Các phương pháp, bài thuốc Đông y hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19

04/03/2022 20:08

TTND.PGS.TS. Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết, Đông y chỉ tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19 có mức độ bệnh ở thể nhẹ và trung bình, người bệnh không có triệu chứng và bệnh nhân ở giai đoạn hồi phục. Các hướng dẫn dưới đây của Hội Đông y Việt Nam nhằm phát huy tinh thần tại chỗ và đảm bảo an toàn, hiệu quả nhất đối với sức khỏe người bệnh.

dong-y-1-1646373418968499351517-1646399188.jpg

Nhân viên y tế phát thuốc y dược cổ truyền cho bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 7 (Đồng Nai) - Ảnh: CDC Đồng Nai

Cách xông hơi và bệnh nhân nào cần xông hơi

Theo PGS.TS. Đậu Xuân Cảnh, Đông y chỉ tham gia điều trị đối với bệnh nhân COVID-19 có mức độ lâm sàng nhẹ (tức là nhịp thở dưới 20 lần/phút, SpO2 >96% khi thở khí trời, người bệnh tự phục vụ được, X-quang phổi bình thường hoặc có tổn thương nhưng ít), người có mức độ bệnh trung bình (có triệu chứng lâm sàng nhưng không đặc hiệu, có dấu hiệu viêm phổi với khó thở, thở nhanh 20-25 lần/phút, phổi có ran nổ và không có dấu hiệu suy hô hấp nặng, SpO2 từ 94-96% khi thở khí phòng, người bệnh có thể khó thở khi gắng sức, mạch nhanh hoặc chậm, da khô, nhịp tim nhanh, huyết áp bình thường, tỉnh táo), người không triệu chứng  và bệnh nhân ở giai đoạn hồi phục.

COVID-19 thuộc phạm trù ôn dịch trong y học cổ truyền. Để điều trị ôn dịch COVID-19, Hội Đông y Việt Nam chia sẻ các phương pháp điều trị với từng đối tượng như sau:

Đối với người bệnh không triệu chứng: Phương pháp điều trị là trừ thấp nhiệt độc, bổ chính khí.

Cụ thể, nồi nước xông: Sử dụng các loại dược liệu chứa tinh dầu như sả, bạc hà, quế, mùi, bưởi, tràm, màng tang, long não, kinh giới, tía tô, vỏ bưởi, lá bưởi, lá tre, hương nhu… Thành phần nồi lá xông ở mỗi địa phương có thể không giống nhau, nhưng các vị chính như sả, quế, bạc hà, lá bưởi, lá tre, tràm... không thể thiếu.

Thời gian xông tùy theo mức độ chịu đựng của bệnh nhân, trung bình từ 5-10 phút, nhiệt độ từ khoảng 60-70 độ C (cho nồi xông cá nhân, trùm chăn). 

Lưu ý, khi xông phải thay quần áo, lau khô người; uống bù nước, điện giải, nước ép hoa quả hoặc nước đun sôi để nguội pha với một ít muối (9 g/lít nước); không xông tinh dầu trong phòng ngủ có trẻ em dưới 30 tháng tuổi, trẻ có tiền sử co giật do sốt cao, động kinh, người có dị ứng với tinh dầu.

Hội Đông y Việt Nam cũng cảnh báo, không dùng xông toàn thân cho người bệnh bị khí huyết hư, khí âm hư và cơ thể suy nhược, không xông cho bệnh nhân ra mồ hôi nhiều, phụ nữ có thai, phụ nữ đang trong thời kỳ kinh nguyệt, tiêu chảy, cao huyết áp và người có bệnh lý nền về tim mạch, tâm thần…

Với người bệnh ở mức độ nhẹ: Phương pháp điều trị là tuyên phế, thanh nhiệt, trừ độc.

Bệnh nhân có biểu hiện đầu tiên là sợ lạnh, phát nhiệt, sau đó chỉ phát nhiệt mà không sợ hàn, đau đầu, đau người, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù sác hoặc hoạt sác: Bài thuốc gồm binh lang 16 g, thảo quả nhân 4 g, thược dược 12 g, cam thảo 6 g, hậu phác 8 g, tri mẫu 8 g, hoàng cầm 12 g. Đây là dạng thuốc sắc, ngày uống 1 thang, uống khi thuốc còn ấm, chia 2 lần sau ăn sáng và chiều. Liệu trình uống từ 1-3 thang. Thầy thuốc phải theo dõi sát quá trình diễn biến của bệnh nhân để có hướng xử trí kịp thời.

