Đẩy mạnh phát triển kinh tế đô thị trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

04/12/2023 21:02

Với việc 3 xã Liên Hồng, Hạ Mỗ, Thọ An đã đủ điều kiện trình TP công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, huyện Đan Phượng đã hoàn thành 100% các xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đây là tiền đề quan trọng để huyện đẩy nhanh phát triển theo hướng đô thị.

Hoàn thành 100% xã nông thôn mới kiểu mẫu

Sau 15 năm sáp nhập về Thủ đô, huyện Đan Phượng đã có bước phát triển ngoạn mục, vươn lên dẫn đầu TP Hà Nội về xây dựng nông thôn mới và từng bước đạt tiêu chí thành quận của Thủ đô. Đến hết năm 2015, Đan Phượng có 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới và là huyện đầu tiên của Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới gia đoạn 2011 – 2015.

dan-phuong-1-1703426497.jpg
Diện mạo nông thôn mới xã Song Phượng, huyện Đan Phượng

Đến hết năm 2022, huyện có 12/15 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, dẫn đầu toàn Thành phố Hà Nội. Huyện đặt mục tiêu đưa 3 xã còn lại là Liên Hồng, Hạ Mỗ, Thọ An về đích nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2023.

Những năm qua, công tác xây dựng nông thôn mới luôn được lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Đan Phượng quan tâm, quyết liệt tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, huy động cả hệ thống chính trị và Nhân dân vào cuộc. Trong đó, huyện xác định xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng văn minh, hiện đại gắn với tiêu chí phát triển huyện thành quận, xã thành phường.

Hạ tầng phục vụ các tiêu chí nông thôn mới được quan tâm đầu tư đồng bộ, hiện đại, gắn với tiêu chí phát triển đô thị với tổng nguồn vốn bố trí gần 1.800 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2023, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia của huyện là 98,2%trong đó có 39 trường đạt chuẩn mức độ 2, tăng 7 trường so với năm 2022. 100% xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế. Toàn huyện không còn hộ nghèo; có 491 hộ cận nghèo, giảm 233 hộ so với đầu năm 2023. Giải quyết việc làm cho 5.400 người, đạt 114,89% kế hoạch.

dan-phuong-2-1703426497.jpg
Những con đường bích họa khang trang tại Đan Phượng.

Hiện nay, 3 xã còn lại là Liên Hồng, Hạ Mỗ, Thọ An cũng đã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu. Kết quả thẩm tra, chấm điểm của UBND huyện Đan Phượng cho thấy, xã Thọ An đạt 95,5 điểm; xã Hạ Mỗ đạt 97,05 điểm; xã Liên Hồng đạt 96,8 điểm. Huyện đã yêu cầu các xã hoàn thiện hồ sơ theo quy định trình huyện báo cáo Thành phố xem xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023. Huyện cũng đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt cho biết, một trong những điểm nhấn về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn huyện là mô hình thôn thông minh ngày càng lan tỏa. Tính đến nay, toàn huyện đã thành lập được 16 tổ công nghệ số cộng đồng ở 16 xã, thị trấn; 129 tổ công nghệ thôn, cụm dân cư, tổ dân phố với tổng số 1.015 thành viên phục vụ việc tuyên truyền, trao đổi về các vấn đề liên quan đến kinh tế - xã hội của thôn, xã và tiếp nhận phản ánh của người dân trên địa bàn. Huyện cũng đã xây dựng được 16 mô hình camera an ninh tại 16 xã, thị trấn với tổng số camera là hơn 2.700.

dan-phuong-3-1703426497.jpg
Tuyến đê kiểu mẫu tại xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng.

"Mỗi xã đều có 1 thôn thông minh có sử dụng giao tiếp thông minh, thương mại điện tử, có các hoạt động quảng bá về địa phương, dịch vụ xã hội như y tế thông minh, nông nghiệp thông minh và sinh hoạt cộng đồng thông minh" – ông Nguyễn Viết Đạt phấn khởi cho biết.

Cùng với đó, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được quan tâm thực hiện, tỷ lệ thôn, làng văn hóa tăng từ 62% năm 2020 lên 99,2%. 15/15 xã được Bộ Công an đưa ra khỏi xã trọng điểm về an ninh trật tự. Ngoài ra, cuộc thi “Giữ gìn thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn” gắn với xây dựng tuyến đê kiểu mẫu được triển khai sâu rộng, lan tỏa rộng khắp, được Nhân dân hưởng ứng tích cực. Qua đó đã huy động Nhân dân xã hội hóa hơn 30 tỷ đồng thực hiện chỉnh trang, làm đẹp thôn, tổ dân phố và xây dựng được hơn 6,7/35km tuyến đê kiểu mẫu, góp phần nâng cao ý thức tự giác, vệ sinh môi trường duy trì nề nếp tạo bộ mặt cảnh quan nông thôn mới văn minh, trật tự, an toàn.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế đô thị

Chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của địa phương, Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt cho biết, công tác tuyên truyền phải đi trước một bước nhằm tạo sự đồng thuận cao để từ đó khơi dậy tinh thần tự giác, huy động sự vào cuộc của cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Cùng với đó, huyện cũng bám sát chỉ đạo của Trung ương, Thành phố và vận dụng phù hợp, sáng tạo theo điều kiện thực tế tại huyện. Thực hiện đồng bộ các giải pháp có trọng tâm, trọng điểm, xác định lộ trình, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng xã, từng ngành. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị để Nhân dân tin tưởng, tích cực hưởng ứng tham gia.

"Đặc biệt, huyện tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, ưu tiên nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng khung, công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống và sinh hoạt của Nhân dân. Quan tâm công tác đào tạo, tập huấn đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở, đảm bảo đủ năng lực triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới" – ông Nguyễn Viết Đạt cho biết thêm.

Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải cho biết, định hướng của huyện là phát triển theo hướng đô thị hóa nông thôn, xanh, văn minh, văn hiến. Do đó, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của huyện phải gắn với nhiệm vụ phát triển xã thành phường, huyện thành quận, đáp ứng các tiêu chí của đô thị và có sức cạnh tranh cao.

Để đáp ứng tiêu chí đô thị, thời gian tới, huyện Đan Phượng tập trung triển khai các dự án hạ tầng khung, dự án phục vụ giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô. Đồng thời trồng cây xanh trên các tuyến đường, khu công cộng, đảm bảo cảnh quan môi trường, phấn đấu đất cây xanh công cộng đạt 4m2/người. Tiếp tục triển khai thực hiện mô hình xã, thôn thông minh; xây dựng thị trấn Phùng đạt chuẩn đô thị văn minh.

Đẩy mạnh công tác xã hội hóa lắp đặt wifi miễn phí, trang bị dụng cụ thể thao ngoài trời, thiết bị nhà văn hóa thôn, cụm dân cư... để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân. Phấn đấu tỷ lệ thôn, làng được công nhận và giữ vững danh hiệu Làng văn hóa đạt 99%; 100% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới.

Về kinh tế, huyện tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đô thị, tăng tỷ trọng thương mại, dịch vụ, công nghiệp, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế số và các mô hình kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thành và đưa vào sử dụng các cụm công nghiệp Song Phượng, Hồng Hà, mở rộng cụm công nghiệp Đan Phượng, củng cố, hoàn thiện hạ tầng các cụm công nghiệp đang hoạt động. “Với nông nghiệp, huyện tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái trải nghiệm và các điểm đến du lịch” - Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải cho biết.

Cùng với đó, thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho lao động chuyển đổi việc làm; nâng cao hiệu quả hoạt động của các sàn giao dịch việc làm hoạt động đảm bảo kết nối nhu cầu giữa doanh nghiệp và người lao động. Thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho Nhân dân, phấn đấu tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế toàn huyện đạt 95%...

---

Bài viết được sự hỗ trợ của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới TP. Hà Nội

 

Hằng Nga
Bạn đang đọc bài viết "Đẩy mạnh phát triển kinh tế đô thị trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu" tại chuyên mục Nông thôn mới. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309