Khám phá và trải nghiệm vựa trái cây của miền Bắc – Lục Ngạn

“Lục Ngạn” nằm trên trục đường Quốc lộ 31, cách thủ đô Hà Nội khoảng 116 km, phía Bắc giáp huyện Chi Lăng và huyện Hữu Lũng (tỉnh Lạng Sơn), Tây và Nam giáp huyện Lục Nam (tỉnh Bắc Giang), Đông giáp huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang). Địa danh “Lục Ngạn” gắn liền với đặc sản vải thiều đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Từ một vùng rừng núi hoang sơ, “Lục Ngạn” ngày nay được mệnh danh là “thủ phủ trái cây chất lượng cao” của miền Bắc, nơi bảo tồn và phát triển các tài nguyên văn hóa vật thể và phi vật thể. Về với “Lục Ngạn” là dịp để ta khám phá, trải nghiệm những tài nguyên tự nhiên, kho tàng văn hóa và thưởng thức các đặc sản trái cây như cam, vải thiều...

“Lục Ngạn” - Vùng đất giàu tài nguyên cảnh quan, di tích văn hóa

“Lục Ngạn” là vùng đất cổ, nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chí, Cao Lan, Dao và Hoa. Trải qua những thăng trầm lịch sử, nơi đây vẫn lưu giữ được những giá trị văn hóa phi vật thể đậm bản sắc (dân ca Sán Chí, dân ca Cao Lan và hát Then, các lễ hội truyền thống), những di tích độc đáo (thành nhà Mạc tại xã Phượng Sơn, đền Hả tại xã Hồng Giang, đền – chùa Khánh Vân tại thị trấn Chũ, chùa Am). “Lục Ngạn” thu hút du khách bằng những cảnh quan thiên nhiên đẹp có giá trị đặc sắc như: hồ Cấm Sơn được ví như “Vịnh Hạ Long trên núi”; hồ Khuôn Thần là thảo nguyên xanh tĩnh lặng với vẻ đẹp hoang sơ; những vườn cây ăn trái vải thiều, cam, bưởi, na, hồng, táo,.. bạt ngàn; những làng nghề truyền thống mỳ Chũ và rượu men lá,... hòa quyện tự nhiên mang đến những trải nghiệm nghề nông và cuộc sống nông thôn độc đáo.

- Chùa Am Vãi hay Am Ni tự (thôn Biềng, xã Nam Dương) xây dựng từ thời Lý-Trần, gắn liền với truyền thuyết nơi Công chúa nhà Trần xuất gia tu hành. Chùa nằm trên bờ sông Lục Nam, tựa lưng vào núi Am Ni tạo nên không gian thanh tịnh. Kiến trúc chùa vẫn còn nguyên vẹn mặc dòng thời gian, gồm: Tiền đường, Tam bảo và tháp đá Liên Hoa có bia khắc ghi công đức Thiền sư Như Liên hóa thân Bồ tát.

- Chùa Sẻ (thôn Sẻ Cũ, xã Thanh Hải) cổ kính có kiến trúc độc đáo, không gian rộng rãi thoáng mát với nhiều bức tượng Phật lớn, có giá trị tâm linh sâu đậm mang lại cảm giác bình yên thanh tịnh.

- Cụm di tích đền - chùa Khánh Vân nằm bên dòng Nhật Đức, đền thờ tướng quân Vi Hùng Thắng (người có công chống quân Nguyên Mông thế kỷ 13) và chùa thờ Phật, được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh từ năm 2006. Vào ngày 18 tháng 2 âm lịch hàng năm, đền tổ chức lễ hội lớn có múa lân, hát quan họ trên sông, thể thao và trò chơi dân gian để tưởng nhớ đến công lao của tướng quân và bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương. Lễ hội còn có phần thi mâm lễ truyền thống và kết thúc bằng tế lễ, rước hội.

