Theo thông báo từ Vatican, Giáo hoàng mới là đức Hồng y Robert Prevost của Mỹ. Ngài là Giáo hoàng người Mỹ đầu tiên trong lịch sử. Ngài sẽ lấy tên là Leo XIV.
Tân Giáo hoàng Leo XIV, 69 tuổi, đến từ Chicago, Illinois, là Giáo hoàng đầu tiên đến từ Mỹ. Giáo hoàng Leo XIV lấy bằng cử nhân toán học tại Đại học Villanova ở Pennsylvania và tiếp tục nhận bằng thần học từ Liên đoàn Thần học Công giáo Chicago.
Tân Giáo hoàng Leo XIV ra mắt tại ban công chính của Vương cung thánh đường Thánh Peter (Ảnh: Reuters).
Sau đó, ngài được gửi đến Rome để học giáo luật tại Đại học Giáo hoàng Saint Thomas Aquinas và được thụ phong linh mục vào tháng 6/1982. Sau này trong sự nghiệp của mình, ngài giảng dạy luật giáo luật tại chủng viện ở Trujillo, Peru.
Là một nhà lãnh đạo có kinh nghiệm toàn cầu, tân Giáo hoàng đã dành phần lớn sự nghiệp của mình làm nhà truyền giáo ở Nam Mỹ và gần đây nhất là lãnh đạo về việc bổ nhiệm giám mục. Ngài được kỳ vọng sẽ xây dựng dựa trên các cải cách của Giáo hoàng Francis.
Ngài đã làm việc một thập kỷ tại Trujillo, Peru, sau đó được bổ nhiệm làm giám mục của Chiclayo, một thành phố khác của Peru, nơi ông phục vụ từ năm 2014 đến năm 2023.
Ngài được Đức Giáo hoàng Francis phong làm hồng y vào năm 2023, ngài ít trả lời phỏng vấn với giới truyền thông và hiếm khi phát biểu trước công chúng.
Người dân ở Quảng trường Thánh Peter vui mừng khi khói trắng xuất hiện từ ống khói của Nhà nguyện Sistine (Ảnh: Reuters).
Trong bài phát biểu ngắn ở lễ ra mắt, tân Giáo hoàng Leo XIV kêu gọi mọi người “thể hiện lòng bác ái” với người khác “và đối thoại bằng tình yêu thương”.
Đức Giáo hoàng Leo XIV cũng mong muốn “hoà bình cho tất cả mọi người”, từ hoà bình được nhắc lại nhiều lần trong lời ngài nói với đám đông. Phát biểu bằng tiếng Italy, ngài đã nhắc đến nhiều lần cố Giáo hoàng Francis.
Trước đó ít phút, sau 2 ngày bỏ phiếu, chiều 8/5 theo giờ Vatican, các Hồng y đã bầu chọn được Giáo hoàng mới. Khói trắng đã bốc lên tại ống khói trên Nhà nguyện Sistine, sau hai lần bỏ phiếu không thành công (khói đen) trước đó.
Ở hai lần bầu Giáo hoàng trước, Giáo hoàng Benedict XVI được bầu sau bốn vòng bỏ phiếu; Đức Francis được bầu sau năm vòng.
Cùng với làn khói trắng, chuông của Vương cung thánh đường Thánh Peter đã vang lên để chào đón tin tức một giáo hoàng mới đã được bầu.
Đám đông tại quảng trường chính của Vatican vỡ òa trong tiếng vỗ tay khi khói trắng bắt đầu bốc ra từ ống khói của Nhà nguyện Sistine.
Lễ đăng quang chính thức của tân Giáo hoàng sẽ diễn ra trong vài ngày tới.
Lãnh đạo thế giới gửi lời chúc đến Tân Giáo hoàng Leo XIV
Tối ngày 8/5 theo giờ địa phương, ngay sau khi Tân Giáo hoàng Leo XIV xuất hiện trên ban công của Vương cung thánh đường Thánh Peter và gửi những lời đầu tiên đến 1,4 tỷ tín đồ Công giáo trên thế giới, hàng loạt lãnh tụ thế giới đã gửi lời chúc mừng đến Người.
Trong một tin nhắn trên mạng xã hội Truth Social, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gửi lời chúc mừng đến Tân Giáo hoàng và nhấn mạnh đây là một vinh dự lớn cho nước Mỹ, đồng thời cho biết "nóng lòng" được gặp người đứng đầu Giáo hội Công giáo.
