Nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị ngành Muối bằng phát triển các hợp tác xã

05/12/2022 14:54

Việt Nam là quốc gia có lợi thế để phát triển ngành Muối do sở hữu bờ biển dài trên 3.200km và bức xạ nhiệt cao. Sản xuất muối tại Việt Nam là một nghề truyền thống, có từ lâu đời, là ngành sản xuất có tầm quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước.

 

Nghề làm muối ở Bạc Liêu.

 Khái quát ngành hàng Muối Việt Nam

Về sản xuất muối

Cả nước hiện có 19 tỉnh, thành phố, gồm 40 huyện, 79 xã có nghề sản xuất muối. Theo quy hoạch, tổng diện tích muối là 12.654ha, nhưng thực tế sản xuất hiện nay chỉ là 11.987ha, còn lại khoảng 667ha (chiếm 5,27%) không được sản xuất do diêm dân bỏ hoang ruộng muối, hoặc đã chuyển đổi sang nuôi thủy sản, trồng rau màu. Sản lượng muối bình quân mỗi năm đạt trên 1 triệu tấn. 

Trên cả nước hiện có khoảng 13.743 hộ sản xuất muối (Diện tích đất sản xuất muối bình quân/hộ là 0,44 ha/hộ). Tổng số lao động tham gia sản xuất muối khoảng 32.099 lao động. Lao động sản xuất muối hiện nay phần lớn là người già, phụ nữ ở địa phương. Lao động sản xuất muối không được đào tạo về kỹ thuật sản xuất muối, họ chỉ sản xuất dựa trên kinh nghiệm làm muối truyền thống được cha ông truyền lại.

Muối do các hộ diêm dân sản xuất ra chủ yếu là muối thô, có chất lượng thấp (hàm lượng NaCl thấp, nhiều tạp chất,…) và chất lượng không ổn định vì phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Diêm dân thu hoạch muối xong để thành đống trên bờ ruộng, được che phủ một cách sơ sài sau đó sẽ bán cho thương lái hoặc bán cho các cơ sở chế biến muối tại địa phương.

Hiện nay, sản xuất muối được áp dụng theo 3 phương thức chính sau: Thứ nhất, là hình thức phơi cát truyền thống, áp dụng ở các tỉnh phía Bắc (Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh). Thời vụ sản xuất từ tháng 5 đến tháng 12 hàng năm. Diện tích sản xuất muối phơi cát khoảng 1.026ha, chiếm 8,6% diện tích sản xuất muối cả nước. Sản lượng muối từ 100 - 120 nghìn tấn/năm. Thứ hai là hình thức phơi nước phân tán. Đây là phương pháp sản xuất muối phơi nước truyền thống, áp dụng phổ biến từ Quảng Bình trở vào đến Cà Mau. Thời vụ sản xuất muối trong năm từ tháng 8 đến tháng 12. Diện tích sản xuất muối phơi nước phân tán là 7.408ha, chiếm  61,8% diện tích sản xuất muối cả nước (trong đó khoảng 516ha ô kết tinh muối. Sản lượng muối từ 400-500 nghìn tấn/năm. Thứ ba là hình thức phơi nước tập trung quy mô công nghiệp, hiện tập trung ở 8 đồng muối thuộc 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Diện tích sản xuất khoảng 3.552ha, chiếm 29,6% diện tích sản xuất muối cả nước. Sản lượng muối trung bình từ 250- 350 nghìn tấn/năm.

Chế biến muối 

Trên cả nước hiện có 72 cơ sở chế biến muối thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia sản xuất muối tinh, muối trộn i-ốt, muối sạch xuất khẩu. Nhìn chung sản phẩm muối của các doanh nghiệp chế biến đa dạng, phong phú, đáp ứng tốt cho nhu cầu của người tiêu dùng và một phần cho xuất khẩu. Sản phẩm muối hiện nay được phân thành 4 nhóm chính là muối thô, muối tinh, muối thực phẩm và muối công nghiệp.

