Giải pháp thúc đẩy giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi trong Chương trình hành động quốc gia “Không còn nạn đói”

09/12/2022 17:49

Ngày 8/12/2022, Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội thực hiện phóng sự về Chương trình hành động quốc gia “Không còn nạn đói”. Đến dự, có PGS.TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác.

Theo công bố kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, tổng số hộ nghèo cả nước là hơn 600.000 hộ, giảm còn 2,23%. Ngày  14/1/2015, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Lễ phát động khởi động CTHĐ  Quốc gia “Không còn nạn đói” ở Việt Nam; ngày 12/5/2016, thành lập Ban chỉ đao Quốc gia giai đoạn 2016 – 2025 do Phó Thủ tướng làm Trưởng ban; ngày 12/6/2018,  Thủ tướng ký ban hành QĐ số 712/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động quốc gia về Chương trình “Không còn nạn đói”. Chương trình đã được triển khai giai đoạn 2018-2021 và đạt được những mục tiêu kép, không chỉ giúp bà con các vùng khó khăn có điều kiện tiếp cận nguồn vốn, kỹ thuật nuôi trồng canh tác, cũng như biết cách tạo ra những bữa ăn đủ dinh dưỡng.

doi111-1670727635.jpg

Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi là một thách thức lớn trong Chương trình hành động quốc gia “Không còn nạn đói”

Theo chia sẻ của ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, trên thực tế Đảng và Nhà nước có rất nhiều chương trình hỗ trợ cho sự phát triển dân tộc và miền núi. Điển hình nhất là theo nghị quyết 88 của Trung ương, Quốc hội đã phê chuẩn chương trình phát triển dân tộc và  miền núi 2021-2030, đây là một chương trình toàn diện là một trong ba chương trình mục tiêu quốc gia. Còn từ trước đến nay, chúng ta vẫn có những chương trình giảm nghèo hoặc tái cơ cấu ở các vùng miền núi và dân tộc thiểu số. Đặc biệt năm 2015, đặc biệt qua Quyết định của Chính phủ năm 2018 phê duyệt Chương trình “Không còn nạn đói”, đây là một chương trình rất nhân văn và là một cam kết của Nhà nước Chính phủ Việt Nam với Quốc tế trong công cuộc chống suy dinh dưỡng và sự phát triển con người, là một trong các chương trình để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững thiên niên kỷ của thế giới.

doi-ngheo-1670755447.jpg

Công cuộc chống suy dinh dưỡng và  sự phát triển con người, là một trong các chương trình để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững thiên niên kỷ của thế giới.

Ông cũng nhấn mạnh, trong 10 nước Asian chỉ có Việt Nam cam kết chương trình không còn nạn đói này. Chương trình không còn nạn đói được thực hiện từ năm 2018-2025, được chia thành 2 giai đoạn là 2018-2021 và giai đoạn 2022-2025. Với tính nhân văn đảm bảo với 5 trụ cột: tất cả mọi người đều được tiếp cận lương thực, thực phẩm một cách dễ dàng; chống suy dinh dưỡng ở những vùng đặc biệt khó khăn, đặc biệt những vùng có tỉ lệ suy dinh dưỡng cao; đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng; đảm bảo nâng cao thu nhập cho người sản xuất nhỏ nhất là các hộ nông dân ở vùng miền núi khó khăn; mục tiêu cuối cùng là thúc đẩy giảm tổn thất, lãng phí về lương thực thực phẩm.

Như chúng ta biết, tỷ lệ giảm nghèo của chúng ta đã được được thành tích rất ngoạn mục chỉ còn hơn 2%, nhưng ở những vùng miền núi và đồng bào dân tộc tỷ lệ nghèo vẫn còn rất cao, phần lớn là trên 7%, có nơi trên 10%. Đặc biệt những vùng miền núi, đi cùng với tỷ lệ hộ nghèo còn cao, còn liên quan đến câu chuyện về dinh dưỡng cho trẻ em, dinh dưỡng cho trẻ em quyết định thể lực thể trạng, chất lượng lao động lâu dài. Theo tính toán của các chuyên gia, còn khoảng 1000 xã còn tỷ lệ suy dinh dưỡng lên tới 15%, thậm chí trên 20% trẻ em còn ở thể suy dinh dưỡng, thấp còi. Chính vì vậy, chương trình không còn nạn đói sẽ chủ yếu được triển khai ở 1000 xã nằm trong khu vực có tỷ lệ suy dinh dưỡng rất cao, khoảng trên 20%. Những xã này cũng trùng hợp với vùng khó khăn và dân tộc miền núi, cũng trùng với vùng mà chúng ta đang triển khai chương trình hỗ trợ dân tộc và miền núi.

Chia sẻ về sự phối hợp của các bên liên quan trong việc triển khai Chương trình “Không còn nạn đói”, PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cũng cho biết thêm, khái niệm không còn nạn đói ở đây về vấn đề đói đứt bữa ở Việt Nam đã được giải quyết. Tuy nhiên, vấn đề đói về dinh dưỡng còn khá cao ở các vùng dân tộc và miền núi. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trung bình của Việt Nam là 19% thấp hơn mức trung bình của thế giới là 22%, nhưng tỷ lệ suy dinh dưỡng ở những vùng khó khăn như miền núi và đồng bào dân tộc của chúng ta đều cao hơn 22%, cao hơn mức trung bình của thế giới, đây là vấn đề thách thức. Theo ông, cần có sự đồng hành giữa các ngành, đặc biệt là ngành nông nghiệp, y tế và công thương để giải quyết thách thức về tỷ lệ suy dinh dưỡng chứ đây không chỉ là trách nhiệm riêng của ngành y tế. Trong Chương trình không còn nạn đói, chúng tôi đặt ra phương pháp tiếp cận phát triển tiếp cận nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng, đồng hành cùng cán bộ nông nghiệp và cán bộ dinh dưỡng bên y tế cùng xuống tập huấn cho bà con về các phương thức sử dụng dinh dưỡng, nấu ăn, sử dụng các nguồn thực phẩm địa phương. Đồng thời, bên nông nghiệp chúng tôi đào tạo cho bà con về sản xuất thực phẩm tại địa phương, bổ sung dinh dưỡng tại chỗ.

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, sau hơn 3 năm triển khai, Chương trình đã góp phần thay đổi nhận thức của cán bộ và người dân về nông nghiệp bảo đảm dinh dưỡng. Người dân đã nhận thức được việc cần sản xuất để bù đắp việc thiếu hụt dinh dưỡng cho hộ gia đình, đặc biệt là phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 2 tuổi.

Chu Thao (TH)