Nông sản đua nhau “xuất ngoại”, Bộ Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo không tự phát mở rộng

05/12/2022 10:04

Dịp cuối năm, nhiều nông sản “lên đường” xuất ngoại, giá tăng cao gấp 2-3 lần khi được xuất khẩu chính ngạch. Trước nguy cơ "bùng nổ" diện tích nhiều loại nông sản, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã khuyến cáo không tự phát mở rộng diện tích trồng một số loại cây.

Mô hình trồng chanh dây hữu cơ của anh Đặng Công Kiên (45 tuổi) ở thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum)

Cảnh báo nguy cơ “vỡ trận” chanh leo và sầu riêng

Trước nguy cơ "bùng nổ" diện tích sầu riêng, chanh leo sau khi Việt Nam ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng, chanh leo sang Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan vừa có Chỉ thị yêu cầu các địa phương, ngành chức năng khuyến cáo nông dân không tự ý mở rộng diện tích trồng hai loại cây này ở những nơi không phù hợp.

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong những năm gần đây, sản xuất sầu riêng, chanh leo nước ta tăng trưởng nhanh cả về diện tích, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu.

Một số địa phương trọng điểm sản xuất sầu riêng, chanh leo đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với hệ thống sản xuất, chế biến, tiêu thụ, tạo việc làm và nâng cao thu nhập, làm giàu cho nông dân, đóng góp tích cực vào tăng trưởng, nâng cao vị thế, thị phần ngành hàng rau quả nói chung và sầu riêng, chanh leo Việt Nam nói riêng trên thị trường thế giới.

Từ tháng 7/2022, quả sầu riêng, chanh leo Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, là cơ hội lớn cho sản xuất.

Bên cạnh những cơ hội, thành tựu đạt được, sản xuất, xuất khẩu sầu riêng, chanh leo nước ta cũng đang đứng trước nhiều tồn tại, rủi ro và thách thức như: nhiều địa phương phát triển nóng về diện tích, mở rộng trồng mới ở những vùng không có lợi thế; tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng; thực hiện chuyển đổi vườn cà phê trồng xen sầu riêng, hồ tiêu có hiệu quả ở Tây Nguyên sang trồng thuần cây sầu riêng…

Bên cạnh đó, quy mô sản xuất nhỏ lẻ còn phổ biến; tổ chức sản xuất, doanh nghiệp đầu tư vào chế biến, xây dựng vùng nguyên liệu, tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ còn hạn chế.

Ngoài ra, diện tích được cấp mã số vùng trồng, số lượng cơ sở đóng gói được cấp mã số đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc còn rất nhỏ so với tổng quy mô diện tích, sản lượng chanh leo, sầu riêng hiện có.

Để phát triển sản xuất sầu riêng, chanh leo hiệu quả cao, bền vững, tại Chỉ thị về việc phát triển bền vững sản xuất cây sầu riêng, chanh leo ngày 30/11 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT rà soát diện tích sầu riêng, chanh leo trên địa bàn, xây dựng đề án/kế hoạch phát triển sản xuất theo vùng tập trung; gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến.

Khẩn trương rà soát, xây dựng hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng, chanh leo xuất khẩu phù hợp; thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc cấp, quản lý, sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp mạo danh, gian lận, sử dụng mã số không đúng mục đích.

Bên cạnh đó, khuyến cáo nông dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng, chanh leo tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp; không tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng; không tự phát chuyển đổi vườn cà phê trồng xen sầu riêng, hồ tiêu ở Tây Nguyên có hiệu quả sang trồng thuần cây sầu riêng...

Với Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT yêu cầu tiếp tục chỉ đạo, vận động các doanh nghiệp tích cực hỗ trợ và liên kết với nông dân sản xuất sầu riêng, chanh leo tổ chức sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu liên kết tập trung, ổn định lâu dài; cấp và sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu; thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả…

Nông sản đua nhau xuất ngoại

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với khoai lang của Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc. Ngày 22/11/2022, GACC đã công bố trên trang website của mình về yêu cầu kiểm dịch này.