 Tỉnh Nam Định là một trong số ít địa phương phát triển đa dạng các sản phẩm về muối trong cả nước, đến nay tỉnh Nam Định đã hướng dẫn hỗ trợ cho các cơ sở xây dựng tiêu chuẩn và công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cho 40 sản phẩm muối và từ muối, trong đó đã quảng bá giới thiệu và được thị trường ưa chuộng như: Muối nhạt Royal, muối ngâm chân, muối Epsom, muối sạch xuất khẩu của Công ty CP muối và thương mại Nam Định, muối Nam Hải, muối Vạn Ninh,… đã phát triển được 7 sản phẩm OCOP từ muối đạt 3 sao và 4 sao.

Sản phẩm muối chế biến của các doanh nghiệp bao gồm: Muối thực phẩm, muối tinh, được dùng để ăn trực tiếp, dùng làm chất điều vị trong chế biến thực phẩm như bột dinh dưỡng, sữa bột, cà phê hòa tan, hạt mêm, mì chính, nước chấm... Ngoài ra, muối tinh còn được dùng trong chế biến thức ăn chăn nuôi.

Muối thô được dùng trong chế biến nước mắm từ cá. Dùng trong xử lý môi trường, các ngành công nghiệp khác. Mặc dù, ngành công nghiệp sản xuất hóa chất sử dụng muối NaCl làm nguyên liệu đầu vào, nhưng các doanh nghiệp sản xuất hóa chất không sử dụng muối sản xuất trong nước mà nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Úc,... Vì muối sản xuất trong nước có hàm lượng NaCl thấp, hàm lượng tạp chất cao, đặc biệt là tạp chất hòa tan.

Thị trường muối trong nước

Hiện nay, muối do các hộ diêm dân sản xuất ra được tiêu thụ theo 3 kênh chính, đó là: i) Kênh 1: Doanh nghiệp sản xuất chế biến muối tiêu thụ 34,4% tổng sản lượng muối thông qua hoạt động chế biến muối của doanh nghiệp đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng ăn trực tiếp và công nghiệp chế biến thực phẩm; ii) Kênh 2: Các HTX muối tiêu thụ 6,5% tổng sản lượng muối thông qua liên kết với doanh nghiệp chế biến muối để tiêu thụ cho các thành viên HTX; iii) Kênh 3: Tư thương, bán lẻ tiêu thụ 60 % tổng sản lượng muối.

Hiện nay, một số địa phương đã xây dựng được kênh phân phối sản phẩm muối tại các siêu thị như: BigC, Copmak, Vinmart…. Nhiều địa phương đã xây dựng được thương hiệu và chỉ dẫn địa lý, phát triển sản phẩm muối OCOP (Sản phẩm muối tinh của Công ty CP Muối và thương mại Bạc Liêu đạt OCOP 4 sao; sản phẩm muối Đề Gi của tỉnh Bình Định đã được xác lập quyền sở hữu công nghiệp dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận gắn với địa danh “Đề Gi”; muối tre Kosal của Quảng Bình đạt OCOP 3 sao; nhãn hiệu tập thể “Muối Sa Huỳnh”; nhãn hiệu chứng nhận “Muối Bà Rịa” tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; nhãn hiệu chứng nhận “Muối Tuyết Diêm” tỉnh Phú Yên.

 Nhập khẩu, xuất khẩu muối:

Về nhập khẩu muối: Theo thống kê, lượng muối nhập khẩu của nước ta trong những năm gần đây trung bình khoảng 500 nghìn tấn/năm (Năm 2017:  579 nghìn tấn; Năm 2018: 580 nghìn tấn; Năm 2019: 465 nghìn tấn; Năm 2020: 419 nghìn tấn). Muối nhập khẩu chủ yếu là muối công nghiệp phục vụ sản xuất hóa chất. Ngoài ra, một lượng nhỏ muối tinh, muối thực phẩm được nhập khẩu phục vụ ngành y tế, xử lý môi trường, ngành công nghiệp khác.

Kể từ khi gia nhập WTO, Việt Nam đã đạt được cam kết áp dụng cơ chế quản lý nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan (HNTQ) đối với một số loại nông sản, trong đó có mặt hàng muối. Sau thời hạn hết hiệu lực của hạn ngạch thuế quan, việc nhà nước tiếp tục có cơ chế, chính sách bảo hộ sản xuất muối là không thể do các cam kết khi gia nhập WTO. Vì vậy, sẽ không thể kéo dài tình trạng năng suất lao động thấp, giá thành sản xuất cao của phần lớn diện tích và sản lượng như hiện nay và vấn đề cấp bách đặt ra với ngành Muối thời kỳ tới phải thực hiện tái cơ cấu ngành Muối theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Song cũng có những thuận lợi đó là trong thời gian tới luôn có sẵn đầu ra và nhu cầu muối ngày một tăng ngay tại thị trường nội địa, nhất là nhu cầu muối cho công nghiệp hóa chất.

