Học giả Đào Duy Anh, vị ân nhân và thầy của tôi

12/04/2024 21:09

Đời tôi được một may mắn đặc biệt, là có một vị thầy lớn quan tâm dạy bảo tôi, đóng vai một người cha về tinh thần và một tấm gương gần gũi để noi theo. Đó là thầy Đào Duy Anh.

Trước đó, tôi đã biết thầy là vị học giả lớn nhất và có uy tín nhất nước. Những công trình của thầy như các bộ Pháp Việt từ điển, Hán Việt từ điển, thực tế nhà nào cũng có và được dùng hàng ngày để tra cứu, vì tôi sống thuộc một thế hệ trong đó tiếng Việt thay đổi rất nhanh, có nhiều khái niệm của Pháp không biết nên dịch ra tiếng Việt thế nào cho ổn và nhiều từ Hán Việt mới ra đời nhưng nghĩa lại không giống như nghĩa trong tiếng Hán cổ.

Tôi rất phục các tác phẩm của thầy, nhưng không dám có hi vọng được quen biết thầy. Điều may mắn bất ngờ đến với tôi vào năm 1943, lúc tôi học ở trường Thiên Hựu. Lúc đó, tôi được dự những buổi thầy dạy tiếng Việt cho những học sinh muốn học tiếng Việt để thay tiếng Anh trong kì thi tú tài phần thứ nhất. Tôi chỉ đến dự cho vui, vì không có ý định thi tiếng Việt thay tiếng Anh, nhưng tôi rất thích những giờ dạy của thầy. Có một hôm thầy ra đầu đề luận: “Anh có ý kiến gì về cái nghề anh sẽ chọn?” để làm tại lớp. Tôi đã làm bài luận này, trong đó tôi nói đến việc chọn một nghề lao động trí óc thiên về nghiên cứu văn hóa, có đủ tiền để sống, mà không làm phiền đến ai. Thầy rất thích bài luận ấy và có hỏi làm sao tôi lại thạo chữ Hán như vậy. Tôi có bảo tôi học chữ Hán với cha tôi là cụ Phan Võ và thầy nói:

 - Tôi cũng đoán như vậy.

Sau đó, thầy bảo tôi đưa thầy đến gặp cha tôi và hai người chuyện trò rất tương đắc. Thầy có đưa cho cha tôi xem những bài điều trần bằng chữ Hán của Nguyễn Trường Tộ mà thầy đã thuê người chép lại, cũng như các văn kiện bằng chữ Hán của các tác gia đời Nguyễn có thể nói hết sức hiếm có. Cha tôi đã chữa giúp những chữ chép sai. Tôi thấy thầy là người tự đặt cho mình trách nhiệm làm người nghiên cứu văn hóa Việt Nam thực sự nghiêm túc, tự nhiên tôi thấy mình cần học thầy để kiếm một lối sống không phải làm đầy tớ thằng Tây. Cha tôi có đưa thầy xem bản dịch của tôi về một vài bài điều trần của Nguyễn Trường Tộ và bảo thầy:

 - Sách của ông cả hai cha con đều đọc. Cháu muốn học theo thầy, cho nên tôi đã dạy cho cháu Tứ thư, Kinh Thi.

Thầy cười, hỏi tôi, tôi nói:

 - Thưa thầy, ai học hành xong rồi cũng phải kiếm sống. Con không có gan làm cách mạng, nhưng chăm học. Con phải tìm một lối sống sao cho có ích mà không xấu hổ, cho nên con thích làm như thầy.

Năm 1947, thầy đạp xe đạp từ Vinh đến nhà tôi, cách 50 cây số, hỏi tôi có chịu theo thầy ra Việt Bắc không. Tôi nói tôi đang bận dạy tiếng Anh ở trường Nguyễn Xuân Ôn không sao đi được. Năm 1949, tôi đang ở Sư đoàn 304, thì thầy tìm đến tôi và chính thầy đến xin với Sư đoàn trưởng Hoàng Minh Thảo cho tôi theo thầy. Sau đó, lôi lên Việt Bắc đến làm việc tại Vụ Văn học nghệ thuật, vào chính Ban Sử Địa do thầy phụ trách. Tôi làm ở đấy đến năm 1951 thì chuyển sang Bộ Giáo dục làm phiên dịch tiếng Anh và tiếng Hoa. Trong thời gian ấy, tôi sống cùng một nhà với thầy, cùng làm việc với thầy, ngủ cạnh giường thầy, cho nên hiểu nhiều chuyện mà có lẽ sau này các bạn khác không có điều kiện để biết.

