Phát triển nông thôn mới thông qua thiết lập mô hình các làng mẫu để nâng cao giá trị gia tăng cho tằm tơ Yên Bái năm 2022

10/04/2022 00:51

Trong buổi sáng ngày 08/04/2022, Lễ ký kết hợp đồng tiêu thụ kén tằm và các sản phẩm phụ trong nuôi tằm đã được tổ chức tại xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái giữa HTX Dâu tằm Sơn Thịnh, HTX Dâu tằm Đồng Khê và Công ty Cổ phần thương mại Hạnh Silk, hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án

Được tài trợ bởi Tổng cục Phát triển Nông thôn Hàn Quốc (RDA).

Về tham dự lễ ký kết có Ông Hyun Jong Nae - Giám đốc Văn  Phòng KOPIA tại Việt Nam. Đại diện Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam có bà Lê Ngọc Lan, Chuyên viên Phòng KH và HTQT phụ trách dự án. Đại diện Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống Nông nghiệp có ông Hoàng Xuân Trường – Phó giám đốc Trung tâm.

q21-1649525922.jpg
Ông Hyun Jong Nae - Giám đốc Văn  Phòng KOPIA tại Việt Nam

Đại diện Trung tâm Dâu tằm tơ Trung ương có ông Lê Hồng Vân, cùng thành viên trong Trung tâm. Bà Lương Thanh Hạnh là Giám đốc Công ty Cổ phần thương mại Hạnh Silk.

Về phía địa phương có ông Hoàng Hữu Dũng, Phó trưởng phòng kinh tế Huyện Văn Chấn cùng các lãnh đạo, cán bộ nông nghiệp thị trấn Sơn Thịnh và xã Đồng Khê; đại diện 02 hợp tác xã là HTX Dâu tằm Sơn Thịnh, HTX Dâu tằm Đồng Khê và các thành viên HTX. Bên cạnh đó, lễ ký kết còn có sự góp mặt của các phóng viên Đài truyền hình huyện Văn Chấn và kênh VTC16.

q233-1649525974.jpg
Ông Hoàng Xuân Trường – Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống Nông nghiệp

Trong lễ ký kết, ông Hyun Jong Nae – Giám đốc văn phòng KOPIA Việt Nam nhấn mạnh rằng việc kết nối thị trường, phát triển chuỗi giá trị tơ tằm là bước đi vô cùng quan trọng trong công tác triển khai dự án ở giai đoạn này, không chỉ tập trung vào hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, con giống cho người nuôi tằm mà việc liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa người dân và các công ty, đơn vị thu mua giúp giá bán kén ổn định hơn, người dân không phải bán kén cho các thương lái Trung Quốc hay bị ép giá khi thị trường biến động.

Phát biểu trong lễ ký kết ông Hoàng Xuân Trường – Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống Nông nghiệp cho biết: với chức năng là đơn vị thực hiện dự án, Trung tâm luôn sẵn sàng hỗ trợ, thúc đẩy việc kết nối để tiêu thụ sản phẩm kén tắm và các sản phẩm phụ khác giữa các hộ nuôi tằm và các cơ sở thu mua.

q24-1649526022.jpg
Hợp đồng được ký kết các HTX và Công ty

Bên cạnh đó, ông khẳng định vai trò quan trọng trong xúc tiến, đẩy nhanh quá trình hợp tác cũng như những nỗ lực của cán bộ ban ngành các cấp tại địa phương. Ông mong muốn hợp đồng được ký kết dựa trên tinh thần hợp tác giữa Công ty và các hợp tác xã sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho các bên.

Về phía địa phương, ông Hoàng Hữu Dũng, Phó trưởng phòng kinh tế Huyện Văn Chấn chia sẻ trong 02 năm qua, với sự tham gia của các bên, dự án đã gặt hái được nhiều thành công ngoài mong đợi, diện tích trồng dâu tăng đáng kể với quy hoạch vùng trồng dâu trong những năm tiếp theo là hơn 250 ha, sản lượng kén hàng năm lên tới 160 tấn với chất lượng tốt và đồng đều.

Ông khẳng định việc ký kết hợp đồng đã đánh dấu sự thành công của phát triển chuỗi giá trị tơ tằm, đây vừa là nguyện vọng của người nông dân vừa phù hợp với chủ trường phát triển kinh tế của địa phương. Ông mong muốn tiếp tục được dự án, các cơ quan chuyên môn hỗ trợ để mở rộng, phát triển chuỗi giá trị tại các xã khác, xây dựng sản phẩm OCOP về tơ tằm mang bản sắc của địa phương, .v.v.

Phát biểu tại buổi lễ Bà Lương Thanh Hạnh - Giám đốc Công ty Cổ phần thương mại Hạnh Silk cho hay: tôn chỉ hoạt động của Công ty là nâng tầm giá trị sản phẩm tơ lụa Việt Nam để người Việt được sử dụng lụa Việt cũng như đưa sản phẩm của Việt Nam ra thế giới.

q22-1649526094.jpg
Trao hợp đồng giữa Bà Lương Thanh Hạnh - Công ty Hạnh Silk và Chị Bùi Thị Gấm - HTX dâu tằm Đồng Khê

Nhận thấy rằng có được nguồn kén tằm có chất lượng tốt là yếu tố quyết định để dệt lên một tấm lụa đẹp, Công ty luôn sát sao với người nuôi tằm, hiểu được những trăn trở, khó khăn để có thể hỗ trợ kịp thời, giúp bà con yên tâm hơn trong sản xuất, kinh doanh. Thêm vào đó, Công ty mong muốn được đóng góp vào việc phát triển kinh tế tại địa phương; cải thiện sinh kế, đa dạng hóa nguồn thu nhập cho người nuôi tằm bằng cách thu mua các sản phẩm như quả dâu, thân cây dâu, phân tằm, ... cũng như chung tay phát triển sản phẩm OCOP tơ tằm.

ad-1649526177.png

Các đại biểu tham gia lễ ký kết

Chị Bùi Thị Gấm – GĐ HTX dâu tằm Đồng Khê cho biết: chị rất vui mừng khi hợp đồng tiêu thụ các sản phẩm dâu tằm được ký kết, từ này các thành viên trong HTX của chị đã bớt đi được nỗi lo về đầu ra và giá cả thị trường. Chị khẳng định sẽ kết hợp chặt chẽ với ban lãnh đạo Công ty để nắm bắt được tình hình thu mua, chất lượng, giá cả sản phẩm kén. Chị và các thành viên cũng cam kết tuân thủ các điều khoản đã ký trong hợp đồng để xây dựng lòng tin và uy tín giữa hai bên. Chị cũng hi vọng vào một tương lai tươi sáng cho những người trồng dâu nuôi tằm tại huyện miền núi Văn Chấn.

Bùi Văn Mạnh