Làng nghề Sơn Đồng: Thiên đường, thủ phủ về tạc tượng Việt Nam

24/09/2023 05:46

Làng nghề Sơn Đồng (xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Hà Nội) đã tạo dựng được thương hiệu là “thiên đường”, “thủ phủ” về tạc tượng và đồ thờ cúng ở Việt Nam với lịch sử khoảng 800 năm. Tuy nhiên, để làng nghề phát triển bền vững thì chính quyền và nhân dân còn nhiều việc phải làm.

Không thể phủ nhận giá trị kinh tế của làng nghề đã mang lại cuộc sống ấm no, đủ đầy cho người dân trong làng Sơn Đồng. Có về Sơn Đồng mới thấy bộ mặt làng quê xứ Đoài ngày càng đổi mới, phát triển. Theo số liệu thống kê thì hiện làng nghề có hơn 400 hộ còn giữ nghề, với hơn 4.000 người, chiếm khoảng 80-90% dân số của xã. Những người dân làng Sơn Đồng mà chúng tôi gặp, tìm hiểu đều cho rằng: “Tuy độc hại nhưng nghề này đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các nghề khác. Và làm công việc không chỉ về vấn đề kinh tế mà còn là giữ gìn nghề truyền thống cho làng quê, gia đình, dòng tộc”.

p5-1702766847.jpg
Xưởng sản xuất của anh Đăng Văn Liêm

Nhanh nhẹn, hoạt bát tiếp chúng tôi tại xưởng của gia đình, anh Đăng Văn Liêm (sinh năm 1990) cho biết, anh đến với nghề từ năm 15 tuổi. Theo anh Liêm chia sẻ thì nhà anh có khoảng 40 thợ chia làm 2 xưởng mộc và sơn. Thu nhập của thợ chính khoảng 500.000 đồng/ngày còn thợ phụ là khoảng 270.000 đồng/ngày. Trong số thợ của gia đình đa phần ở độ tuổi từ 30 đến 50 và chủ yếu là người làng, lác đác cũng có những người thợ ở nơi khác đến. “Nếu làm phép so sánh thì so với cấy lúa hay làm công việc chân tay khác thì đây là số tiền khá cao. Vì thế mà nhiều gia đình đã có của ăn, của để, có nhà cao, cửa rộng. Hiện nay cũng có nhiều người làng cùng lứa tuổi như tôi học hành cao, có công việc ổn định trên thành phố nhưng họ vẫn đau đáu, tiếc nuối khi không được làm nghề ông cha”, anh Liêm nhấn mạnh.

Những người trẻ ở làng Sơn Đồng đã lập nên một nhóm riêng để thường xuyên trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, buôn bán với nhau. Với họ việc bắt tay cùng nhau liên kết là hướng đến sự phát triển chung. “Chúng tôi có nguyên tắc là cùng nhau hòa thuận và phát triển. Trong đó chú trọng áp dụng công nghệ, như lập các trang web giới thiệu sản phẩm qua mạng để lan tỏa rộng rãi hơn. Làng nghề đã có thương hiệu nhưng trách nhiệm của những người trẻ như chúng tôi là phải phát huy điều đó và không ngừng sáng tạo ra những sản phẩm đẹp, tốt, chất lượng và hợp với thời đại”, anh Liêm chia sẻ.

p6-1702766937.jpg
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Viết Thạnh chế tác tượng

Trước đó, tại đây đã thành lập Hiệp hội làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng do Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Viết Thạnh làm Chủ tịch. Theo Nghệ nhân Nguyễn Viết Thạnh, Hiệp hội với chức năng tập hợp, đào tạo, bồi dưỡng những người làm nghề trong làng để tạo ra một khối đoàn kết, vững mạnh hướng đến cái chung. Với 51 hội viên ban đầu, đến nay số hội viên chính thức của Hiệp hội tăng lên hơn 500 và số hội viên trực thuộc lên đến hơn 2.000 người. Số lượng hội viên không ngừng tăng lên thể hiện uy tín của Hiệp hội cũng như uy tín của làng nghề và là “ngôi nhà chung” ấm tình với những người làm nghề.

Ông Nguyễn Viết Hùng, Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng cũng chia sẻ: "Làm nghề trước mắt là từ cái tâm của mình. Chúng tôi luôn nhắc nhở những người làm nghề, dù tiền là quý nhưng chữ tín còn quý hơn rất nhiều. Bởi chữ tín phải xây dựng, đắp bồi trong rất nhiều năm và phải mất rất nhiều công sức, tâm huyết. Đó chính là đưa đến cho làng nghề sự phát triển bền vững. Chính quyền xã cũng đang tiếp tục đề nghị với các cấp để thực hiện dự án phát triển làng nghề truyền thống, phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập nhiều hơn nữa cho người dân địa phương. Đặc biệt, xã cũng đang tập trung tuyên truyền, vận động cho các hộ sản xuất đăng ký sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) 2023 để thương hiệu làng nghề Sơn Đồng càng nổi tiếng hơn nữa”.

p8-1702767033.jpg
Một người thợ làng nghề Sơn Đồng đang chế tác tượng

Theo Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội đánh giá, dù làng nghề Sơn Đồng đã có lịch sử truyền thống lâu đời, tuy nhiên trong thời đại hiện nay với những xu thế mới, người dân làng quê này cần phải thích ứng linh hoạt, sáng tạo, đổi mới không ngừng. Cụ thể như việc cho ra mẫu mã phải đẹp, đa dạng và tinh xảo hơn. Phải chinh phục được những khách hàng, thị trường ngày càng khó tính hơn. Chi cục cũng hỗ trợ xúc tiến thương mại sản phẩm thông qua các hội chợ triển lãm, sự kiện, tuần hàng để Sơn Đồng có thể phát triển xứng tầm với những danh hiệu như thiên đường, thủ phủ về tạc tượng và đồ thờ cúng ở Việt Nam.

---

Bài viết có sự phối hợp của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội

Vân Thanh
Bạn đang đọc bài viết "Làng nghề Sơn Đồng: Thiên đường, thủ phủ về tạc tượng Việt Nam" tại chuyên mục Chính sách – Sự kiện. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309