Du lịch nông nghiệp (Agrotourism) – Tiềm năng còn bỏ ngỏ

12/02/2022 14:27

Du lịch nông nghiệp (Agrotourism) (DLNN) hay còn gọi là Du lịch sinh thái, Du lịch nông thôn (Rural tourism) đã và đang nhiều nước trên thế giới áp dụng như một xu thế phát triển tất yếu của xã hội.

Trong bối cảnh xã hội ngày càng nâng cao nhận thức về môi trường, đồng thời sự tàn phá môi trường do phát triển công nghiệp gây ra thúc đẩy các cư dân thành thị tìm kiếm môi trường sạch sẽ, thoải mái, thân thiện và lành mạnh, nhằm giải tỏa những áp lực trong công việc và theo đuổi lối sống bổ dưỡng và lành mạnh (healthy and balance). Du lịch nông nghiệp (Agrotourism) (DLNN) hay còn gọi là Du lịch sinh thái, Du lịch nông thôn (Rural tourism) đã và đang nhiều nước trên thế giới áp dụng như một xu thế phát triển tất yếu của xã hội.

dl1-1644650624.jpg
Du lịch nông nghiệp (Agrotourism) – Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Các quốc gia khác nhau có những tên gọi khác nhau như Du lịch nông thôn (Agricultural tourism) ở Anh, Du lịch trang trại (Homestead) ở Mỹ, du lịch nông nghiệp (agricultural tourism) hay Du lịch xanh (Green tourism) ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, …. Sự hình thành và phát triển của du lịch nông nghiệp ở mỗi quốc gia cũng có sự đa dạng và cách thức triển khai khác nhau đáng kể.  

Vai trò của du lịch nông nghiệp

Theo Ohe (2006) đã nhận định, du lịch nông nghiệp không chỉ cho phép chúng ta tái khám phá các giá trị tài nguyên nông thôn không được coi trọng trong quá trình hiện đại hóa nền kinh tế quốc dân, mang lại hiểu biết sâu sắc cho cả người nông dân và các nhà hoạch định chính sách để có cái nhìn rộng hơn đối với sản phẩm nông nghiệp trong phát triển nông thôn.

Theo Lee, S.W (2006), chúng ta không coi du lịch nông nghiệp là liều chữa bách bệnh cho sự phục hưng của nông thôn, nhưng nhìn chung nó được coi là một cách phục hồi nền kinh tế nông thôn vốn đã bị sa sút tương đối so với kinh tế thành thị.

Lợi ích về kinh tế

Du lịch sinh thái góp phần vào việc làm tăng thêm nguồn tài nguyên thiên nhiên của ngành du lịch và nâng cao vào việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch.

Khi du lịch sinh thái phát triển còn giúp tạo điều kiện về công ăn, việc làm cũng như thu nhập cho những cộng đồng trong và ngoài khu vực tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái. Từ đó góp phần cải thiện về tình hình kinh tế của địa phương giúp xóa đói giảm nghèo hiệu quả.

Ngoài ra về lợi ích kinh tế, du lịch sinh thái cũng góp phần khôi phục cũng như phát triển về ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, tạo điều kiện cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Lợi ích về xã hội

Khi loại hình du lịch sinh thái phát triển sẽ giúp cho con người gần gũi với tự nhiên hơn. Đồng thời nhu cầu về tìm hiểu thiên nhiên của con người sẽ được đáp ứng thông qua loại hình du lịch này.

Lợi ích sinh thái

Những loài động vật quý hiếm cũng được khôi phục, bảo vệ và gìn giữ dựa vào loại hình du lịch sinh thái. Đồng thời nó cũng giúp cho con người có trách nhiệm hơn đối với môi trường tự nhiên.

Thực trạng du lịch nông nghiệp ở Việt Nam

Là đất nước với hơn 70% số dân sống ở nông thôn, sở hữu nền sản xuất sinh thái nông nghiệp có truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời, Việt Nam có lợi thế lớn để Phát triển tuyến điểm và loại hình du lịch gắn với phát triển nông nghiệp và ẩm thực truyền thống. Tiềm năng nông nghiệp gắn với những cánh đồng lúa, vườn cây ăn quả, làng nghề truyền thống, trang trại, miệt vườn… trải dài từ bắc vào nam chính là cơ sở tiền đề để thúc đẩy du lịch.

