Chủ xe tất bật bảo vệ ô tô trước giờ bão đổ bộ
Ngay từ sáng 21/7, khi các cơ quan khí tượng cảnh báo cơn bão số 3 (tên quốc tế Wipha) có khả năng gây mưa lớn tại các tỉnh Bắc Bộ, nhiều người dân đã khẩn trương tìm cách bảo vệ ô tô khỏi nguy cơ ngập nước.
Tại các khu vực trũng, hình ảnh phổ biến là cảnh ô tô được kê bánh lên gạch, bọc kính bằng xốp, phủ đệm mút, thậm chí buộc vào các vật nổi tự chế để tránh trôi khi nước dâng cao.
Một phương án được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội là bọc kín phần đáy xe bằng bạt chống nước. Một số chủ xe cẩn thận hơn còn sử dụng túi bạt dày, quấn trọn quanh thân xe như gói "bánh chưng", sẵn sàng cho tình huống nước lũ tràn vào khu dân cư.

Kinh nghiệm từ bão Yagi: Bọc bạt đúng cách, giữ nguyên xe
Câu chuyện của chị Lan Anh - một người dân tại TP Thái Nguyên - là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của việc chuẩn bị kỹ lưỡng.
Trong trận mưa lũ do bão Yagi hồi tháng 9/2024, khu vực nhà chị bị ngập nặng từ đêm. Trong khi hàng loạt xe máy và ô tô khác chìm trong nước, chiếc Kia Rio của gia đình chị vẫn an toàn nhờ được bọc kín bằng một tấm bạt lớn rộng 10 mét.
Dù bị thiệt hại tài sản khác, chị Lan Anh vẫn giữ được phương tiện mưu sinh nhờ chủ động chuẩn bị từ trước.

Chuyên gia cảnh báo nguy cơ thiệt hại lớn nếu không bảo vệ xe đúng cách
Kỹ sư ô tô Dương Trung Kiên nhận định, thiệt hại do ô tô bị ngập nước sau mưa bão có thể kéo dài và rất tốn kém, lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng.
Khi nước tràn vào động cơ trong lúc cố khởi động, xe có nguy cơ bị thủy kích. Ngoài ra, các hệ thống điện, ECU, hộp số đều dễ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dẫn tới chi phí sửa chữa cao.
Không chỉ vậy, phần nội thất như ghế, sàn, taplo nếu bị ẩm mốc sẽ nhanh chóng xuống cấp, trong khi các chi tiết kim loại có thể bị gỉ sét, làm giảm độ an toàn khi vận hành. Xe từng ngập nước cũng thường bị mất giá đáng kể khi bán lại.
Theo anh Kiên, để hạn chế rủi ro, việc đưa xe đến nơi cao ráo, tránh ngập là điều cần thiết. Trong đó, phương pháp bọc xe bằng bạt lớn hoặc túi chuyên dụng đang được nhiều người áp dụng vì tính hiệu quả.
Khi nước ngập khoảng 30-40 cm, túi bọc kín sẽ giúp xe nổi lên nhờ lực đẩy Archimedes. Nếu xe được bọc kỹ, không để nước lọt vào, phần không khí bên trong sẽ giữ cho xe nổi như một chiếc thuyền.

Tuy nhiên, phương án này cũng tồn tại nhiều rủi ro nếu không thực hiện đúng cách. Túi bọc có thể bị rách, nước có thể tràn vào từ đáy hoặc qua các khe hở nhỏ, khiến công sức bảo vệ xe trở nên vô ích.
Hơn nữa, trong điều kiện mưa to gió lớn, xe bọc trong túi có thể bị lật hoặc trôi, va chạm với các vật xung quanh gây ra hư hỏng nghiêm trọng.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo nên sử dụng bạt hoặc túi chuyên dụng chất lượng cao, có khả năng chống rò rỉ và đảm bảo kín tuyệt đối. Đồng thời, chủ xe nên chèn bánh, buộc cố định xe vào các điểm chắc chắn để tránh bị xô lệch, móp méo khi xe nổi lên trong dòng nước.