60 năm và 1.200 công trình nghiên cứu khoa học lâm nghiệp

24/11/2022 10:48

Trải qua 60 năm xây dựng, phát triển, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã thực hiện 1.200 công trình nghiên cứu khoa học có ý nghĩa thực tiễn cao.

1. Mô hình rừng trồng cây Thanh Thất cung cấp gỗ lớn sau 7 năm ở Bình Phước (1)

Mô hình rừng trồng cung cấp gỗ lớn bằng giống cây thanh thất của VAFS mới được Bộ NN-PTNT công nhận. Ảnh: NH.

Đơn vị nghiên cứu đầu ngành về lâm nghiệp

Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (VAFS) tiền thân là Viện Nghiên cứu Lâm nghiệp được thành lập năm 1961 theo Nghị định số 140-CP ngày 29/9/1961 của Hội đồng Chính phủ.

Sau nhiều lần chia tách, tháng 8/1988, Hội đồng Bộ trưởng đã ra quyết định hợp nhất các Viện thành Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam để phù hợp với sự đổi mới và phát triển của đất nước.

Đến ngày 25/11/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 2099/QĐ-TTg và nâng cấp Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam là Viện hạng Đặc biệt trực thuộc Bộ NN-PTNT.

GS.TS Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho biết, VAFS hiện có 17 đơn vị trực thuộc trải dài từ Bắc vào Nam, quản lý hơn 11.700ha. Đây là hiện trường thăm quan, học tập, chuyển giao kỹ thuật cho các cơ sở sản xuất. Hệ thống phòng thí nghiệm cũng đã được tăng cường với nhiều trang thiết bị hiện đại, trong đó có Phòng Thí nghiệm Vật liệu và Công nghệ gỗ đạt chuẩn Vilas Quốc gia phục vụ nghiên cứu và giám định gỗ.

Trải qua chặng đường 60 năm hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, đến nay VAFS đã thực hiện gần 1.200 công trình nghiên cứu khoa học các cấp, đạt được rất nhiều kết quả quý giá có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao. Trong đó, về giống cây lâm nghiệp, VAFS luôn là một cơ sở chọn tạo giống cây lâm nghiệp hàng đầu của Việt Nam với trên 90% số giống cây trồng lâm nghiệp được công nhận là do Viện nghiên cứu chọn tạo ra.

Tổng cộng, đến nay đã có 243 giống mới được Bộ NN-PTNT công nhận, năng suất, chất lượng cao (tăng trưởng trung bình từ 20-40m3/ha/năm), góp phần rất quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, tạo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Trong đó, 6 giống đã được trao giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam, 45 giống đã được sử dụng rất phổ biến trong thực tiễn sản xuất.

Trong những năm gần đây, nghiên cứu chọn giống các loài cây bản địa lấy gỗ và lâm sản ngoài gỗ cũng đã từng bước được đẩy mạnh và đạt được những kết quả quan trọng. Đến nay, 10 giống thanh thất, chiêu liêu nước và 01 giống sa nhân tím cũng đã được công nhận. Một giống xoan đào và 01 giống sâm Lai Châu lần đầu tiên được bảo hộ giống.

Với giống mắc ca, VAFS đã có 10 giống được công nhận, có năng suất hạt từ 14-22kg hạt/cây ở tuổi 8-10, góp phần rất lớn trong sự phát triển ngành mắc ca ở Việt Nam. Ngoài ra, Viện đã được Bộ NN-PTNT công nhận 9 tiến bộ kỹ thuật, Bộ KHCN công bố 68 TCVN về tiêu chuẩn cây giống, khảo nghiệm giống,...

Đối với rừng trồng, VAFS đã nghiên cứu kỹ thuật trồng rừng thâm canh cho nhóm các loài cây nhập nội mọc nhanh, cây gỗ lớn bản địa, cây đa mục đích, cây lâm sản ngoài gỗ và cây dược liệu. Đây là cơ sở khoa học để xác định cơ cấu cây trồng rừng cho các vùng sinh thái. Hàng trăm quy trình, hướng dẫn kỹ thuật nhân giống, trồng rừng và phòng trừ sâu bệnh đã được ban hành.

Bộ NN-PTNT cùng với đó cũng đã công nhận cho VAFS 13 tiến bộ kỹ thuật nhân giống, 10 tiến bộ kỹ thuật về quản lý lập địa, trồng rừng và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ thành gỗ lớn và trồng cây lâm sản ngoài gỗ, 4 tiến bộ kỹ thuật về sản xuất chế phẩm sinh học cải tạo đất rừng trồng keo, bạch đàn và phân hủy vật liệu cháy dưới tán rừng thông, 2 tiến bộ kỹ thuật về quản lý tổng hợp sâu bệnh hại rừng keo, thông. Về phía Bộ KHCN, đã công bố 4 TCVN của Viện về yêu cầu lập địa trồng rừng các loài keo và bạch đàn, chuyển hóa gỗ nhỏ thành gỗ lớn keo và bạch đàn,...

