Thị trường Xăng dầu, đặc điểm và ảnh hưởng đến phát triển kinh tế vĩ mô

05/07/2023 17:28

Nghiên cứu thực trạng kinh tế Việt nam, giới phân tích đã rút ra những nhận xét quan trọng trong bối cảnh toàn cầu. Theo tiêu chí cân đối vĩ mô, lạm phát giá tiêu dùng (CPI) và lạm phát cơ bản tuy có giảm, nhưng lạm phát cơ bản lại ở mức cao; chỉ số CPI từ 2,8% trong tháng 4 đã giảm xuống 2,4% trong tháng 5, song biến động của giá năng lượng đã ảnh hưởng mạnh đến giá xăng dầu, khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng cao. Việc đánh thuế đối với xăng dầu đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân cư.

 

Tại Việt Nam, một đơn vị xăng dầu phải chịu ít nhất 3 loại thuế, đó là Thuế giá trị gia tăng (GTGT) ở mức 10%, Thuế nhập khẩu khoảng 10% và Thuế tiêu thụ đặc biệt  (TTĐB) từ 8% đến 10%. Ngoài các khoản thuế, xăng dầu còn phải gánh chịu các loại phí như bảo vệ môi trường (BVMT), khiến giá thành bị đội lên cao. Chỉ trong hai tháng (từ ngày 12/4 đến 13/6/2022), giá xăng liên tục tăng sáu lần, vượt mức 32.000 đồng/lít (tăng gần 50% so với đầu năm 2022) và vượt đỉnh lịch sử vào tháng 7/2014 là 26.140 đồng/lít, đồng nghĩa với gánh nặng thuế khóa đối với người tiêu dùng gia tăng, tạo sức ép nặng nề lên đời sống người dân. Tuy nhiên, thuế xăng dầu lại đang đóng góp quan trọng trong nguồn thu ngân sách nhà nước. giảm thuế dẫn tới giảm nguồn thu và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến những hoạt động kinh tế khác

64c4ea11ab387b662229-1688552805.jpg

Trong khung khổ hoạt động của Liên minh Công bằng Thuế Việt Nam (VATJ), Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) đã thực hiện nghiên cứu “Những đặc điểm cần lưu ý của thị trường xăng dầu Việt Nam “ với kỳ vọng gợi ra bức tranh về thị trường, các vấn đề về thuế và những nhân tố đang ảnh hưởng đến giá xăng dầu hiện nay.

Do vấn đề nghiên cứu rộng, báo cáo nghiên cứu mới tập trung vào phát hiện đặc điểm thị trường để có cách nhìn khách quan về ảnh hưởng đối với phúc lợi đa chiều nhằm rút ra những tồn tại và khuyến nghị cần thiết. Bài viết tổng hợp một số khía cạnh nổi bật đề cùng trao đổi. 

Về  đặc điển của thị trường xăng dầu Việt Nam

Là quốc gia đang phát triển với hơn 100 triệu dân, Việt nam có nguồn tài nguyên phong phú và thị trường đủ lớn để phát triển công nghiệp xăng dầu.

Nghiên cứu cấu trúc thị trường, giới phân tích nhận thấy, chuỗi cung ứng xăng dầu tổng thể hiện bao gồm những thương nhân đầu mối với các tổng đại lý và đại lý; dưới đó là các cửa hàng bán lẻ với đội ngũ thương nhân phân phối hoặc thương nhân nhận quyền. Theo cấu trúc thị trường, thị phần tập trung chủ yếu ở thương nhân đầu mối nặng tính độc quyền như Petrolimex chiếm trên 50%, PVOil 18%, Công ty xăng dầu Quân đội MIPEC 12%; các công ty còn lại như Sài Gòn Petro, Thanh Lễ… từ 6% đến 8%. Số liệu thống kê trong những năm từ 2016 đến 2022 cho thấy, tổng lượng xăng dầu cung câp hàng năm khoảng từ 21,2 đến 24,5 triệu m. Lượng xăng dầu cung ứng hàng năm được chỉ ra trong bảng dưới đây.

