Tại Hà Nội, TP.HCM và nhiều đô thị khác, việc thúc đẩy chuyển đổi phương tiện cá nhân từ xăng sang điện không chỉ là chủ trương mà đang dần trở thành hiện thực. Các lộ trình hạn chế xe máy xăng đã được công bố và sẽ có hiệu lực từ năm 2026 trở đi.
Điều này khiến nhiều người tiêu dùng bắt đầu tìm hiểu, cân nhắc và chọn mua xe điện như một giải pháp thích nghi với quy định mới, đồng thời hưởng lợi từ việc tiết kiệm chi phí vận hành, bảo vệ môi trường và hạn chế tiếng ồn.

Tuy nhiên, để xe máy điện thực sự trở thành phương tiện thay thế hiệu quả, người dùng cần chủ động trang bị kiến thức, thay đổi thói quen lái xe và học cách khai thác tối đa ưu điểm của loại phương tiện này.
Thay đổi lớn nhất: Từ động cơ xăng sang pin và mô-tơ điện
Điểm khác biệt rõ ràng giữa xe máy điện và xe máy truyền thống chính là hệ thống động cơ. Trong khi xe máy xăng sử dụng động cơ đốt trong, vận hành bằng việc đốt nhiên liệu hóa thạch thì xe máy điện lại hoạt động dựa trên mô-tơ điện, lấy năng lượng từ pin hoặc ắc-quy.
Sự khác biệt này kéo theo một loạt yêu cầu mới cho người dùng, đặc biệt là việc phải chú ý đến dung lượng pin và thời gian sạc. Trong khi đổ xăng chỉ mất vài phút tại bất kỳ cây xăng nào, thì với xe máy điện, người dùng cần tính toán thời gian sạc - thường kéo dài từ 4 đến 10 giờ - và phải chủ động theo dõi mức pin.
-171831.jpg)
Một thói quen quan trọng là nên sạc xe vào buổi tối trước khi đi ngủ. Việc này không chỉ giúp tận dụng thời gian rảnh, mà còn đảm bảo xe sẵn sàng cho ngày hôm sau. Bên cạnh đó, việc cài đặt trạm sạc tại nhà hoặc nơi làm việc đang dần trở nên cần thiết, nhất là với người sử dụng xe điện thường xuyên.
Cẩn trọng khi lái xe: Động cơ điện tăng tốc tức thì
Không giống như xe máy xăng phải mất vài giây để đạt công suất tối ưu, mô-tơ điện trên xe máy điện có thể đạt mô-men xoắn tối đa ngay khi người lái vặn ga. Đây là một ưu điểm về hiệu suất, nhưng cũng là một nguy cơ tiềm ẩn với những ai chưa quen.
Việc xe vọt lên quá nhanh khi mới khởi hành có thể khiến người điều khiển giật mình hoặc mất kiểm soát. Vì vậy, các chuyên gia khuyên người dùng nên luyện thói quen vặn ga từ tốn, nhất là trong điều kiện đường đông hoặc khi bắt đầu di chuyển.
-171836.jpg)
Thêm vào đó, nếu đã quen kiểu "nhích nhẹ" trên xe xăng thì với xe điện, việc làm chủ tay ga cần sự tinh tế hơn để tránh tăng tốc đột ngột, nhất là khi di chuyển trong ngõ nhỏ hoặc khu dân cư.
Hệ thống phanh điện tử: Hiểu để tránh lỗi vận hành
Hầu hết các dòng xe máy điện phổ biến hiện nay đều được trang bị phanh điện tử tích hợp cảm biến ngắt mô-tơ khi người lái bóp phanh. Cơ chế này được thiết kế nhằm bảo đảm rằng xe giảm tốc hiệu quả và an toàn, không để mô-tơ tiếp tục tạo lực đẩy trong khi người điều khiển đang muốn phanh.
Điều đó đồng nghĩa, khi phanh xe điện, người dùng cần chắc chắn đã giảm ga hoàn toàn. Nếu vẫn giữ ga khi bóp phanh, hệ thống có thể hiểu sai tín hiệu, làm giảm hiệu quả phanh và khiến xe lao về phía trước khi người lái nhả phanh.

Người dùng xe điện nên luyện thói quen bóp phanh dứt khoát, đồng thời buông ga hoàn toàn để tránh tình trạng xe "hỗn ga", gây nguy hiểm cho cả người lái và người tham gia giao thông xung quanh.
Làm sao để xe máy điện dùng được lâu và ít hỏng?
Ngoài yếu tố kỹ thuật khi vận hành, việc sử dụng xe máy điện đúng cách còn giúp kéo dài tuổi thọ và đảm bảo chi phí bảo trì ở mức thấp.
Trước hết là việc sạc pin. Các chuyên gia khuyên rằng nên sạc khi dung lượng còn dưới 50% và không sạc ngay sau khi xe vừa dừng hoạt động. Pin cần có thời gian hạ nhiệt - khoảng 30 phút - trước khi cắm sạc để tránh hiện tượng phồng pin hoặc giảm hiệu suất.

Bên cạnh đó, người dùng nên duy trì tốc độ ổn định, không nên tăng tốc đột ngột hay lái xe quá chậm trong thời gian dài. Các chế độ lái như Eco hay Sport cũng nên được sử dụng đúng mục đích: Eco để tiết kiệm pin khi di chuyển ngắn, Sport khi cần bứt tốc nhanh trên đường rộng.
Ngoài ra, xe điện cũng cần được kiểm tra định kỳ tương tự xe xăng, đặc biệt là hệ thống điện, pin, dây dẫn và các kết nối an toàn.