Tầm nhìn chiến lược cho nông nghiệp miền Trung

05/02/2023 09:51

Trong tầm nhìn chiến lược của Đảng, ngành nông nghiệp của miền Trung sẽ trở thành nền nông nghiệp sinh thái, hiện đại, hội nhập quốc tế.

Theo Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ sẽ trở thành vùng sản xuất nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng khá, hiệu quả và bền vững
Theo Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ sẽ trở thành vùng sản xuất nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng khá, hiệu quả và bền vững

Định hướng chiến lược

Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra mục tiêu rất cụ thể cho ngành nông nghiệp khu vực này.

Theo đó, sẽ phát triển nông nghiệp Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ trở thành vùng sản xuất nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng khá, hiệu quả và bền vững. Cơ cấu lại nông nghiệp, trong đó tập trung khai thác, nuôi trồng thủy sản gắn với công nghiệp chế biến; đẩy mạnh phát triển hạ tầng và trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai. Đồng thời, phát triển một nền nông nghiệp Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ sinh thái, hiện đại, hội nhập quốc tế, thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới phồn thịnh và văn minh. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nông thôn xanh sạch, đẹp, đảm bảo an ninh với hệ thống kết cấu hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ, tiệm cận với khu vực đô thị.

Với diện tích tự nhiên chiếm 28,9% diện tích của cả nước, bờ biển dài gần 1.800 km, chiếm hơn 55% bờ biển cả nước, miền Trung có tiềm năng rất lớn về nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy - hải sản, nghề muối, cây công nghiệp, chăn nuôi đại gia súc, phát triển rừng. Vì thế, trong nhiều năm qua, phát triển nông nghiệp, nông thôn Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ có nhiều thành tựu to lớn, đặc biệt trong thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Sản xuất nông nghiệp chuyển dần từ chiều rộng sang chiều sâu, từ sản xuất nhỏ lẻ dựa vào kinh tế hộ sang sản xuất hàng hóa lớn, tập trung, ứng dụng công nghệ cao và tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả và tăng thu nhập cho nông dân.

Tốc độ tăng giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm, thủy sản bình quân giai đoạn 2005-2020 Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đạt 3,36%/năm, cao hơn so với mức tăng trưởng bình quân của cả nước. Tỷ trọng GRDP ngành nông, lâm, thủy sản trong GRDP toàn vùng chiếm tỷ trọng cao hơn so với bình quân cả nước. Trong xây dựng nông thôn mới, dù còn nhiều khó khăn, nhưng số xã đạt chuẩn nông thôn mới trong vùng đạt 66,7%; miền Trung cũng có số lượng sản phẩm OCOP đứng thứ 3 cả nước, chỉ sau Trung du miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng.

Đáng chú ý là, với gần 1.800 km bờ biển, khai thác thủy sản trở thành thế mạnh của miền Trung. Giai đoạn năm 2004-2020, tốc độ tăng trưởng thủy sản của vùng đạt 5,5%/năm, trong đó, Quảng Ngãi, Bình Định và Bình Thuận là những địa phương có sản lượng thủy sản lớn nhất (233-268 ngàn tấn/năm). Nuôi trồng thủy sản cũng đạt tốc độ tăng bình quân 6,9%/năm trong giai đoạn này.

Dù đạt nhiều thành quả, nhưng nông nghiệp miền Trung còn nhiều khó khăn. Vốn đầu tư xây dựng hạ tầng cho nông nghiệp chưa đáp ứng đủ yêu cầu và chưa khai thác được nhiều nguồn vốn đầu tư. So với cả nước, miền Trung vẫn là vùng kinh tế gặp nhiều khó khăn. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn còn chậm chuyển đổi để thích ứng với yêu cầu của thị trường…

Với những khó khăn như vậy, định hướng chiến lược cho nông nghiệp miền Trung được nêu cụ thể trong Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị mở ra một không gian phát triển mới cho nông nghiệp của vùng.

Tiềm năng lớn

Trong những giai đoạn khó khăn, nông nghiệp trở thành “bệ đỡ” cho nền kinh tế của cả nước nói chung và ở miền Trung nói riêng. Do vậy, dù chú trọng phát triển công nghiệp và thương mại - dịch vụ, nhưng các địa phương miền Trung không quên quy hoạch, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, lựa chọn cây trồng, vật nuôi thích hợp để gia tăng giá trị cho nông nghiệp.

Đặc biệt, với không gian biển bao la, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản là tiềm năng to lớn của miền Trung. Vì thế, các địa phương đều có quy hoạch chiến lược để phát triển ngành thủy sản.