- Làng văn hóa Đông Bắc (thị trẫn Chũ) gồm những ngôi nhà gỗ truyền thống và các công trình kiến trúc đặc biệt như tháp Phật giáo và lầu thưởng nguyệt. Làng là nơi lưu giữ văn hóa đặc sắc của các dân tộc Tày, Nùng, Sán Dìu. Đến đây, du khách có cơ hội chiêm ngưỡng các hiện vật cổ xưa, tìm hiểu phong tục tập quán và nghệ thuật xây dựng nhà trình tường độc đáo.

- Hồ Cấm Sơn rộng 3.000 ha, dài 25 km và sâu 47 m với nhiều hòn đảo hoang sơ bao quanh bởi những dãy núi hùng vĩ được ví như "vịnh Hạ Long trên cạn". Mùa mưa, mặt hồ mở rộng với không gian huyền ảo, vẻ đẹp kỳ vĩ mà ít nơi nào có được. Các bản làng người dân tộc Nùng, Tày và Kinh cư trú xung quanh đang lưu truyền những bản sắc (sắc phục, phong tục tập quán, các làn điệu đàn tính, Sloog hao, Sli, lượn, hát đối,...) tạo nên một không gian văn hóa đặc sắc. Hồ là điểm đến lý tưởng để khám phá thiên nhiên, tìm lại sự bình yên khi hòa mình vào nhịp sống giản dị của núi rừng “Áo chàm xuống núi bơi thuyền Khăn nam phân phất như tiên dưới trần”.

- Đền Hả (thôn Kép 2B, xã Hồng Giang) là nơi thờ Thân Cảnh Phúc và 6 danh nhân thời Lý, được xây theo kiểu chữ Tam, gồm: đền Hạ, đền Trung và đền Thượng cùng chùa Từ Hả. Quanh đền có các di tích như ao rối, núi Trống, núi Chiêng và bãi Dược tạo nên không gian tâm linh và lịch sử ấn tượng thu hút khách tam quan và chiêm bái vào dịp lễ hội hàng năm.

- Hồ Khuôn Thần (xã Kiên Lao) rộng 150 ha bao quanh bởi rừng thông như một “Lá phổi xanh mát”. Khu du lịch Khuôn Thần rộng 800 ha gồm rừng tự nhiên và các trang trại cây ăn quả bạt ngàn, là nơi bảo tồn những giá trị văn hóa độc đáo của các dân tộc người Sán Chí, Cao Lan, Tày và Nùng cùng những làn điệu dân ca truyền thống. Đây là điểm đến lý tưởng để khám phá thiên nhiên, dạo thuyền, trải nghiệm nhà vườn và thưởng thức những đặc sản như mật ong, rượu tắc kè, hạt dẻ và cá bống nướng.

- Khu sinh thái hồ Bầu Tiên rộng 26 ha, cách thị trấn Chũ chỉ 5 km được bao quanh bởi những vườn cam, bưởi, vải thiều với cảnh quan thiên nhiên đẹp. Kế bên là hồ Bầu Lầy rộng hơn 80 ha kết nối với hồ Khuôn Thần tạo nên một hệ sinh thái đa dạng đầy hấp dẫn. Đây còn là nơi giao thoa văn hóa giữa các dân tộc Tày, Nùng, Hoa, Sán Dìu và Sán Chỉ.

- Thảo nguyên thôn Đảng (xã Sa Lý) giống như “Đà Lạt thu nhỏ” bởi cảnh quan thiên nhiên xanh, hồ nước trong mát nằm giữa những cánh rừng già với vẻ đẹp hoang sơ,… là điểm đến lý tưởng cho những tín đồ yêu thiên nhiên muốn tránh xa sự sôi động nơi thị thành.

lucngan-1747288055.png

Cam Lục Ngạn

 “Lục Ngạn” nơi lưu giữ và Phát triển các giá trị văn hóa phi vật thể

- Dân ca Soong hao của người Nùng ở Lục Ngạn thắm đượm tính cộng đồng qua các hội hát dịp đầu Xuân hoặc hội chợ tháng Ba. Soong hao không sử dụng nhạc đệm nhưng có sức cuốn hút mê lòng bằng các bài hát giao duyên, đám cưới và ngày thường,... thể hiện tình yêu, ngợi ca hoặc phê phán thói hư tật xấu được lưu giữ như di sản văn hóa tại các xã Sơn Hải, Hộ Đáp, Cấm Sơn…

