Vào ngày 30/9/2024, Bộ Giao thông Vận tải (nay là Bộ Xây dựng) đã ban hành Quyết định số 1191/QĐ-BGTVT, trong đó đưa ra kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông vận tải đến năm 2030.
Các tính toán chỉ ra rằng nếu duy trì xu hướng hiện tại, lượng phát thải khí nhà kính từ ngành giao thông sẽ gia tăng trung bình từ 6 - 7% mỗi năm, dự báo sẽ đạt gần 90 triệu tấn CO2 vào năm 2030. Chính vì vậy, mục tiêu của ngành giao thông vận tải là giảm 45,62 triệu tấn CO2 vào cuối thập kỷ này.
Kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính của Bộ Xây dựng đưa ra một loạt biện pháp nghiêm ngặt, trong đó có biện pháp E17. Biện pháp này quy định giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu đối với các phương tiện ô tô con (từ 9 chỗ ngồi trở xuống) sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới.
-162036.jpg)
Cụ thể, các ô tô có dung tích động cơ từ 1.400cc trở xuống sẽ bị giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu tối đa là 4,7 lít/100 km. với xe có dung tích động cơ từ 1.400cc đến 2.000cc, mức tiêu thụ nhiên liệu không được vượt quá 5,3 lít/100 km.
Còn đối với các dòng xe có dung tích động cơ trên 2.000cc, mức tiêu thụ nhiên liệu tối đa là 6,4 lít/100 km. Tỷ lệ áp dụng cho phương tiện mới sẽ dần tăng theo thời gian: 30% vào năm 2027, 50% vào năm 2028, 75% vào năm 2029 và 100% vào năm 2030.
Điều này đồng nghĩa với việc vào năm 2030, chỉ những dòng ô tô con sử dụng động cơ đốt trong với mức tiêu thụ nhiên liệu từ 4,7 - 6,4 lít/100 km mới được phép bán ra thị trường.

Tuy nhiên, mức tiêu thụ này thấp hơn nhiều so với hầu hết các mẫu xe ô tô hiện nay đang có mặt trên thị trường, đặc biệt là những chiếc xe có dung tích động cơ lớn hoặc các dòng xe thể thao.
Báo cáo từ Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) và Viện Khoa học Công nghệ Giao thông Vận tải (ITST) cho thấy, nếu biện pháp E17 được thực thi, khoảng 97% các loại xe con sử dụng động cơ đốt trong sẽ không đáp ứng được tiêu chuẩn về mức tiêu thụ nhiên liệu và phải dừng sản xuất, nhập khẩu.
Ước tính, khi áp dụng biện pháp E17, sản lượng ô tô bán ra sẽ giảm đến 77% mỗi năm, gây tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế, với mức giảm khoảng 574 nghìn tỷ đồng trong giá trị đóng góp của ngành ô tô vào GDP và giảm thu ngân sách nhà nước từ xe ô tô lên tới khoảng 377 nghìn tỷ đồng.

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), biện pháp E17 có thể sẽ giới hạn thị trường ô tô, khi chỉ có một số kiểu loại xe đáp ứng được tiêu chuẩn này, trong khi nhu cầu của khách hàng vẫn còn rất lớn, đặc biệt là những người chưa sẵn sàng chuyển đổi sang xe hybrid hay xe điện.
VAMA cho rằng, việc người tiêu dùng tiếp tục kéo dài thời gian sử dụng xe cũ sẽ tạo thêm áp lực cho mục tiêu bảo vệ môi trường, đặc biệt là trong việc thu hồi và tái chế các phương tiện giao thông.
Để giải quyết vấn đề này, VAMA đã đề xuất một phương án thay thế, đó là áp dụng mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình chung của doanh nghiệp (CAFC). Biện pháp này giúp các doanh nghiệp linh hoạt hơn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn về nhiên liệu, đồng thời không cản trở sự Phát triển của các dòng xe công suất lớn.
Các tính toán cho thấy, với kịch bản tỷ lệ tăng trưởng ô tô hàng năm là 10%, việc áp dụng CAFC sẽ chỉ giảm khoảng 73 nghìn tỷ đồng trong giá trị đóng góp vào GDP và khoảng 38 nghìn tỷ đồng nguồn thu ngân sách. Việc áp dụng CAFC cũng sẽ khuyến khích các doanh nghiệp ô tô phát triển các dòng xe tiết kiệm nhiên liệu và vẫn giữ được sự đa dạng trong sản phẩm.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Nguyễn Minh Đồng, ngoài mục tiêu bảo vệ môi trường, việc giảm tiêu thụ nhiên liệu còn giúp người tiêu dùng tiết kiệm chi phí vận hành.
Ngoài ra, xu hướng chuyển đổi sang xe hybrid và xe điện tại Việt Nam đang diễn ra rất nhanh chóng. Nhiều mẫu xe điện và hybrid mới với thiết kế đa dạng, tính năng ưu việt đã có mặt trên thị trường. Đặc biệt, các dòng xe này được hưởng các ưu đãi từ Nhà nước, khuyến khích người tiêu dùng chuyển sang sử dụng xe xanh.
Nếu biện pháp E17 được thực thi, xe điện và xe hybrid sẽ là những sản phẩm thay thế chính, góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành xe xanh tại Việt Nam.