Để giảm nhập khẩu trong thời gian tới ngành Muối cần mở rộng quy mô đồng muối công nghiệp với năng suất, chất lượng cao, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng muối của diêm dân, tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho nhu cầu chế biến trong nước và nhu cầu công nghiệp.

Về xuất khẩu muối: Đối với thị trường xuất khẩu, hiện tại sản phẩm muối biển sạch giàu vi lượng có lợi sức khỏe của Việt Nam đã xuất khẩu sang một số nước như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc,... nhưng số lượng còn ít, mỗi năm xuất khẩu khoảng 20-40 ngàn tấn muối sạch. Các doanh nghiệp đang thúc đẩy, tìm kiếm thị trường nước ngoài để xuất khẩu muối nhằm đem lại giá trị kinh tế cao hơn như: Công ty cổ phần Muối và Thương mại Nam Định xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản trên 100 tấn/năm; Công ty Cổ phần muối Bạc Liêu xuất khẩu muối sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản.
Tồn tại, hạn chế phát triển ngành Muối:

Sản xuất muối hiện nay chủ yếu theo phương pháp thủ công, quy mô hộ phân tán (chiếm 67% diện tích), nên năng suất, chất lượng thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của ngành công nghiệp hóa chất trong nước, nên hàng năm vẫn phải nhập khẩu muối công nghiệp.
Cơ sở hạ tầng vùng sản xuất muối đã xuống cấp nghiêm trọng, chưa có quy hoạch riêng cho vùng muối, nếu có thì cũng nhỏ lẻ, manh mún nên sản xuất muối hiệu quả chưa cao. 

Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất muối còn chậm, diện tích muối sản xuất theo phương thức áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới chưa nhiều, dưới dạng mô hình là chính, quy mô còn nhỏ hẹp.

 Thiếu sự liên kết theo chuỗi giá trị giữa các doanh nghiệp chế biến muối với các HTX, tổ hợp tác và diêm dân để ổn định sản xuất, chế biến và tiêu thụ muối. Nghề muối cũng như bao nghề nông khác phụ thuộc phần lớn vào thời tiết. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ diêm dân chưa thực sự hiệu quả, chưa ổn định được giá và cân đối cung cầu nên còn tình trạng tiểu thương ép giá.

Diêm dân làm muối đa phần là hộ nghèo, không có vốn để đầu tư. Diêm dân cũng chưa được đào tạo, tập huấn trang bị kiến thức về kỹ thuật sản xuất muối nên hạn chế việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất muối. Việc cho các hộ diêm dân vay vốn đầu tư sản xuất muối cũng khó triển khai, vì thu nhập từ sản xuất muối thấp.

 Phần lớn lao động nghề muối hiện nay là người lớn tuổi, làm nghề lâu năm. Lao động trẻ không còn mặn mà với nghề truyền thống bởi thu nhập bấp bênh, khó nuôi sống gia đình.

Tác động của biến đổi khí hậu, chủ yếu là mưa trái mùa gây thiệt hại cho bà con diêm dân và việc ngành Muối chưa đa dạng hóa được các sản phẩm có thế mạnh theo vùng miền.

Phân loại, đóng góp muối xuất khẩu ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An).


Chủ trương, chính sách phát triển nghề muối

Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến phát triển ngành Muối, sinh kế và đời sống của hàng vạn hộ diêm dân. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 40/2017/NĐ-CP ngày 05/4/2017 về Quản lý sản xuất, kinh doanh muối, trong đó đã đề ra các chính sách hỗ trợ phát triển ngành Muối như: Hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất muối; chính sách tín dụng thương mại, tín dụng đầu tư và tín dụng chính sách; xây dựng mô hình liên kết ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến và thích ứng với biến đổi khí hậu trong sản xuất muối; hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho lao động làm nghề muối; ưu đãi thuế cho các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh muối.

