Giáo sư Võ Tòng Xuân – Người cha già trong ngành nông nghiệp Nam bộ

16/10/2023 10:00

Giáo sư - Tiến sĩ, Anh hùng lao động, Nhà giáo nhân dân Võ Tòng Xuân là một nhà khoa học lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, cha đẻ của nhiều giống lúa đặc sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó giáo sư Võ Tòng Xuân cũng được ghi nhận nhiều công trạng trong sự nghiệp giáo dục tại vùng đất này.

5b-bzyy-1697448438.jpg

GS-TS Võ Tòng Xuân (ngồi giữa). Ảnh Cao Phong

Giáo sư Võ Tòng Xuân, 82 tuổi, sinh ra tại An Giang. Vào năm 1961, ông được học bổng du học tại trường Đại học Nông nghiệp Philippines ở Los Banos và là một du học sinh xuất sắc trong học tập. Năm 1966, ông tốt nghiệp đại học với bằng cử nhân Hóa nông và được nhận làm Nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế (IRRI).

Giữa lúc sự nghiệp đang thăng tiến tại Viện Lúa quốc tế (IRRI) với mức lương hàng ngàn USD mỗi tháng và môi trường làm việc tân tiến, ông lại khăn gói về Việt Nam với mức lương thấp hơn chỉ vì muốn đào tạo đội ngũ kỹ sư nông nghiệp cho quê nhà theo lời mời của Viện trưởng Viện Đại học Cần Thơ.

Sau đó ông lấy bằng tiến sĩ tại Nhật Bản 1975. Cụ thể, từ năm 1980 đến năm 1992 ông nghiên cứu sử dụng đất phèn Đồng bằng sông Cửu Long; nghiên cứu cây lúa cao sản; đồng thời ông còn nghiên cứu hệ thống canh tác chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp từ năm 1990. Đặc biệt, ông còn đưa ra giống IR36, MTL30 phổ biến nhất ở các tỉnh miền Tây.

Khi đến tuổi nghỉ hưu như cuộc “hẹn hò định mệnh” ông trở thành Hiệu trưởng của ngôi trường Đại học đầu tiên trên quê hương An Giang. Năm 2003, ông là tác giả hai quyển sách, đồng tác giả một tác phẩm khác, chủ biên ba công trình, nhiều báo cáo khoa học; hướng dẫn công trình tốt nghiệp cho trên 150 kỹ sư nông nghiệp, 3 tiến sĩ nông học, 5 phó tiến sĩ và 12 thạc sỹ.

Bên cạnh đó, ông được phong giáo sư Nông học vào năm 1980; Anh hùng Lao động (1985) và là đại biểu Quốc hội 3 khóa liền (II, III, IV). Từ năm 1982 đến năm 1997, ông giữ chức vụ Phó Hiệu Trưởng Trường Đại học Cần Thơ; Hiệu Trưởng Trường Đại học An Giang (12/1999 -11/2007). Từ năm 1996 đến 2006, ông là Ủy viên Hội đồng Chức Danh Giáo sư Nhà nước Việt Nam. Từ 2008 đến 2010, ông giữ chức vụ Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nông Thủy Sản Việt-Phi. Đồng thời từ năm 2010 đến 10/2013 ông còn là Hiệu Trưởng Trường Đại học Tân Tạo. Từ tháng 10/2013 đến nay, ông giữ chức vụ Hội đồng Sáng lập và Quyền Hiệu Trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ.

Cuộc đời sự nghiệp của giáo sư Võ Tòng Xuân không chỉ đóng góp cho ngành nông nghiệp mà trên rất nhiều các lĩnh vực khác nhau. Chính vì vậy mà ông đã nhận được không ít giải thưởng cho mình. Cụ thể, Giải thưởng Derek Tribe về khoa học kỹ thuật năm 2005; Giải thưởng Nikkei châu Á năm 2002 về Tăng trưởng vùng; Giải thưởng Ramon Magsaysay năm 1993 về Phục vụ nhà nước; Bằng tưởng lệ của Thủ tướng Canada năm 1995 về “Phụng sự và đóng góp vào khoa học thế giới; Huy chương “Kỵ mã Nông nghiệp của Bộ Nông-Lâm-Thuỷ sản Pháp năm 1996; Giải “Cựu sinh viên xuất sắc nhất” của Đại học Philippines tại Los Banos năm 2001, giải thưởng Derek Tribe-Australia 2005.

ttxvn-giao-su-1697448438.jpg

Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh Watanabe Nobuhiro trao Huân chương Mặt Trời Mọc, Tia Sáng Vàng và Ruy Băng Cổ của Chính phủ Nhật Bản cho Giáo sư Võ Tòng Xuân. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Bên cạnh đó, GS.TS Võ Xuân Tòng là một trong 16 cá nhân của Việt Nam được Bộ Ngoại giao Nhật Bản tuyên dương và trao tặng Bằng khen trong năm 2019. Ngày 13/04/2022, tại TP Cần Thơ đã diễn ra lễ trao tặng "Huân chương Mặt Trời Mọc, Tia Sáng Vàng và Ruy Băng Cổ" của Nhật Bản trao tặng Giáo sư Võ Tòng Xuân bởi những đóng góp lớn của giáo sư trong nhiều năm qua, trên nhiều lĩnh vực. 

pic3-1697448438.jpg

Trao Giải thưởng Food Hero 2023 cho GS TS Võ Tòng Xuân.

Mới đây, ngày 12/10/2023, Lễ Tôn vinh các sáng kiến và nỗ lực phát triển Thực phẩm bền vững (Food Hero Awards 2023) đã trao tặng giải thưởng thành tựu trọn đời cho GS.TS Võ Xuân Tòng. Chương trình được tổ chức bởi Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch (AFT) cùng Mạng lưới Phát triển Thực phẩm Bền vững Food Share. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 43 năm Ngày Lương thực thế giới (16/10/1979 - 16/10/2023) và 78 năm thành lập Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO).

Giải thưởng này chính là sự ghi nhận xác đáng danh cho giáo sư Võ Tòng Xuân – người đã dành cả cuộc đời xây dựng các giá trị bền vững cho ngành nông nghiệp - thực phẩm cộng đồng tại Việt Nam.

Hoài Trinh
Bạn đang đọc bài viết "Giáo sư Võ Tòng Xuân – Người cha già trong ngành nông nghiệp Nam bộ" tại chuyên mục Kinh tế Nông nghiệp. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309