Thủ phủ gia cầm, thủy cầm miền Bắc
Khi nhắc đến địa danh làng Hà Vĩ hoặc xã Lê Lợi (huyện Thường Tín thành phố Hà Nội), hàng vạn hộ chăn nuôi miền Bắc hay các lái thương từ Bắc vào Nam đều nghe danh. Vùng đất này từ lâu đã được biết đến là “thủ phủ buôn bán, giết mổ gia cầm, thủy cầm đất Bắc”. Hiện nay, trung bình mỗi ngày, các hộ kinh doanh xuất buôn và giết mổ từ 30.000 - 35.000 con gia cầm, thủy cầm (khoảng 60 - 80 tấn), ngày lễ tết có thể lên tới hơn 100 tấn/ngày.
Nói về Nghề buôn bán, sơ chế gia cầm, thủy cẩm Hà Vĩ - Lê Lợi, phải ngược thời gian về hơn 30 năm trước. Đó là những năm 90 phong trào nuôi gà công nghiệp bắt đầu rộ lên, hầu hết các hộ ở Hà Vĩ nhập gà về nuôi với mong muốn thoát nghèo. Thế nhưng, giai đoạn 1995-1996, thị trường tiêu thụ gà thay đổi khiến hàng nghìn con gà công nghiệp xuất chuồng không tiêu thụ được. Trước nguy cơ “trắng tay”, một số người dân Hà Vĩ đã giết mổ rồi mang đi tiêu thụ tại các nhà hàng hoặc bán rong trên đường phố Hà Nội. Sau đó, số lượng gà sơ chế tiêu thụ càng nhiều, người dân Hà Vĩ không những giải quyết số lượng gà tồn mà còn mở ra con đường mới. Đó là đi gom gia cầm, thủy cầm ở các nơi về chợ Hà Vĩ, sau đó bán lại cho lái thương và các hộ chuyên giết mổ trong xã Lê Lợi.
Bán buôn chủ yếu tại chợ Hà Vĩ. Chợ đi vào hoạt động vào năm 2011 với 162 gian ki ốt. Chợ họp cả ngày, nhưng sôi động nhất thường từ 2h - 5h sáng. Sớm tinh mơ, từng đoàn xe máy của người dân xã Lê Lợi nối đuôi nhau tiến vào nội ô. Ngoài khu vực chợ, các hộ kinh doanh giết mổ trong xã cũng dậy sớm từ 3, 4 giờ sáng tiến hành sơ chế gia cầm, thủy cầm để kịp giao cho các nhà hàng, quán ăn, cửa hàng thực phẩm, chợ dân sinh...
Theo chia sẻ của Ông Hà Gia Đà (Giám đốc HTX Nông nghiệp Lê Lợi), “Hiện nay có khoảng 60% số hộ trên địa bàn xã Lê Lợi gắn bó với nghề giết mổ gia cầm, thủy cầm. Có nhiều hộ đã kinh doanh trên 20 năm, ngày thường tiêu thụ 1-2 tạ gà, vịt, ngan sơ chế; những dịp lễ tết có thể lên tới 4-5 tạ.”
Đầu tư xây dựng thương hiệu gia cầm, thủy cầm Hà Vĩ
Bên cạnh việc đem lại các giá trị về mặt kinh tế thì hiện nay nghề buôn bán, sơ chế gia cầm, thủy cầm Hà Vĩ đang phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức.
Sau gần 15 năm đi vào hoạt động, chợ đầu mối Hà Vĩ đã xuống cấp trầm trọng. 162 kiot đang quá tải cả về diện tích và hạ tầng kỹ thuật. Nhiều hạng mục chợ đã không còn đáp ứng yêu cầu vận hành an toàn như hệ thống điện, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường.
Hầu hết các hộ kinh doanh, tiêu thụ gia cầm, thủy cầm sơ chế hoạt động nhỏ lẻ, chưa hình thành khu giết mổ tập trung. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ sản phẩm gia cầm, thủy cầm sơ chế còn chưa có thị trường ổn định, nhiều khi bị ép giá; việc đầu tư vào khâu sơ chế còn chưa được chú trọng, chưa có tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, khâu xây dựng thương hiệu hoàn toàn chưa được chú trọng đầu tư.
Nhằm từng bước khắc phục những hạn chế trên, HĐND huyện Thường Tín đã phê duyệt chủ trương đầu tư cải tạo, nâng cấp chợ Hà Vĩ. Dự kiến sẽ triển khai năm 2025 để đáp ứng nhu cầu vận hành chợ an toàn đồng thời triển khai nhiệm vụ Xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể “Gia cầm, thủy cầm Hà Vĩ” xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội. Việc tăng cường xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gia cầm, thủy cầm Hà Vĩ sẽ góp phần nâng cao danh tiếng của sản phẩm, được người tiêu dùng biết đến rộng rãi, nâng cao giá trị kinh tế và tiếp cận được đa dạng thị trường trong và ngoài nước.
Được sự ủng hộ giúp đỡ và phối hợp của Sở KHCN thành phố Hà Nội, UBND huyện Thường Tín, cùng các ban ngành địa phương, Công ty CPTM Gia Phạm đã tiến hành Khảo sát, đánh giá thực trạng kinh doanh và tiêu thụ gia cầm, thủy cầm trên địa bàn xã Lê Lợi; thu thập các tài liệu, báo cáo, đề tài khoa học đã nghiên cứu liên quan đến Nghề buôn bán, giết mổ gia cầm, thủy cầm trên địa bàn Hà Nội. Trên cơ sở đó, đánh giá tình hình kinh doanh, tiêu thụ gia cầm, thủy cầm Hà Vĩ; xây dựng Bộ tiêu chí sản phẩm và xác định vùng kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể “Gia cầm, thủy cầm Hà Vĩ”. Đồng thời, tiến hành thủ tục xin phép UBND thành phố Hà Nội cho phép sử dụng tên địa danh “Hà Vĩ” để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể.
Kỳ vọng, trong thời gian sắp tới, thương hiệu “Gia cầm, thủy cầm Hà Vĩ” sẽ càng lan tỏa; thị trường tiêu thụ sản phẩm sẽ mở rộng và phát triển bền vững hơn nữa, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn và tạo ra giá trị tăng cao, đóng góp nhiều vào ngân sách của địa phương.