Niềm tin và hy vọng tâm linh về họ dòng Lý gốc Việt trên đất Hàn Quốc sau 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc (1992-2022)  

13/03/2022 22:21

Nongthonvaphattrien - Với những nét tương đồng về lịch sử và văn hóa, quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc đã phát triển hiệu quả và mang lại nhiều thành tựu, đáp ứng được yêu cầu, lợi ích của nhân dân hai nước và đóng góp tích cực vào củng cố hòa bình, phát triển ổn định của khu vực và toàn thế giới. 

Là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa các quốc gia, nhất là giữa 2 nước đã có quan hệ từ lâu đời, khi cách nay hơn 8 thế kỷ, Lý Long Tường ngoài 80 tuổi vẫn cùng tôn thất nhà Lý (Việt Nam) sát cánh cùng quân dân Hàn Quốc 2 lần đánh bại quân xâm lược Nguyên Mông trên đất Cao Ly.

Ngày nay, Hàn Quốc là đối tác hàng đầu của Việt Nam và Việt Nam cũng là đối tác trọng tâm của đất nước này trong Chính sách tăng cường hướng Nam. Nhiều người Việt biết Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư vào Việt Nam lên tới 72,3 tỷ USD, trở thành nhà đầu tư nước ngoài (FDI) lớn nhất; Tuy nhiên, ít ai biết được về người Hàn gốc Việt sống trên đất này. Bài viết ghi lại đôi nét về những điều nhiều người còn chưa biết đến.

ly1-1647184806.jpg

Cổng môn,do vua Cao Ly truyền dựng để ghi nhận công lao của Lý Long Tường

Người Hàn gốc Việt và những hậu duệ của Vua Lý Thái Tổ

Ngày nhỏ khi học ở trường Chu Văn An (Hà Nội), cứ mỗi độ Đông về, được ngắm những đàn sâm cầm bay về cư chú đậu kín hồ Tây, tôi không khỏi băn khoăn trước lời giải thích Để tránh giá rét Đại Hàn, những đàn chim trời này đã phải ngậm sâm để đủ sức từ đất Cao Ly bay về. Lớn lên tìm hiểu tôi mới hiểu ra, từ 8-9 thế kỷ trước, để bảo tồn sinh mạng lâu dài, hậu duệ nhà Lý đã từng lưu lạc đến đất Cao Ly, quê hương của đất nhân sâm sinh sống.

Sử liệu ghi nhận, lần đầu tiên người Việt  đến  Triều Tiên với số lượng lớn vào cuối đời nhà Lý. Khi bị họ Trần cướp ngôi, một số gia thần và vương tôn họ Lý chạy trốn, đã giong thuyền tìm đến Cao Ly tá túc. Vương triều Cao Ly đã đón nhận họ và hậu duệ nhà Lý đến nay vẫn còn giữ được lai lịch của mình ở sứ sở này. 

Cuối thế kỷ XX, lớp người Việt lớn thứ hai cũng đã đặt chân đến đất Hàn Quốc định cư. Theo thông kê, đến hết tháng 11 năm 2016 số người Việt ở Hàn Quốc đã lên khoảng 148 nghìn, chiếm 7,4 % tổng số người nước ngoài trên đất nước này. Người Việt đã trở thành sắc dân đông thứ hai trong cộng đồng người nước ngoài sinh sống tại Hàn Quốc.

Người Việt di cư sang Hàn Quốc đã tăng khá nhanh về về số lượng, bao gồm công nhân, phụ nữ lấy chồng Hàn thông qua môi giới hôn nhân. Phần lớn công dân Việt nhập cư vào Hàn Quốc là nam giới có tay nghề thấp hoặc không được đào tạo, họ làm việc trong những công ty vừa và nhỏ sử dụng nhiều lao động chân tay như ngành chế tạo và ngư nghiệp. 

Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, hết tháng 5 năm 2013, cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc có khoảng 117.200 người, phần đông là lao động xuất khẩu, cô dâu Việt lấy chồng Hàn và khoảng 5.000 lưu học sinh. Ngoài ra, còn khoảng 5.000 người Việt thuộc dòng họ Lý Hoa Sơn và Lý Tinh Thiện là hậu duệ họ Lý Viêt Nam đã di cư sang từ thế kỷ thứ XII, XIII. Cộng đồng người Việt tuy không đông về số lượng nhưng đã có những hành động thiết thực giúp nhau và đóng góp nhiều trong xây dựng đất nước. Ngoài ra, ngôn ngữ Việt còn được người Hàn coi trọng; Từ năm 2013, tiếng Việt đã trở thành một trong những ngoại ngữ tự chọn để thí sinh thi vào các trường đại học (Wikipedia 2022)