- Dân ca Sán Chí (cnắng cọô hoặc Soóng cọ) là một di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của người Sán Chí ở xã Kiên Lao, được công nhận là di sản văn hóa quốc gia từ năm 2012. Bằng hình thức đối đáp nam nữ, lời ca mang đậm nét thơ thất ngôn tứ tuyệt thể hiện tình yêu đôi lứa, tình yêu lao động và ca ngợi quê hương. Những dịp xuân về, thanh niên Sán Chí thường giao lưu, hát tự tình hàng nghìn bài hát dân ca.

- Dân ca Cao Lan (sình ca) là loại hình nghệ thuật truyền thống của người Cao Lan, được thể hiện ở các thể loại như hát giao duyên, hát ru, hát mừng nhà mới, ca ngợi thiên nhiên hoặc lao động. Lời ca phản ánh tâm tư và ước nguyện của người dân trong cuộc sống, tình yêu và lao động. Dân ca Cao Lan được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2012, là niềm tự hào của người dân Lục Ngạn được gìn giữ qua nhiều thế hệ.

- Hát Then và đàn Tính của dân tộc Tày, Nùng ở Bắc Giang là những di sản văn hóa được UNESCO công nhận. Đây là loại hình nghệ thuật diễn xướng mang giá trị tâm linh sâu sắc, thường được trình diễn trong các dịp lễ, Tết và chúc thọ, thể hiện cầu mong những điều may mắn. Nghệ thuật này là biểu tượng của sự gắn kết cộng đồng, không thể thiếu trong kho tàng dân ca, dân vũ phong phú của các dân tộc miền núi phía Bắc.

“Lục Ngạn” nơi để khám phá và trải nghiệm ẩm thực độc đáo

Ẩm thực Lục Ngạn là sự hòa quyện tinh tế giữa của các nền văn hóa Tày, Nùng, Dao, Cao Lan, Sán Chí... Mỗi món ăn là sự khéo léo trong chế biến và chứa đựng những giá trị văn hóa của các dân tộc. Khí hậu ôn hòa, đất đai màu mỡ nên Lục Ngạn sở hữu nguồn thực phẩm phong phú từ rau, củ, quả đặc trưng qua bàn tay của người dân địa phương trở thành những ẩm thực thơm ngon, đẹp mắt làm say đắm lòng người.

- Mỳ gạo Chũ (mỳ Chũ) là sản phẩm của làng nghề Nam Dương, được sản xuất cầu kỳ từ khâu tráng bánh đến làm sợi mì dai và ngọt bùi. Những giàn bánh tráng trắng phơi trong vườn nhà là hình ảnh đặc trưng của thôn Thủ Dương. Mỳ  Chũ là món ăn ngon và quà tặng độc đáo cho du khách khi đến Lục Ngạn.

- Mật ong hoa vải Lục Ngạn thành danh nhờ hương vị đặc trưng từ hoa vải thiều có màu vàng óng, vị ngọt dịu và thơm tự nhiên được thị trường trong nước và quốc tế tin dùng.

- Rượu men lá Kiên Thành chưng cất từ men lá truyền thống của người Nùng, có hương thơm của lá rừng và vị êm dịu. Men được làm từ 7 loại lá và rễ cây rừng kết hợp với nguồn nước trong sạch. Quá trình nấu rượu cũng rất kỳ công, từ chọn gạo đến chưng cất để có được hương thơm, vị ngọt và êm. Rượu men lá là một phần của văn hóa núi rừng Lục Ngạn, phản ánh sự khéo léo và bí truyền của người dân nơi đây.

- Xôi trứng kiến là một đặc sản nổi tiếng được kết hợp giữa trứng kiến và xôi tạo nên hương vị bùi béo, hấp dẫn và khác biệt so với các loại xôi truyền thống. Ẩm thực này chỉ có từ tháng 3 đến tháng 4 âm lịch, khi trứng kiến đạt độ béo ngậy nhất.

