Kí ức về tấm gương một Nhà Khoa học lớn

13/09/2022 07:16

Vừa qua, Nhà xuất bản Dân trí phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa xuất bản cuốn sách "Đào Thế Tuấn - Nhà Khoa học Nông nghiệp uyên bác". Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam xin giới thiệu bài viết “Kí ức về tấm gương một Nhà Khoa học lớn” của tác giả GS.TS. Ngô Thế Dân nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT trong cuốn sách quý nói trên.

Hơn nửa thế kỷ học tập làm việc trong ngành nông nghiệp, trong đó 14 năm làm việc ở Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam (VASI); là học trò, là cộng sự của GS.VS. Đào Thế Tuấn tôi có nhiều ấn tượng,  kỷ niệm đáng nhớ về GS.VS. Đào Thế Tuấn.

Tôi vào đại học là sinh viên Học viện Nông lâm Khóa IV, năm 1959. Học viện là cơ sở vừa nghiên cứu khoa học vừa giảng dạy. Học viện Nông lâm thời bấy giờ là một trong 4 trường đại học danh tiếng nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Khóa tôi học là khóa đầu tiên chuyển từ cơ sở cũ Văn Điển - Thanh Trì  về Trâu Quỳ - Gia Lâm - Hà Nội.  Địa điểm mới cơ sở vật chất còn rất nghèo nàn, giảng đường là những căn nhà lợp lá, tường bao là những phên nứa, ngồi trong giảng đường mà gió thổi ù ù, động mưa là dột. Giảng đường giữa cánh đồng, ếch nhái, ễnh ương kêu inh ỏi. Thời bấy giờ là lúc đất nước ta vừa thoát khỏi chiến tranh chống thực dân Pháp còn nghèo, đang lo khôi phục và phát triển kinh tế. Thầy giáo đại học một số là kỹ sư đào tạo thời Pháp thuộc, còn đa số là những kỹ sư mới tốt nghiệp từ Liên Xô  và Trung Quốc về nước.

dd-1662959359.png
Tác giả GS.TS. Ngô Thế Dân nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT

Sinh viên chúng tôi thời đó hết sức thần tượng 2 người có học vị cao nhất là Thầy Lương Định Của - Tiến s nông học dạy về chọn giống, và thầy Đào Thế Tuấn - Phó Tiến sĩ Nông học dạy về sinh lý thực vật. Với tiến  sĩ Nông học Lương Định Của, tôi đã có bài viết trong cuốn sách “Lương Định Của nhà nông học vì dân vì nước” do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành năm 2014.

Thầy Đào Thế Tuấn được hâm mộ đến mức nào, giảng bài hấp dẫn như thế nào? giáo sư Nguyễn Tử Siêm và giáo sư Mai Văn Quyền đã mô tả trong bài viết của mình trong cuốn sách này. Tôi chỉ nói thêm, thầy thuyết trình hay và logic đến mức nghe xong là thuộc bài.

Tìm hiểu về thầy, chúng tôi được biết thầy là một trong 50 bộ đội, thanh niên xung phong hoặc học sinh phổ thông được cử sang Liên Xô cũ học đại học, khi về được cấp bằng tốt nghiệp đại học và về nước. Riêng thầy Đào Thế Tuấn học giỏi xuất sắc, được nhà trường cho ở lại thêm 6 tháng để hoàn thành công trình luận án Phó Tiến sĩ nông học (nay là Tiến sĩ). Sinh viên chúng tôi kháo nhau đúng là “Hổ phụ sinh hổ tử”. Cha thầy Tuấn là Giáo sư Sử học Đào Duy Anh, nhà văn hóa lớn, được đắp tượng bán thân ở vườn hoa Thành phố Hồ Chí Minh, con nhà có truyền thống học hành. Tôi còn nhớ khi còn trên ghế trường đại học, ngày 12/4/1961 nhà du hành vũ trụ đầu tiên của Liên Xô - Yuri Gagarin bay vào vũ trụ, với hành trình bay 108 phút trên con tàu vũ trụ Vostok; tôi đã đến nghe buổi nói chuyện của thầy Tuấn với toàn thể cán bộ công nhân viên và sinh viên về chuyến bay này.