Vào thời cổ đại, văn tịch còn ghi chép lại, sau khi nhà Lý mất ngôi về họ Trần, Lý Dương Côn (李陽焜), con nuôi của vua Lý Nhân Tông,vì sợ bị bức hại đã ra đi và đến Cao Ly định cư. Lý Dương Côn được biết đến là ông tổ khai sáng ra dòng họ Lý (Yi) ở Tinh Thiện quận, tục gọi là Lý Tinh Thiện (정선 이씨, Jeongson Yissi) vì coi Jeongseon-gun là quê hương bản quán của mình (본관, bon-gwan). Ngoài Lý Dương Côn, hoàng tử Lý Long Tường  con trai thứ 7 của vua Lý Anh Tông, cũng đã đến Cao Ly để lập ra dòng họ Lý Hoa Sơn (화산 이씨: Hwasan Yissi) ở  Kim Xuyên quận thuộc  Bắc Hoàng Hải (Hwanghae) . Lý Long Tường có công giúp vương triều Cao Ly đánh thắng quân Mông Cổ xâm lăng. Vào thời nhà Trần, Trạng nguyên  Mạc Đĩnh Chi cũng từng đến Cao Ly lấy vợ sinh con và đến nay hậu duệ vẫn còn. Hậu duệ họ Lý trên đất Cao Ly với niềm thương nhớ quê hương

Đôi nét về Lý Long Tường

Lý Long Tường sinh năm Giáp Ngọ (1174), là con thứ 7 của vua Lý Anh Tông  (1138 -1175) và Hiền Phi Lê Mỹ Nga. Ông được ban chức Thái sư Thượng trụ quốc, Khai phủ Nghi đồng tam ty, Thượng thư tả bộc xạ, lĩnh Đại đô đốc hải quân, tước Kiến Bình vương. Ông là em trai vua Lý Cao Tông, chú của vua Lý Huệ Tông. Năm 1225,Thái sư  Trần Thủ Độ lật đổ nhà Lý bằng cách dàn xếp để Trần Cảnh lấy Lý Chiêu Hoàng và buộc bà phải nhường ngôi cho Trần Cảnh để lập ra nhà Trần; sau đó tiến hành sát hại con cháu họ Lý. 

Năm niên hiệu Kiến Trung thứ 2 đời Trần Thái Tông (1226), để bảo toàn tính mạng và lo việc thờ cúng tổ tiên, Lý Long Tường đã bí mật về tạ biệt lăng miếu Đình Bảng, tới Thái miếu thu gom các bài vị, đồ tế khí, rồi trở lại Đồ Sơn cùng 6000 gia thuộc qua cửa Thần Phù (Thanh Hóa) chạy ra biển Đông trên 3 hạm đội, rời đất Đại Việt.

Sau những ngày, tháng lênh đênh trên biển, đoàn thuyền gặp bão lớn phải ghé vào Đài Loan. rồi dạt vào Trấn Sơn thuộc huyện Bồn Tân, tỉnh Hoàng Hải, trên bờ biển Tây Cao Ly. Tương truyền trước đó, vua Cao Tông nước Cao Ly mơ thấy một con chim rất lớn bay từ phương Nam tới. Nhà vua lệnh cho chính quyền địa phương phải tiếp đón ân cần,và đồng ý để Lý Long Tường được ở lại dung thân.

Tại Hoàng Hải, Lý Long Tường đã cùng tướng sĩ và gia thuộc trồng trọt, đánh cá, chăn nuôi. Ông cho mở Độc thư đường dạy văn (thi phú, lễ nhạc, tế tự…) và Giảng võ đường dạy võ (chiến thuật quân sự, các loại binh pháp, binh khí, võ thuật…); học trò theo học rất nhiều, lúc nào cũng đông tới hàng nghìn người.

