Cần 400 tỷ USD mỗi năm, không hành động sẽ tổn thất gấp 30 lần

25/07/2023 16:49

Chuyển đôi Hệ thống Lương thực thực phẩm có vai trò rất quan trọng để đạt được tất cả 17 Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc trong bối cảnh biến đổi khí hậu và các khủng hoảng toàn cầu mới.

Trong khuôn khổ của Liên hợp quốc về Hệ thống Lương thực thực phẩm, từ ngày 24 - 26/7/2023 tại Rome (Italy) đã diễn ra Hội nghị toàn cầu đánh giá 2 năm thực hiện cam kết Hội nghị Thượng đỉnh về Hệ thống Lương thực thực phẩm của LHQ năm 2023 (2023 UN Food Systems Stocktaking Moment - Thời điểm Kiểm kê Hệ thống Lương thực thực phẩm Liên hợp quốc 2023)

Hội nghị được tổ chức với sự tham gia của hơn 2.000 đại biểu đến từ 161 quốc gia, bao gồm 22 nhà lãnh đạo cấp nhà nước, hơn 100 lãnh đạo cấp Bộ và 150 tổ chức quốc tế. Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Tổng Giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO). Thủ tướng các nước Italy, Ethiopia, Bangladesh, Samoa và Nepal đã tham dự và phát biểu tại phiên khai mạc vào chiều 24/7 tại trụ sở chính của FAO ở Rome.

Hội nghị 'Thời điểm Kiểm kê Hệ thống Lương thực thực phẩm Liên hợp quốc 2023' được tổ chức tại Rome, từ ngày 24 - 26/7/2023 tại Rome, Italy.

Hội nghị “Thời điểm Kiểm kê Hệ thống Lương thực thực phẩm Liên hợp quốc 2023” được tổ chức tại Rome, từ ngày 24 - 26/7/2023 tại Rome, Italy.

“Con người” là trung tâm của Hệ thống Lương thực thực phẩm

Đây là hội nghị tiếp nối của Hội nghị thượng đỉnh về Hệ thống Lương thực năm 2021, tạo cơ hội để xem xét các cam kết và đánh giá tiến độ thực hiện các cam kết chuyển đổi hệ thống lương thực của các quốc gia. Hội nghị nhằm 3 mục tiêu:

(i) Duy trì xuyên suốt vấn đề “an ninh lương thực” và “chuyển đổi hệ thống lương thực” trong các chương trình nghị sự quốc tế, thông qua nhiều hoạt động cấp cao được thực hiện như Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 về Hệ thống Lương thực thực phẩm bền vững của Mạng lưới Một hành tinh được tổ chức tháng 4/2023 tại Hà Nội, Việt Nam; Diễn đàn chính trị cấp cao về phát triển bền vững 2023 tại New York (tháng 7/2023); Đối thoại cấp cao về tài chính cho phát triển tại New York (tháng 9/2023); Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP28) tại UAE (tháng 11 - 12/2023).

(ii) Nhấn mạnh thông điệp “thực hiện” các kế hoạch chuyển đổi hệ thống thực phẩm ở các cấp độ, nhất là cấp độ quốc gia; 

(iii) Định hướng thảo luận một số vấn đề sau Mục tiêu phát triển bền vững 2030.

Chuyển đổi Hệ thống Lương thực thực phẩm toàn cầu cần 400 tỷ USD/năm nhưng chi phí của việc không hành động tốn đến 12 nghìn tỷ USD/năm.

Chuyển đổi Hệ thống Lương thực thực phẩm toàn cầu cần 400 tỷ USD/năm nhưng chi phí của việc không hành động tốn đến 12 nghìn tỷ USD/năm.

Phát biểu tại buổi khai mạc hội nghị thượng đỉnh, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã đề cập tới “con người” là trung tâm của Hệ thống Lương thực thực phẩm và quyền tiếp cận lương thực thực phẩm là một trong những quyền cơ bản của con người.

Ông cũng kêu gọi các quốc gia, doanh nghiệp, cộng đồng khoa học, các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội dân sự và các đối tác cùng với mạng lưới sáng tạo lương thực thực phẩm của Liên hợp quốc (Food Innovation Hub - Trung tâm đổi mới sáng tạo về Hệ thống Lương thực thực phẩm) cần chuyển đổi thông qua hợp tác, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm nhằm đảm bảo mọi người, mọi cộng đồng, mọi quốc gia đều được tiếp cận lương thực thực phẩm an toàn, đảm bảo dinh dưỡng. Để thực hiện được mục tiêu này, việc triển khai nhân rộng các mô hình và đầu tư nguồn lực cho các nước đang phát triển là hết sức cần thiết.

Hội nghị có sự tham gia của hơn 2.000 đại biểu đến từ 161 quốc gia, bao gồm 22 nhà lãnh đạo thế giới/lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ, hơn 100 lãnh đạo cấp Bộ và 150 tổ chức quốc tế.

Hội nghị có sự tham gia của hơn 2.000 đại biểu đến từ 161 quốc gia, bao gồm 22 nhà lãnh đạo thế giới/lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ, hơn 100 lãnh đạo cấp Bộ và 150 tổ chức quốc tế.

Chung tay chuyển đổi Hệ thống Lương thực thực phẩm bền vững

Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Italy, bà Giorgia Meloni đã nhấn mạnh đến việc phải đầu tư vào nghiên cứu và công nghệ để đổi mới Hệ thống Lương thực thực phẩm toàn cầu, tăng cường tính bền vững, cải thiện chất lượng và số lượng của sản phẩm. Đồng thời, chỉ tài trợ ở quy mô lớn mới có thể mang lại những thay đổi cho Hệ thống Lương thực thực phẩm, vì vậy hợp tác với tất cả các tổ chức tài chính quốc tế là yếu tố chính để thực hiện nhiều dự án chuyển đổi nông nghiệp hơn.

