâng cao, thông qua việc phát triển các mô hình tổ hợp tác, HTX sản xuất chè quy mô lớn.

Về xã Tân Cương, chứng kiến cuộc sống ấm no của người dân, sự “thay da, đổi thịt” của miền quê “đệ nhất danh Trà”, cảm nhận được sức lan tỏa mạnh mẽ của Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Năm 2021, cùng với xã Đồng Liên, Tân Cương là một trong 2 địa phương được TP Thái Nguyên lựa chọn về đích NTM nâng cao.

Xuất hiện nhiều mô hình HTX

Từ năm 2011, khi bắt đầu thực hiện Chương trình xây dựng NTM, đến nay, nhiều chương trình, dự án được xã Tân Cương triển khai đã góp phần bảo tồn, phát triển giống, vùng trồng chè trung du sẵn có tại địa phương và mở rộng diện tích trồng chè cành có năng suất chất lượng cao. Ở xã đã xuất hiện nhiều hộ sản xuất, kinh doanh, tổ hợp tác, HTX sản xuất chè quy mô lớn.

-5111-1669082278.jpg

Xây dựng vùng "đệ nhất danh trà' trở thành xã NTM nâng cao điển hình của tỉnh Thái Nguyên. 

Đến nay, trên địa bàn xã Tân Cương có 13 HTX, tổ hợp tác, 8 làng nghề chè truyền thống được công nhận, trong đó 3 HTX có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo hình thức ký hợp đồng thu mua giữa người dân với HTX, giữa HTX với các doanh nghiệp, đại lý, cửa hàng kinh doanh. Các HTX đều sản xuất, chế biến chè theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP và đều có sản phẩm chè đạt OCOP từ 3 sao đến 5 sao. Việc tạo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm đã góp phần tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện nay, tiêu chí thu nhập của xã đã hoàn thành, bình quân thu nhập của người dân trên địa bàn đạt 48,6 triệu đồng/người/năm (cao hơn 19 triệu đồng so với năm 2015), tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 0,06%.

Bà Hoàng Thị Tân, Giám đốc HTX Tâm Trà Thái, ở xóm Hồng Thái 2, một trong 3 HTX đang thực hiện mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ chè trên địa bàn, cho biết: Hiện nay, HTX có 8 thành viên, tổng diện tích chè canh tác là 11ha, trong đó 5ha của các thành viên HTX, 6ha là diện tích liên kết và thu mua sản phẩm. Bình quân mỗi năm, HTX xuất ra thị trường trong và ngoài nước 16 tấn/năm chè búp khô, với giá bán từ 350 nghìn đồng đến 3,5 triệu đồng/kg, doanh thu bán hàng đạt 2,5 tỷ đồng/năm.

Tương tự, bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc HTX chè Hảo Đạt, chia sẻ Tân Cương được ưu đãi bởi khí hậu và thổ nhưỡng để phát triển trồng chè hữu cơ, thành viên HTX là những người có kinh nghiệm trong việc trồng, chăm sóc, chế biến chè truyền thống từ nhiều năm. Theo đó, HTX được thành lập với mục tiêu đưa sản phẩm trà Thái Nguyên, đặc biệt là chè Tân Cương ngày càng phát triển, nâng cao chất lượng và mở rộng thị trường, tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho thành viên và người lao động. Chính vì vậy, ngay từ khi thành lập, HTX đã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn cho các thành viên tổ chức sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng hữu cơ.

Hiện nay, diện tích chè nguyên liệu được chứng nhận sản xuất chè sạch theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX là 10 ha, với sản lượng chè búp tươi đạt khoảng 130 tấn/năm. Ngoài ra, HTX bao tiêu sản phẩm chè búp tươi của các tổ hợp tác, HTX liên kết trên địa bàn xã Tân Cương đáp ứng đầy đủ yêu cầu chè đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGAP vào khoảng trên 700 tấn chè búp tươi/ năm. Sản phẩm chè của HTX ngày càng được ưa chuộng trên thị trường, HTX đã ký kết được nhiều hợp đồng với nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Xây dựng NTM là không có điểm dừng

Theo bà Hảo, khi mới thành lập HTX có 7 thành viên, với số vốn điều lệ là 300 triệu đồng, đến nay số thành viên là 50 thành viên, vốn điều lệ 3 tỷ đồng. Các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của HTX đều tăng qua từng năm. HTX đã tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 50 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân người lao động đạt 6 triệu đồng/người/tháng, qua đó đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, giảm nghèo, bền vững, góp phần xây dựng NTM.

"Để đạt được kết quả đó là do sự cố gắng nỗ lực, đoàn kết của tập thể lãnh đạo, thành viên HTX, sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, các cấp các ngành", bà Hảo chia sẻ. Đồng thời cho biết, HTX đã chủ động xây dựng phương án đầu tư vốn, xây dựng nhà xưởng đổi mới trang thiết bị công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Cùng với 2 tiêu chí giao thông và thu nhập, xã Tân Cương chú trọng thực hiện các tiêu chí khác, như: Nhà ở dân cư, hộ nghèo, lao động có việc làm, giáo dục và đào tạo… Bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Cương cho hay: Xác định Chương trình xây dựng NTM là không có điểm dừng nên sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2015, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, đồng thời hoàn thiện những tiêu chí còn đạt "non". Xã đã tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Tính từ năm 2016 đến nay, Tân Cương đã huy động được gần 50 tỷ đồng, trong đó, khoảng 50% tổng kinh phí dành cho việc thực hiện tiêu chí giao thông, thủy lợi…

Với những nỗ lực không ngừng, đến nay, sau gần 1 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM nâng cao, qua rà soát của địa phương và TP Thái Nguyên, xã Tân Cương đã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí.

Tuy nhiên, Tân Cương vẫn còn tiêu chí đạt "non" do phụ thuộc vào nguồn kinh phí phân bổ từ cấp trên như: Thông tin và truyền thông (chưa có Đài Truyền thanh xã); trường học (cơ sở vật chất một số trường học đã cũ).

Vì vậy, mục tiêu năm 2022 của xã là phấn đấu hoàn thành các tiêu chí này nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng ngày càng khang trang, hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu đời sống của nhân dân, xây dựng vùng "đệ nhất danh trà" trở thành xã NTM nâng cao điển hình của tỉnh.

Minh Trang
Bạn đang đọc bài viết "Thái Nguyên: Xây dựng nông thôn mới nâng cao" tại chuyên mục Nông thôn mới. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309