Hội Nhà báo Việt Nam tổng kết hoạt động năm 2022 - Định hướng công tác năm 2023

14/04/2023 09:07

Ngày 13/4/2023, tại khách sạn Mường Thanh, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc về công tác hội năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Hội nghị diễn ra một cách long trọng với sự có mặt và chỉ đạo của ông Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 13/4/2023, tại khách sạn Mường Thanh, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc về công tác hội năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Hội nghị diễn ra một cách long trọng với sự có mặt và chỉ đạo của ông Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.

anh-chup-man-hinh-2023-04-14-luc-090118-1681437811.png

Ban chấp hành hội nhà báo Việt Nam

Về tham dự hội nghị lần này có ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - Tổng biên tập Báo Nhân Dân; ông Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa; ông Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa; ông Trần Ngọc Thanh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Khánh Hòa; cùng các lãnh đạo đại diện Tỉnh ủy, HĐND, UBND và các sở ban ngành của tỉnh. Ngoài ra Hội nghị còn có sự hiện diện của hơn 500 đại biểu đại diện lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, hội nhà báo các địa phương, các liên chi hội nhà báo trên toàn quốc.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng chuyển đổi công nghệ số đã và đang là xu thế tất yếu trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội hiện nay. Là lĩnh vực phản ứng nhạy bén với mọi biến động của đời sống kinh tế - xã hội, báo chí truyền thông cần đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Chuyển đổi số là con đường tất yếu của tất cả các cơ quan báo chí nếu không muốn bị “đào thải”, cần phải chủ động đổi mới phương thức chuyển tải, mang đến những trải nghiệm mới cho bạn đọc thông qua các ứng dụng công nghệ số, hợp tác với các cơ quan truyền thông khác để tạo chỗ đứng, vị thế trong làng báo chí công nghệ.

Trước bối cảnh đó, Hội Nhà báo Việt Nam với vai trò là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo càng cần có sự đổi mới trong hoạt động công tác Hội và các hoạt động cốt lõi khác, để thực sự song hành, đoàn kết và phát triển cùng nền báo chí hiện đại.

anh-chup-man-hinh-2023-04-14-luc-090130-1681437818.png
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà trao quyết đinh cho ban chấp TW hội nhà báo Việt Nam

Sau nghi thức trao Quyết định phê duyệt Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà có lời phát biểu đánh giá cao những đóng góp mang tính chiến lược của các cấp Hội Nhà báo Việt Nam từ Trung ương đến địa phương trong việc tập hợp, đoàn kết, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức chính trị, trình độ nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho các nhà báo… Các cấp hội cần phát huy vai trò định hướng các cơ quan báo chí bám sát thực tiễn sự nghiệp đổi mới, phát triển của đất nước; phản ánh các vấn đề thời sự một cách sâu sắc, sinh động để có nhiều tác phẩm báo chất lượng, có tính chiến đấu cao, giá trị nhân văn, chân thực, chạm tới cảm xúc của khán giả, từ đó định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội, không ngừng củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước. Thực hiện tốt vai trò là vũ khí sắc bén, là công cụ đắc lực của Đảng trên mặt trận tư tưởng, văn hóa; quán triệt tinh thần văn kiện Đại hội XIII của Đảng về “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. Các cơ quan báo chí cần xây dựng đội ngũ có tính chuyên nghiệp, có thể coi là những chuyên gia, người am hiểu sâu về lý luận, ngoại giao, kinh tế, nghệ thuật, công nghệ, chuyển đổi số… Đầu tư nhiều hình thức thể hiện, chuyển tải đa dạng, phong phú để trở thành “món ăn tinh thần hàng ngày” không thể thiếu của quần chúng nhân dân và các nhà quản lý.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh mỗi người làm báo cần phải luôn trau dồi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm, cập nhật thông tin; năng động, sáng tạo, bắt kịp với sự thay đổi nhanh chóng của xu hướng công nghệ mới. Làm rõ vấn đề cơ chế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa trong hoạt động báo chí. Đầu tư tương xứng về nguồn lực, con người, công nghệ để giúp các cơ quan báo chí phát triển chính quy, bài bản, hiện đại, thực hiện tốt vai trò là công cụ truyền thông sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân; đồng thời là phương tiện giám sát, phản biện xã hội hiệu quả. Hội Nhà báo Việt Nam phải tiên phong trong bồi dưỡng và xây dựng bản lĩnh chính trị cho các nhà báo, hội viên, đồng thời tạo lập không gian văn hóa trong hoạt động báo chí; từ đó, giúp chấn chỉnh những lệch chuẩn về đạo đức nghề nghiệp, nhân lên những giá trị nhân văn trong hoạt động báo chí…

Tại hội nghị, ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Khánh Hòa chia sẻ với các đại biểu nhiều thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua, đồng thời đề ra định hướng phát triển trong thời gian tới. Trong bối cảnh toàn tỉnh đang nỗ lực thực hiện các nghị quyết, quy hoạch phát triển địa phương, đội ngũ phóng viên nhà báo đã đồng hành, góp phần thiết thực vào sự phát triển của tỉnh. Ông Ninh cho biết hiện trên địa bàn tỉnh có 3 cơ quan báo chí đã thực hiện theo quy hoạch của Trung ương; 36 văn phòng đại diện, phóng viên thường trú; Trung tâm truyền hình Việt Nam tại TP. Nha Trang với tổng số gần 400 nhà báo, phóng viên. Trong những năm qua, báo chí Khánh Hòa đã thực hiện đúng sự chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, thông tin nhanh nhạy, toàn diện đời sống chính trị, kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế; phát huy tính chủ động sáng tạo trong việc tuyên truyền các giải pháp điều hành kinh tế - xã hội, nêu gương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến; tuyên truyền, cổ vũ ý chí, quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân…

anh-chup-man-hinh-2023-04-14-luc-090204-1681437826.png

Hội Nhà báo Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, với 23.700 hội viên sinh hoạt tại 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 20 Liên chi hội và 218 Chi hội trực thuộc. Tổ chức hội có mặt tại hầu hết các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương và báo chí các bộ, ngành, đoàn thể.

Trong năm 2022, Hội Nhà báo Việt Nam đã thực hiện đề án hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao; thực hiện Giải báo chí quốc gia lần thứ 26, với 1.761 tác phẩm thuộc 11 loại tác phẩm báo chí; tổ chức được 126 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí; xử lý 10 vụ việc liên quan đến 12 trường hợp phóng viên, cộng tác viên, hội viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo…

Năm 2023, Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục chú trọng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với học tập phong cách làm báo Hồ Chí Minh; triển khai chương trình hoạt động toàn khóa; phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện tốt công tác quy hoạch báo chí…

Thông qua hội nghị, các cấp hội sôi nổi thảo luận nhằm rút ra bài học kinh nghiệm và đề ra những giải pháp thực hiện tốt Chỉ thị số 43 của Ban Bí thư; Luật Báo chí và Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; hướng dẫn sinh hoạt của hội viên là phóng viên thường trú tại địa phương, 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. Thống nhất chương trình chuyển đổi công nghệ số trong hoạt động báo chí cho phù hợp với đời sống hiện đại, hướng đến kỷ niệm 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2025).

anh-chup-man-hinh-2023-04-14-luc-090215-1681437833.png

Ông lê Quốc Minh (áo đen) phó trưởng ban tuyên giáo TW, chủ tịch hội nhà báo Việt Nam chụp hình lưu niệm cùng tác giả tại hội nghị

 

Trí Thiện