Phát triển các làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội: Giải pháp và những vấn đề đặt ra

15/02/2022 19:13

Để duy trì và ổn định sản xuất, bắt kịp thị hiếu cũng như nhu cầu của người tiêu dùng, phát triển toàn diện, các làng nghề, cơ sở nghề trên địa bàn TP Hà Nội đã chủ động nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm.

Phát huy thế mạnh vùng đất trăm nghề

Hà Nội không chỉ nổi tiếng bởi phong cảnh 36 phố phường nhộn nhịp mà còn được du khách trong và ngoài nước yêu mến bởi những làng nghề truyền thống với bề dày lịch sử mang tính bản sắc lâu đời, đậm hơi thở văn hóa truyền thống đậm chất Việt Nam.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, những làng nghề truyền thống như làng gốm Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc, làng tăm hương Quảng Phú Cầu, vẫn tồn tại một cách bền bỉ, mang nhiều nét đặc trưng riêng biệt. Làng nghề đi vào trong sử sách, thơ ca, in sâu vào tiềm thức của người Hà Nội, là một nét văn hóa rất đặc trưng của mảnh đất thủ đô ngàn năm văn hiến.

“Chiếu Nga Sơn, Gạch Bát Tràng

Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông…”

43-1656417460.jpg
Làng gốm Bát Tràng đã tìm cho mình một hướng đi phát triển bền vững khi đa dạng hóa sản phẩm kết hợp với thu hút du lịch

Hiện nay Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng cónghề, chiếm 56% tổng số làng nghề trong cả nước, hội tụ 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước. Thành phố hiện có 322 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc địa bàn 23 quận, huyện, thị xã. Trong đó, có 274 làng được công nhận danh hiệu Làng nghề, 48 làng được công nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống với 6/7 nhóm nghề, bao gồm: (1) Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản có 69 làng nghề; (2) sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ có 22 làng nghề; (3) sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ 197 làng nghề; (4) sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh có 13 làng nghề; (5) xử lý chế biến, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn 16 làng nghề; (6) các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn 05 làng nghề; Nghệ nhân có 303 người (trong đó có: 13 Nghệ nhân nhân dân, 42 Nghệ nhân ưu tú và 248 Nghệ nhân Hà Nội), trong năm 2023 đang xét cho 46 hồ sơ đề nghị công nhận danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội và đã trình Bộ Công Thương 38 hồ sơ đề nghị xét Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú.

Mỗi làng nghề đều mang một bản sắc riêng, tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Các sản phẩm của làng nghề đa dạng, nhiều chủng loại, đa số mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, như: sản phẩm may mặc; sản phẩm gốm sứ; sản phẩm dệt và thêu, ren truyền thống; đồ gỗ phục vụ tiêu dùng và xây dựng, sản phẩm cơ khí, chế biến nông sản thực phẩm (bánh, bún, kẹo, giò chả, bánh chưng, chè, …).

​Các làng nghề đã có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu qua các năm, trong đó, có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10 đến 20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 đến 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương. Một số làng nghề có doanh thu hàng năm cao như làng nghề điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng, huyện Hoài Đức đạt trên 1.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 2.800 lao động; làng nghề bánh kẹo dệt kim La Phù, huyện Hoài Đức đạt trên 1.300 tỷ đồng; làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Minh Khai, Dương Liễu, huyện Hoài Đức đều đạt trên 1.000 tỷ đồng; làng nghề cơ khí nông cụ Phùng Xá, huyện Thạch Thất doanh thu đạt 1.209 tỷ đồng; làng nghề đồ mộc - may thôn Hữu Bằng, huyện Thạch Thất đạt gần 1.000 tỷ đồng, làng nghề truyền thống mỹ nghệ Thiết Úng, Vân Hà, huyện Đông Anh có doanh thu bình quân đạt 1.100 tỷ đồng; 02 làng nghề giầy da thôn Giẽ Thượng, Giẽ Hạ, xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên đạt 500-700 tỷ đồng giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 600-800 lao động/mỗi làng,... Thu nhập bình quân của người lao động ở các làng nghề cao hơn nhiều so với lao động thuần nông, mức thu nhập bình quân phổ biến ở mức 4-5,5 triệu đồng/lao động/tháng. Các làng nghề khác nhau, mức thu nhập của các lao động cũng có sự khác nhau như: làng nghề mây tre đan thu nhập bình quân lao động đạt 11,2 triệu đồng/người/tháng, điêu khắc mỹ nghệ bình quân lao động đạt 10 triệu đồng/tháng. Đặc biệt gần đây các làng nghề trồng hoa, cây cảnh phát triển rất mạnh như: Làng nghề trồng hoa Giấy Phù Đổng: Thu nhập bình quân lao động đạt 26 triệu/người/tháng, doanh thu 90 tỷ đồng/năm.  Làng nghề  hoa mai trắng thôn An Hòa thu nhập bình quân lao động 17 triệu/người/tháng, doanh thu 75 tỷ đồng/năm,… Các sản phẩm làng nghề đã được xuất khẩu sang trên 40 quốc gia và vùng lành thổ.

