Mùa mưa bão, cẩn trọng với vị trí đỗ xe ô tô nếu không muốn "mất trắng" tài sản

Mỗi mùa mưa bão, không ít chủ xe rơi vào cảnh "xót xa" khi phương tiện bị cây xanh đè trúng giữa đường hoặc ngay tại nơi đỗ. Thiệt hại tài sản có thể lên tới hàng trăm triệu đồng, nhưng không phải ai cũng biết cách bảo vệ phương tiện đúng cách hoặc xử lý sau tai nạn thiên tai.

Cây đổ đè ô tô giữa trung tâm Đà Lạt

Sáng sớm 21/7, một cây thông cao khoảng 15m đã bất ngờ đổ xuống do mưa lớn và gió giật tại công viên Xuân Hương (phường Xuân Hương, TP Đà Lạt), đè lên ô tô của người dân đang đỗ bên lề đường. 

Cách đó không xa, một cành thông khác cũng gãy ngang, tiếp tục làm hư hỏng thêm một xe ô tô khác. Rất may không có thiệt hại về người, nhưng hai phương tiện đã bị hư hỏng đáng kể.

cay-dolam-dongjpg-1753065421140
 

Đây không phải là sự cố cá biệt. Do ảnh hưởng của bão số 3 (Wipha), nhiều địa phương tại Lâm Đồng như Bảo Lộc, Bảo Lâm cũng ghi nhận tình trạng cây cối, trụ điện bị đổ ngã hàng loạt.

Thiệt hại không chỉ dừng lại ở phương tiện giao thông mà còn ảnh hưởng đến hoa màu, cơ sở hạ tầng và tài sản cá nhân. Trong bối cảnh thời tiết cực đoan ngày càng khó lường, người dân - đặc biệt là chủ xe - cần chủ động hơn trong việc phòng tránh thiệt hại do thiên tai.

Chọn vị trí đỗ xe an toàn trong mùa mưa bão

Nhiều người có thói quen đỗ xe dưới bóng cây để tránh nắng, hoặc thuận tiện khi vào nhà, quán ăn, điểm tham quan. Tuy nhiên, đây lại là một trong những vị trí tiềm ẩn rủi ro lớn nhất khi có giông lốc, mưa lớn.

Các chuyên gia giao thông cảnh báo, vào mùa mưa bão, tuyệt đối không nên đỗ xe dưới các tán cây cổ thụ, cây lâu năm có tán rộng, hoặc gần trụ điện, biển quảng cáo, công trình xây dựng tạm bợ.

cay-dolam-dong2jpg-1753065493520
 

Thay vào đó, chủ xe nên ưu tiên các bãi đỗ xe tầng hầm, nhà xe có mái che hoặc khu vực trống, không có vật thể cao dễ đổ ngã. Việc đỗ xe ở nơi an toàn không chỉ giúp tránh được nguy cơ cây đổ mà còn hạn chế nguy cơ nước tràn vào xe, đặc biệt với các tuyến phố hay bị ngập sâu khi mưa lớn.

Bảo hiểm ô tô: Có cũng như không nếu không hiểu rõ quyền lợi

Trong các trường hợp xe bị cây đè, rất nhiều chủ xe băn khoăn liệu bảo hiểm có chi trả hay không. Câu trả lời là có, nhưng chỉ khi người dùng đã mua bảo hiểm vật chất cho xe - một gói bảo hiểm tự nguyện, không bắt buộc như bảo hiểm trách nhiệm dân sự. 

Đặc biệt, trong hợp đồng bảo hiểm vật chất, chủ xe cần kiểm tra kỹ các điều khoản loại trừ, bởi một số công ty không chi trả thiệt hại do thiên tai nếu không mua thêm điều khoản mở rộng.

Sau khi sự cố xảy ra, chủ xe cần ngay lập tức ghi hình hiện trường, liên hệ với công ty bảo hiểm để được hướng dẫn chi tiết. Nếu không thu thập đủ chứng cứ hoặc chậm trễ báo tin, quá trình giám định và chi trả có thể bị kéo dài, thậm chí từ chối.

o-to-17529844311861475957441
 

Cần chủ động thay đổi thói quen và chuẩn bị kỹ trước mùa mưa bão

Bên cạnh việc chọn vị trí đỗ xe an toàn và mua bảo hiểm đầy đủ, chủ xe cũng nên chủ động theo dõi các bản tin thời tiết, đặc biệt là những ngày có cảnh báo mưa lớn, gió giật mạnh. Hạn chế ra ngoài nếu không cần thiết và luôn chuẩn bị sẵn các phương án di dời xe khi cần thiết.

Ngoài ra, các đô thị cần tăng cường rà soát, cắt tỉa cây xanh định kỳ, thay thế cây đã mục rỗng hoặc có dấu hiệu gãy đổ. Đây là biện pháp lâu dài, mang tính bền vững trong việc phòng tránh sự cố, bảo vệ an toàn cho người dân và tài sản.

Bão số 3 Wipha áp sát vịnh Bắc Bộ, cảnh báo mưa lớn diện rộng

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, vào lúc 7h sáng nay, tâm bão đang nằm trên khu vực phía bắc bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), cách đất liền Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 220 km về phía đông.

Bão duy trì cường độ mạnh với sức gió tối đa đạt 88 km/h (cấp 9), giật tới cấp 11. Dự báo trong những giờ tới, bão tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây nam với vận tốc từ 15-20 km/h.

Anh-chup-Man-hinh-2025-07-21-l-9
 

Theo dự báo, đến 7h ngày 22/7, bão sẽ mạnh lên cấp 10-11, giật cấp 14 khi di chuyển vào khu vực phía bắc Vịnh Bắc Bộ và có khả năng tiếp tục gia tăng cường độ. Sau đó, bão dự kiến đi vào đất liền các tỉnh từ Thanh Hóa đến Nghệ An rồi suy yếu dần, chuyển thành vùng áp thấp trên khu vực Thượng Lào.

Các đài khí tượng quốc tế cũng đưa ra nhận định khác nhau: Đài Nhật Bản dự báo bão có thể mạnh trở lại 108 km/h khi áp sát Quảng Ninh - Hải Phòng, trong khi Đài Hong Kong cho rằng tâm bão có thể đi vào khu vực Ninh Bình - Thanh Hóa.

Do ảnh hưởng bão, khu vực tây bắc Biển Đông và Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 7-11, giật cấp 14, sóng cao 3-5 m. Vùng ven biển từ Hưng Yên đến Quảng Ninh có thể xuất hiện nước dâng do bão từ 0,5-1 m, mực nước tại các trạm ven biển dự báo cao từ 3,6 đến 4,8 m, nguy cơ ngập úng cao vào chiều 22/7.

Từ đêm 21/7, khu vực ven biển và nội địa từ Quảng Ninh đến Nghệ An có gió mạnh cấp 7-11, giật cấp 14. Mưa lớn diện rộng xảy ra trong ba ngày 21-23/7, với lượng mưa 200-350 mm, cục bộ trên 600 mm, gây nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất và ngập úng.

Chính phủ và các địa phương như Quảng Ninh, Ninh Bình, Hải Phòng, Hưng Yên đã triển khai lệnh cấm biển, sơ tán dân và họp trực tuyến để chủ động ứng phó với bão.