Bệnh nhân có triệu chứng sốt cao, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi bắt đầu vàng từ gốc lưỡi đến trung tâm, mạch sác: Bài thuốc gồm binh lang 16 g, hậu phác 8 g, cam thảo 6 g, hoàng cầm 12 g, cát căn 10 g, sài hồ 10 g, đại táo 2 quả, thảo quả 4 g, bạch thược 12 g, tri mẫu 8 g, đại hoàng 8 g, khương hoạt 8 g, sinh khương 8 g. Đây cũng là dạng thuốc sắc, ngày uống 1  thang, uống khi còn ấm, chia 2 lần sau ăn sáng và chiều, uống từ 1-3 thang. Thầy thuốc phải theo dõi sát quá trình diễn biến của bệnh nhân để có hướng xử trí kịp thời.

Bệnh nhân sốt cao, ra mồ hôi nhiều, khát nhiều, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch hồng đại: Bài thuốc gồm sinh thạch cao 30 g, cam thảo 8 g, tri mẫu 12 g, ngạnh mễ 20 g. Đây cũng là dạng thuốc sắc. Sinh thạch cao giã vụn, cho vào túi vải sắc trước, ngạnh mễ sao vàng, cho thêm 3 lát sinh khương, sắc ngày uống 1 thang, uống khi còn ấm, chia 2 lần sau ăn sáng và chiều, uống từ 1-3 thang. Thầy thuốc phải theo dõi sát quá trình diễn biến của bệnh nhân để có hướng xử trí kịp thời.

Bệnh nhân sốt cao, phiền khát, ngực bụng đầy trướng, đại tiện bí kết, rêu lưỡi vàng, mạch trầm khẩn: Bài thuốc gồm đại hoàng 8 g, chỉ thực 12 g, hậu phác 10 g, mang tiêu 6 g. Dạng thuốc sắc, ngày uống 1 thang, uống khi còn ấm, chia 2 lần sau ăn sáng và chiều, uống từ 1-3 thang. Thầy thuốc phải theo dõi sát quá trình diễn biến của bệnh nhân để có hướng xử trí kịp thời.

Bệnh nhân sốt cao, không có mồ hôi, ho suyễn, khó thở, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng mỏng, mạch sác: Bài thuốc gồm 8-10 g ma hoàng, 6-8 g cam thảo, 8-12 g hạnh nhân, sinh thạch cao 20-30 g. Dạng thuốc sắc, sinh thạch cao giã vụn, cho vào túi vải sắc trước khoảng 30 phút, cho các vị còn lại vào sắc tiếp 45 phút. Ngày uống 1 thang, uống lúc ấm, chia 2 lần sau ăn sáng và chiều, uống từ 1-3 thang. Thầy thuốc phải theo dõi sát quá trình diễn biến của bệnh nhân để có hướng xử trí kịp thời.

Cách tự xoa bóp ở bệnh nhân trong giai đoạn phục hồi

Đối với bệnh nhân ở giai đoạn phục hồi, tức là đủ tiêu chuẩn xuất viện theo quy định của Bộ Y tế, nhưng vẫn còn một vài triệu chứng khác nhau, thì có thể tiếp tục điều trị phục hồi bằng y học cổ truyền. Theo y học cổ truyền, sau khi khỏi bệnh, cơ thể chưa hồi phục hoàn toàn, chính khí bị suy nhược, tân dịch hao tổn, do đó cần tiếp tục điều trị để phục hồi chức năng tạng phủ, cân bằng âm dương trong cơ thể. Lúc này, người bệnh có thể dùng thuốc hoặc không dùng thuốc. Nếu không dùng thuốc thì thực hiện châm cứu, xoa bóp toàn thân. 

Theo hướng dẫn của Hội Đông y Việt Nam, bài tự xoa bóp thực hiện như sau: Dùng 2 tay xoa bóp cho cơ thể, làm từ trên xuống dưới cơ thể; xát vùng đỉnh đầu, từ trước ra sau, day huyệt bách hội; xát 2 bên cạnh đầu; miết từ giữa trán ra 2 bên thái dương, day nhẹ huyệt thái dương 2 bên; miết quanh hốc mắt, miết từ đầu trong 2 cung lông mày ra; xát 2 bên cánh mũi, day huyệt nghinh hương 2 bên;

Xát vùng má, miệng; áp 2 tay vào tai, bật các ngón tay vào vùng gáy (đánh trống tai); xát vùng gáy, 2 tay đan vào nhau xát, day huyệt phong trì 2 bên; xát vùng cổ, dùng lòng bàn tay xát cổ từ trên xuống, day huyệt thiên đột; xát vùng vai, tay phải xát vai trái và ngược lại;

Xát vùng tay, tay phải xát cho tay trái và ngược lại, day huyệt hợp cốc, khúc trì, nội quan, trung phủ 2 bên; xát vùng ngực sườn, tay phải xát vùng ngực sườn trái và ngược lại, day huyệt đản chung; xát vùng bụng từ phải qua trái thuận theo chiều kim đồng hồ;

Xát vùng lưng, nắm 2 tay đưa sau và xát dọc 2 bên cạnh cột sống; xát vùng đùi, cẳng chân, dùng 2 tay xát cho từng chân, day huyệt huyết hải, túc tam lý, tam âm giao; xát nóng 2 lòng bàn chân, dùng gốc bàn tay xát nóng lòng bàn chân, day huyệt dũng tuyền.