Khi Lý Long Tường đến Cao Ly tị nạn, quyền hành trong triều nằm trong tay Thừa tướng Thôi Vũ. Thôi Vũ là người có tài cả văn lẫn võ nên thu phục được lòng dân chúng. Vào năm 1225, dưới triều Cao Tông trị vì (1213-1259) Đế quốc Mông Cổ  yêu cầu cống nộp nhưng Cao Ly từ chối. Năm 1232, Đại hãn Oa Khoát Đài đem quân tiến đánh Cao Ly bằng cả 2 đường thủy bộ. Quân Nguyên Mông vượt biển tiến đánh Hoàng Hải nhưng bị Lý Long Tường đẩy lui. Khi ra trận, Lý Long Tường thường cưỡi ngựa trắng đôn đốc quân sĩ nên còn được gọi là Bạch Mã Tướng quân (白馬將軍). Năm 1253, Đại hãn Mông Ca lại đem quân đánh Cao Ly lần thứ hai. Quân Nguyên Mông do Đường Cơ chỉ huy tấn công Hoàng Hải. Lý Long Tường đã lãnh đạo quân dân trong vùng chống trả suốt 5 tháng bằng binh pháp của Đại Việt do ông truyền dạy. Sau chiến công này, Vua Cao Ly đổi tên Trấn Sơn thành Hoa Sơn, phong Lý Long Tường làm Hoa Sơn Tướng Quân. Nơi quân Nguyên Mông đầu hàng gọi là Thụ hàng môn (受降門). Nhà Vua còn cho lập bia tại đây để ghi công trạng của Lý Long Tường. Khi mất, mộ ông được đặt ở chân núi Di Ất, gần Bàn Môn Điếm . Thời gian ở Hoa Sơn, Lý Long Tường thường lên đỉnh núi trông về cố quốc mà thương nhớ, nơi ấy còn gọi là Vọng quốc đàn. Ngày nay, hậu duệ dòng Lý Long Tường còn  khoảng hơn 600 gia đình ở Hàn Quốc.

Vào năm 1994, Lý Xương Căn (Lee Chang Kun), hậu duệ thứ 31 của Vua Lý Thái Tổ, đời thứ 26 của Lý Long Tường đã về Việt Nam, tìm đến từ đường họ Lý làng Đình Bảng (Bắc Ninh) để bái kiến tổ tiên. Ông cho biết “…luôn tự hào là người con của quê hương Việt Nam, tìm lại đất mẹ với tâm nguyện sẽ góp hết sức mình cho sự nghiệp phát triển quê hương và sự hợp tác giữa 2 đất nước” ông tình nguyện làm đại sứ du lịch để quảng bá, giới thiệu hình ảnh dất nước, con người Việt Nam với nhân dân Hàn Quốc. Những lần trở về sau này, được gặp Tổng Bí thư Đỗ Mười, ông đã tặng nhà lãnh đạo Việt Nam tấm liễn mang dòng chữ đầy ý nghĩa “Tuy sống nơi xa vạn dặm, nhưng lòng vẫn luôn hướng về tổ quốc”. Hiện nay Lý Xương Căn và gia đình đã định cư và nhập quốc tịch Việt Nam để tiếp tục sản xuất kinh doanh.

Một dòng họ Lý gốc Việt thứ 2

Trước Lý Long Tường 76 năm, vào năm 1150, một dòng họ Lý gốc Việt mà ông tổ là Kiến hải vương Lý Dương Côn (이양혼, Yi Yanggon) tự Nguyên Minh đã lưu vong đến đất Cao Ly, lập nên dòng họ Lý Tinh Thiện trong Lịch sử Triều Tiên. Theo tộc phả Lý Tinh Thiện, Lý Dương Côn là hoàng tử thứ 3 con vua Lý Nhân Tông. Năm 1115, nổ ra biến loạn cung đình, ông dẫn gia tộc và thuộc hạ sang nước Tống. Tại đây, ông cưới một người con gái của quan Môn hạ thị trung họ Trần và làm quan trong triều Tống Huy Tông đến chức Bình chương sự. Sau khi Bắc Tống diệt vong, ông dẫn gia tộc đến Cao Ly tiếp tục lưu vong và định cư ở Gyeongju;dòng tộc ông lấy Tinh Thiện quận làn bản quán, hình thành gia tộc Lý Tinh Thiện cho đến ngày nay.

Theo các nhà nghiên cứu, với những thông tin xác tín, rất có thể Lý Dương Côn là con của Thành Quảng hầu. được Lý Nhân Tông nhận làm con nuôi. Khi Lý Thần Tông lên ngôi, ông được phong tước Kiến Hải vương, giữ chức Đô đốc thủy quân ở vùng Đông Bắc. Lý Thần Tông băng hà, triều thần muốn tôn Lý Dương Côn lên ngôi. Nhưng do thế lực của Đỗ Anh Vũ là người nắm binh quyền, đã loại hết các thế lực để đưa Lý Thiên Tộ mới 3 tuổi lên ngôi. Để tránh nguy cơ bị diệt, Lý Dương Côn đã dẫn gia tộc và thuộc hạ đi lưu vong.