Như Đà Nẵng, kinh tế biển chiếm gần 70% trong cơ cấu ngành nông, lâm, thuỷ sản, nên địa phương này đặt mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3 - 4%/năm; tổng sản lượng thủy sản toàn Thành phố đạt 38.000 tấn; kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt trên 250 triệu USD. Tầm nhìn đến năm 2045, thủy sản là ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, khoa học công nghệ tiên tiến; là trung tâm dịch vụ nghề cá của khu vực gắn với ngư trường Hoàng Sa; giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu ngành kinh tế biển. Đà Nẵng đã và đang đầu tư nâng cấp cảng cá Thọ Quang để hình thành cảng cá động lực thuộc Trung tâm Nghề cá lớn Đà Nẵng.

Còn tại Phú Yên, kinh tế biển trở thành đầu tàu kinh tế của tỉnh với tốc độ tăng trưởng bình quân trên 10,5%/năm; thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư, đóng góp trên 65% giá trị GDP và trên 75% ngân sách tỉnh. Trong đó, lĩnh vực thủy sản có đóng góp lớn. Năm 2021, sản lượng thủy sản đạt 78.800 tấn, nuôi trồng thủy sản đã phát triển thành một nghề sản xuất chính, cung cấp nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu khoảng 13.000 tấn/năm; giá trị sản xuất thủy sản giai đoạn 2016-2021 tăng bình quân 4,3%/năm, trong đó, năm 2021 đạt 4.283 tỷ đồng, gấp 1,3 lần so với năm 2015; các sản phẩm thủy sản xuất khẩu đạt trên 90 triệu USD/năm, chiếm trên 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Vì thế, Phú Yên sẽ tập trung phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng trong hoạt động nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản, đầu tư công nghệ, kỹ thuật hiện đại để nuôi trồng thủy sản xa bờ, từng bước phát triển nuôi biển công nghiệp ở vùng biển khoảng 1.000 ha. Bên cạnh đó, sẽ đầu tư hiện đại hóa công nghệ bảo quản thủy sản, nhất là đối với nghề khai thác cá ngừ đại dương; đẩy mạnh hợp tác với Tập đoàn Kiyomura (Nhật Bản) về hợp tác phát triển thủy sản…

Tỉnh Nghệ An cũng quyết tâm đưa thủy sản trở thành ngành kinh tế quan trọng. Theo đó, đến năm 2025, tổng sản lượng thủy sản đạt 255.000 tấn; giá trị sản xuất (giá hiện hành) đạt 14.584 tỷ đồng. Đến năm 2030, tổng sản lượng thủy sản đạt 275.000 tấn; với giá trị 20.895 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 7,5%/năm…

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để phát triển thủy sản, miền Trung cần tập trung thực hiện hiệu quả Chiến lược Phát triển thủy sản Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phát triển hiệu quả khai thác hải sản vùng khơi, đặc biệt là nghề câu cá ngừ đại dương. Tổ chức hiệu quả các mô hình dịch vụ hậu cần khai thác vùng khơi, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển, các trạm dịch vụ hậu cần nghề cá trên các đảo, cũng như phát triển nuôi trồng thủy sản. Đầu tư nâng cấp, phát triển Trung tâm Nghề cá lớn ở Đà Nẵng gắn với ngư trường biển Đông và Hoàng Sa; Trung tâm Nghề cá lớn Khánh Hòa gắn với ngư trường Nam Trung Bộ và Trường Sa…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương triển khai hiệu quả Nghị quyết 26-NQ/TW, phát triển nông nghiệp miền Trung hiệu quả cao, bền vững. Bên cạnh việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, cần tận dụng tốt các lợi thế của vùng, phát huy hiệu quả các nguồn lực để nâng cao giá trị gia tăng ngành nông nghiệp và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Song song với đó, sẽ thúc đẩy cơ chế hợp tác vùng, liên vùng; tăng cường hợp tác để thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn… Ngoài ra, cần hoàn thiện quy hoạch tổng thể vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, quy hoạch các tỉnh, trong đó có phương án phát triển sản xuất nông nghiệp của từng địa phương và toàn vùng theo hướng dựa vào thị trường mở, thực hiện bảo tồn và phát triển đất nông nghiệp khi quy hoạch phát triển công nghiệp và đô thị; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng đẩy mạnh sản xuất các nông, lâm, thủy sản có lợi thế cạnh tranh…

Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đặt mục tiêu cụ thể cho nông nghiệp miền Trung, đặc biệt với ngành khai thác, nuôi trồng thủy sản gắn với công nghiệp chế biến. Vì thế, tương lai của nông nghiệp miền Trung chắc chắn sẽ rất hứa hẹn.

Minh Hà
Bạn đang đọc bài viết "Tầm nhìn chiến lược cho nông nghiệp miền Trung" tại chuyên mục Diễn đàn. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309