Tôi cùng thầy nghiên cứu thời Minh Mạng. Cách làm là như sau. Trước hết thầy trao cho tôi bộ Minh Mệnh chính yếu, bảo tôi đọc và trích dịch những đoạn theo từng yêu cầu như về ruộng đất, thái độ đối với Thiên chúa giáo, đối với Pháp… Trước hết phải dịch cho thực đúng các đoạn này. Chỉ sau đó, mới căn cứ vào các tài liệu khác, như Lịch triều hiến chương loại chí cũng tìm những đoạn như vậy mà dịch cho đúng. Chỉ khi nào có đủ tài liệu, sắp xếp chúng theo mục, rồi mới trình bày ý nghĩ của mình. Thầy cho tôi ba năm phải làm xong. Vì công việc làm nửa chừng, nên không có điều kiện công bố.

Tôi có hỏi thầy về phương pháp viết sử. Thầy trao cho tôi hai bộ. Thứ nhất là bộ Lý Thường Kiệt của Hoàng Xuân Hãn; thứ hai là bộ Cổ sử Việt Nam của thầy và bảo:

 - Đây là hai bộ theo tôi viết đúng yêu cầu của sử. Anh xem kĩ khắc biết về phương pháp làm ở Việt Nam. Còn về cách làm đã có công trình của Langlois và Seignobos mà anh đã đọc.

Trong thời gian ấy, có chuyện cấp bậc của tôi. Vì tôi chỉ đỗ tú tài, nên việc xếp ngạch bực của tôi chỉ là theo bực tú tài. Chính thầy đã viết thư lên Bộ đề nghị chuyển tôi lên bực cử nhân, vì tôi được thầy “ỷ trọng” (chữ của thầy). Thầy rất tiếc khi tôi phải rời Vụ Văn học nghệ thuật lên Bộ Giáo dục. Khi chia tay, thầy có dặn tôi đừng bỏ chí nguyện của mình. Rồi vào năm 1955, tôi lại được trở về cùng làm việc một chỗ với thầy ở trường Đại học Tổng hợp. Điều này là nhờ thầy và anh Trần Đức Thảo giới thiệu. Những điều nói trên đây chỉ có mục đích khẳng định sự quan tâm của thầy đối với người môn đệ bình thường như tôi mà thôi.

Tôi muốn nhắc đến một việc liên quan tới sự quan tâm của thầy tới gia đình tôi. Năm 1956, nhân dịp sửa sai, tôi nhờ chú Trần Văn Giàu xin được phép đưa ông cụ thân sinh là địa chủ, quan lại, từ Nghệ An ra Hà Nội. Thầy đưa cho tôi 500 đồng bạc, bảo:

- Anh cầm lấy số tiền này mà lo liệu. Khi nào trả cũng được.

Lúc bấy giờ lương tháng của tôi chỉ 60 đồng. Tôi đáp:

- Con cảm ơn thầy, nhưng hai năm nay con dạy tư và dịch, nên đã có đủ tiền.

Thầy có thái độ biệt nhãn đối với tôi như vậy, thực tình trong đời tôi không dám quên. Giờ tôi muốn nói đến vai trò của những quyển từ điển của thầy đối với văn hóa Việt Nam.

Nếu giờ đây ta xét các công trình này theo hiểu biết của ta về tiếng Việt hiện nay thì sẽ không ổn. Tôi xin dẫn một thí dụ. Giờ đây, khi chúng ta đã có sẵn những từ điển thuật ngữ về toán học, y học, các khoa học tự nhiên, ngôn ngữ học chẳng hạn, ta không thể hình dung điều vất vả mà các nhà khoa học và học giả đã phải trải qua để tìm được từ Việt thích hợp với những khái niệm mới. Việc xây dựng hệ thuật ngữ là công việc thực sự khó khăn, mà phải là người thông thạo ngành khoa học của mình, kết hợp với cách diễn đạt sao cho thích hợp với tình hình tiếng Việt trước mắt. Tôi đã hiểu được điều này đôi chút khi cùng với anh Cao Xuân Hạo biên soạn Thuật ngữ ngôn ngữ học.