“Nghị định thư này được ký kết vào ngày 9/11/2022 theo hình thức ký luân phiên và được 2 bên thống nhất công bố vào ngày 23/11/2022. Khoai lang xuất khẩu sang Trung Quốc phải được sản xuất tại Việt Nam và không dùng cho mục đích làm giống”, ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật) nhấn mạnh.

Chế biến khoai lang sấy.

Theo đó, khoai lang xuất khẩu sang Trung Quốc phải áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP); phải điều tra giám sát các đối tượng kiểm dịch thực vật mà GACC quan tâm; phải thực hiện các biện pháp kiểm soát hiệu quả nhằm giảm thiểu mức độ nhiễm sinh vật gây hại. Phải lưu giữ hồ sơ về giám sát và phòng trừ sinh vật gây hại, hồ sơ này sẽ được chuyển đến GACC khi có yêu cầu...

Đối với thị trường Nhật Bản, quả nhãn tươi xuất khẩu sang quốc gia này phải được sản xuất tại các vùng trồng được đăng ký, vận chuyển tới Nhật Bản qua đường biển và hàng không.

“Để xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, lô hàng được xử lý kiểm dịch thực vật bằng phương pháp xử lý lạnh, ở mức nhiệt độ dưới 1,3 độ C trong thời gian 13 ngày tại các cơ sở xử lý được phê duyệt. Các lô hàng xuất khẩu nhãn tươi kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do Cục Bảo vệ thực vật cấp. Đảm bảo không có đối tượng kiểm dịch thực vật sau khi đã được kiểm tra kiểm dịch của Cơ quan bảo vệ thực vật. Trong đó, phần khai báo bổ sung nêu rõ không có ruồi đục quả Bactrocera dorsalis”, ông Nguyễn Quang Hiếu thông tin.

Với chanh, bưởi xuất khẩu sang New Zealand, vườn trồng được quản lý dịch hại các đối tượng kiểm dịch thực vật mà New Zealand quan tâm và được cấp mã số cùng cơ sở đóng gói. Sản phẩm phải được chiếu xạ kèm và theo giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.

Giá nông sản tăng gấp 2-3 lần khi được xuất khẩu chính ngạch

Trao đổi với PV, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho hay: Để xuất khẩu, người trồng và doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của đối tác, nhờ đó, chất lượng sản phẩm tăng lên, giá cũng tăng lên. Điển hình là, sau khi Bộ Nông nghiệp và PTNT và GACC ký Nghị định thư cho sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, giá sầu riêng đã tăng gấp 3 so với trước.

Cụ thể, theo Sở Nông nghiệp và PTNT Tiền Giang, tại tỉnh này, từ đầu tháng 10/2022 (thời điểm đã ký nghị định thư – PV), giá sầu riêng được thu mua dao động trong khoảng từ 65.000 - 75.000 đồng/kg, cao gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước, mang lại mức lãi cho nông dân, đạt 600-800 triệu đồng/ha.

Sầu riêng Tây Nguyên đã vào chính vụ.

Ông Hoàng Trung cho rằng, với sự ưu đãi của thổ nhưỡng, khí hậu, Việt Nam là đất nước có lợi thế cho sự sinh trưởng và phát triển của rất nhiều loại trái cây nhiệt đới được thế giới ưa chuộng trong đó có cây nhãn.

"Các giống chanh và bưởi được trồng tại Việt Nam cũng rất đa dạng. Khoai lang cũng là lợi thế sản phẩm hàng hóa, ngoài cung cấp cho tiêu dùng trong nước còn phục vụ xuất khẩu.

Tuy nhiên, những lợi thế trên chỉ được phát huy hiệu quả, khi các sản phẩm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật và an toàn vệ sinh. Trong đó, đặc biệt quan trọng là sản phẩm trồng phải truy xuất được nguồn gốc, từ quản lý giám sát vùng trồng với các sản phẩm đầu vào, đầu ra; quản lý cơ sở đóng gói, biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật cho đến kiểm dịch tại cửa khẩu nhập", ông Hoàng Trung khẳng định./.

TH