Hà Nội thí điểm dải phân cách cứng trên đường Phạm Văn Đồng: Lo ngại dồn xe máy vào thế khó

Việc tách làn bằng dải phân cách cứng trên tuyến Phạm Văn Đồng gây ra nhiều ý kiến trái chiều, trong đó không ít người lo ngại xe máy sẽ chịu thiệt thòi khi phải “chia làn” với ô tô, dẫn đến nguy cơ ùn tắc nghiêm trọng hơn.

Tách làn bằng dải cứng: Xe máy thêm chật, ùn tắc thêm nhiều?

Từ ngày 1/7, Sở Xây dựng Hà Nội bắt đầu triển khai phương án phân làn bằng dải phân cách cứng trên tuyến đường Phạm Văn Đồng.

Theo đó, tuyến này được chia thành 2 làn dành riêng cho ô tô và 3-4 làn hỗn hợp, trong đó ô tô được phép đi vào làn hỗn hợp.

05
 

Quy định này khiến không ít người dân lo ngại. Nhiều ý kiến cho rằng nếu ô tô vẫn được đi vào làn hỗn hợp thì việc phân làn chỉ mang tính hình thức, thậm chí còn đẩy xe máy – phương tiện phổ biến nhất vào tình trạng thiếu không gian, dễ dẫn đến xung đột giao thông, ùn tắc cục bộ và tăng nguy cơ tai nạn.

Thực tế ghi nhận sau khi lắp dải phân cách cứng, tình trạng ùn tắc tại Phạm Văn Đồng và Võ Chí Công có xu hướng gia tăng, nhất là vào giờ cao điểm hoặc khi trời mưa.

Cơ quan quản lý: Ô tô được đi các làn, trừ đoạn gần nút giao

Trả lời về việc nhiều người thắc mắc quy định dành cho ô tô đi vào làn hỗn hợp, đại diện Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông cho biết: dải phân cách cứng chỉ kéo dài đến cách nút giao khoảng 250 - 300m. Từ đó, phương tiện có thể lựa chọn đi thẳng, rẽ trái hay phải tùy theo nhu cầu.

06
 

Như vậy, việc phân làn chủ yếu để ngăn xe máy đi vào làn ô tô, trong khi ô tô vẫn được lưu thông linh hoạt trên cả hai làn, gây tranh cãi về tính công bằng trong phân bổ không gian giao thông.

Chuyên gia phản đối xe ô tô đi lẫn làn xe máy

TS Phan Lê Bình – chuyên gia giao thông ủng hộ ý tưởng tách làn giữa ô tô và xe máy bằng dải cứng để nâng cao an toàn và văn hóa giao thông. Tuy nhiên, ông phản đối việc để ô tô đi vào làn hỗn hợp.

Theo ông Bình, nguyên nhân chính của ùn tắc hiện nay không phải do lượng phương tiện tăng đột biến mà nằm ở tổ chức giao thông chưa hợp lý. Việc để ô tô đi vào làn hỗn hợp khiến xe máy bị dồn cục và không còn không gian lưu thông.

“Cấm xe máy vào làn ô tô là đúng. Nhưng nếu lại cho ô tô tràn vào làn của xe máy thì rất dễ dẫn đến tình trạng xe máy không còn đường để đi,” ông Bình nói.

Bài học từ Myanmar: Cấm xe máy, giao thông càng hỗn loạn

TS Bình cảnh báo, nếu duy trì cách tổ chức như hiện tại, nhiều người dân có thể buộc phải chuyển từ xe máy sang ô tô, khiến áp lực giao thông càng gia tăng.

07
 

Ông dẫn chứng trường hợp tại Yangon (Myanmar), nơi từng cấm xe máy vào trung tâm thành phố khiến người dân đổ xô mua ô tô. Kết quả là thành phố rơi vào khủng hoảng tắc đường trong thời gian dài.

“Xe máy hiện vẫn là phương tiện chính của đại đa số người dân Hà Nội. Nếu không bảo vệ quyền lưu thông hợp lý của xe máy, hệ quả lâu dài sẽ rất nghiêm trọng,” TS Bình nhận định.

Ông đề xuất Hà Nội nên dành riêng một làn cho xe máy trên các trục đường lớn như Phạm Văn Đồng, đồng thời cấm ô tô dừng, đỗ dọc tuyến để giải phóng không gian lưu thông.

Sẽ tiếp tục phân làn trên đường Võ Chí Công

Theo thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội, sau khi hoàn tất triển khai tại Phạm Văn Đồng, việc phân làn bằng dải phân cách cứng sẽ tiếp tục được áp dụng trên đường Võ Chí Công. Tuyến này sẽ được chia thành 3 làn ô tô và 2 làn hỗn hợp.

09
 

Các phương án phân làn được đưa ra sau khi phân tích lưu lượng giao thông thực tế và thử nghiệm trên phần mềm mô phỏng chuyên dụng. Tuy nhiên, trước những phản ứng từ người dân và chuyên gia, hiệu quả lâu dài của mô hình này vẫn còn là dấu hỏi lớn.