Trong giai đoạn 2021-2030, để hỗ trợ diêm dân bảo tồn và phát triển nghề Muối truyền thống, khai thác các tiềm năng ở các vùng, miền để đa dạng hóa các sản phẩm muối, đáp ứng các nhu cầu trong nước và xuất khẩu, nâng cao giá trị hạt muối, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, tạo công ăn việc làm cho diêm dân, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1325/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 phê duyệt Đề án phát triển ngành Muối giai đoạn 2021-2030. Theo đó, mục tiêu của Đề án là phát triển ngành Muối theo hướng hiệu quả, bền vững trên cơ sở tận, dụng tối đa lợi thế của các địa phương có truyền thống sản xuất muối để nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa các loại sản phẩm về muối nhằm đáp ứng nhu cầu muối trong nước, hướng đến xuất khẩu muối và tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của người dân làm muối.

Nhiệm vụ của đề án là: (i) Đầu tư phát triển, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến muối để nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm muối; (ii) Khuyến khích, khôi phục và bảo tồn phát triển làng nghề sản xuất muối truyền thống; (iii) Đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất muối quy mô công nghiệp đáp ứng nhu cầu ngành công nghiệp hóa chất, chế biến muối tinh cao cấp tại các tỉnh: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.

Đối với sản xuất muối theo công nghệ thủ công, nhiệm vụ của Đề án tập trung vào: i) Xây dựng mô hình liên kết sản xuất muối theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, diêm dân; ii) Nghiên cứu ứng dụng công nghệ kết tinh muối bằng hiệu ứng nhà kính nhằm giảm thiểu rủi ro do biến đổi khí hậu; iii) Nghiên cứu, hỗ trợ xây dựng thí điểm mô hình sản xuất muối kết hợp du lịch, nghỉ dưỡng tại các làng nghề muối để quảng bá và tiêu thụ muối.

Thực hiện Quyết định số 1325/QĐ-TTg, Bộ NN&PTNT đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện (theo Quyết định số 766/QĐBNN-KTHT ngày 24/02/2021) nhằm thực hiện có hiệu quả Đề án trên cơ sở cụ thể hoá các nhiệm vụ, công tác được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Kế hoạch của Bộ NN&PTNT đã tập trung vào các nhiệm vụ cần thực hiện gồm: i) Thông tin tuyên truyền; ii) Đầu tư phát triển sản xuất muối gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ; iii) Nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến muối; iv) Khôi phục, bảo tồn và phát triển làng nghề sản xuất muối truyền thống, đa dạng hóa các sản phẩm từ muối gắn với du lịch nông thôn tại các địa phương; v) Đào tạo nguồn nhân lực; vi) Phát triển sản phẩm và xúc tiến thương mại; vii) Củng cố và phát triển HTX nghề muối và xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm muối.

Cánh đồng muối ở Cà Ná - Ninh Thuận.

Thực trạng và hoạt động của các HTX muối

Tình hình hoạt động của HTX muối:

Tính đến tháng 6/2022, cả nước có 36 HTX hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ  trong sản xuất muối (gọi là HTX muối) và 2 THT là THT sản xuất muối Hải Đông (Nam Định) và THT sản xuất muối Tri Hải (Ninh Thuận). Tỉnh Nghệ An có số lượng HTX muối nhiều nhất cả nước với 12 HTX; còn lại các tỉnh còn lại có từ 1-3 HTX muối. Bình quân mỗi HTX muối có 287 thành viên, chủ yếu là các hộ diêm dân sản xuất trên các cánh đồng muối. 

Trung bình mỗi HTX có 45,44ha đất sản xuất muối. Theo báo cáo của các địa phương, đất sản xuất muối của các hộ diêm dân đều được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân tham gia vào HTX thông qua việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất. 