Và ở chiều ngược lại, Phát triển tuyến điểm và loại hình du lịch dựa trên tài nguyên nông nghiệp cũng làm gia tăng giá trị các sản phẩm nông nghiệp, góp phần ổn định đời sống nông dân, qua đó bảo tồn, phát huy các giá trị tự nhiên, văn hóa truyền thống nông thôn. (Bùi Thị Nga,

Tại Việt Nam, trên cơ sở đánh giá đúng vai trò, vị trí của du lịch đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương cơ cấu lại ngành du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững. Trong định hướng Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn được xác định là 1 trong 5 dòng sản phẩm chủ đạo. Theo đó, hiện DLNN ở nước ta đã được phát triển trên mọi miền đất nước, sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp đã trở thành điểm nhấn thu hút, thúc đẩy tăng trưởng du khách với nhiều sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa nông ngiệp của vùng miền, trải dài từ Bắc tới Nam. Loại hình DLNN ở Việt Nam phát triển song song với loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và đều tuân thủ nguyên tắc du lịch trải nghiệm, khai thác các giá trị tổng hợp dựa trên thành quả của ngành nông nghiệp. Có thể kể đến các sản phẩm DLNN điển hình như: Tham quan làng cổ Đường Lâm (Hà Nội); tham quan đồi chè, trang trại bò sữa ở nông trường Mộc Châu (Sơn La); thưởng ngoạn ruộng bậc thang mùa lúa chín ở Mù Cang Chải (Yên Bái), Sa Pa (Lào Cai); làng rau Trà Quế (Quảng Nam); du lịch trải nghiệm vườn rau thủy canh, đồi chè, hoa công nghệ cao ở Đà Lạt (Lâm Đồng); du lịch sinh thái dọc sông Sài Gòn; trải nghiệm vườn điều ở Bình Phước, Đồng Nai; trái cây nhà vườn tại Bình Dương, du lịch làng nghề ở An Giang; tour tham quan, nghỉ dưỡng tại các vườn nho, vườn táo, trang trại dê, cừu tại tỉnh Ninh Thuận và nhiều điểm du lịch gắn với nông nghiệp của tỉnh Quảng Ninh, như: Điểm du lịch làng quê Yên Đức (Thị xã Đông Triều); làng nghề gốm sứ Đông Triều; khu trồng cây ăn quả chất lượng cao xã Dân Chủ, cánh đồng rau, hoa chất lượng cao xã Lê Lợi (huyện Hoành Bồ); nuôi cấy ngọc trai tại vụng Tùng Sâu (Vịnh Hạ Long); khu đồi trà hoa vàng, ba kích tím ở huyện Ba Chẽ… (Thu Hòa, 2019)

Tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp tại Việt Nam

Trong những năm qua, nhiều điểm đến du lịch nông thôn được hình thành trên cơ sở khai thác giá trị đặc sắc, mang đậm dấu ấn của văn hóa, sinh thái vùng miền. Nhiều sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa sinh thái nông nghiệp độc đáo, chất lượng đã được khai thác đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách. Nhiều mô hình du lịch gắn với sinh thái nông nghiệp, nông thôn được đầu tư khai thác. Doanh nghiệp lữ hành và các đơn vị cung ứng sản phẩm du lịch nông thôn đã có sự liên kết chặt chẽ, nhiều tour du lịch nông nghiệp, nông thôn độc đáo, chất lượng bước đầu được du khách đón nhận. Sự tham gia trực tiếp của bà con nông dân trong các hoạt động du lịch nông nghiệp đã tạo nên sự phong phú, hấp dẫn của các sản phẩm du lịch. Hiện nay, theo thống kê từ các địa phương trên cả nước hiện có trên 1.300 khu, điểm du lịch thuộc các địa phương quản lý, trong đó có khoảng 70% là các điểm du lịch thuộc khu vực khu vực nông thôn. Theo báo cáo của Chương trình mỗi làng một sản phẩm (OCOP), năm 2017 xác định được tại 63 tỉnh, thành phố, nhóm dịch vụ du lịch nông thôn có 201 sản phẩm và có 413 làng, bản văn hóa gắn với phát triển du lịch. Nhiều điểm đến khu vực nông thôn có thể đón hàng triệu khách du lịch mỗi năm. Một số tour du lịch đã trở thành thương hiệu để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
 

dl2-1644650708.jpg
Phát triển du lịch nông nghiệp một hướng đi cần được quan tâm đầu tư đúng mức

Một số hạn chế

1. Nguồn nhân lực về phát triển du lịch nông nghiệp thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng.

- Người nông dân chưa được đào tạo về du lịch, các kỹ năng cơ bản về kinh doanh, tổ chức du lịch

- Hệ thống quản lý nhà nước và cơ quan chuyên môn về du lịch nói chung và DLNN nói riêng ở địa phương còn mỏng, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý và hỗ trợ phát triển.

