Giải mã công nghệ sạc nhanh xe điện: Liệu có thật sự thần tốc?

Sạc siêu nhanh cho xe điện: Khi lý thuyết chưa theo kịp thực tế.

Công nghệ sạc siêu nhanh đang được kỳ vọng sẽ thay đổi cách người dùng tương tác với ô tô điện giúp rút ngắn đáng kể thời gian sạc – yếu tố từng bị xem là “rào cản lớn” của xe điện so với xe xăng.

Tuy nhiên, dù được quảng bá với những con số ấn tượng, hiệu quả thực tế của sạc siêu nhanh vẫn đang gặp nhiều giới hạn do hạ tầng kỹ thuật và chi phí đầu tư cao.

01
 

Thị trường xe điện Trung Quốc đang chứng kiến một cuộc chạy đua mới: Phát triển hệ thống sạc có công suất “khủng”. Mở màn là BYD với công nghệ Megawatt Flash Charger có công suất lên tới 1.000kW, cho phép sạc đủ để đi thêm 400 km chỉ trong 5 phút – theo công bố của hãng.

Tiếp nối BYD, Zeekr và Huawei cũng trình làng các trạm sạc siêu nhanh với công suất 1.200kW và 1.500kW tạo nên làn sóng phấn khích trong cộng đồng yêu công nghệ và ngành công nghiệp xe điện nói chung.

Tuy nhiên, theo đánh giá từ trang CarNewsChina, hiệu suất thực tế của các trạm sạc này lại không “hoành tráng” như thông số kỹ thuật.

Trải nghiệm của người dùng cho thấy, ngay cả những mẫu xe được quảng cáo có khả năng sạc 80% pin trong 15 phút cũng cần tới gần 30 phút – thậm chí lâu hơn trong điều kiện sử dụng thực tế.

08
 

Một trong những nguyên nhân là do công suất đầu ra của trạm sạc phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm điện áp, dòng điện và khả năng tương thích với nền tảng pin của xe.

Chẳng hạn, để đạt mức công suất 1.000kW như hệ thống của BYD, cần duy trì hiệu điện thế 1.000V và dòng điện 1.000A, điều kiện rất khó đảm bảo liên tục trong môi trường thực tế.

Ngoài vấn đề hạ tầng, bản thân cấu trúc và đặc điểm của pin xe điện cũng là yếu tố giới hạn khả năng sạc nhanh. Khi sạc ở công suất cao, nhiệt độ pin tăng nhanh buộc hệ thống quản lý pin (BMS) phải giảm công suất sạc để tránh nguy cơ quá nhiệt, chập cháy hoặc giảm tuổi thọ pin.

Điều này khiến tốc độ sạc bị “kìm hãm” theo thời gian, đặc biệt khi pin đã đạt trên 60–70% dung lượng khiến quá trình sạc không duy trì được tốc độ như công bố ban đầu.

Bên cạnh giới hạn kỹ thuật, chi phí đầu tư cho các trạm sạc siêu nhanh cũng là một rào cản lớn. Để đạt công suất trên 500kW, các trạm sạc buộc phải sử dụng cáp làm mát bằng chất lỏng thay vì làm mát bằng không khí như thông thường.

09
 

Theo ước tính, một bộ sạc sử dụng công nghệ làm mát bằng chất lỏng có thể có giá từ 80.000 – 120.000 nhân dân tệ (tương đương 280 – 420 triệu đồng), cao hơn gấp 3–5 lần so với các hệ thống sạc truyền thống. Chưa kể, hệ thống này cần thay thế chất làm mát định kỳ làm tăng chi phí vận hành.

Chính vì vậy, việc triển khai đại trà các trạm sạc siêu nhanh hiện vẫn là bài toán nan giải về chi phí và hiệu quả đầu tư.

Không thể phủ nhận rằng sạc siêu nhanh là bước tiến quan trọng trong quá trình phổ cập xe điện. Tuy nhiên, để biến công nghệ này thành chuẩn mực phổ biến, ngành công nghiệp xe điện còn phải giải quyết nhiều thách thức về kỹ thuật, chi phí hạ tầng và tối ưu hóa quản lý năng lượng.

Trong khi chờ đợi những đột phá mới về pin và lưới điện, người dùng vẫn cần giữ kỳ vọng thực tế với công nghệ sạc siêu nhanh bởi giữa lý thuyết và thực tiễn luôn tồn tại một khoảng cách không nhỏ.