Tổng số vốn điều lệ bình quân/ HTX là 453 triệu đồng, bao gồm vốn do thành viên HTX góp hoặc cam kết góp trong một thời hạn nhất định và được ghi vào điều lệ HTX. Tổng giá trị tài sản hiện tại bình quân/HTX là 44,3 tỷ đồng; trong đó tổng giá trị tài sản chung không chia hiện tại bình quân/HTX là 3,7 tỷ đồng. Các tài sản chung không chia của HTX chủ yếu gồm trụ sở, nhà kho, hệ thống thủy lợi, đường điện được nhà nước giao quản lý. Chỉ có 14 HTX có hệ thống nhà kho để bảo quản, chứa muối sau khi thu hoạch. Việc sử hữu kho chứa, bảo quản muối giúp HTX chủ động trong sản xuất, hạn chế tổn thất muối sau thu hoạch, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Về hoạt động kinh doanh, dịch vụ của các HTX muối: Trong số các HTX muối trên cả nước, có 19/36 HTX (chiếm tỷ lệ 52,8%) có hoạt động cung ứng vật tư đầu vào cho thành viên như: bạt trải nền ô kết tinh, cát giống, dụng cụ, trang thiết bị phục vụ quá trình sản xuất muối. Có 18/36 HTX có hoạt động tiêu thụ sản phẩm muối cho thành viên, điển hình như: HTX DV diêm nghiệp thủy sản và môi trường Bạch Long- Nam Định; HTX muối Tam Hòa, HTX muối Hải Lộc - Thanh Hóa, HTX sản xuất muối và DVTH Đỉnh Bàn - Hà Tĩnh,…. Chỉ có duy nhất HTX muối Quảng Phú (Quảng Bình), ngoài cung ứng vật tư đầu vào, tiêu thụ sản phẩm muối cho thành viên, HTX còn có hoạt động chế biến muối với các sản phẩm là muối hạt sạch, muối i ốt, muối tinh. Ngoài hoạt động sản xuất, dịch vụ muối, một số HTX còn vừa sản xuất muối vừa nuôi trồng thủy sản. Điển hình là 3 HTX tại tỉnh Sóc Trăng vừa sản xuất muối, vừa nuôi Tôm và nuôi Artemia; 2 HTX tại tỉnh Bạc Liêu vừa sản xuất muối vừa nuôi Artemia.

Về kết quả, hiệu quả hoạt động của các HTX muối: Tổng doanh thu bình quân/HTX năm 2021 đạt khoảng 3,57 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là từ muối. Với sản lượng muối bình quân/HTX là 3.240 tấn, giá bán muối dao động từ 350 - 2.300 đồng/kg đã đem lại nguồn thu quan trọng và chủ yếu của các HTX sản xuất muối. Trong tổng số 36 HTX muối, có 4 HTX được xếp loại Tốt (chiếm tỷ lệ 11,11%); 12 HTX xếp loại Khá (chiếm tỷ lệ 33,33%); 14 HTX xếp loại Trung bình (chiếm tỷ lệ 38,89%); có 1 HTX xếp loại Yếu kém (chiếm tỷ lệ 2,78%). Có 2 HTX mới thành lập, chưa đủ 12 tháng hoạt động nên chưa đủ điều kiện xếp loại, đánh giá. Và 3 HTX không thực hiện báo cáo, xếp loại.

Khó khăn, hạn chế của các HTX muối:

Đa số hộ dân sản xuất muối thủ công, nhỏ lẻ, manh mún và tự phát. Phần lớn bà con diêm dân chưa nhận thức cao về hình thức tổ chức liên kết trong sản xuất như: thành lập THT, HTX, xây dựng cánh đồng sản xuất lớn… Do đó, còn gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận với các chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ quản lý HTX còn hạn chế, không ổn định việc làm lâu dài trong HTX: Mặc dù đội ngũ cán bộ HTX có tâm huyết, làm việc vì lợi ích của HTX và cộng đồng. Tuy vậy, do trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ quản lý HTX còn thấp, chưa qua đào tạo mà chỉ làm việc theo kinh nghiệm; thù lao cán bộ quản lý thấp cũng là một nhân tố ảnh hưởng lớn đến chất lượng công tác quản lý HTX, khó thu hút được cán bộ trẻ có năng lực, được đào tạo chuyên môn về làm việc cho HTX.  