- Bánh vắt vai của người Cao Lan là một đặc sản dân dã bởi tên gọi độc đáo vì có thể vắt lên vai mang theo và thưởng thức bất cứ lúc nào. Bánh được làm từ nguyên liệu gạo nếp, đậu xanh, rau ngải cứu có hương vị đặc biệt mà không nơi nào có được.

- Bánh hút Lục Ngạn thường được làm vào dịp Tết để tiếp khách và quà biếu. Bánh được làm từ bột gạo nếp, mật mía và rau cải cay với quy trình đơn giản nhưng mang đậm bản sắc văn hóa. Cảm nhận khi thưởng thức là vị ngọt thơm của mật mía hòa quyện với gạo nếp.

- Gạo nếp cái hoa vàng Phì Điền được người tiêu dùng ưa chuộng, sử dụng vào những ngày lễ, Tết cổ truyền của dân tộc, dùng để chế biến thành nhiều món ăn như xôi, bánh gạo, bánh ngô, bánh chưng, bánh dày, nấu rượu...

- Nem ngựa Lục Ngạn làm từ thịt và bì ngựa tươi ngon kết hợp với gia vị như riềng vàng, tỏi, tiêu và ớt. Riềng vàng là một loại cây mọc ở núi tạo ra hương vị đặc trưng của nem. Thịt ngựa được áp chảo, thái mỏng, trộn với các gia vị rồi gói lá chuối. Nem ngựa thường được ăn kèm với lá ổi, lá sung và các loại gia vị khác.

Lục Ngạn – điểm đến du lịch sinh thái miệt vườn cây ăn trái

“Lục Ngạn” được mệnh danh là thủ phủ trái cây ăn quả bốn mùa chất lượng cao của miền Bắc như vải thiều, thanh long, táo, ổi, nhãn, bưởi, cam… Trong đó, vải thiều và cam là những sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý (đặc sản vùng miền, tài sản quốc gia). Các trái cây này được sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn (VietGAP, GlobalGAP).

lucngan1-1747288056.png

Cam Lục Ngạn được bảo hộ chỉ dẫn địa lý

Việt Nam tự hào là 1 trong những quốc gia sở hữu nhiều trái cây ăn quả nhiệt đới ngon trên thế giới. Đóng góp vào niềm vinh hạnh chung của cả nước, “Lục Ngạn” có 2 trái cây có chất lượng độc đáo là “Vải thiều Lục Ngạn” và “Cam Lục Ngạn” được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đây là những trái cây đặc sản vùng miền, có tính chất, chất lượng đặc thù khác biệt so với các sản phẩm đại chúng nhờ các điều kiện địa lý của vùng sản xuất như: khí hậu, nông hóa thổng nhưỡng và kỹ thuật sản xuất đặc biệt.

“Vải thiều Lục Ngạn” còn được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại EU và Nhật Bản, xuất khẩu sang Mỹ, Úc, Malaysia, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Anh, Pháp,...

Gần đây nhất vào ngày 02/4/2025, “Cam Lục Ngạn” đã chính thức được bảo hộ chỉ dẫn địa lý là một minh chứng cho vùng sản xuất cây ăn quả đặc sản “Lục Ngạn”. Các sản phẩm “cam Lục Ngạn” đều được sản xuất từ các giống cam có chất lượng tốt tại Việt Nam hiện nay, cụ thể: (1) Cam lòng vàng Lục Ngạn (CS1) có quả tròn to; vị ngọt mát; vỏ và tép có màu vàng đậm; (2) Cam V2 Lục Ngạn (V2) có vị ngọt sắc, rất ít hạt, vỏ mỏng màu vàng đẹp; (3) Cam ngọt Lục Ngạn (cam Canh) có vị ngọt, múi không bị xơ bã. Đặc trưng nhất của “cam Lục Ngạn” là vị ngọt (hàm lượng đường tổng số) đậm hơn so với các sản phẩm cùng loại khi trồng ở các nơi khác.

Về với “Lục Ngạn” là về với vùng quả ngọt của cam, của vải thiều và nhiều trái cây khác. Hãy đến và trải nghiệm những cảnh quan thiên nhiên, các di tích lịch sử, khám phá những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trường tồn với thời gian.