Sau hơn 900 năm ly hương, lần đầu tiên, đại diện con cháu họ Lý Tinh Thiện,thuộc hậu duệ đời thứ 35 của các vua Lý đã tìm về quê cha đất Tổ . Hội trưởng họ Lý Hoa Sơn Lý Châng Kil hy vọng, họ Lý Tinh Thiện sẽ là cầu nối giữa hai nước Việt Hàn về các phương diện lịch sử, văn hóa, giáo dục cũng như hợp tác đầu tư giữa hai quốc gia. Theo Lý Hi Uyên, hiện có gần 40.000 cô dâu Việt sống tại Hàn Quốc nên việc truyền bá văn hóa của hai nước là rất quan trọng. 

Hai dòng họ Lý gốc Việt ở Hàn Quốc đều bắt nguồn từ họ Lý Đình Bảng và do hai hoàng tử di cư sang vương quốc Cao Ly vào thế kỷ 12-13. Cả hai dòng họ đều sớm hội nhập vào cuộc sống của cộng đồng cư dân Hàn Quốc và nhiều người đã có những cống hiến lớn lao được ghi trong chính sử.

ly2-1647184762.jpg
Hậu duệ họ Lý Hàn Quốc trong lễ gặp gỡ của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài 

Từ một cuốn gia phả được ghi chép cách đây khoang 900 năm, những người con của dòng họ Lý Tinh Thiện đã quyết chí tìm về cố hương Đình Bảng (Bắc Ninh) để lấy lại tên tuổi cho gia tộc và có thêm những bằng chứng về gốc gác người Việt của mình.Trên 1.000 năm từ khi thành lập vương triều Lý, người dân làng Đình Bảng vẫn truyền tụng câu hát "Đền Đô đến hẹn lại lên…" để nói về lễ hội lớn tại nơi thờ tự 8 vị vua nhà Lý. Đáng chú ý là, kể từ năm 1994, khi Lý Xương Căn, thuộc dòng họ Lý Hoa Sơn tìm về cố hương thì lễ hội nơi đây lại ngày càng thêm nhộn nhịp. Hàng chục thế hệ họ Lý Hoa Sơn đã về Đình Bảng, thắp hương thờ liệt tổ, liệt tông và khẳng định dòng máu "con Rồng cháu Lạc" thiêng liêng. Đến nay thêm nhiều đoàn con cháu họ Lý lưu lạc ở mọi xứ sở đã cùng về hội tụ tại đền Đô đúng ngày giỗ Tổ.

Thay lời kết luận

Trải qua gần 10 thế kỷ; hậu duệ họ Lý ly hương vẫn luôn tìm đường trở về Tổ quốc. Báo chí Sài gòn trước năm 1975 đã đưa tin, Tổng thống Đại Hàn dân quốc Lý Thừa Vãn (Syngman Rhee) đã tuyên bố tổ tiên ông là người Việt Nam, ông là hậu duệ đời thứ 25 của Lý Long Tường. Năm 1975 hậu duệ Lý Khánh Huân đã cất công về Sài gòn tìm kiếm cội nguồn nhưng chưa về được đất Đình Bảng (Bắc Ninh), phải đến đời con ông là Lý Xương Căn, vào ngày 18 tháng 5 năm 1994 mới là người họ Lý gốc Việt đầu tiên ở Hàn Quốc thực hiện được sứ mệnh tổ tiên giao phó là làm lễ bái yết tổ tiên tại đền thờ Lý Bát Đế ở làng Đình Bảng.

Sau ngày thiết lập quan hệ ngoại giao tháng 12 năm 1992, mối quan hệ kinh tế xã hội Việt Nam và Hàn Quốc ngày càng phát triển, đã nâng lên tầm hợp tác đối tác chiến lược, Với hơn 9100 doanh nghiệp Han Quốc tại Việt Nam, giá trị thương mại hàng năm lên tới 65 tỷ USD và là nước hỗ trợ ODA lớn thứ 2 cho Việt Nam, Hàn Quốc đã đóng góp lớn lao vào sự phát triển kinh tế xã hội Viêt Nam, trong đó, hậu duệ dòng họ Lý đã đóng góp phần không nhỏ .

Nặng lòng với tâm nguyện của tổ tiên, hậu duệ họ Lý gốc Việt đã có nhiều người thành đạt, trở thành những nhân vật lỗi lạc trên chính trường và trong sản xuất kinh doanh ở hàn Quốc. Tuy nhiên họ vẫn luôn tâm niệm hướng về quê cha đất tổ. Hy vọng là những dống góp của lớp người này này sẽ ngày càng thêm mạnh để góp phần nâng cao quan hệ đối tác chiến lược phát triển bền vững, lâu dài.giữa 2 quốc gia cả về kinh tế và văn hóa xã hội./.

Lê Thành Ý