Bà cũng cho biết, Italy sẽ đầu tư vào Agritech, một trung tâm nghiên cứu chiến lược ở Napoli để phát triển các công nghệ mới, bắt đầu từ viễn thám/hàng không và những ứng dụng của chúng trong nông nghiệp và Quỹ Khí hậu Italy, với ngân sách hàng năm là 840 triệu Euro, từ đó chung tay thúc đẩy chuyển đổi bền vững hệ thống lương thực ở các quốc gia đang phát triển.

Kết thúc bài phát biểu của mình, bà đã nhắc lại câu nói của Cicero, một trong những triết gia quan trọng nhất của La Mã cổ đại: “Trong tất cả các nghệ thuật mà chúng ta thu được lợi nhuận, nông nghiệp là nghệ thuật cốt yếu, không nghệ thuật nào sinh lãi hơn, không nghệ thuật nào ngọt ngào hơn, không nghệ thuật nào xứng đáng hơn cho con người và con người tự do”.

Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về Hệ thống Lương thực thực phẩm của Liên hợp quốc.

Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về Hệ thống Lương thực thực phẩm của Liên hợp quốc.

Trong bài phát biểu khai mạc, Tổng giám đốc FAO, ông Qu Dongyu, nhấn mạnh rằng các Hệ thống Lương thực thực phẩm nắm giữ sức mạnh và tiềm năng to lớn trong việc góp phần đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs). Ông cũng ghi nhận những tiến bộ đạt được trong việc xác định các giải pháp mà hệ thống nông nghiệp và lương thực thực phẩm có thể cung cấp để sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn và cuộc sống tốt hơn.

Để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi, FAO đang tập trung vào bốn lĩnh vực chính: Khoa học và đổi mới, cải thiện khả năng dữ liệu, tăng nguồn tài chính công và tư có mục tiêu và thiết lập các cơ chế quản trị hệ thống nông nghiệp toàn diện.

Thủ tướng Ethiopia, Thủ tướng Bangladesh, Thủ tướng Samoa, Thủ tướng Nepal đã nhấn mạnh vai trò rất quan trọng của Hệ thống Lương thực thực phẩm để đạt được tất cả 17 Mục tiêu phát triển bền vững 2030 trong bối cảnh biến đổi khí hậu và các khủng hoảng toàn cầu mới, cũng như tầm quan trọng của việc đầu tư vào chuyển đổi Hệ thống Lương thực thực phẩm vì “Chi phí của việc không hành động chuyển đổi gì còn tốn kém hơn nhiều so với chi phí đầu tư cho các hành động chuyển đổi”.

Việc tham gia của nhiều nhà lãnh đạo Chính phủ tại hội nghị thể hiện sự quan tâm và cam kết mạnh mẽ của các quốc gia trong việc chuyển đổi Hệ thống Lương thực thực phẩm bền vững và cũng là cơ hội để các nước có thể huy động được các nguồn lực, đồng thời hỗ trợ lẫn nhau trong tiến trình triển khai thực hiện.

Hội nghị Thời điểm Kiểm kê Hệ thống Thực phẩm của Liên hợp quốc năm 2023 đóng vai trò là hoạt động tiếp nối quy mô toàn cầu đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh về Hệ thống Lương thực thực phẩm năm 2021, nơi các cá nhân và quốc gia cam kết đẩy nhanh và tăng cường sức mạnh biến đổi của các hệ thống thực phẩm, nhằm thực hiện đầy đủ tất cả 17 SDGs.

Trong 3 ngày diễn ra hội nghị có 9 Phiên họp toàn thể, 10 Phiên đối thoại giữa các nhà lãnh đạo và 14 Phiên họp kỹ thuật chuyên đề.

Trong phần Tóm tắt chủ tọa và Tuyên bố hành động về Hội nghị thượng đỉnh về Hệ thống lương thực thực phẩm của Liên hợp quốc, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã cam kết triệu tập một cuộc họp kiểm kê toàn cầu hai năm một lần để xem xét tiến độ thực hiện các kết quả của quá trình này và những đóng góp của nó đối với việc đạt được Chương trình nghị sự 2030.

Đợt kiểm kê đầu tiên này do Italy chủ trì, với sự cộng tác của các cơ quan Liên hợp quốc có trụ sở tại Rome: Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD), Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), cũng như Trung tâm Điều phối Hệ thống Lương thực của Liên hợp quốc.

Tầm nhìn toàn cầu mới là tạo ra một cấu trúc tài chính thực phẩm mới với các chính phủ, khu vực tư nhân và các đối tác phát triển, huy động tới 400 tỷ USD mỗi năm cho đến năm 2030. Con số này thấp hơn rất nhiều so với 12 nghìn tỷ USD một năm là ước tính tổn thất về về môi trường, xã hội và kinh tế cho cộng đồng, gia đình, sinh kế và cuộc sống nếu thế giới không hành động để chuyển đổi và cải thiện các Hệ thống Lương thực thực phẩm.

Hoàng Giang - Quỳnh Chi
Bạn đang đọc bài viết "Cần 400 tỷ USD mỗi năm, không hành động sẽ tổn thất gấp 30 lần" tại chuyên mục Kinh tế Nông nghiệp. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309