Nhiều đề xuất hướng tới phát triển bền vững tại các quốc gia ASEAN

Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, các quốc gia ASEAN cần đẩy mạnh hợp tác khu vực, thúc đẩy quan hệ quốc tế, hài hòa hóa hệ thống pháp luật trong nước với các chuẩn mực toàn cầu, ứng dụng công nghệ tiên tiến và bảo đảm sự cân bằng giữa phát triển kinh tế - xã hội - môi trường.
nhieu-de-xuat-huong-toi-phat-trien-ben-vung-tai-cac-quoc-gia-asean-1752217875.jpg
Hội thảo quốc tế với chủ đề “Tiến tới phát triển bền vững tại các quốc gia ASEAN: Quan hệ quốc tế, thách thức pháp lý trong bối cảnh toàn cầu hóa và hiện đại hóa”

Sáng 11/7, Trường Đại học Luật TP.HCM phối hợp cùng Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED), Khoa Luật – Đại học Chiang Mai (Thái Lan), Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam và Tạp chí Luật Quốc tế Indonesia tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Tiến tới phát triển bền vững tại các quốc gia ASEAN: Quan hệ quốc tế, thách thức pháp lý trong bối cảnh toàn cầu hóa và hiện đại hóa”.

Phát biểu khai mạc, GS.TS Đỗ Văn Đại, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM, nhấn mạnh: “Nằm trong một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất về sinh thái trên thế giới, ASEAN sở hữu bức tranh địa chính trị đa dạng, các nền kinh tế tăng trưởng nhanh và dân số bùng nổ.” Theo ông, phát triển bền vững là mục tiêu cấp thiết, đòi hỏi sự hài hòa giữa luật pháp quốc gia và tiêu chuẩn quốc tế, cùng với ứng dụng công nghệ và hợp tác liên quốc gia.

Hội thảo là diễn đàn học thuật quốc tế, quy tụ các học giả luật, nhà hoạch định chính sách, chuyên gia thực tiễn và nhà nghiên cứu trẻ để thảo luận về các nội dung liên quan đến phát triển bền vững của ASEAN như: tăng cường quan hệ quốc tế, hài hòa hóa khung pháp lý, khai thác công nghệ và thúc đẩy hợp tác khu vực trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Thông qua 5 phiên thảo luận chuyên đề, hội thảo tập trung làm rõ các khía cạnh pháp lý liên quan đến: Hành lang pháp lý và thể chế trong phát triển bền vững tại ASEAN; Khung pháp lý khu vực và các thách thức thực thi; Chủ nghĩa khu vực và cơ chế giải quyết tranh chấp: So sánh giữa các mô hình ASEAN; Chuyển đổi số và phát triển bền vững: Khung pháp lý, đổi mới và hợp tác khu vực; Vai trò của thế hệ trẻ ASEAN trong kiến tạo tương lai bền vững.

nhieu-de-xuat-huong-toi-phat-trien-ben-vung-tai-cac-quoc-gia-asean-1-1752217875.jpg
GS.TS Đỗ Văn Đại, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM chia sẻ tại hội thảo

Các học giả tập trung phân tích chính sách, so sánh pháp luật quốc tế và đề xuất mô hình khung pháp lý phù hợp nhằm đảm bảo ba trụ cột phát triển bền vững – kinh tế, xã hội và môi trường – được thực thi hiệu quả ở cả cấp độ quốc gia và khu vực.

Nhiều nội dung thu hút sự quan tâm và tranh luận sâu rộng, bao gồm: Cơ chế pháp lý điều chỉnh thị trường tín chỉ carbon và nông nghiệp xanh tại ASEAN; Tiêu chuẩn pháp lý cho đầu tư xanh trong các FTA như CPTPP, RCEP, EVFTA; Khung pháp lý về dữ liệu xuyên biên giới, chủ quyền số và trí tuệ nhân tạo; Mô hình giải quyết tranh chấp đầu tư và đảm bảo quyền tiếp cận công lý môi trường cho cộng đồng bản địa; Vai trò của giới trẻ trong đổi mới sáng tạo và hoạch định chính sách phát triển bền vững.

Đáng chú ý, nhiều đề xuất có tính thực tiễn cao đã được đưa ra nhằm phục vụ tiến trình hội nhập pháp lý của Việt Nam, như: xây dựng cơ chế “trọng tài môi trường ASEAN”; hoàn thiện khung pháp lý về trái phiếu xanh và tài chính khí hậu; hay kiến nghị bổ sung “mục tiêu phát triển bền vững” trong các cam kết đầu tư song phương và đa phương.

Hội thảo không chỉ là nơi kết nối các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước mà còn là cầu nối giữa lý luận và thực tiễn lập pháp – hành pháp – tư pháp trong khu vực. Đây cũng là bước tiến trong quá trình quốc tế hóa hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Luật TP.HCM, góp phần khẳng định vai trò của giới nghiên cứu Việt Nam trong nỗ lực định hình một ASEAN xanh và phát triển bền vững trong tương lai.