62-1656417792.jpg
Lụa Vạn Phúc trở thành thương hiệu uy tín trong và ngoài nước

Tuy vậy, do quá trình đô thị hóa, hội nhập kinh tế, một số làng nghề của Hà Nội đang đối mặt với không ít khó khăn. Năm 2021 - 2022, do ảnh hưởng dịch Covid-19 kéo dài, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều làng nghề đình trệ, đặc biệt là các làng nghề có sản phẩm xuất khẩu và gắn với du lịch. Hầu hết cơ sở sản xuất đang đối mặt với nhiều khó khăn, từ nguồn nguyên liệu đầu vào, nhân lực, nguồn vốn, đến cả đầu ra cho sản phẩm.

Trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa bùng nổ, sản phẩm của các làng nghề truyền thống cũng chịu tác động không nhỏ của nền kinh tế thị trường. Vì vậy, để duy trì và ổn định sản xuất, bắt kịp thị hiếu cũng như nhu cầu của người tiêu dùng, phát triển toàn diện, các làng nghề, cơ sở nghề trên địa bàn TP Hà Nội đã chủ động nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm.

Nhờ vậy, thị trường được mở rộng, giúp cho doanh thu của các làng nghề tăng đều qua từng năm, góp phần đáng kể vào công cuộc xây dựng nông thôn mới của địa phương. Đáng chú ý, nhiều năm trở lại đây, các làng nghề, đặc biệt là những làng nghề truyền thống đã có "tên tuổi" không chỉ là nơi mua bán sản phẩm mà còn dần trở thành một địa điểm du lịch vừa cổ kính lại vừa mộc mạc, dân dã, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

lang-may-tre-dan-phu-vinh-1656418023.jpg
Mây tre đan Phú Vinh (Chương Mỹ) không ngừng đổi mới mẫu mã vươn tới các thị trường xuất khẩu khó tính trong khu vực và trên thế giới

Việc tu sửa, làm nổi bật nét đặc trưng của làng nghề không chỉ giúp gia tăng sức bán sản phẩm, đồ lưu niệm mà còn tạo thêm việc làm từ các dịch vụ du lịch, thông qua đó, người dân có thể nâng cao thu nhập và quảng bá văn hóa truyền thống.

Trước thực trạng trên, các làng nghề đều mong muốn được Thành phố hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hậu cần để phát triển bền vững làng nghề trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay. Theo đó, các địa phương cần thu hút nhiều nguồn lực để xây dựng các trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, cũng cần hỗ trợ hộ làm nghề vay vốn với lãi suất ưu đãi để mở rộng sản xuất; quan tâm các dự án xử lý ô nhiễm môi trường, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống hạ tầng kỹ thuật làng nghề…

Phát triển bền vững các làng nghề những vấn đề đặt ra

Để thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho các sản phẩm làng nghề; hỗ trợ phát triển làng nghề nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; giữ gìn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống làng nghề của Thành phố, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, Thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND ngày 04/12/2019 về một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề thành phố Hà Nội để làm cơ sở triển khai thực hiện hỗ trợ phát triển làng nghề; ban hành kế hoạch 67/KH-UBND ngày 03/3/2022 về bảo tồn, phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025, hiện đang tiếp tục xem xét ban hành Quyết định về một số nội dung, mức hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề thành phố Hà Nội.

lang-quat-chang-son-1656418165.jpg
Quạt Chàng Sơn (Thạch Thất) tinh xảo đáp ứng nhu cầu ngày càng cao cảu người tiêu dùng

Thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn hoàn thiện, phê duyệt Quy hoạch chi tiết 1/500 bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch đối với 02 làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, quận Hà Đông và làng nghề gốm sứ Bát Tràng huyện Gia Lâm; Theo kế hoạch 49/KH-UBND ngày 10/02/2023 của UBND Thành phố, trước mắt sẽ phát triển 09 trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch giao sở Công thương chủ trì; Kế hoạch 73/KH-UBND ngày 04/3/2022 của UBND Thành phố trong đó giao sở Du lịch chủ trì xây dựng thí điểm 06 mô hình du lịch nông thôn, du lịch làng nghề tại các huyện Thường Tín, Đan Phượng, Thanh Trì, Mỹ Đức, Thạch Thất và thị xã Sơn Tây.