Việt Nam đã có một thế hệ những học giả và những nhà khoa học yêu nước đáng trọng mới có được khá đầy đủ hệ thống các khoa học về toán, lí, hóa, cơ, thiên văn, sinh vật, nông học, y học, v.v… Đó là những người tiên phong cần được văn hóa chú ý và đề cao.

Về trường hợp hai quyển từ điển trứ danh của thầy cũng thế. Quyển Từ điển Hán Việt ra đời vào năm 1932, chính vào lúc cách dùng từ Hán Việt ở Việt Nam hết sức lộn xộn. Trong quá trình tiếp xúc với phương Tây, các ngôn ngữ phương Đông đều phải chấp nhận một quá trình chuyển hóa, biểu hiện cụ thể nhất là trong việc tiếp xúc với tiếng Pháp, người Việt bắt buộc phải đổi mới ngôn ngữ của mình. Một mặt, có những thuật ngữ khoa học và kĩ thuật riêng của phương Tây, chủ yếu của khoa học tự nhiên mà tiếng Việt chưa có cách diễn đạt, cần phải tìm cách dịch sao cho ổn. Mặt khác, lại có những thuật ngữ chủ yếu của các khoa học nhân văn và các khoa học xã hội, trong các ngôn ngữ phương Đông cũng có những từ quen dùng, nhưng không sao đúng hẳn với nội dung mà phương Tây cấp cho chúng. Do đó, phải chọn và phải sửa đổi để thích nghi với cái nội dung mới mà văn hóa, khoa học nước nhà cần đến. Nếu ta đọc: Đông Dương tạp chí hay Nam Phong tạp chí, thì thấy các khái niệm này dùng khá lộn xộn, vì chính các tác giả cũng chưa có cách nào tìm được cái từ Việt Nam thích hợp.

Câu chuyện này là chung cho cả phương Đông. Người Nhật Bản đã đi đầu trong câu chuyện này trong quá trình Tây phương hóa văn hóa của mình. Các kinh nghiệm của họ được các học giả Trung Hoa tiếp thu, chủ yếu trong phong trào “Tân thư”, vào đầu thế kỉ XX. Từng khái niệm một phải trải qua một thời gian sàng lọc mới được chấp nhận. Để nhận thấy điều này, cần phải so sánh hai quyển từ điển của thầy với những quyển từ điển trước đây của Alexandre de Rhodes, Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Gaspar, Taberd, Génibrel… về từng từ, từng kiến trúc một, mới thấy khổ công và công lao to lớn của thầy. Nhưng trình bày cách làm ở đây sẽ rất dài và không hợp với quần chúng đông đảo. Trong giai đoạn một dân tộc bắt gặp một hệ tư tưởng mới, khác hẳn hệ tư tưởng quen thuộc như trường hợp người Việt Nam bắt gặp hệ tư tưởng và khoa học phương Tây, người làm từ điển chính là người đóng vai chủ chốt trong quá trình giao lưu văn hóa nhằm xây dựng một hệ thuật ngữ mới có đủ ba tiêu chuẩn mà chúng ta thường nói đến nhưng không hiểu nó là khó khăn như thế nào: “Dân tộc, khoa học, đại chúng”. Thứ nhất, mỗi thuật ngữ đều phải tự nó nói lên bằng chính nội dung của nó, một điều gì đã được diễn đạt bằng tiếng Việt, tức là mặt dân tộc. Thứ hai, nó phải chính xác với nội dung của khoa học phương Tây. Thứ ba, nó phải có triển vọng thuận tai, sẽ được nhân dân dùng một cách phổ biến, tức là đại chúng.

