Lựa chọn cây trồng vụ đông cho giá trị kinh tế cao

18/12/2022 12:02

Với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và thời tiết không được thuận lợi so với các địa phương khác, nhưng bà con nông dân ở Nghệ An đã lựa chọn nhiều loại cây màu vụ đông phù hợp, vừa cho năng suất, vừa cho giá trị cao.

Mở rộng vùng trồng khoai tây trên đất cát

Từ thành công ban đầu khi trồng loại khoai tây trên vùng đất Diễn Châu ở vùng Diễn Phong, Diễn Thịnh, cây khoai tây đã mở rộng lên hàng trăm héc-ta tại vùng bãi ngang Diễn Châu, vùng đất bãi các huyện Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Thanh Chương...

Vườn khoai tây của bà Hồ Thị Diên, xóm 7, xã Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Lưu.mới xuống giống hơn 1 tháng nhưng gặp phải trận mưa lớn từ 23-25/11/2022 - Ảnh: Nguyễn Hải

Năm 2022, được sự đồng ý của tỉnh và các địa phương, diện tích vùng nguyên liệu tiếp tục được doanh nghiệp mở rộng bằng chính sách hỗ trợ về giống và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.

Khi triển khai trồng giống khoai tây này, nhiều hộ dân trồng khoai tây tại xã Quỳnh Minh và xã Quỳnh Nghĩa cho biết, do đã trồng nhiều cây rau màu nên cũng không bỡ ngỡ lắm với cây khoai tây. Điều mà người dân quan tâm khi nhận làm mô hình là đảm bảo đầu ra được ổn định, để bà con có thêm lựa chọn và đa dạng hóa cây màu trong vụ đông - xuân.

Xã Thượng Tân Lộc (Nam Đàn) lâu nay người dân vùng đất bãi bồi ven sông chỉ quen trồng ngô sinh khối, đậu tương hoặc lạc xuân sớm để kịp luân canh gối vụ. Tuy nhiên, năm nay được sự động viên của huyện và xã, bà con xóm Đại Đồng cũng mạnh dạn đăng ký nhận giống khoai tây đưa về trồng

Gia đình Ông Nguyễn Hữu Tình - Trưởng thôn Đại Đồng, xã Thượng Tân Lộc (Nam Đàn) cho biết: Khoai tây mới xuống giống gần 2 tháng, kế hoạch ban đầu trồng 6 ha nhưng do mưa lụt nên chỉ trồng được 4 ha. Khoai tây rất dễ chăm sóc, chi phí ít, ông cũng như bà con mong loại cây trồng mới thành công để nhân rộng thêm.

Mô hình trồng khoai tây xen cùng nhiều loại cây vụ đông khác của ông Hồ Bá Thăng - Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu). Ảnh: Nguyễn Hải

Ông Nguyễn Anh Hùng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu chia sẻ: Trên cơ sở các chính sách hỗ trợ của tỉnh và huyện, sự kết nối của doanh nghiệp, Trung tâm đã phối hợp với các HTX dịch vụ nông nghiệp tổ chức tập huấn, vận động bà con. Sau khi được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, các HTX mạnh dạn đứng ra kết nối với doanh nghiệp và đưa giống khoai tây về trồng. Đến thời điểm này, sau 1 tháng xuống giống, mặc dù diện tích trồng mới chỉ hơn 5 ha, nhưng có thể thấy đây là cây trồng vụ đông khá tiềm năng và được bà con đánh giá cao.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết trong thời gian vừa qua không thuận lợi, mưa nhiều nên diện tích trồng khoai tây bị ảnh hưởng, diện tích trồng còn manh mún, chưa tập trung nên đầu tư hệ thống bơm tưới rất khó. Khoai tây không chịu được ngập úng nhưng khi thời tiết hanh khô thì phải tưới nước thường xuyên để bộ rễ củ phát triển và hạn chế sương muối…

Người dân Diễn Hùng, Diễn Châu tưới nước thường xuyên để hạn chế sương muối làm hại lá khoai tây. Ảnh: Nguyễn Hải

Ông Phan Duy Hải - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, giá giống là trở ngại lớn mỗi khi tính chuyện mở rộng diện tích. Năm vừa qua, mặc dù tỉnh đã có chính sách hỗ trợ riêng cho khoai tây nhưng mức kinh phí chỉ 2,5 tỷ đồng chia ra trên toàn tỉnh là không đáng kể. Giá khoai tây thành phẩm bán trên thị trường chỉ 7.000- 8.000 đồng/kg nhưng khoai tây giống từ 21-22 ngàn đồng/kg. Mỗi sào cần khoảng 70 kg khoai tây giống, tương đương với 1,5 triệu đồng, đây là khoản chi phí không nhỏ đối với nông dân.

Vì thế muốn mở rộng diện tích trồng khoai tây này, ngoài việc phải quy hoạch được vùng trồng, đầu tư khoa học kỹ thuật trong khâu chăm sóc rất cần sự hỗ trợ của nhà nước về giống và tìm nguồn tiêu thụ cho bà con nông dân. Hiện tại người dân được hỗ trợ 50% chi phí giống và doanh nghiệp đầu tư ứng trước cho nông dân theo nguyên tắc quy đổi, cung cấp 1 kg giống thì khi thu mua sẽ trả 2,7 kg khoai thành phẩm. Hiện tại do được nhà nước hỗ trợ 50% giống và doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm nên người dân đang mạnh dạn làm thử nhưng nếu tỉnh, huyện không có cơ chế hỗ trợ và giá khoai tây giống vẫn quá cao như hiện nay thì cũng khó mở rộng diện tích.