Lương xăng dầu cung ứng hàng năm trong giai đoạn 2016-2022

Đơn vị triệu m3

Năm

Lượng SX trong nước

Lượng nhập khẩu

Tổng số

2016

8,41

12,9

21,31

2017

7,0

14,3

21,3

2018

10,4

12,4

22,8

2019

12,24

11,5

23,74

2020

12,4

11,5

23,9

2021

14,3

6,9

21,2

2022

15,69

8,87

24,56

Nguồn Nguyễn Đức Thành 2023

Thị trường nhập khẩu xăng dầu ở nước ta chủ yếu là từ Hàn Quốc, Singapore , Nga, Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan. Để tham gia vào thị trường này, Nghị định 95 quy định thương nhân kinh doanh XNK phải có diện tích kho chứa trên 15,000 m3; cơ quan phân phối và Tổng đại lý phải có trên 2,000 m3. Điều kiện hoạt động khắt khe đã cản trở doanh nghiệp tham gia và thương nhân đầu mối có khuynh hướng ưu tiên phân phối cho cấp dưới thuộc quyền sở hữu của mình trong chuỗi kinh doanh.

6fc73ee37fcaaf94f6db-1688552843.jpg

                                     Thị trường xăng dầu việt Nam                                   Ảnh Vn Economy

Nghiên cứu xăng dầu, giới phân tích đã có cách nhìn tổng quan hơn Quy định chi tiết trong Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP hướng tới duy trì ổn định thị trường xăng dầu và an toàn kinh doanh. Tuy nhiên, chính sách này đã gián tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường và các bên tham gia. Các quy định kiểm soát chặt chẽ chuỗi cung ứng (từ phân phối tới bán lẻ) đã tạo độc quyền mua bán và duy trì sức mạnh vốn có của các doanh nghiệp từng bao trùm cả chuỗi cung ứng từ phân phối tới bán lẻ đã làm giảm sức gia nhập các phân khúc và tính cạnh tranh của các doanh nghiệp trên trên thị trường. Hệ quả là thị trường mang tính độc quyền cao, việc kiểm soát giá và điều hành với hy vọng ổn định mức giá không đáp ứng được yêu cầu. Từ đó, ảnh hưởng đến hạ tầng năng lượng, hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân và sau cùng là an ninh năng lượng quốc gia.

Cơ chế dự trữ xăng dầu quốc gia đặt trách nhiệm lên doanh nghiệp đầu mối, làm gia tăng chi phí. Gánh nặng này cuối cùng lại được chuyển lên vai người tiêu dùng. Tổng mức dự trữ xăng dầu Việt Nam hiện còn khiêm tốn (khoảng 65 ngày nhập ròng), là mức khá thấp so với tiêu chuẩn của Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA) (90 ngày nhập ròng) nên khó đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới có nhiều biến động bất ngờ.

Việt Nam áp thuế xăng dầu khác biệt so nhiều nước trên thế giới và trong khu vực. Là một trong số ít nước sử dụng thuế tương đối áp lên mặt hàng xăng dầu, với 2 khoản hai khoản thuế và phí là Thuế tiêu thụ đặc biệt và phí  bảo vệ môi trường.

Mặc dù giá xăng dầu bán lẻ thấp hơn so với nhiều nước trên thế giới, nhưng so với thu nhập bình quân đầu người thì mức giá này lại ở vị trí cao hơn so với một những nước có cùng điều kiện về kinh tế như Malaysia, Indonesia … Chính sách thuế hiện tại có thể không còn phù hợp trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới biến động bất thường.

Nhận xét kết luận và khuyến nghị  từ góc nhìn nghiên cứu

Dựa trên những phân tích mang tính thể chế và định lượng, các nhà nghiên cứu đã rút ra một phần thực trạng của thị trường xăng dầu. Theo đó, cac quy định pháp luật đã góp phần đảm bảo chất lượng sản phẩm và mức độ an toàn trong sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, nghiên cứu sâu hơn các nhà phân tích cũng đã nhận ra, nhiều chính sách ban hành có thể gây ảnh hưởng tiêu cực, làm giảm tính cạnh tranh do rào cản gia nhập thị tường của các doanh nghiệp mới và việc duy trì lợi ích của các nhóm doanh nghiệp đã tồn tại trong thị trường vì lý do lịch sử.

Nguyên lý cơ bản các nhà nghiên cứu đề xuất, là cải cách thị trường dựa trên định hướng Tách bạch các phân đoạn thị trường và cải cách, nâng cao tính cạnh tranh trên các công đoạn trong chuỗi cung ứng.

Tách bạch các phân đoạn trong chuỗi cung ứng (xuất nhập khẩu, phân phối, đại lý, bán lẻ) để tăng tính chuyên môn hóa và cạnh tranh trong mỗi phân đoạn. Cải cách theo hướng tăng tính cạnh tranh trên tất cả các phân đoạn của toàn chuỗi cung ứng thông qua việc giảm điều kiện kinh doanh nhằm giảm  dần điều kiện gia nhập thị trường.