Tập hàng ngày sáng, chiều và tối, mỗi lần 10-15 phút. Tác dụng của bài tập này làm ấm nóng toàn thân, tăng cường lưu thông khí huyết, tăng cường công năng tạng phế, điều hòa công năng các tạng phủ, giúp cân bằng trạng thái tâm sinh lý, do đó, nâng cao sức khỏe, phòng, chống bệnh tật, giúp giải tỏa trạng thái căng thẳng tâm lý, nâng cao chính khí phòng chống bệnh tật.

Các vị thuốc dễ tìm phòng lây bệnh, cách xông khói và tinh dầu, tập thở

Hội Đông y Việt Nam cũng bổ sung các phương pháp của Đông y về dự phòng lây nhiễm đối với tất cả mọi người, bao gồm cả F1 cách ly tại nhà, nơi cư trú, cách ly y tế tại nơi tập trung, phòng và kiểm soát lây nhiễm trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Theo đó, các biện pháp vệ sinh cá nhân Hội Đông y Việt Nam đề nghị thực hiện gồm tắm, rửa tay bằng xà phòng, dung dịch nhỏ mũi, nước súc miệng, thuốc xông gồm xông khói hoặc xông tinh dầu.

Trong đó, xông khói dùng vị thuốc thương truật, bồ kết 30-50 g/lần xông đối với thể tích khoảng 100 m3. Cách làm: Dùng một bát đường kính khoảng 15 cm, cho vào lòng bát 1/2 tờ báo cắt nhỏ, cho vị thuốc thương truật và bồ kết đã bẻ nhỏ lên trên, châm lửa đốt. Khói của bồ kết và thương truật sẽ diệt được virus trong môi trường.

Với xông tinh dầu, gồm sả, quế, tràm, khuynh diệp, trầm hương, chanh… cho khoảng 0,5 ml (tương đương 5 giọt) một trong các loại tinh dầu này vào ly nước 80-90 độ C cho phòng khoảng 20 m2 để diệt khuẩn.

Các loại thuốc đề nghị dùng trong, gồm nước ép tỏi; một số loại trà thảo dược như trà xanh, liên kiều, kinh giới; sử dụng dược liệu tươi pha chế làm trà như cam thảo, phòng phong, hoắc hương, tử tô, kinh giới, bạc hà…

Chế độ ăn, luyện tập nâng cao sức đề kháng: Không căng thẳng về dịch bệnh; cân bằng nghỉ ngơi và làm việc, nên nghỉ trưa ít nhất 30 phút, tránh các công việc gây stress. Ăn các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, đầy đủ đường, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất, không ăn nhiều các thức ăn chiên xào, hạn chế thuốc lá, rượu bia, cà phê, chất kích thích.

Tập thở ngực theo nhịp điệu êm, nhẹ, đều, chậm, sâu, dài, hít vào ngực nở, bụng lép, thở ra ngực lép, bụng hơi phồng. Thở sâu có tác dụng làm tinh thần dễ đi vào yên tĩnh, thông qua sự thay đổi áp lực ở bụng và ngực để xoa bóp nội tạng một cách nhịp nhàng, trong một thời gian tương đối dài làm tăng sức khỏe của nội tạng và cải thiện tuần hoàn trong ổ bụng. Càng làm dãn tốt, tinh thần càng yên tĩnh, càng dễ đạt yêu cầu của thở sâu. Vì vậy, vấn đề quan trọng trong luyện thở vẫn là làm dãn tốt và đạt yên tĩnh tốt.

Người bị bệnh đường tiêu hóa, sa nội tạng… đều có thể dùng thở sâu để chữa bệnh. Nếu trong khi tập mà bụng dưới dầy trướng thì tạm nghỉ thở sâu và chuyển sang thở tự nhiên.

Khi thở sâu, hết sức tránh gò bó, tránh việc điều khiển các bắp thịt ở bụng, ngực tham gia vào việc thở, vì như vậy dễ mệt mỏi. Mỗi lần tập 3-5 phút, mỗi ngày tập 2-3 lần.

Tổng hợp
Bạn đang đọc bài viết "Các phương pháp, bài thuốc Đông y hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19" tại chuyên mục Diễn đàn. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309