- Cần phải nâng cao sự quan tâm và nhận thức của chính quyền địa phương về phát triển du lịch nông nghiệp với tư cách là một ngành kinh tế bền vững.

2. Nguồn lực đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp

Đa phần các địa phương phát triển manh mún, thiếu chiều sâu. Việc đầu tư cho phát triển du lịch nông nghiệp còn mới ở dạng thử nghiệm. Việc quy hoạch và định hướng tổ chức phát triển du lịch nông nghiệp còn chưa được thực hiện để phát huy các thế mạnh sẵn có của du lịch nông nghiệp.

3. Điều kiện về cơ sở hạ tầng

Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ tại nhiều điểm du lịch sinh thái nông nghiệp chưa được đầu tư hoàn chỉnh, chất lượng chưa cao. Đặc biệt, sự hợp tác giữa doanh nghiệp lữ hành và các điểm đến cung cấp hoạt động DLNN còn hạn chế. Việc liên kết phát triển DLNN giữa các địa phương trong tỉnh và giữa các địa phương trong cả nước chưa được triển khai hiệu quả. Nhiều điểm DLNN gặp khó khăn trong việc kết nối với doanh nghiệp lữ hành để hoàn thiện, xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp cũng như thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế…

4. Truyền thông, quảng bá còn yếu

Truyền thông quảng bá còn yếu chưa đáp ứng được các yêu cầu của phát triển DLNN. Xúc tiến quảng bá được triển khai chưa thường xuyên, liên tục, quy mô nhỏ bé, hiệu ứng tiếp thị mới dừng ở mức độ nhất định. Công tác nghiên cứu thị trường đã bước đầu được thực hiện nhưng chưa thực sự chủ động, chưa được triển khai ngay từ đầu để làm cơ sở cho phát triển sản phẩm, xúc tiến quảng bá và phát triển thương hiệu du lịch. Do vậy việc triển khai các hoạt động xúc tiến du lịch chưa có trọng điểm, chưa có chiều sâu và đáp ứng được yêu cầu theo đuổi thị trường mục tiêu. Phạm vi, quy mô tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch còn hẹp so với yêu cầu, mục tiêu phát triển và so với các nước trong khu vực. Do nhiều nguyên nhân, nội dung, hình thức của một số hoạt động xúc tiến ở nước ngoài, đặc biệt là việc tham các hội chợ du lịch quốc tế, tổ chức các chương trình giới thiệu điểm đến còn đơn điệu, theo lối mòn, thiếu tính sáng tạo và chuyên nghiệp.

5. Chưa có sự liên kết trong cộng đồng

DLNN vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, trùng lặp, sản phẩm chưa thực sự hấp dẫn du khách và chưa được chú trọng về thương hiệu. Người nông dân vẫn chỉ quen sản xuất nông nghiệp nên chưa có các kỹ năng để phục vụ khách du lịch một cách chuyên nghiệp hoặc chưa quan tâm và không đặt mục tiêu sản xuất gắn với phát triển du lịch.

6. Chưa tạo ra các giá trị đa dạng cho du khách
Sản phẩm DLNN chất lượng cao tại nhiều địa phương để phục vụ du khách chưa nhiều. Tại nhiều khu du lịch sinh thái, dịch vụ còn nghèo nàn, chất lượng thấp, mới đáp ứng nhu cầu của du khách ở mức đơn giản. Chi tiêu của du khách đối với sản phẩm DLNN chủ yếu là mua vé tham quan, ăn uống, phòng ở..., chưa chi nhiều cho các dịch vụ ngoài tour do chưa có nhiều dịch vụ bổ trợ hoặc có nhưng không hấp dẫn được du khách

Một số giải pháp

Nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch

Hình thức du lịch kết hợp nông nghiệp vừa giúp quảng bá nông sản địa phương, vừa tăng thu nhập cho người nông dân. Việc nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp không chỉ là yếu tố sống còn quyết định thành công của doanh nghiệp du lịch mà còn góp phần cải thiện sinh kế cho bà con nông dân, nâng cao khả năng thích ứng cho bà con trong điều kiện dịch bệnh và tình hình biến đổi khí hậu phức tạp như hiện nay.