Cụ thể hóa nguyên tắc này, cần xác định rõ các loại  thị trường khác nhau như xuất nhập khẩu, phân phối, đại lý, bán lẻ. Theo đó, cần thiết kế hệ thống động lực và cơ chế vận hành tách biệt, nhằm tăng tính chuyên môn hóa và cạnh tranh trong mỗi thị trường.

Kiểm soát giá cả xăng dầu có thể gây ra tình trạng doanh nghiệp bán lẻ bị thua lỗ, buộc phải đóng cửa, rút khỏi thị trường do giá cơ sở không sát với thực tế kinh doanh của doanh nghiệp, có thể ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng khi giá cơ sở cao hơn so với giá xăng dầu thực tế. Do đó, chính phủ và các cơ quan liên quan cần tính đúng và tính đủ giá cơ sở, đảm bảo cân bằng hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp bán lẻ và chính phủ.

Để vận hành giá xăng dầu dưới sự giám sát của nhà nước có thể giúp tăng tính tự do của thị trường. Theo các nhà phân tích, Chính phủ nên xem xét nghiên cứu xây dựng sàn giao dịch xăng dầu trong nước để tác động đến giá cốt lõi trong tính giá cơ sở, cũng như giải quyết vấn đề về dự trữ xăng dầu quốc gia.

Dự trữ năng lượng quốc gia đang ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh năng lượng, lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Chính phủ cần làm rõ trách nhiệm nhà nước trong việc thực hiện dự trữ xăng dầu quốc gia, cần tách chức năng chính sách của nhà nước khỏi chức năng kinh doanh của các doanh nghiệp đầu mối.

So với thu nhập bình quân đầu người, giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam đang ở vị trí tương đối cao so với một số nước đang phát triển trong khu vực như Malaysia và Indonesia. Trong khi nhóm người dễ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự biến động mạnh của giá xăng dầu lại là những hộ gia đình có thu nhập thấp, tập trung đông ở các vùng kém phát triển kể cả về kinh tế cũng như hạ tầng giao thông như nông thôn và miền núi. Chính vì điều này, cần tạo lập thị trường cho phép giá xăng dầu ở mức vừa phải so với thu nhập của người dân, đặc biệt đối với hộ nghèo sẽ có tác động tích cực đến phúc lợi của hộ gia đình.

Kết quả nghiên cứu cũng đã chỉ ra, chi tiêu xăng dầu của hộ gia đình gia tăng phúc lợi đa chiều bình quân đầu người sẽ giảm đồng nghĩa với việc cắt giảm chi tiêu cho xăng dầu sẽ giúp cải thiện phúc lợi bình quân đầu người. Kiểm soát giá ở mức hợp lí có thể giúp cắt giảm chi tiêu cho xăng dầu trong bối cảnh xăng dầu tiêu dùng của hộ có xu hướng gia tăng. Việc tạo dựng thị trường xăng dầu hiệu quả với mặt bằng giá thấp và ổn định sẽ giúp tăng phúc lợi cho hộ gia đình trong dài hạn.

Việt Nam có thể còn phải đối mặt với lạm phát, thuế giá đầu vào sản xuất gia tăng do xăng dầu được coi là một trong các khoản chi phí đầu vào của sản xuất, với tỷ trọng áp thuế trên 25%, thay đổi cách áp thuế lên mặt hàng xăng dầu có thể làm thay đổi giá xăng dầu bán lẻ một cách đáng kể. Để giảm tỷ trọng thuế xăng dầu trong giá cơ sở cũng như để tránh các khoản thu từ thuế tăng mạnh do giá xăng dầu thế giới tăng cao các nhà nghiên cứu đã khuyến nghị.

 (1) Thay đổi cách áp hai khoản thuế BVMT hoặc thuế TTĐB theo hướng như các quốc gia khác trên thế giới (gộp 2 loại vào 1 hoặc bỏ 1 trong 2);

(2) Sử dụng thuế tuyệt đối thay vì thuế tương đối, cụ thể với thuế tiêu thụ đặc biệt, với mức gợi ý là 2000 VND/lít. Đồng thời, lưu ý ngay cả các loại thuế tương đối vốn có (như VAT, thuế nhập khẩu), cũng cần cân nhắc một giới hạn tuyệt đối được điều chỉnh định kỳ theo điều kiện thị trường và xã hội.

 

 

TS. Lê Thành Ý
Bạn đang đọc bài viết "Thị trường Xăng dầu, đặc điểm và ảnh hưởng đến phát triển kinh tế vĩ mô" tại chuyên mục TS. Lê Thành Ý. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309