Chúng tôi vô cùng thán phục thầy học chuyên về nông nghiệp, lại có thể nói chuyện cả về vấn đề du hành vũ trụ, cả hội trường có đến hàng nghìn người nghe.

Năm 1963, tôi học xong đại học về công tác ở Ty Nông nghiệp Hà Bắc (nay là Sở Nông nghiệp và PTNT); sau 2 năm tập sự chuyên vẽ bản đồ đất Hà Bắc, tôi được điều động đi làm Trưởng đoàn Chỉ đạo Sản xuất ở HTX Trung Hòa, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Hà Bắc (nay là Bắc Giang). Đây là HTX trọng điểm cải tạo đất bạc màu của tỉnh. Sau hơn 2 năm, sản xuất của HTX này phát triển tốt, đạt trên 5 tấn thóc/ha, trở thành điểm nổi bật của phong trào cải tạo đất bạc màu toàn quốc. GS.TS. Lê Duy Thước và thầy Đào Thế Tuấn về thăm điểm. Tôi lại có cơ hội được gặp thầy.  Thầy mừng lắm,  bảo tôi đưa đi ra xem cánh đồng gần nhất, tốt nhất, cánh đồng nào đạt năng suất cao nhất; rồi  hỏi rất cẩn thận những giải pháp đoàn chúng tôi đã áp dụng. Tôi báo cáo tóm tắt là thực hiện khẩu hiệu luân canh lúa, lang, lạc như giáo sư Lê Duy Thước trưởng đoàn chỉ đạo của Bộ đề xướng; và vận động dân đắp lại bờ vùng bờ thửa theo kích thước như tiến  sỹ Lương Định Của làm ở HTX Đông Phương Hồng - Thanh Hóa; để tiện cấy căng dây thẳng hàng và vận dụng kiến thức sinh lý thực vật nhìn cây nhìn đất để bón phân, không để lúa lốp đổ. Vốn là người tôi hâm mộ trong 6 năm làm việc ở Hà Bắc, tôi luôn theo dõi hoạt động khoa học của thầy thông qua sách báo và truyền thông, những sách vở, báo chí thầy viết.

Năm 1969, tôi được cử đi học chuyên tu tiếng Nga rồi đi nghiên cứu sinh ở Bungari. Khi làm hồ sơ đi học, tôi có đến gặp thầy hỏi ý kiến về đề tài tôi nên chọn, thầy bảo để về nước phục vụ nông dân tôi nên đi học chuyên về rau quả, thẩy bảo tôi nên về trường Đại học Nông nghiệp Gia Lâm hỏi ý kiến các thầy về rau quả.

Năm 1974, tôi học xong về nước được phân công về Viện Thổ nhưỡng Nông hóa. Khi Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam thành lập 1977, tôi được điều động về làm Phó trưởng Bộ môn Vi sinh vật Nông nghiệp do Thứ trưởng Đường Hồng Dật kiêm nhiệm Trưởng Bộ môn. Lần gặp đầu tiên, Viện phó TS. Đào Thế Tuấn thông tin cho tôi biết là trước đây Viện Khoa học Nông nghiệp Văn Điển đã có Bộ môn Vi sinh vật Nông nghiệp do ông Nguyễn Văn Thuyết học trước tôi 1 khóa làm Trưởng Bộ môn, nhưng bế tắc về phương hướng nghiên cứu nên sau 5 năm phải giải thể, cậu (tôi) liệu mà chỉ đạo bộ môn đừng để đi vào vết xe đổ. Tôi ngậm ngùi yên lặng rồi trở về bộ môn với đầy ưu tư.

Viện KHKTNN Việt Nam được thành lập theo quyết định của Chủ tịch HĐBT, nay là Chính phủ; mục đích là gom tất cả các Viện Nghiên cứu thuộc Bộ Nông nghiệp vào một đầu mối thống nhất, tránh phân tán, tản mạn để tập trung nghiên cứu giải quyết những vấn đề bức xúc của sản xuất, tạo đà cho nông nghiệp phát triển sau Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị về đổi mới, xem như tiền thân của Viện Hàn lâm Nông nghiệp Việt Nam.

Lãnh đạo viện là những nhà KHNN đầu ngành nổi tiếng như GS. Vũ Công Hậu chuyên về cây công nghiệp và cây ăn quả, GS. Lê Văn Căn chuyên về nông hóa. Các Viện phó là các TS. Trần Đình Miên và Trần Thế Thông chuyên về chăn nuôi, TS. Đào Thế Tuấn chuyên về trồng trọt, TS. Lê Doãn Diên chuyển về sinh hóa khoa học cơ bản. Các Bộ môn nghiên cứu cơ bản về KHNN đều là viện trưởng các viện khoa học nông nghiệp chuyên ngành, phó bộ môn như tôi là người quản lý bộ môn trực tiếp; về danh nghĩa thì tương đương với viện phó các viện chuyên ngành. Có lẽ tổ chức lập viện đầu ngành như vậy không thích hợp với tình hình thực tế của đất nước lúc bấy giờ, không vận hành được như ý tưởng của Nhà nước mong muốn, nên chỉ sau 3 năm lại vận hành như cũ; các viện chuyên ngành, chuyên đề lại chịu sự quản lý trực tiếp của Bộ. Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam hoạt động như Viện Khoa học Nông nghiệp trước đây. Sau khi GS. Viện trưởng Vũ Công Hậu nghỉ hưu, Viện phó Đào Thế Tuấn làm Viện trưởng, tôi được đề bạt làm Phó Viện trưởng; có khoảng 9 năm tôi vừa làm học trò vừa làm cộng sự giúp việc, vừa là hàng xóm thân thiết của thầy.

qq-1662959400.jpg
Cuốn sách quý về Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn

 

Khác hẳn với tất cả Viện trưởng của các Viện Nghiên cứu thuộc Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp Thực phẩm (CNTP), tại Viện KHKTNN Việt Nam,  viện trưởng chỉ lo công tác nghiên cứu khoa học, việc quản lý điều hành  đều do Viện phó Thường trực chịu trách nhiệm. Lúc bấy giờ có 3 Viện phó là TS. Lê Doãn Diên, TS. Nguyễn Đăng Khôi và tôi là Viện phó Thường trực.

 

Mặc dù được giao quyền như vậy, nhưng tôi luôn tôn trọng một nguyên tắc là giúp việc viện trưởng. Mọi quyết định nếu viện trưởng chưa đồng ý thì không được triển khai.

Viện trưởng Đào Thế Tuấn đam mê đọc sách nghiên cứu đến mức ngồi bất cứ ở cuộc họp nào ông chỉ nhìn vào sách, nhiều cuộc họp không có ý kiến gì cả. Giai đoạn GS.VS Đào Thế Tuấn làm Viện trưởng 1980-1990 là thời kỳ hưng thịnh của Viện KHKTNNVN, Viện có uy tín lớn với các địa phương. GS.VS Đào Thế Tuấn cho triển khai khá nhiều đề tài, dự án phục vụ sản xuất, đồng thời mở rộng quan hệ hợp tác khoa học với nhiều tổ chức quốc tế như viện INRA (Pháp), Viện Lúa Quốc tế (IRRI) tại Philipin, Viện Nghiên cứu Cây trồng cạn Quốc tế (ICRISAT)  tại Ấn Độ. Chương trình viện trợ của UNDP nâng cấp Viện KHKTNNVN với 5 triệu USD do GS.VS. Đào Thế Tuấn làm chủ nhiệm, đã tạo điều kiện tốt cho viện nâng cấp trang thiết bị nghiên cứu và nâng cao trình độ nghiên cứu khoa học của cán bộ trong viện. Thời gian này nhiều cán bộ khoa học của viện được đi thực tập và khảo sát ở các nước trên thế giới.

Năm 1990, tôi được điều động về bộ làm Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và CNTP. Gặp năm Đông Xuân ấm, lúa tr sớm mất mùa nặng, chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng) Đỗ Mười triệu tập cuộc họp của Thường trực Hội đồng Bộ trưởng nghe Bộ trưởng Nông nghiệp giải trình. Anh Tạn Bộ trưởng và tôi phụ trách chỉ đạo sản xuất đi dự. Bị một đòn choáng váng, may mà có Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Ủy viên Bộ Chính trị Đồng Sỹ Nguyên phụ trách Bộ Nông nghiệp và CNTP đỡ lời. Phó Chủ tịch nói rằng thiên tai “trời đánh” thì không ai có thể nói thánh nói tướng được. Để sau này không xảy ra như thế nữa, tôi đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn cho lập một nhóm các nhà khoa học và kỹ thuật về lúa nghiên cứu và cử GS. Viện trưởng Đào Thế Tuấn làm trưởng nhóm. GS.VS. Đào Thế Tuấn đã lập đề án tổng kết sự biến động của thời tiết vụ Đông Xuân trong 30 năm từ 1956-1991 để tìm ra quy luật biến động, kết luận của nhóm chuyên gia là: Để có vụ lúa Đông Xuân ổn định và vững chắc, yêu cầu thứ nhất là bố trí cho lúa trổ vào đầu hoặc giữa tháng 5; yêu cầu thứ 2 là từ mốc lúa trỗ, căn cứ vào thời gian sinh trưởng của các giống lúa mà bố trí lịch gieo các trà mạ, không để mạ chết rét nếu trời lạnh, không để mạ bị ống và trỗ sớm khi trời ấm. Nhờ vào đúc kết này cùng với các tiến bộ kỹ thuật khác về thâm canh lúa, mà các vụ Đông Xuân sau này đã khẳng định được vị thế, và trở thành vụ lúa chính ở miền Bắc Việt Nam.

Tôi còn nhớ khi về nhận công tác ở  Bộ, Bộ trưởng Tạn có lần đã nói cho tôi biết là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười đã nhắc nhở anh Tạn là “phải tạo điều kiện tốt cho anh Đào Thế Tuấn làm công tác nghiên cứu, anh ấy là cán bộ khoa học giỏi đấy”.

Trong thời gian làm việc ở  B, anh Tạn thường nhắc nhở tôi dành thời gian tiếp xúc với anh Tuấn, và chú ý lắng nghe thu thập thông tin hay từ những lần tiếp xúc và vận dụng vào công tác của  Bộ,  Tôi đã làm như vậy vì tôi ở cùng nhà tập thể Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp với anh Tuấn. Đêm đêm vẫn nghe tiếng dép loẹt quẹt của giáo sư. Điều mà tôi hết sức thán phục là sức làm việc và thời gian làm việc của giáo sư. Lúc nào cũng đọc viết, đêm khuya đèn phòng giáo sư vẫn sáng; trên bàn làm việc, giường ngủ chỗ nào cũng đầy sách. Thời gian khi tôi ở viện đi công tác với viện trưởng, chuyện đông tây kim cổ, tiểu thuyết gì giáo sư cũng nói được; những ai tiếp xúc với GS.VS. Đào Thế Tuấn đều kính trọng và quý mến vì giáo sư hiểu rộng, biết nhiều, giản dị và thông minh xuất chúng.

Khi nhận xét về GS. Đào Thế Tuấn, GS. Bùi Huy Đáp “Cây đại thụ của nền khoa học nông nghiệp Việt Nam” đã nói với tôi và GS. Lê Văn Tiềm là: “Anh Tuấn nếu làm việc ở lĩnh vực khoa học cơ bản thì còn có đóng góp cho đất nước nhiều hơn”, GS. Đáp nói tiếp là GS.VS. Đào Thế Tuấn là người có công đưa thông tin khoa học kỹ thuật quốc tế vào Việt Nam. GS.VS. Đào Thế Tuấn là người thông thạo tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Anh và sử dụng được tiếng Trung. Các bạn cùng học với giáo sư Tuấn ở trường Đại học Taskent (Liên Xô cũ) kể chuyện thời gian là sinh viên anh Tuấn chơi rất thân với các bạn đồng môn người Trung Quốc, sau này mới vỡ lẽ mục đích chơi thân là để học tiếng Hoa. Chính vốn tiếng Hoa đó giúp GS.VS. Đào Thế Tuấn có điều kiện tiếp cận được nguồn tài liệu khoa học Trung Quốc, mà GS. Bùi Huy Đáp cố Viện trưởng đã khen ngợi.

Nhân đây tôi muốn nhắc lại một chuyện mà giới khoa học nông nghiệp lúc bấy giờ xôn xao bàn tán, có nhà khoa học còn trêu anh Tuấn là GS.VS Đào Thế Tuấn nghiên cứu mọi vấn đề trừ môn sinh lý thực vật, mà sinh lý thực vật lại là sở trường của giáo sư. Nhưng từ năm 1980, giáo sư lại chuyển hướng sang nghiên cứu về kinh tế nông nghiệp, xã hội nông thôn, hệ thống nông nghiệp… Trong một lần đi công tác, giáo sư nói với tôi về lý do. Ông cho rằng một vấn đề lớn trong nghiên cứu lúc bấy giờ là nghiên cứu đề xuất chính sách về xây dựng nông thôn, lẽ ra Viện Kinh tế Nông nghiệp phải giúp  Bộ việc này. Tôi (GS. Tuấn) chuyển hướng là để giúp  Bộ. Tôi sẽ tiếp cận thông tin về xây dựng nông thôn để đúc rút đề xuất chính sách với Nhà nước ta, lẽ ra các anh phải cổ vũ và động viên tôi. Sau này về phụ trách công tác xây dựng nông thôn, nhiệm vụ thứ 2 của bộ, tôi mới thấy rõ tầm nhìn của giáo sư là đúng.

Nhìn chung tài năng của GS.VS. Đào Thế Tuấn được xã hội thừa nhận, được Nhà nước đánh giá cao, được phong hàm Giáo sư không phải qua bậc Phó Giáo sư như bạn bè cùng lứa. TS. Đào Thế Tuấn là 1 trong 83 Giáo sư phong hàm năm 1980 cùng đợt với GS. Lê Duy Thước, GS. Lê Văn Căn do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký.

Với những thành tích khoa học như trong bài viết của NGND.GS. Nguyễn Quang Thạch và GS. Mai Văn Quyền… GS.VS. Đào Thế Tuấn được phong  Viện sĩ Viện Hàn lâm Nông nghiệp Liên Xô, được Nhà nước Việt Nam tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và phong Anh hùng Lao động, được Chính phủ Pháp tặng Huân chương Công trạng Nông nghiệp Hạng Nhất, Nhì, Ba và Huân chương Cành cọ Hàn lâm về hợp tác giáo dục đào tạo với Pháp.

Tôi nghĩ rằng GS.VS. Đào Thế Tuấn cả cuộc đời cống hiến cho khoa học, cho nền nông nghiệp nước nhà; ông được Đảng, Nhà nước và Nhân dân đánh giá cao. Có thể nói giáo sư đã đạt đến mốc cao nhất sự vinh quang của một nhà khoa học. Đúng là tấm gương sáng chói cho các thế hệ sau này noi theo.

 

 

 

 

GS.TS. Ngô Thế Dân
Bạn đang đọc bài viết "Kí ức về tấm gương một Nhà Khoa học lớn" tại chuyên mục Diễn đàn. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309