TS. Nguyễn Văn Bộ: Kinh tế số - Nông nghiệp là ngành đang có tiềm năng lớn nhất

16/04/2022 20:59

Nongthonvaphattrien.vn - Kinh tế số (Digital economy) là một thuật ngữ được sử dụng với tần suất ngày càng cao trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, để hiểu đúng và đầy đủ về kinh tế số vẫn còn nhiều tranh cãi. Một số cho rằng, kinh tế số là việc áp dụng các tiến bộ về công nghệ thông tin, trên nền tảng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, song nhiều ngưới khác lại cho rằng, kinh tế số đơn thuần chỉ là thương mại điện tử, thậm chí đơn giản hơn nữa là việc bán hàng trực tuyến (online). Hiện tại, kinh tế số được ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có nông nghiệp là ngành đang có tiềm năng lớn nhất.

Trên thế giới hiện nay có nhiều định nghĩa về kinh tế số. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng định nghĩa của nhóm cộng tác Kinh tế số của Đại học Oxford (Anh) là đầy đủ, dễ hiểu và chuẩn xác, đó là: “Kinh tế số là nền kinh tế vận hành dựa trên nền tảng công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua internet”. Kinh tế số đôi khi cũng được gọi là kinh tế internet (internet economy) hoặc kinh tế mạng (web economy). Ba thành phần chính trong nền kinh tế số bao gồm doanh nghiệp số, hạ tầng kinh doanh số và thương mại điện tử. Còn tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, Kinh tế số được định nghĩa là toàn bộ hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng số và những mô hình kinh doanh mới được tạo ra từ việc áp dụng công nghệ số và dữ liệu số (Phạm Việt Dũng, 2019). Hiện tại, kinh tế số được ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có nông nghiệp là ngành đang có tiềm năng lớn nhất.

nn-4-1-1650117240.jpg
TS. Nguyễn Văn Bộ: Kinh tế số - Nông nghiệp là ngành đang có tiềm năng lớn nhất

Theo e-Conomy SEA 2020 Report (Báo cáo kinh tế số Đông Nam Á năm 2020", chuyên đề Việt Nam do Google, Temasek và Bain ấn hành, nếu như giá trị nền kinh tế số Việt Nam năm 2015 mới đạt 3 tỉ USD, thì năm 2019 đã đạt 12 tỉ USD, năm 2020 đạt 14 tỉ USD (hay 5,3% GDP), tăng gần 5 lần so với năm 2015 và dự đoán đạt 43 tỷ USD vào năm 2025. Kinh tế số các lĩnh cực đều tăng trưởng (trừ Du lịch) mặc dù đang phải đối phó với đại dịch Covid-19[1].

Bảng 1. Tổng giá trị giao dịch trong bán hàng trực tuyến của Việt Nam (GMV)

Lĩnh vực

2015

2019

2020

2025 dự báo

GMV, Tỉ USD

Kinh tế Internet

3

12

14

52

Thương mại điện tử

0.4

5

7

29

Vận tải và thực phẩm

0.2

1.1

1.6

7.0

Nguồn: e-Conomy SEA 2020 Report.

- Ghi chú: GMV: Gross Merchandise Value hoặc Gross Merchandise Volume

Để có được tăng trưởng như số liệu nêu trong bảng 1, đầu tư vào lĩnh vực Internet tăng rất nhanh thời gian qua, từ 156 triệu USD năm 2016 lên 351 triệu USD năm 2018 và 935 triệu USD năm 2019. Báo cáo nêu trên cũng nhấn mạnh, trong 6 quốc gia Đông Nam Á có  thị trường kinh tế số lớn nhất là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam thì Việt Nam và Indonesia là hai thị trường có tốc độ phát triển kinh tế số nhanh nhất so với các quốc gia còn lại.

Nhận thức được xu thế này, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nêu ra các mục tiêu rất cụ thể, bao gồm:

- Đến năm 2030: Duy trì xếp hạng về chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới. Mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc; mọi người dân được truy cập Internet băng thông rộng với chi phí thấp. Kinh tế số chiếm trên 30% GDP; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 7,5%/năm. Hoàn thành xây dựng Chính phủ số. Hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.

- Đến năm 2045: Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Châu Á; có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.

Để thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03 tháng 6 năm 2020, đưa ra mục tiêu đến 2030 là: i) Kinh tế số chiếm 30% GDP; ii) Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%; iii) Năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 8% và iv) Việt Nam thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI). Thực hiện mục tiêu trên, Chính phủ yêu cầu phải quán triệt quan điểm: “Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức. Cần xác định sớm lộ trình và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương. Đi nhanh, đi trước giúp dễ thu hút nguồn lực. Nếu đi chậm, đi sau, khi chuyển đổi số đã trở thành xu hướng phổ biến thì nguồn lực trở nên khan hiếm, cơ hội sẽ ít đi, sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển”. Tuy nhiên, khi thực hiện chuyển đổi số, thách thức lớn nhất không phải là hạ tầng kỹ thuật số mà chính là nguồn nhất lực chất lượng cao.

