Cắt option để giảm giá: Chiêu bài quen thuộc của hãng xe Trung Quốc liệu có đủ sức cạnh tranh?

Để thu hút khách hàng giữa một thị trường ô tô ngày càng khốc liệt, nhiều hãng xe Trung Quốc đã chọn cách tung ra phiên bản “rút gọn” – giảm bớt trang bị, đổi lại mức giá bán hấp dẫn hơn.

Tuy nhiên, liệu chiến lược này có đủ để tạo sức bật trong tâm lý người tiêu dùng Việt vốn vẫn còn dè dặt với xe Trung Quốc?

Khi “option” không còn là điểm cộng

Mới đây, Lynk & Co – thương hiệu xe Trung Quốc do Greenlynk Automotives phân phối tại Việt Nam đã giới thiệu phiên bản 06 Core Plus với giá niêm yết 679 triệu đồng.

So với bản Hyper Pro ra mắt trước đó có giá 729 triệu đồng, Core Plus rẻ hơn 50 triệu nhưng cũng đồng thời bị cắt giảm hàng loạt trang bị đáng giá.

26
 

Từ hệ thống an toàn chủ động như kiểm soát hành trình thích ứng, phanh khẩn cấp tự động, camera 360 độ... cho đến tiện ích nội thất như điều hòa tự động 2 vùng, lọc không khí hay kính một chạm – tất cả đều không còn xuất hiện trên bản rút gọn.

Cách làm này từng được Omoda áp dụng với bản C5 Luxury ra mắt tháng 3/2025 và giờ tiếp tục trở thành “chiêu bài” quen thuộc của các hãng xe Trung Quốc tại Việt Nam.

Giá rẻ hơn, liệu có đáng để đánh đổi?

Việc giảm giá bán bằng cách lược bỏ trang bị được xem là một cách tiếp cận thực dụng trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng nhạy cảm với giá.

24
 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành, người mua Việt Nam hiện không còn bị hấp dẫn đơn thuần bởi giá thấp, đặc biệt ở phân khúc SUV đô thị – nơi sự cân bằng giữa thương hiệu, trải nghiệm lái và tiện nghi đóng vai trò then chốt.

Một chiếc xe có mức giá 679 triệu đồng như Lynk & Co 06 Core Plus, dù rẻ hơn bản cao cấp vẫn bị đánh giá là khó cạnh tranh khi so với các đối thủ đã có chỗ đứng vững như Mitsubishi Xforce, Toyota Yaris Cross hay Hyundai Creta.

25
 

Ngay cả mẫu xe châu Âu vừa ra mắt tại Việt Nam – Skoda Kushaq cũng có giá khởi điểm chỉ từ 599 triệu đồng kèm theo đó là thương hiệu và dịch vụ hậu mãi mạnh hơn.

“Cắt để sống” hay đang tự giới hạn tiềm năng?

Chiến lược “cắt option để giảm giá” không phải là sai. Trong nhiều trường hợp, đó là giải pháp cần thiết để đa dạng hóa lựa chọn và tiếp cận nhóm khách hàng thực dụng, ít đòi hỏi.

Tuy nhiên, nếu sản phẩm đánh mất quá nhiều giá trị cốt lõi, người tiêu dùng có thể sẽ quay lưng thay vì cảm thấy “tiết kiệm”.

23
 

Đáng nói hơn, xe Trung Quốc tại Việt Nam vẫn phải đối mặt với hai rào cản lớn: yếu tố thương hiệu chưa đủ mạnh và tâm lý e ngại của người dùng.

Việc cắt bớt trang bị ở các phiên bản giá thấp có thể khiến người mua càng thêm nghi ngại về độ bền, tính an toàn và khả năng giữ giá của sản phẩm.

Thống kê cho thấy, Lynk & Co chỉ bán được dưới 300 xe trong cả năm 2024 tại Việt Nam và chưa đầy 200 xe trong 5 tháng đầu năm 2025. Trung bình mỗi mẫu xe bán chưa đến 40 chiếc – con số chưa đủ để tạo ra dấu ấn trên thị trường.

28
 

Cần nhiều hơn một phiên bản “giá mềm”

Giảm giá nhờ cắt trang bị là bước đi ngắn hạn. Về dài hạn, các hãng xe Trung Quốc cần một chiến lược bài bản hơn: từ truyền thông định vị sản phẩm rõ ràng, mạng lưới dịch vụ hậu mãi đủ rộng đến chính sách bảo hành minh bạch và niềm tin về chất lượng.

Người dùng hiện nay không chỉ mua một chiếc xe mà còn đang mua sự đảm bảo sau bán hàng và cảm giác an tâm trong suốt quá trình sử dụng.

27
 

Với tâm lý "ăn chắc mặc bền" còn chiếm ưu thế, việc chi vài trăm triệu đồng cho một chiếc xe vẫn là quyết định lớn với phần lớn khách Việt.

“Cắt option để giảm giá” là chiến lược phổ biến và có thể phát huy hiệu quả trong một số trường hợp nhất định.

Tuy nhiên, với thị trường ô tô Việt Nam – nơi người tiêu dùng ngày càng thông minh và chọn lọc – yếu tố giá không còn là “vũ khí” duy nhất.

Để thực sự tạo được vị thế, các hãng xe Trung Quốc cần chứng minh nhiều hơn là con số trên bảng giá.