Hoà Bình: Gia tăng nội lực và giá trị cho sản phẩm OCOP

PV
Theo TTXVN: Với mục tiêu đưa thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đến gần hơn với người tiêu dùng trên cả nước, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã được tỉnh Hòa Bình chú trọng quan tâm, chỉ đạo quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Chú thích ảnh Lò sấy tinh bột nghệ thành thương phẩm dạng nén của Công ty TNHH Nhưng Vần, huyện Lạc Sơn (Hòa Bình). Ảnh: TTXVN

Những sản phẩm OCOP đã mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, hộ sản xuất kinh doanh, hợp tác xã và doanh nghiệp, góp phần Phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm. 

Hiện tại, tỉnh Hòa Bình đã có 205 sản phẩm được Bộ Nông nghiệp và Môi trường, UBND tỉnh, UBND cấp huyện cấp giấy chứng nhận đạt sản phẩm OCOP từ ba sao trở lên. Có 118 sản phẩm OCOP (2 sản phẩm 5 sao, 15 sản phẩm 4 sao, 101 sản phẩm 3 sao) của 11 doanh nghiệp; 53 hợp tác xã; 3 tổ hợp tác...

Tại Công ty TNHH Nhưng Vần, sản phẩm tinh bột nghệ Nhưng Vần được nâng cấp lên sản phẩm OCOP 4 sao vào năm 2024. Anh Bùi Văn Nhưng, Giám đốc Công ty TNHH Nhưng Vần cho biết: Sản phẩm tinh bột nghệ Nhưng Vần được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường với gần 10 loại mẫu mã khác nhau. Năm 2023, lô hàng đầu tiên gồm 1.080 lọ tinh bột nghệ loại 200g, 500g của công ty được xuất khẩu sang thị trường Anh đã mở màn cho chiến lược kinh doanh lâu dài và vươn tầm của công ty trong tương lai. Hiện nay, công ty tiếp tục thực hiện các bước xúc tiến thương mại, hoàn thiện thủ tục hồ sơ năng lực để xuất khẩu sản phẩm sang thị trường một số nước như: Canada, Hoa Kỳ, Đức, Hà Lan, Nhật Bản...

Để hỗ trợ doanh nghiệp, chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện để anh Nhưng mở rộng quy mô sản xuất, nhằm thu hút người dân tham gia, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn. Công ty đã đầu tư trang thiết bị, máy móc, nhà xưởng cơ bản đầy đủ, đáp ứng nhu cầu sản xuất. Công ty luôn có từ 8 - 10 công nhân làm việc thường xuyên với mức thu nhập từ 6 - 9 triệu đồng/người/tháng. Bình quân mỗi vụ công ty sản xuất khoảng 1,5 tấn sản phẩm tinh bột, tương đương giá trị từ 500 - 750 triệu đồng tùy vào thời điểm. Cùng với các sản phẩm khác, tổng doanh thu của công ty đạt khoảng 1 tỷ đồng/năm. 

Ngoài ra, tại một số đơn vị khác, nhằm nâng cao giá trị ẩm thực dân tộc tăng cả về số lượng, chất lượng, tỉnh Hòa Bình tiếp tục khuyến khích, chỉ đạo các địa phương trong tỉnh thực hiện đề án. Qua đó, tại xã Vũ Bình, huyện Lạc Sơn đã tập trung xây dựng món ăn thịt chua. Đây là món ăn truyền thống của bà con dân tộc Mường trong các dịp Lễ, Tết và mỗi khi gia đình đón tiếp khách quý. Với nguyên liệu và các loại gia vị đặc trưng, các cơ sở sản xuất thịt chua tại Vũ Bình đã mang đến cho thực khách món ăn mang hương vị đặc trưng, đậm chất truyền thống của người Mường Vang.

Là hộ sản xuất, kinh doanh thịt chua đầu tiên tại xã Vũ Bình được công nhận đạt chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, bà Bùi Thị Tin, chủ cơ sở sản xuất thịt chua Lâm Tin cho biết: Người Mường rất thích ăn và làm thịt muối chua. Đây là sản phẩm truyền thống của dân tộc, nhằm gìn giữ và phát huy những giá trị ẩm thực cha ông để lại. Gia đình đã áp dụng công nghệ, khoa học vào sản xuất, từ đó sản phẩm được nâng cao về chất lượng đạt sản phẩm OCOP, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. 

 
Chú thích ảnh Các sản phẩm hữu cơ, OCOP do nông dân tỉnh Hòa Bình sản xuất được bày bán tại Hội chợ Nông nghiệp và Triển lãm sản phẩm OCOP vùng trung du, miền núi phía Bắc năm 2023. Ảnh tư liệu: TTXVN

Trên địa bàn xã Vũ Bình (Lạc Sơn) hiện có gần 10 hộ gia đình sản xuất thịt chua, trong đó có một số cơ sở sản xuất quy mô nhà xưởng đạt tiêu chuẩn theo quy định. Thực tế cho thấy, thịt chua của người Mường Vang Lạc Sơn có nét khác biệt, đậm đà bản sắc bản địa so với những vùng miền khác. 

Thống kê cho thấy, giai đoạn 2019-2020, tỉnh Hòa Bình phấn đấu có 50 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, kết quả thực hiện đạt 70/50 sản phẩm (đạt và vượt 140%); giai đoạn 2021-2025, phấn đấu có thêm 80 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, kết quả thực hiện từ 2021-2024 đạt 136/80 sản phẩm (đạt và vượt 170%); năm 2025, có 50 sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; trong đó, có 41 sản phẩm mới, 9 sản phẩm đánh giá, phân hạng lại. Dự kiến có trên 16 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.

Giám đốc, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Nguyễn Huy Nhuận cho biết, các sản phẩm OCOP đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về sản vật, vùng nguyên liệu gắn với phát triển dịch vụ du lịch nông thôn. Chương trình OCOP đã góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, phát triển kinh tế nông thôn.

Theo ông Bùi Văn Hiển, Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Bình, huyện Lạc Sơn, đối với địa phương, hiện tại tất cả các việc liên quan đến hỗ trợ, hồ sơ cấp xã đã sẵn sàng, mong muốn cấp trên và các cơ quan đánh giá về sản phẩm OCOP thực chất để địa phương ngày càng có nhiều sản phẩm chất lượng hơn nữa, phục vụ thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

"Chương trình Mỗi xã một sản phẩm là một chủ trương đúng đắn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn và nâng cao đời sống người dân. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp, ban, ngành và tập thể đơn vị góp phần đưa các sản phâm của địa phương vươn xa hơn trên thị trương trong nước và quốc tế", ông Bùi Văn Hiển nhấn mạnh.