Phần lớn các HTX chưa xây dựng được phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh muối trung và dài hạn. Hoạt động sản xuất, kinh doanh muối của HTX chưa gắn với thị trường để tăng thu nhập cho các thành viên và tích lũy cho HTX. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các HTX vẫn mang tính ngắn hạn, chưa HTX nào có được phương hướng, kế hoạch sản xuất kinh doanh, dịch vụ dài hạn, do đó các hoạt động kinh tế của HTX thiếu ổn định, bị động, lợi ích mang lại cho các thành viên cũng như tích lũy cho HTX không đáng kể. Việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ muối chủ yếu do hộ diêm dân tự thực hiện.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các HTX kém hiệu quả, không đồng đều, chưa tạo được mối quan hệ bền vững dựa trên cơ chế phân bổ lợi nhuận theo chuỗi giá trị từ sản xuất tới lưu thông, giữa “Diêm dân - HTX - Doanh nghiệp”; nhiều HTX không đủ năng lực cạnh tranh với tư thương trong hoạt động kinh doanh muối. Hiện chỉ có 4 HTX và 1 THT có hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm với các Công ty chế biến muối đó là: i) THT muối Hải Đông và HTX DV diêm nghiệp thủy sản và môi trường Bạch Long (Nam Định) liên kết với Công ty CP Muối và Thương mại Nam Định; ii) HTX  muối Tam Hòa và HTX muối Hải Lộc (Thanh Hóa) liên kết với Công ty CP Visaco; iii) HTX sản xuất muối và DV tổng hợp Đỉnh Bàn (Hà Tĩnh) liên kết với Công ty CP Muối và Thương mại Hà Tĩnh.

Hạn chế về vốn: Thiếu vốn nên các HTX không thể phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ cho các thành viên; bỏ qua các cơ hội kinh doanh và chưa thực hiện được các dự án đầu tư mới cũng như đầu tư chiều sâu để hiện đại hóa các hoạt động kinh doanh của HTX. Ngoài ra, các HTX chưa thực hiện được dịch vụ tín dụng nội bộ, chưa huy động được vốn từ các thành viên.

Các cơ sở chế biến, doanh nghiệp chế biến muối chưa quan tâm đến việc liên kết tiêu thụ sản phẩm cho diêm dân, HTX, THT sản xuất muối. Do nguồn nguyên liệu muối dùng cho chế biến muối có giá rẻ, dễ thu mua. Thậm chí nhiều cơ sở chế biến, doanh nghiệp nhập khẩu muối nguyên liệu từ Trung Quốc, Ấn Độ,… mà không muốn thu mua muối sản xuất trong nước. Vì muối nhập khẩu có giá rẻ, dễ nhập, chất lượng tốt, hàm lượng tạp chất rất thấp, hạt muối rắn chắc nên tổn hao trong quá trình chế biến thấp.

Công tác quản lý, điều hành thị trường, phối hợp giữa các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương còn có những bất cập, nhất là khâu quản lý nhập khẩu muối chưa chặt chẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất muối trong nước.

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị muối

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong việc sử dụng muối an toàn thực phẩm và có lợi cho sức khỏe bằng cách sử dụng muối được sản xuất từ nước biển bằng phương pháp phơi cát, có hàm lượng NaCl thấp, nhiều vi chất có lợi cho sức khỏe. Không sử dụng muối khai thác từ mỏ muối hoặc muối biển sản xuất bằng phương pháp công nghiệp có hàm lượng NaCl cao, chứa kim loại nặng, không có vi chất.

Hai là, bố trí nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến và thương mại sản phẩm muối, nhất là các công trình thủy lợi, giao thông; ưu tiên đầu tư vùng sản xuất nguyên liệu muối có sự tham gia của các HTX, liên kết với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu.

Ba là, đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu muối quốc gia. Củng cố, phát triển các thương hiệu muối đã có; xây dựng mới các thương hiệu đối với các sản phẩm muối có nhiều lợi thế. 

Bốn là, xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành giữa các cơ quan chức năng nhằm kiểm soát và minh bạch nguồn gốc muối, đặc biệt đối với muối công nghiệp nhập khẩu.
Năm là, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất muối: i) Tiếp tục thành lập mới các HTX, THT mới trên cơ sở nhu cầu của hộ diêm dân, nhu cầu liên kết của các doanh nghiệp chế biến, thương mại muối; ii) Củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động cho các HTX, THT muối; iii) Hỗ trợ các HTX, THT muối tham gia các dự án, kế hoạch liên kết sản xuất- tiêu thụ muối với các doanh nghiệp theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP; iv) Hỗ trợ HTX, THT đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, tham gia làm chủ thể OCOP đối với sản phẩm muối; v) Xây dựng các mô hình HTX muối điển hình trong tổ chức sản xuất, liên kết tiêu thụ.