Phát triển đa dạng sản phẩm, dịch vụ du lịch
Ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, đa dạng hoá loại hình sản phẩm cũng là một chiến lược quan trọng trong marketing du lịch nông nghiệp. Đa dạng hoá sản phẩm du lịch là làm cho sản phẩm du lịch phong phú hơn về chủng loại, chính là mang đến cho du khách nhiều cơ hội lựa chọn hơn. Nội dung phát triển đa dạng sản phẩm dịch vụ du lịch bao gồm:

Đa dạng hóa sản phẩm không chỉ là đa dạng về chủng loại mà chính là mang đến cho du khách nhiều cơ hội lựa chọn hơn. Một trong những lý do mà phát triển du lịch nông nghiệp của Việt Nam chưa phát triển tương xứng chính là không thu hút được khách lưu trú, chưa tích hợp được những sản phẩm trải nghiệm đa dạng…

Có chiến lược truyền thông quảng bá dài hạn, tập trung

Chiến lược, hiệu quả xúc tiến quảng bá du lịch quốc gia là trụ cột của năng lực cạnh tranh du lịch. Các giải pháp cần phải có kế hoạch cụ thể và thực hiện bài bản, chuyên nghiệp.

Thứ nhất, khâu cung ứng, cần phải nâng cao chất lượng phục vụ để nâng cao đánh giá của các khách du lịch. Thông tin truyền miệng đóng vai trò rất quan trọng trong ngành du lịch nói chung, du lịch nông nghiệp nói riêng. Các nhân viên phục vụ cần phải tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, nhìn và nghe họ nói, đánh giá mọi cử động để có thể nhận biết và thoả mãn yêu cầu của họ.

Thứ hai, hiện nay có rất nhiều phương tiện truyền tin khác nhau.

Ngoài ra các hình thức khuyếch trương như: Quảng cáo, khuyến mại, tuyên truyền, chào bán – bán hàng cá nhân, thư cá nhân cũng được áp dụng. Đối với các công ty du lịch còn một hình thức khác nữa là tham gia vào các tổ chức, hiệp hội du lịch để có điều kiện tiếp xúc với các nguồn khách.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, marketing số như một yêu cầu tất yếu nhằm quảng bá điểm đến, tiếp cận, quản trị khách hàng, kết nối trong ngành và với thị trường một cách hiệu quả.

Những năm trước, Hà Nội đã “bắt tay” với hãng truyền hình CNN để quảng bá du lịch Hà Nội, có hiệu quả cao trong việc thu hút khách nước ngoài. Tuy nhiên, trong một năm rưỡi ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều quốc gia áp dụng biện pháp hạn chế đi lại, thực hiện giãn cách nên việc quảng bá theo hình thức truyền thống bị ảnh hưởng không nhỏ. Vì thế, bên cạnh việc truyền thông trên báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng, cần có thêm những hình thức quảng bá mới, có thể tận dụng các ứng dụng công nghệ internet, mạng xã hội như: Youtube, Facebook, Zalo, Tiktok… để quảng bá rộng rãi hơn tới người dân, đặc biệt là đối tượng du khách trẻ và khách nước ngoài – những người thường xuyên sử dụng internet và các thiết bị điện tử hiện đại.

Ngoài tuyên truyền, quảng bá sản phẩm du lịch hấp dẫn, cần đẩy mạnh quảng bá hình ảnh điểm đến an toàn – chất lượng – thân thiện – mến khách. Lúc này, yếu tố “an toàn” cần được quảng bá mạnh mẽ. Để làm tốt việc này thì Việt Nam phải là điểm đến an toàn, các khu - điểm du lịch phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định.

---

Tài liệu tham khảo

1. Bùi Thu Nga. Tổng quan về du lịch nông nghiệp

2. Lee, W.S. (2006) Agro-tourism as a rural development strategy in Korea. Journal of Rural Development 29(6): 67-83

3. Ohe, Y. (2006) Concept and approaches in the development of agro-tourism.” Paper presented at the Asian Productivity Organization Seminar. June 20-27, Taiwan, ROC.

4. Thu Hòa (2019) Phát triển du lịch nông nghiệp trên thế giới và thực trạng ở Việt Nam. Tạp chí con số và sự kiện, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. http://consosukien.vn/phat-trien-du-lich-nong-nghiep-tren-the-gioi-va-thuc-trang-oviet-nam.htm

 

Lan Phượng
Bạn đang đọc bài viết "Du lịch nông nghiệp (Agrotourism) – Tiềm năng còn bỏ ngỏ" tại chuyên mục Khoa học - Kỹ thuật. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309