Empty

Hệ thống nhà giâm hom với công nghệ tưới phun tự động của VAFS. Ảnh: QL.

Làm chủ các tiến bộ mới nhất về lâm nghiệp

Đối với rừng tự nhiên, VAFS đã nghiên cứu về phân loại rừng Việt Nam, đặc điểm lâm học cho các hệ sinh thái rừng chính, các giải pháp phục hồi rừng và bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển sinh kế cộng đồng ở các khu dự trữ sinh quyển thế giới như Cát Bà, Đồng Nai.

Viện cũng thực hiện nhiều đề tài về bảo tồn và khai thác phát triển nguồn gen cho các loài thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm và gắn với phát triển sản phẩm OCOP. Ngoài ra, các nghiên cứu về lâm sinh tổng hợp cũng đã xác định được khả năng tích lũy các bon cho các loại rừng trồng và rừng tự nhiên đã cung cấp cơ sở khoa học cho chi trả dịch vụ môi trường rừng ở nước ta.

Từ năm 2021, VAFS đã được giao vận hành Hệ thống Chứng chỉ rừng Quốc gia (VFCS). Đến nay, hệ thống này đã được tổ chức Chứng chỉ rừng Quốc tế PEFC công nhận và cấp chứng chỉ cho 120.000ha của hơn 20 doanh nghiệp cao su thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và hàng chục nghìn ha rừng keo cho các nhóm hộ gia đình và hợp tác xã.

Về công nghiệp rừng, VAFS đã nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu về cấu tạo và các tính chất cho hơn 800 loài gỗ và tre nứa, công nghệ sản xuất gỗ/tre ép khối, ván ép biến tính nhiều lớp kích thước lớn, biến tính ván mỏng từ gỗ rừng trồng.

Sản xuất ván sàn, than hoạt tính từ gỗ đước, ván ghép thanh, ván MDF từ gỗ tràm. Nghiên cứu tạo ván bio composite không sử dụng keo dán. Sử dụng năng lượng mặt trời sấy gỗ, công nghệ sản xuất sơn chống hà cho tàu thuyền gỗ đi biển, keo dán gỗ có khả năng thay thế keo nhập khẩu, thân thiện môi trường. Nghiên cứu và ứng dụng thành công nhiều loại thuốc bảo quản gỗ thân thiện với môi trường, xử lý mộc bản triều Nguyễn, gỗ khảo cổ phục vụ bảo tồn các di sản.

Nghiên cứu, thiết kế chế tạo máy băm dăm nhỏ lưu động, nhà giâm hom che sáng và tưới phun tự động, vỏ bầu ươm tự hủy sinh học. Thiết kế, chế tạo cày ngầm cải tiến, cày chăm sóc rừng đáp ứng các yêu cầu canh tác trên đất dốc.

Qua các kết quả nghiên cứu, VAFS đã xây dựng và được ban hành 34 TCVN, được công nhận 13 tiến bộ kỹ thuật, 01 Bằng độc quyền sáng chế, 01 đăng ký kiểu dáng công nghiệp và 02 giải pháp hữu ích. Được tặng thưởng 01 Giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam, 01 Bằng lao động sáng tạo.

Empty

Mô hình rừng trồng keo lá tràm 9 tuổi ứng dụng tiến bộ về quản lý lập địa bền vững. Ảnh: NH.

Về kinh tế và chính sách lâm nghiệp, VAFS đã nghiên cứu xây dựng định mức kinh tế, kỹ thuật của ngành, các chính sách về giao đất giao rừng, thúc đẩy phát triển trồng rừng gỗ lớn, hưởng lợi rừng, quản lý bảo vệ rừng, bảo hiểm rừng trồng,... Nghiên cứu định giá rừng đã là cơ sở cho việc ban hành chính sách thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Gần đây, VAFS đã nghiên cứu và phát triển Hệ thống iTwood để quản lý và truy xuất nguồn gốc gỗ hợp hợp theo quy định quốc tế nhằm đẩy mạnh xuất khẩu lâm sản và quá trình chuyển đổi số trong ngành lâm nghiệp.

“Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức ở phía trước nhưng với sự cố gắng, nỗ lực, quyết tâm của toàn thể cán bộ, viên chức và người lao động trong Viện, sự giúp đỡ của các Bộ, ngành, địa phương, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam tiếp tục phấn đấu phát triển mạnh mẽ và toàn diện hơn, đóng góp nhiều hơn nữa cho ngành Lâm nghiệp để xứng đáng là một Viện hạng đặc biệt của Bộ NN-PTNT.” GS.TS Võ Đại Hải, Giám đốc VAFS nhấn mạnh.iệp KHCN

Nguyên Huân - Quang Linh
Bạn đang đọc bài viết "60 năm và 1.200 công trình nghiên cứu khoa học lâm nghiệp" tại chuyên mục Diễn đàn. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309