Thu nhập khá từ loại cây bán được cả lá lẫn củ

Tại vùng đất Hưng Tân (Hưng Nguyên, Nghệ An) từ 3 năm nay, do phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nên cây tỏi tía ở làng Đông có mùi vị thơm, nhiều tinh dầu so với tỏi cùng loại trồng ở nơi khác. Đến mùa thu hoạch, thương lái “tranh mua” ngay tại ruộng với giá cao…

Cây tỏi tía bén đất làng Đông đã 3 năm nay. Ảnh: Thanh Phúc

Ông Phan Thanh Hà - Xóm trưởng làng Đông chia sẻ: “Trước đây, toàn bộ vùng đất màu này người dân trồng rau, ngô, lạc, có năm thì bí xanh. Tuy nhiên, do các loại rau màu vào vụ đông thu hoạch rộ, giá trị không cao, có những lúc ế ẩm nên người dân chuyển sang trồng tỏi tía. Ban đầu, chỉ một vài hộ trồng thử nghiệm, thấy cây tỏi hợp đất, cho năng suất và giá trị kinh tế cao nên dần dần, các hộ khác trong làng đều chuyển đổi sang trồng tỏi”.

Hộ gia điình ông Nguyễn Trọng Thịnh cho biết: "Như gia đình tôi chỉ còn 2 ông bà già ở nhà, nếu làm 2 sào rau sẽ phải quần quật ngoài ruộng từ sáng tới tối mịt, nhưng làm tỏi thì nhẹ nhàng hơn”.

Với giá bán 30.000 đồng/kg tỏi tươi và 55.000 đồng/kg tỏi khô, mỗi sào tỏi người dân có thu nhập 15-20 triệu đồng.  Ảnh: Thanh Phúc

Tỏi tía là giống cây có khả năng chịu lạnh và ưa nhiệt độ mát, chịu hạn kém, thời vụ trồng tỏi tía thích hợp nhất là từ tháng 9 âm lịch và cho thu hoạch vào trước hoặc sau Tết Nguyên đán.

Đất cát pha thịt, tơi xốp giàu mùn, dễ thoát nước, độ chua 6 - 6,5 rất phù hợp với việc trồng tỏi tía, kỹ thuật trồng khá đơn giản. Theo đó, mỗi sào (Bắc Trung Bộ) sẽ cần 50 kg tỏi tía giống. Khoảng cách giữa các cây tỏi là 10 - 15 cm, hàng cách hàng khoảng 20 cm, ấn sâu xuống đất 2/3 chiều cao của nhánh tỏi, phủ đất nhỏ lên trên. Sau đó, dùng rơm rạ phủ lên trên để tạo độ ẩm, độ xốp, ngăn cỏ dại. Cây tỏi không cần phân bón hóa học mà chủ yếu là phân chuồng ủ hoai mục nên tiết kiệm được chi phí sản xuất, Thời gian sinh trưởng của cây tỏi kéo dài 3 - 4 tháng là cho thu hoạch, trong thời gian đó, chỉ có 3 - 4 lần làm cỏ, bón phân.

Theo tính toán của người dân, trồng tỏi tía vốn đầu tư không nhiều nhưng hiệu quả kinh tế mang lại cao gấp 3 lần so với trồng các loại hoa màu khác. Mỗi sào tỏi tía có năng suất bình quân khoảng 20.000 củ (tương đương với 3,5 tạ tỏi khô); với giá bán 50.000 đồng/kg, doanh thu mang lại khoảng 20 triệu đồng/sào. Sau khi trừ chi phí người nông dân lãi gần 15 triệu đồng.

Trồng tỏi không tốn công chăm sóc, chi phí đầu tư cũng không nhiều. Ảnh: Thanh Phúc

“Ngoài thu nhập cao hơn thì “khoẻ bụng” nhất là không phải lo đầu ra. Nếu được giá thì nhổ bán cây, mỗi cây 2.000 đồng làm rau thơm; còn khi thu hoạch củ, do trồng theo hướng hữu cơ nên tỏi thơm, ngon, an toàn nên nhổ được chừng nào bán hết chừng đó, bán tỏi tươi ngay tại ruộng. Còn vụ nào tỏi giá thấp thì mang về phơi khô, tỏi cũng dễ bảo quản nên chờ được giá mới bán nên không lo ế ẩm, hư hỏng”, bà Nguyễn Thị Thanh, hộ dân làng Đông trồng 2 sào tỏi tía cho biết.

Vụ Đông có rất nhiều loại cây rau màu cho giá trị cao, phù hợp với nhiều vùng thổ những khác nhau, chi phí chăm sóc ở một số loại không cần nhiều nhưng đem lại giá trị cao cho người nông dân. Muốn vậy các cơ quan chức năng phải giúp đỡ người dân tìm hiểu và lựa chọn được đúng loại cây trồng phù hợp trên vùng đất của mình, để vừa tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao, có nguồn tiêu thụ, đồng thời giúp cho bà con nông dân xóa được đói, giảm được nghèo.

TH
Bạn đang đọc bài viết "Lựa chọn cây trồng vụ đông cho giá trị kinh tế cao" tại chuyên mục Chính sách – Sự kiện. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309