UBND Thành phố cũng đã thống nhất chủ trương xây dựng Đề án phát triển tổng thể làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2024-2030, định hướng đến 2050 nhằm đánh thực trạng, phân tích các lợi thế, nguồn lực cũng như các khó khăn, thách thức để đưa ra các mục tiêu và giải pháp, các kế hoạch, đề án đầu tư phát triển làng nghề bền vững của Thành phố Hà Nội, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội chung của Thủ đô.

Ngoài ra, để đẩy mạnh hơn nữa công tác bảo tồn và phát triển làng nghề, hàng năm, UBND Thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền về làng nghề, ngành nghề nông thôn, kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, kinh tế hộ và trang trại. Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội chợ giống, vật tư, thiết bị nông nghiệp, nông sản an toàn, OCOP, sản phẩm làng nghề; phối hợp tổ chức một số hội thảo nhằm làm cầu nối giữa các đơn vị sản xuất với đơn vị tiêu thụ sản phẩm ký kết hợp đồng và Biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển.

Để góp phần vào việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng có nghề, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, vừa qua đã tổ chức thành công Hội thi sản phẩm làng nghề thành phố Hà Nội năm 2023 với 327 sản phẩm dự thi của 109 tổ chức, cá nhân, nghệ nhân, thợ giỏi, sau khi chấm điểm lựa chọn được 56 sản phẩm để trao giải, các sản phẩm được lựa chọn đều thể hiện rõ giá trị văn hóa truyền thống làng nghề Thủ đô.

Cùng với Sở NN&PTNT, các sở, ngành của thành phố cũng có kế hoạch cụ thể hỗ trợ phát triển làng nghề. Theo Sở Du lịch Hà Nội, Sở sẽ trình UBND thành phố về việc phê duyệt hồ sơ thiết kế ý tưởng, hồ sơ thiết kế sản xuất bộ nhận diện thương hiệu (logo) du lịch làng nghề, hệ thống biển chỉ dẫn du lịch và quà tặng lưu niệm du lịch Hà Nội để triển khai thực hiện. Liên minh Hợp tác xã thành phố cũng sẽ tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ thành lập mới hợp tác xã tại các làng nghề và hỗ trợ vay vốn với hợp tác xã, thành viên hợp tác xã các làng nghề. Số vốn ước thực hiện khoảng 12 tỷ đồng/35 dự án...

lang-theu-quat-dong-1656418308.jpg
Thêu Quất Động (Thường Tín) giữ vững nét tinh hoa

​Sự kiện Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023, UBND Thành phố Hà Nội đã tham gia thực hiện 06 sự kiện bên lề Festival: ((1) Hội chợ quốc tế quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2023; (2) Lễ hội mùa thu Hà Nội;(3) Tổ chức Hội thi các sản phẩm Làng nghề Hà Nội năm 2023); (4) Sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hoá các tỉnh Nam Bộ; (5) Lễ rước tổ nghề và tuần văn hóa du lịch - thương mại làng nghề Vạn Phúc năm 2023 với chủ đề “Vạn Phúc - Sắc màu hội nhập”; (6) Lễ hội và trưng bày quảng bá sản phẩm làng nghề huyện Phú Xuyên). 

Ngoài ra Thành phố cũng đã triển khai các hoạt động phối hợp thực hiện Festival 2023 như: (1) Tổ chức bố trí 120 gian hàng của thành phố Hà Nội tham gia Hội chợ làng nghề Việt Nam - Lần thứ 19 và triển lãm sản phẩm OCOP với chủ đề quà tặng; (2) Tổ chức các hoạt động thăm quan, trải nghiệm tại các làng nghề ở Hà Nội: Bát Tràng, Vạn Phúc, Đường Lâm,…(3) Xây dựng các Tour, chương trình du lịch làng nghề của thành phố Hà Nội hưởng ứng Festival 2023: (4) Tuyên truyền về các hoạt động của Festival 2023 trên các cơ quan thông tấn, báo chí; (5) Tổ chức giới thiệu, trình diễn di sản văn hóa phi vật thể của Thủ đô;

Để Sự kiện Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023 có ý nghĩa thiết thực và tạo được tính lan tỏa trong thời gian tới, chúng ta hãy cùng nhau chung sức đồng lòng trách nhiệm, sáng tạo, quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nông thôn mới. Thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành tại Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 14/9/2023.

ThS. Nguyễn Văn Chí - Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội