Làng nghề mây tre đan Phú Vinh: lưu giữ giá trị truyền thống

31/05/2023 17:33

Nằm cách trung tâm Hà Nội gần 30km về phía Tây, làng nghề mây tre đan thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã có hơn 400 năm lịch sử về sản xuất mây tre đan. Nơi đây nổi tiếng với các sản phẩm mây tre đan có hình dáng đơn giản, mộc mạc nhưng kỹ thuật cực kỳ tinh xảo.

Phú Vinh được coi là làng nghề duy nhất ở Việt Nam có kỹ thuật xâu xiên sử dụng chất liệu sợi mây. Đây là kỹ thuật đỉnh cao của nghệ thuật đan lát Việt Nam. Vì vậy có những sản phẩm tưởng chừng như nghệ nhân "thêu" bằng tay.

Hàng mây tre đan của Phú Vinh có tới hàng trăm mẫu mã, có loại đòi hỏi kỹ thuật rất cao. Những nghệ nhân giỏi và lâu năm ở đây chính là người giữ lửa và truyền lửa yêu nghề đến các thế hệ con cháu.

lang-may-tre-dan-phu-vinh-1-1675520593-1685528661.jpeg

Những đứa trẻ tại làng từ nhỏ đã quen với đan lát, các công đoạn làm ra một sản phẩm mây tre đan hoàn chỉnh. Cứ như vậy, “cha truyền con nối”, bao thế hệ người dân trong làng Phú Vinh đều gắn bó với cây tre, cây mây, am hiểu tất cả các thuộc tính của loại cây này. Cũng chính từ đó, nghề mây tre đan dần phát triển và trở thành nghề truyền thống của làng Phú Vinh.

21a05052-tcktvn-08-1685529007.jpg

Nhờ vào đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, những sản phẩm mây tre đan được tạo ra vô cùng tỉ mỉ, đan tết hoa văn độc đáo, tinh xảo vô cùng đẹp mắt. Để có được sản phẩm như vậy, người thợ phải hiểu rõ nguyên liệu làm và cẩn thận từ khâu chọn mua, xử lý nguyên liệu, chế tác.

lang-may-tre-dan-phu-vinh-5-1675520771-1685528661.jpeg

Nguyên liệu sau khi mua về phải được phơi tái rồi đem ngâm hóa chất tầm 10 ngày để chống mối mọt. Sau đó, vớt tre ra đem nghiến mấu, cạo vỏ, đánh bóng và phơi. Tiếp theo đưa tre vào lò, dùng rơm, rạ hoặc lá tre hun lấy mấu rồi lấy ra để nguội và đem lên uốn thẳng. Công đoạn tiếp theo chính là đóng đồ. Những người thợ cả giàu kinh nghiệm sẽ chọn nguyên vật liệu để cắt thành các mặt hàng phù hợp với sản phẩm được tạo ra. Màu sắc của sản phẩm có nhiều loại, bao gồm màu nguyên thủy của mây hun hay được hỗ trợ pha chế sơn PU.

Kỹ thuật chế biến mây cũng đòi hỏi nhiều kinh nghiệm. Cây mây phải cắt thành đoạn 3m, nắn thẳng rồi mới đem đi lấy mấu. Công đoạn chẻ mây đòi hỏi tay nghề cao, chú ý sao cho các sợi mây phải thật đều. Các sợi mây to dùng đan cạp sản phẩm thường, sợi nhỏ dùng làm các mặt hàng quý, cầu kỳ. Tùy vào loại cây to hay nhỏ mà quyết định chẻ lẻ hay chẵn. Để tạo sợi mây theo một cỡ, nếu cây nhỏ được chẻ làm tư, làm sáu thì cây lớn hơn phải chẻ làm bảy hoặc chín. Kỹ thuật chẻ lẻ nan sợi mây, tre này chính là một sự sáng tạo quý báu.

lang-may-tre-dan-phu-vinh-2-1675520641-1685528661.jpeg

Các nan tre, mây được đem đi chuốt cho mượt mà rồi phơi thật khô. Để tạo sự đa dạng màu sắc cũng như đảm bảo độ bền, các sợi mây được nhúng vào nước lá cây sòi băm nhỏ đã nấu sôi. Cách tạo màu tự nhiên này không ảnh hưởng đến sức khỏe đồng thời đảm bảo độ bền màu lên đến 30 - 40 năm.

Ngày nay, hầu hết các công đoạn chuẩn bị như cắt, chẻ, chuốt đã dần được cơ giới hóa nhưng các sản phẩm đều phải thao tác thủ công nhờ kỹ thuật đan. Đây là khuôn khổ không một người thợ nào có thể vượt ra. Ví dụ như đan sàng, thúng,... đã đan lóng mốt thì phải bắt nan lóng mốt, đan lóng đôi thì bắt nan lóng đôi, nếu sai sẽ bị lỗi ngay.

62d3725b65928-1685529078.jpg

Từ những món đồ truyền thống phục vụ đời sống hằng ngày như dần, sàng, thúng,... các sản phẩm mây tre đan Phú Vinh ngày càng có thêm nhiều mẫu mã hiện đại như tranh phong cảnh, chân dung, hoành phi, rèm cửa, chao đèn,... đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Không dừng lại ở thị trường trong nước, các sản phẩm của làng mây tre đan Phú Vinh còn vươn ra thị trường quốc tế, được rất nhiều người ưa chuộng.

Hằng Nga
Bạn đang đọc bài viết "Làng nghề mây tre đan Phú Vinh: lưu giữ giá trị truyền thống" tại chuyên mục Văn hóa - Môi trường. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309