Nông sản phục vụ cho xuất khẩu có nguy cơ bị thiếu

23/05/2024 09:06

Thời tiết năm nay đã gây ảnh hưởng đến nhiều vùng sản xuất. Nhiều loại nông sản chuẩn bị vào vụ thu hoạch nhưng sản lượng sụt giảm mạnh. Điều này khiến cho nguồn cung nông sản phục vụ cho xuất khẩu có nguy cơ bị thiếu.

f656e621-6182-40ca-afba-ddbb8aa7e163-1716429711.png
Vải thiều ở Bắc Giang. Ảnh minh họa

Trong đó, có thể kể đến trái vải thiều ở Bắc Giang. Vụ vải thiều năm nay mất mùa, do thời tiết mùa đông ấm, tỉ lệ ra hoa thấp. Đứng trước sản lượng vải thấp hơn một nửa so với năm ngoái thì lo ngại hiện nay không đủ nguồn cung vải thiều cho xuất khẩu. Tại vùng trồng vải thiều xuất khẩu của Tổ liên kết sản xuất Đồng Giao 2, Lục Ngạn, Bắc Giang, với diện tích 10 ha, sản lượng năm 2023 đạt 70 tấn tương đương 1,5 tỷ đồng. Thế nhưng, vụ vải thiều năm nay, vườn vải toàn màu xanh của lá. Do thời tiết không thuận lợi, cây vải không cho quả để chăm sóc như mọi năm. Sản lượng ước đạt chỉ gần 5%.

"Ví dụ năm ngoái, một cây được 2 - 2,3 tạ nhưng năm nay không được một cành, một bông hoa nào luôn. Nó cũng ra từng bông một nhưng ít quá sâu nó cắn hết", ông Hoàng Văn Nhưỡng - xã Quý Sơn, Lục Ngạn, Bắc Giang cho biết.

"Tỷ lệ ra hoa nhà tôi là 80% nhưng khi đậu quả, đến giờ này chỉ còn 30 - 35%", ông Vũ Văn Mến - Tổ trưởng Tổ liên kết sản xuất Đồng Giao 2, Lục Ngạn, Bắc Giang nói.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, diện tích trồng vải thiều chính vụ của tỉnh hơn 22.000 ha. Năm nay, sản lượng sụt giảm tới 70%, ước đạt chỉ 50.000 tấn, đồng nghĩa nông dân Bắc Giang thất thu, thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng. Sản lượng sụt giảm mạnh đã ảnh hưởng lớn đến các đơn hàng trong và ngoài nước.

Đồng thời, ông Đặng Văn Tặng - Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bắc Giang cho biết: "Căn cứ vào nhu cầu của các thị trường, các doanh nghiệp liên kết sản xuất chúng tôi đã bố trí vùng nguyên liệu đảm bảo nhu cầu nguyên liệu cho các doanh nghiệp xuất đi thị trường, đặc biệt với các thị trường có yêu cầu cao như Nhật Bản, Mỹ và EU".

Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, năm nay vải thiều sớm sản lượng còn giữ được tương đối, ảnh hưởng nặng nhất là vải thiều chính vụ. Vải thiều sớm bắt đầu thu hoạch từ cuối tháng 5; vải thiều chính vụ từ ngày 10/6 - 30/7.

Bên cạnh đó, để đảm bảo nguồn cung nông sản xuất khẩu, doanh nghiệp và địa phương đang tìm nhiều cách để đảm bảo đủ nguồn cung nông sản phục vụ xuất khẩu.

Không chỉ có trái vải ở Bắc Giang, mà nhiều loại nông sản ở khu vực tỉnh ĐBSCL cũng bị giảm sản lượng. Nguyên nhân là do ảnh hưởng do nắng nóng, hạn mặn gay gắt. Theo phản ánh của các doanh nghiệp, vụ thu hoạch tới đây, sản lượng giảm 30 - 50%, nguồn cung xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản, trái cây trọng điểm. Bởi vậy, lúc này, doanh nghiệp và địa phương đang tìm nhiều cách để đảm bảo đủ nguồn cung nông sản phục vụ xuất khẩu.

Dừa, bưởi… là hai loại trái cây Giám đốc Công ty T&T Vina xuất khẩu nông sản này đang tăng cường thu mua ở nhiều vùng nguyên liệu. Doanh nghiệp chấp nhận thu mua giá cao, ăng thời gian vận chuyển, sơ chế; đàm phán kéo dài thời gian giao hàng… để đảm bảo đủ cả chất và lượng nông sản xuất khẩu.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhiều loại trái cây khác như sầu riêng, xoài, chôm chôm tại các vùng chuyên canh tại ĐBSCL và các quốc gia lân cận cũng gặp tình trạng giảm năng suất do khô hạn kéo dài. Đây là cơ sở để các doanh nghiệp Việt có thể thương lượng với đối tác.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết: "Phải thương lượng với khách hàng để chấp nhận size nhỏ hoặc trung bình so với trước, tỷ lệ trái lớn ít hơn. Không có nghĩa là người ta không mua, vấn đề là làm sao giữ được chất lượng".

Các địa phương cho biết, đã chủ động ứng phó ngăn mặn, trữ ngọt, điều tiết thủy lợi để đủ nước cung ứng cho sản xuất.

Ông Nguyễn Anh Quốc - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Châu Thành, Bến Tre cho hay: "Liên kết với doanh nghiệp tạo vùng nguyên liệu. Sản xuất rải vụ, những vùng điều kiện không tốt thì không sản xuất lúc cho ra hoa ra trái tập trung vào hạn mặn mà xử lý nghịch sau đó để đảm bảo nguồn nguyên liệu cung ứng cho doanh nghiệp quanh năm".

Ngoài ra, sản xuất thuận thiên thích ứng với hạn mặn, liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và vùng nguyên liệu để ổn định chất lượng xuất khẩu. Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, mà mưa đã bắt đầu tại các vùng nguyên liệu khu vực Tây Nguyên cũng như các vùng Đông Nam Bộ. Đây sẽ là nguồn cung để bổ sung cho nông sản xuất khẩu. Với đà này, dự báo nông sản sẽ xác lập kỷ lục mới, thu về khoảng 6 - 6,5 tỷ USD, tăng trưởng ở mức 15 - 20% so với năm trước.

Song Anh
Bạn đang đọc bài viết "Nông sản phục vụ cho xuất khẩu có nguy cơ bị thiếu" tại chuyên mục Kinh tế Nông nghiệp. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309