Cục Sở hữu Trí tuệ cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và bảo hộ thương hiệu Tôm Tiên Yên

02/11/2022 10:43

Vừa qua, Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và bảo hộ thương hiệu Tôm Tiên Yên nhằm bảo vệ danh tiếng, nâng cao uy tính của sản phẩm Tôm Tiên Yên (Quảng Ninh) trên thị trường trong và ngoài nước.

Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, có tới 90% hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam mang nhãn hiệu của nước ngoài. Trong nước, hàng nông sản được đăng ký Sở hữu trí tuệ mới chiếm 15% tổng số thương hiệu được bảo hộ tại Việt Nam. Tại thị trường nội địa, hàng giả, hàng nhái đã làm ảnh hưởng đến các sản phẩm đặc sản của các địa phương, xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi của những người sản xuất và kinh doanh chính đáng. Trước thực trang này, gần đây, nhiều địa phương đã bước đầu quan tâm xây dựng thương hiệu và đăng ký nhãn hiệu bảo hộ cho nông sản. Tôm Tiên Yên (Quảng Ninh) vừa được Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu bảo hộ nông sản là một điển hình như thế.

tom2-1667360725.jpg
Những mô hình nuôi tôm công nghiệp được triển khai nhiều năm nay tại huyện Tiên Yên (Quảng Ninh)

Tiên Yên là huyện miền núi ven biển thuộc khu vực miền Đông tỉnh Quảng Ninh, có tiềm năng rất lớn về nuôi trồng thủy sản với bờ biển dài 35 km được phân bố dọc theo 5 xã, là vụng kín được án ngữ, che chắn bởi hệ thống đảo Cái Bầu, Vạn Vược, Vạn Mạc, Núi Cuống; với hơn 6.200 ha khu sinh thái rừng ngập mặn với đa dạng hệ sinh thái. Nơi đây có nhiều lợi thế để phát triển du lịch, nuôi trồng thủy sản gắn với việc bảo vệ môi trường bền vững.

Những năm gần đây, Đề án “2 con, 1 cây” ở Tiên Yên ngày càng đi sâu vào đời sống của người dân. Cùng với thương hiệu gà Tiên Yên, phát triển nuôi trồng thủy sản, trong đó nổi bật là tôm thẻ chân trắng, tôm sú đã khai thác được tốt tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Huyện đã khuyến khích các hộ nuôi tôm tập trung theo đúng quy hoạch, thời gian qua, địa phương đã vận động các hộ dân mạnh dạn chuyển đổi từ nuôi tôm quảng canh sang nuôi công nghiệp.

tim1-1667360593.jpg
 
tom3-1667361007.jpg
Nhãn mác, logo nhận diện Tôm Tiên Yên
 

Bên cạnh đó, huyện Tiên Yên đã có nhiều chính sách nhằm thúc đẩy nghề nuôi tôm tại địa phương như: hỗ trợ người dân về kỹ thuật, đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ người dân về lãi xuất vay vốn theo Quyết định 4204/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Ninh. Từ năm 2014 đến nay, nhiều hộ nuôi tôm trên địa bàn huyện đã mạnh dạn đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật, máy móc, chuyển đổi diện tích nuôi tôm quảng canh sang nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức nuôi công nghiệp,... Việc chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm theo hướng công nghiệp đang là hướng đi mới phù hợp với các xã ven biển của huyện Tiên Yên giúp sản lượng tôm ngày càng tăng cao (năng suất bình quân diện tích nuôi công nghiệp đạt khoảng 8,5 tấn/ha).

Theo Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tiên Yên, hiện nay trên địa bàn huyện các xã có nhiều tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, mặt nước như xã Hải Lạng, Đông Ngũ, Đông Hải, Đồng Rui, Tiên Lãng... đã và đang phát triển nghề nuôi tôm. Theo quy hoạch nuôi trồng thủy sản nước mặn lợ tập trung huyện Tiên Yên đến năm 2020, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện đạt trên 2.190 ha (chủ yếu nuôi tôm). Trong đó, xã Hải Lạng được quy hoạch thành vùng nuôi tôm tập trung lớn nhất huyện với hơn 410 hộ đang tham gia nuôi tôm, diện tích khoảng hơn 1.020 ha chiếm gần 50% diện tích nuôi tôm của toàn huyện. Sản lượng riêng từ vùng nuôi tôm của xã Hải Lạng hàng năm đạt trên 800 tấn.

Diện tích nuôi tôm của các hộ quy mô nhỏ giao động từ 3.000-4.000 m2, hộ quy mô lớn lên đến 10 ha. Diện tích thâm canh 286 ha tôm sú và tôm thẻ chân trắng của toàn huyện Tiên Yên khoảng 1400 ha. Sản lượng tôm của huyện là 2730 tấn, trong đó tôm sú 530 tấn, còn lại tôm thẻ chân trắng (các loại tôm khác chiếm tỷ trọng không đáng kể do hiệu quả kinh tế thấp).

tom4-1667361214.jpg
Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu "Tôm Tiên Yên" do Cục Sở hữu Trí tuệ cấp cho UBND huyện Tiên Yên (Quảng Ninh)

Tôm Tiên Yên ngoài phục vụ nhu cầu trên địa bàn huyện, khách du lịch thì chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc thông qua các thương lái, công ty tại Móng Cái, Quảng Yên, Hải Phòng.