Theo một đánh giá của Ngân hàng thế giới (2010), chất lượng lao động của Việt Nam hiện nay thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác. Nếu lấy thang điểm 10 để đánh giá thì chất lượng lao động Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm (đứng thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng của World Bank), trong khi con số này của Hàn Quốc là 6,91; Ấn Độ là 5,76; Malaysia là 5,59; Thái Lan là 4,94. (Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, 2017)

Đối với nông nghiệp, trong thời gian qua đã có sự tăng trưởng vượt bậc. Giá trị sản xuất đã tăng liên tục trong thời gian dài; sản lượng nông sản nói chung và xuất khẩu nói riêng tăng trưởng với tốc độ cao, thu nhập và đời sống của người nông dân ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, tăng trưởng của nông nghiệp chủ yếu vẫn  theo chiều rộng, nhờ tăng diện tích, tăng vụ và nhờ vào các yếu tố đầu vào truyền thống như lao động, vốn, vật tư, nguồn lực tự  nhiên... Việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến dựa trên số hóa và kết nối theo chuỗi giá trị tạo ra các mô hình nông nghiệp thông minh còn rất ít. Vì thế, mô hình tăng trưởng nông nghiệp như hiện nay mới chỉ tạo ra được khối lượng nhiều nhưng giá trị thấp, hiệu quả sự dụng đất đai và tài nguyên chưa cao.

ts-1650117527.jpg
TS. Nguyễn Văn Bộ, Nguyên giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam

Chuyển đổi số là lĩnh vực tiềm năng, song cần có lộ trình và bước đi thích hợp. Với nền tảng kỹ thuật số và nguồn nhân lực hiện nay, các ngành hàng sau đây có tiềm năng chuyển đổi số hiệu quả, bởi chúng ta vừa có công nghệ, sản xuất theo Global GAP, chứng chỉ an toàn, hữu cơ nên dễ dàng trong cấp chứng chỉ vùng trồng, xuất xứ hàng hóa:

i) Chăn nuôi bò sữa, lợn, gà; nuôi tôm, cá da trơn qui mô công nghiệp. Các ngành hàng này đòi hỏi qui mô diện tích không lớn, đang có những mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, theo chuỗi từ sản xuất đến xuất khẩu, nên dễ dàng chuyển đổi số cũng như áp dụng tự động hóa mức độ cao. Trong thủy sản có thể ứng dụng hệ thống canh tác kết hợp thủy sản và rau/hoa (Aquaponic)

ii) Sản xuất hoa và trái cây là những ngành hàng có công nghệ tự động hóa trong khâu sản xuất cây giống (gồm cả bầu ươm), cơ giới hóa làm đất, trồng, chăm sóc, thu hoạch; phân bón và tưới nước kết hợp (fertigaton); chế phẩm giúp sản xuất trái vụ; công nghệ bảo quản tiên tiến (khí hậu điều khiển, sấy lạnh…); Tất nhiên cũng phải lựa chọn những cây ăn quả với sản xuất qui mô tập trung, có công nghệ và thị trường như Thanh Long, cam, dứa.

iii) Sản xuất nấm ăn, nấm/cây dược dược liệu: Đây là các ngành hàng có thể sản xuất qui mô công nghiệp với giá trị gia tăng cao trong các hệ thống sản xuất được điều kiển cả về khí hậu và kỹ thuật canh tác, chiếm diện tích qui mô không lớn. Ưu tiên công nghệ chiết tách các hoạt chất mang dược tính cao như nano cucumin hoặc tinh dầu gấc, nhân sâm… tiến tới tìm kiếm hoạt chất có chức năng chữa bệnh và làm đẹp.

iv) Trong sản xuất lúa gạo, có thể áp dụng các công nghệ đã được kiểm chứng ở nước ngoài như ứng dụng viễn thám trong quản lý sản xuất và sâu bệnh, công cụ quản lý cây trồng trên điện thoại thông minh.

v) Sản xuất cà phê, hồ tiêu: ưu tiên cho tự động hóa trong sản xuất cây giống (gồm cả bầu ươm), cơ giới hóa làm đất, trồng, chăm sóc, thu hoạch; phân bón và tưới nước kết hợp có điều khiển (fertigaton); sử dụng chế phẩm giữ ẩm, chế phẩm quản lý bệnh phát sinh từ đất, chế phẩm giúp quả chín đồng loạt; công nghệ chế biến sâu.

Để hỗ trợ các ngành hàng, rất cần sự phát triển đồng bộ của thương mại điện tử, thương mại không kho bãi (outlet) để giảm chi phí sản xuất. Về chính sách, Nhà nước cần có một chiến lược dài hạn, tính trên từng chu kỳ sản xuất, chấp nhận các rủi ro nhất thời, cục bộ, chứ không phải một nền Nông nghiệp giải cứu, đau đâu chữa đó. Phải có được bức tranh Nông nghiệp Việt Nam 2030, 2050 và 2100 sẽ là một nền Nông nghiệp có cơ cấu như thế nào, sản phẩm nào là chủ lực để có qui hoạch và đầu tư mục tiêu rõ ràng.

Nông nghiệp số là xu thế quốc tế, lựa chọn của nhiều quốc gia, song với hạ tầng cũng như công nghệ thông tin chưa phát triển, trình độ lao động chưa cao thì việc tỉnh táo lựa chọn đúng qui mô, ngành hàng đáp ứng yêu cầu về công nghệ, thị trường và hiệu quả là rất quan trọng. Cần tránh hoạt động kiểu phong trào, lấy mục tiêu trình diễn thay vì mục đích thương mại như các bài học về phát triển Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhiều năm trước đây.

----

[1] Theo Báo cáo chính trị của BCHTW Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, GDP 2020 của Việt Nam đạt 264 tỉ USD

* Bài viết trong loại bài của TS. Nguyễn Văn Bộ về chủ đề: "Dự báo xu hướng Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa, Nông nghiệp, Nông thôn giai đoạn 2021 - 2030 và 2045" 

TS. Nguyễn Văn Bộ - Nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam