Mình may mắn chứng kiến từ những ngày đầu tiên ý tưởng đó được thực hiện ở Huế và nên hình hài tại Festival làng nghề Huế 2019, chứng kiến sự trăn trở của hai người đàn ông, một người rể Huế và một người lạ với Huế. Bỏ ăn, bỏ ngủ bám trụ nơi cái bến Hề huyền thoại của Huế để quyết tâm ra đời dòng sản phẩm thật mang yếu tố tinh thần, tâm linh gắn với thiên nhiên, con người Huế. Huy động cả công sức, trí tuệ, sự tài hoa của các nghệ nhân XQ Việt Nam và tập đoàn Gia tộc Việt, có nguồn gốc từ làng gốm cổ Bát Tràng. Đặc biệt là chứng kiến những cái bắt tay thật chặt với những người đã, đang có trách nhiệm với Huế, "ủ mưu" cho một cuộc ra đời hoành tráng của dòng gốm mang thương hiệu Hương Sa.


Ý tưởng đã rõ, sản phẩm đã thành hình và những lời hứa hẹn gắn kết, dài hơi. Từ sự hẹn hò với dòng sông, nên hình hài những phẩm vật mang hơi thở cội nguồn, đến sự kỳ vọng cho một dòng sản phẩm mang đến sự đa dạng, đặc sắc cho mãnh đất nặng tình, nhiều tiềm năng du lịch, dịch vụ.

Người Huế cả tin nhưng cũng đa nghi lắm. Sông Hương luôn mang hình ảnh đặc trưng của người phụ nữ Huế, đằm thắm, nhẹ nhàng nhưng mãnh liệt yêu thương. Đã tin vào sự tâm huyết của những người đàn ông nhưng cũng sẽ luôn dõi theo những bước đi của Hương Sa hướng đến sự vĩnh hằng. Hứa hẹn với dòng Hương là hứa hẹn với Huế, với những người phụ nữ thuỷ chung.

"Con sông dùng dằng con sông không chảy
Sông chảy vào lòng một Huế rất sâu"
Nhớ nhé!
Đăng Tuyên (tháng 5/2019)