Trong một thông cáo báo chí, Tân Thủ tướng Đức, Friedrich Merz đã chúc mừng Giáo hoàng Leo XIV và khẳng định ngài sẽ "mang lại hy vọng và định hướng cho hàng triệu tín đồ trên khắp thế giới trong thời điểm khó khăn này".
Trên mạng xã hội X, Thủ tướng Tây Ban Nha, Pedro Sánchez, bày tỏ hy vọng Tân Giáo hoàng sẽ đóng góp vào việc "tăng cường bảo vệ nhân quyền". Nhà Vua Tây Ban Nha, Felipe VI tin rằng lời kêu gọi hòa bình của Giáo hoàng Leo XIV, đưa ra trong bài phát biểu đầu tiên của mình là "truyền cảm hứng và khích lệ".
Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula Vonder Leyen đã ca ngợi cam kết của Giáo hoàng Leo XIV đối với hòa bình và mong đây sẽ là động lực để truyền cảm hứng cho thế giới.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng đây là một khoảnh khắc lịch sử đối với Giáo hội Công giáo và hàng triệu tín đồ. Ông Macron mong rằng triều đại Giáo hoàng mới sẽ mang đến "hòa bình và hy vọng".
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng gửi lời chúc mừng đến Giáo hoàng Leo XIV, bày tỏ tin tưởng rằng Moscow và Vatican sẽ "tiếp tục Phát triển nhiều hợp tác mang tính xây dựng".
Thủ tướng Anh Keir Starmer đã ca ngợi Giáo hoàng Leo XIV và nhấn mạnh đây là một thời khắc quan trọng khi thế giới có Giáo hoàng người Mỹ đầu tiên.
Thủ tướng Italia, Giorgia Meloni nhấn mạnh bài phát biểu đầu tiên của Đức Giáo hoàng Leo XIV là "lời kêu gọi mạnh mẽ về hòa bình, tình anh em và trách nhiệm".
Trong thông điệp trên mạng xã hội X, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chúc Giáo hoàng đầu tiên đến từ nước Mỹ sẽ thành công trong việc nuôi dưỡng hy vọng và hòa giải giữa các tín ngưỡng. Trước đó, ngay sau khi Hồng y người Mỹ Robert Prevost được bầu làm Giáo hoàng mới của Tòa thánh Vatican với tông hiệu Leo XIV, Tổng thống Israel Isaac Herzog cũng ra tuyên bố chúc mừng. Tổng thống Israel hy vọng triều đại của tân Giáo hoàng sẽ là một trong những cây cầu kết nối và thấu hiểu giữa các tôn giáo và các dân tộc trên toàn thế giới.
Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi tối qua gửi lời chúc mừng Giáo hoàng Leo XIV trở thành người đứng đầu Tòa thánh Vatican. Tổng thống Ai Cập bày tỏ tin tưởng tân Giáo hoàng sẽ tiếp tục di sản thúc đẩy hòa bình và tình yêu thương, tôn vinh các giá trị và đạo đức cao quý, khước từ bạo lực, thù hận và chiến tranh.
Đại diện chính thức một số Nhà thờ Hồi giáo và Công giáo lớn trong khu vực cũng đã lên tiếng chúc mừng tân Giáo hoàng Leo XIV.
Giáo hoàng Leo XIV là vị Giáo hoàng thứ 267 của Giáo hội Công giáo La Mã. Ông đến từ Chicago, thuộc bang Illinois và là Giáo hoàng đầu tiên đến từ Mỹ. Giáo hoàng Leo XIV có cha là người Pháp lai Italia và mẹ là người Tây Ban Nha. Ông là cộng sự thân cận của Đức Giáo hoàng Francis, người đã tấn phong ngài làm Hồng y vào năm 2023. Tân Giáo hoàng Leo XIV thông thạo nhiều ngôn ngữ, ông có thể nói tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Italia và tiếng Tây Ban Nha do sự đa văn hóa từ gia đình, nhưng ông cũng học tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Latin và tiếng Đức trong quá trình thi hành chức thánh của mình.
Giám đốc văn phòng báo chí Tòa thánh Vatican, Matteo Bruni cho biết Giáo hoàng Leo XIV sẽ cử hành thánh lễ cùng các Hồng y tại Nhà nguyện Sistine lúc 11 giờ sáng ngày hôm nay (9/5) (khoảng 16h giờ Việt Nam). Đức Giáo hoàng cũng sẽ chủ trì buổi cầu nguyện vào lúc 12 giờ trưa Chủ Nhật, 11/5 (khoảng 17h giờ Việt Nam) từ ban công của Vương cung thánh đường Thánh Peter và sẽ gặp gỡ các nhà báo tại Vatican vào sáng thứ Hai (12/5).