Lịch sử văn hóa đã trao cho thầy sứ mạng này trong các khoa học nhân văn và xã hội, một sứ mạng mà ngoài thầy ra, khó lòng có người thứ hai làm được. Thầy đã phải tra cứu các tài liệu của Nhật Bản, Trung Hoa, các cách diễn đạt trong các phong trào đổi mới từ Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của đến Đông Kinh Nghĩa thục, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh sau đó căn cứ vào hiểu biết bách khoa, thông kim bác cổ của thầy để chọn được chữ thích hợp. Điều không thể chối cãi là với sự ra đời của hai quyển từ điển mẫu mực của thầy, từ đó đến nay chúng ta nói năng chủ yếu theo cái ngôn ngữ mà Đào Duy Anh đã xác lập.

Một quyển Hán Việt từ điển như quyển của thầy không chỉ đơn thuần là chuyện giải nghĩa các từ Hán Việt thông dụng. Một từ như vậy thường có hai nghĩa khác nhau, một nghĩa cha ông ta dùng theo Trung Hoa và một nghĩa chính là dịch của một khái niệm phương Tây. Cần phải có đủ cả hai nghĩa và phải trình bày sao cho gọn nhất, dễ chấp nhận nhất. Còn trong quyển Pháp Việt từ điển, xuất bản năm 1936, lại phải dịch các khái niệm của Pháp sang một tiếng Việt thông dụng, không câu nệ vào chữ Hán, mà lại phù hợp với cách diễn đạt của ta. Không phải ngẫu nhiên mà sau đó, mọi quyển từ điển từ tiếng phương Tây sang tiếng Việt đều căn cứ vào quyển Pháp Việt từ điển của thầy, với những thay đổi phải nói là không đáng kể.

Sau này, thầy có xuất bản quyển Từ điển Truyện Kiều. Nhà xuất bản có giao cho tôi bổ sung. Tôi có mạn phép trình bày nghĩa các từ trong Truyện Kiều từ thời Alexandre de Rhodes cho đến công trình của thầy, để chứng minh cách làm của thầy có cơ sở, nhưng sau này tôi thấy không nên vì sẽ tạo nên ấn tượng tôi không tôn trọng cách diễn đạt của thầy. Đây là một điều khiến tôi ăn năn. Có điều kiện cần xuất bản một quyển từ điển có tất cả các từ, từ thế kỉ XVI qua các bản dịch tiếng La-tinh cho đến đầu thế kỉ XX để nêu bật sự chuyển biến về ngữ nghĩa của các từ trong tiếng Việt nói chung là hết sức rõ ràng. Một công trình như vậy không quá khó đối với một người thạo tiếng La-tinh, mà lại có giá trị khoa học. Tuy tôi đã nộp toàn bộ tiền in lại cho thầy để đền ơn thầy, nhưng tự thấy mình làm vụng về, không phải với thầy.

Ngoài các từ điển, thầy chủ yếu viết về sử học. Về phần cống hiến của thầy về mặt này, tôi thấy sẽ có người nói đầy đủ hơn. Phải nói, nhìn chung, nếu không kể phần đóng góp của các nhà văn hóa cách mạng, chỉ xét mặt liên quan đến sử học, văn học, ngôn ngữ thôi, thì Đào Duy Anh là nhà văn hóa lớn nhất, không những của Việt Nam, mà của cả Đông Nam Á trong thế kỉ XX. Điều này dĩ nhiên chủ yếu là công lao của thầy, nhưng phải sống gần thầy mới hiểu không phải tự nhiên thầy làm được một sự nghiệp to lớn như thế. Bên cạnh thầy có bà Trần Thị Như Mân, bà vợ tuyệt vời, người lo cho thầy và chính là người giúp việc đắc lực nhất của thầy, giỏi mọi mặt, nội trợ, làm thư kí và cả kinh doanh. Dù cho đời thầy có nhiều trắc trở, nhưng cuối cùng Đảng và Nhân dân đã hiểu được những đóng góp của thầy. Đặc biệt, thầy có những người thừa kế xứng đáng không phụ công lao đào tạo của thầy. Tôi tuy được thầy chăm nom như đứa con, nhưng không dám nghĩ mình là người thừa kế xứng đáng, chỉ tự cho rằng mình không đến nỗi xấu hổ với sự quan tâm, ưu ái mà thầy đã dành cho tôi và gia đình tôi.

Phan Ngọc   
Bạn đang đọc bài viết "Học giả Đào Duy Anh, vị ân nhân và thầy của tôi" tại chuyên mục Chính sách – Sự kiện. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309