Cũng theo Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tiên Yên, nghề nuôi tôm tại huyện Tiên Yên đã và đang giải quyết công ăn việc làm cho 3.445 lao động, trong đó có 1.670 lao động thu nhập cao và ổn định (thu nhập bình quân khoảng 200 triệu đồng/hộ nuôi/vụ, nhiều hộ có thu nhập hàng tỷ đồng/vụ). Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được nêu trên, sự phát triển nuôi trồng thuỷ sản nói chung và nuôi tôm nói riêng tại Tiên Yên vẫn còn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức: Thiếu sự phối hợp đồng bộ với các giải pháp về con giống, thức ăn, thị trường, thuốc hóa chất, bảo vệ môi trường, nguồn lợi... để phát huy hiệu quả tương xứng với tiềm năng của huyện; Chất lượng con giống chưa được kiểm soát chặt chẽ. Mặt khác người dân chưa quan tâm, chú trọng đến việc cải tạo, nạo vét các ao đầm đã qua sử dụng nhiều năm; Hạn chế về khoa học kỹ thuật, điều kiện nuôi trồng, tác động của thiên tai gây rủi ro cho người nuôi trồng...Đặc biệt, danh tiếng, thương hiệu về chất lượng của sản phẩm tôm Tiên Yên còn chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến. Thị trường tiêu thụ còn bị hạn chế so với tiềm năng, lợi thế sản xuất tôm của huyện.

tom6-1667361562.jpg

Đại diện Phòng kinh tế và Hạ tầng huyện Tiên Yên, đơn vị tư vấn thăm quan mô hình nuôi tôm tại xã Đông Hải

Để thúc đẩy, nghề nuôi tôm của huyện Tiên Yên phát triển tương xứng với lợi thế tiềm năng đem lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định cho người dân, các chuyên gia của Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam - PHANO, thì huyện Tiên Yên cần đẩy mạnh phát triển nghề nuôi tôm theo hướng bền vững, sản xuất theo hướng hàng hóa, phục vụ nhu cầu tiêu dùng cả trong và ngoài tỉnh. Trong đó, bên cạnh việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tăng cường phòng, chống dịch bệnh; đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung thì huyện Tiên Yên cần phải tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tôm theo chuỗi liên kết, xây dựng hệ thống quản lý đảm bảo tốt các yêu cầu về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường, xây dựng thương hiệu và quảng bá mạnh mẽ sản phẩm đến các doanh nghiệp tiêu thụ, người tiêu dùng trong và ngoài nước. Đặc biệt, phải đẩy nhanh việc xây dựng Nhãn hiệu chứng nhận (NHCN) cho Tôm Tiên Yên và phát triển thương hiệu, đẩy mạnh truyền thông, lan tỏa những giá trị cốt lõi gắn với câu chuyện sản phẩm Tôm Tiên Yên trong cộng đồng.

tom7-1667361801.jpg
Ông Lý Văn Thắng, Phó phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tiên Yên (bên trái) đang trao đổi với PV

Vừa qua, UBND huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) đã xây dựng hồ sơ đề nghị Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu bảo hộ nông phẩm Tôm Tiên Yên. Ngày 06/9/2022, Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 436821 cho Tôn Tiên Yên cho chủ sở hữu là UBND huyện Tiên Yên.

Theo đó, Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã xác lập quyền bảo hộ Sở hữu Trí tuệ cho sản phẩm Tôm của huyện Tiên Yên dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận nhằm bảo vệ danh tiếng sản phẩm, nâng cao uy tính của sản phẩm trên thị trường, là tiền đề để mở rộng thị trường tiêu thụ. Từ đó, góp phần phát triển nghề nuôi tôm bền vững và nâng cao thu nhập cho người nuôi tôm tại địa phương.

tom8-1667362211.jpg
TS. Hoàng Xuân Trường, Chủ nhiệm dự án "Xây dựng và quản lý nhãn hiệu chứng nhận "Tôm Tiên Yên" trình bày tạị Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực quản lý và khai thác nhãn hiệu, chứng nhận "Tôm Tiên Yên"

Vừa qua, UBND huyện Tiên Yên đã phối hợp với đơn vị tư vấn và các chuyên gia đã tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực xây dựng và quản lý nhãn hiệu, chứng nhận "Tôm Tiên Yên" cho các xã nuôi tôm trên địa bàn huyện. Thông qua, tập tuấn giúp cho các chủ thể và các cơ quan quản lý nhận thức rõ mục đích, ý nghĩa, quyền lợi, nghĩa vụ và giải pháp huy những giá trị của việc quản lý, sở hữu nhãn hiệu công nghiệp; Nâng cao năng lực cho người sản xuất, kinh doanh sản phẩm thông qua đào tạo, tập huấn về quy trình kỹ thuật nuôi, thương hiệu, thị trường, chuỗi giá trị...

 

Quyết Tuấn