Tác giả nghiên cứu, GS.TS Matin Qaim, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển tại Đại học Bonn, cho biết: “Sử dụng các công nghệ tốt hơn để tăng năng suất cây trồng trên đất đã được canh tác có thể làm giảm sự thay đổi sử dụng đất và phát thải liên quan”.
Một số loại cây trồng biến đổi gien - chẳng hạn như ngô biến đổi gien và đậu tương - được trồng rộng rãi ở các nơi khác trên thế giới, nhưng hầu như không có ở châu Âu. Qaim nói: “Lý do chính là các vấn đề về sự chấp nhận của công chúng và các rào cản chính trị”.

Trong nghiên cứu mới, ông và các đồng nghiệp đã sử dụng dữ liệu nông nghiệp toàn cầu và ước tính về tác động năng suất của cây trồng biến đổi gien để mô hình hóa việc áp dụng công nghệ ngày càng tăng ở EU sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sản xuất, sử dụng đất và phát thải khí nhà kính. Các ước tính cho thấy rằng việc sử dụng rộng rãi cây trồng biến đổi gien ở EU có thể ngăn chặn việc thải ra 33 triệu tấn CO2 tương đương, tương ứng với 7,5% tổng lượng phát thải khí nhà kính hàng năm của EU từ nông nghiệp.
Tiến sĩ Emma Kovak, tác giả đầu tiên của nghiên cứu, cho biết: “Hầu hết những tác động tích cực về khí hậu này là do giảm sự thay đổi sử dụng đất. Kết luận của nhóm nghiên cứu: EU nhập khẩu nhiều ngô và đậu tương từ Brazil, nơi mà việc mở rộng đất nông nghiệp góp phần vào nạn phá rừng nhiệt đới. Sản lượng cao hơn ở EU có thể làm giảm một số lượng nhập khẩu này và do đó giúp bảo tồn rừng nhiệt đới Amazon”.
Các tác giả nhấn mạnh rằng trong phân tích của họ, họ chỉ xem xét các loại cây trồng biến đổi gien đã tồn tại. Matin Qaim cho biết: “Các công nghệ nhân giống gien mới hiện đang được sử dụng để phát triển một loạt các ứng dụng cây trồng mới có thể dẫn đến các lợi ích về giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu trong tương lai”.