TS. Nguyễn Văn Bộ: Bối cảnh thực hiện Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa Nông nghiệp, Nông thôn ở Việt Nam

15/04/2022 12:47

Nongthonvaphattrien - Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam xin trân trọng giới thiệu loạt bài viết về chủ đề "Dự báo xu hướng Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa, Nông nghiệp, Nông thôn giai đoạn 2021 - 2030 và 2045" của TS Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. 

Chiến lược và định hướng về Công nghiệp hóa và Hiện đại hóa (CNH-HĐH) Nông nghiệp, Nông thôn ở Việt Nam chính thức được nêu ra tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII của Đảng (1/1994). Tuy nhiên, khi đó, CNH-HĐH Nông nghiệp nông thôn còn đặt chung trong khuôn khổ CNH-HĐH của cả nền kinh tế. Đến Đại hội Đảng lần thứ VIII (28-6 đến 1-7-1996), nhiệm vụ “CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn” được cụ thể hơn với nội dung: “Phát triển toàn diện nông, lâm, ngư nghiệp, hình thành các vùng tập trung chuyên canh, có cơ cấu hợp lý về cây trồng, vật nuôi,…Thực hiện thuỷ lợi hoá, điện khí hoá, cơ giới hoá, sinh học hoá... Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản…”.

bo1-1650001447.jpg
TS Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn chỉ chính thức trở thành chủ trương lớn của Đảng tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX (tháng 5-2012) “Về đẩy nhanh CNH- HĐH nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2011-2020”. Với Nghị quyết này, nội hàm của CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn được xác định rõ “Là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường; thực hiện cơ khí hóa, điện khí hóa, thủy lợi hóa, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ, trước hết là công nghệ sinh học, đưa thiết bị, kỹ thuật và công nghệ hiện đại vào các khâu của sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa trên thị trường”; “CNH-HĐH nông thôn là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng nhanh tỷ trọng giá trị sản phẩm và lao động các ngành công nghiệp và dịch vụ theo lợi thế từng vùng, giảm dần tỷ trọng sản phẩm và lao động nông nghiệp ở những vùng không thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp hàng hành hóa lớn ở những vùng có điều kiện phù hợp; Xây dựng xã hội nông thôn dân chủ, công bằng, văn minh, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân”.

Vấn đề CNH-HĐH Nông nghiệp, Nông thôn được tiếp tục khẳng định tại các kỳ Đại hội và Nghị quyết của Đảng. Gần dây nhất, Đại Hội XIII (25/1 đến  1/2/2021), khảng định: “Tiếp tục đẩy mạnh CNH-HĐH trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo” và “Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái dựa trên tiến bộ khoa học và công nghệ; phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương; đổi mới tổ chức, phát triển kinh tế hợp tác, thu hút doanh nghiệp đầu tư, cải tiến quản lý nhà nước để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu. Gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; sản xuất với bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản trong các chuỗi giá trị. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; kết nối nông thôn với đô thị; tiếp tục đẩy mạnh chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Tập trung phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng đời sống văn hoá, bảo vệ môi trường sinh thái”[1].

Trong 10 năm qua, Đảng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách; Nhà nước đã hình thành nhiều chương trình, dự án phục vụ CNH-HĐH Nông nghiệp nông thôn. Mặc dù đạt được một số thành tựu, nhưng quá trình thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX “Về đẩy nhanh CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2011-2020” còn khá nhiều tồn tại như Tái cơ cấu nông nghiệp thực hiện chậm, tốc độ tăng trưởng của ngành  nông nghiệp có xu hướng giảm, nhiều tồn tại chậm được khắc phục, nhất là về tổ chức sản xuất chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ; ứng dụng khoa học và công nghệ, chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của sản xuất nông nghiệp chưa cao. Xây dựng nông thôn mới chưa đồng đều, nặng về xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng, chưa chú trọng đúng mức phát triển sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, bảo vệ môi trường; nhiều nơi mức đạt các tiêu chí nông thôn mới còn thấp, hình thức; giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn chưa đạt yêu cầu; nhiều nơi tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống văn hóa, xã hội còn phát sinh nhiều bức xúc; ô nhiễm môi trường nông thôn gia tăng[2]. Có 7 nhóm tồn tại như sau:

i) Phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn chưa bền vững, năng suất lao động thấp

ii) Nông thôn phát triển không đồng đều, kết nối kinh tế nông thôn - đô thị yếu; cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội

iii) Cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động nông thôn chuyển dịch chậm, chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa 

iv)Trình độ khoa học công nghệ còn thấp, đào tạo nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, chưa tạo đột phá để hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn

v) Thu nhập và đời sống của phần lớn nông dân còn thấp, bấp bênh; có nơi tỷ lệ hộ nghèo còn cao

vi) Xây dựng đời sống văn hóa, xã hội còn nhiều hạn chế, tồn tại nhiều vấn đề bức xúc

vii) Khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu còn thấp; ô nhiễm môi trường nhiều nơi gia tăng

Do vậy, với bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều biến động, tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu, rất cần có dự báo về xu hướng chủ đạo của quá trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, từ đó đề ra nhiệm vụ, cơ chế chính sách để thực hiện phù hợp và hiệu quả.

bo111-1650001808.jpg
 
Bối cảnh thực hiện Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa Nông nghiệp Nông thôn ở Việt Nam

Hiện nay, Đảng và Nhà nước xác định CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình CNH-HĐH đất nước; là nền tảng để phát triển kinh tế xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc phòng, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái. Do vậy, việc xác định vị trí quan trọng của nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong quá trình hiện đại hóa đất nước là thực tế khách quan. Với tỷ lệ lớn cư dân nông thôn Việt Nam hiện nay, không có sự giàu có của nông dân thì không có sự giàu có của đất nước, không có hiện đại hóa nông thôn thì không có HĐH quốc gia. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nói: “Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế ta lấy canh nông làm gốc... Nông dân giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh…[3].

Phải nhìn nhận thực tế là không phải lúc nào và quốc gia nào thực hiện CNH- HĐH nông nghiệp, nông thôn cũng thành công. Tổng kết của Peter Timmer đối với 150 quốc gia trên thế giới trong vòng 200 năm cho thấy chỉ có khoảng 30 quốc gia thực hiện CNH-HĐH thành công và điều kiện tiên quyết cho thành công là năng suất lao động nông nghiệp tăng không ngừng (Dẫn theo Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, 2015). Nghị quyết Đại Hội XIII của Đảng cũng khảng định “Một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong Chiến lược 2011 - 2020 và việc tạo nền tảng để đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt được mục tiêu đề ra”. Do vậy, việc quán triệt chủ trương về CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn của Đảng cũng cần dự báo xu hướng CNH-HĐH cho giai đoạn 2021- 2030 và đến 2045, từ đó có giải pháp tổ chức thực hiện hiệu quả và phù hợp.


[1] Báo cáo chính trị của BCHTW Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

[2] Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” của Ban chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X

[3] Hồ Chí Minh: “Thư gửi điền chủ nông gia Việt Nam”, ngày 11 tháng 4 năm 1946

TS Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam