Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn: 20 năm xây dựng và trưởng thành (2003 - 2023)

13/03/2024 08:31

Trải qua 20 năm xây dựng và trưởng thành (2003 - 2023), Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn - Bộ Nông nghiệp và PTNT đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn thử thách, đạt được nhiều thành tựu quan trọng góp phần xây dựng nền “Nông nghiệp sinh thái - bền vững, Nông thôn hiện đại - đáng sống, Nông dân chuyên nghiệp - văn minh”.

Quá tình hình thành và phát triển

Lịch sử hình thành và phát triển của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn gắn liền với lịch sử phát triển của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ngay từ thời kỳ kháng chiến kiến quốc (1945-1954) đến thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất đất nước (1954-1975), nhiệm vụ chính sách nông nghiệp và phát triển nông thôn được Đảng và Nhà nước rất coi trọng. Khi đó nhiệm vụ này được giao cho các đơn vị trực thuộc các Bộ, ngành như: Bộ Canh nông, Ủy ban Dân tộc, Bộ Lao động, Bộ Nông nghiệp, Bộ Lâm nghiệp, Bộ Nông Trường, Bộ Thủy Lợi, Ban Định canh định cư Trung ương, Ủy ban Nông nghiệp Trung ương, v.v...

Sau ngày đất nước thống nhất (năm 1975) đến thời kỳ đổi mới (1986-1995), nhiệm vụ về chính sách nông nghiệp và phát triển nông thôn ngày càng được Đảng và Nhà nước quan tâm hơn, hình thành các tổ chức có hệ thống từ Trung ương đến địa phương như: Ban quản lý Hợp tác xã thuộc Bộ Nông nghiệp; Cục Di dân và Phát triển vùng kinh tế mới thuộc Bộ Lao động; Tổng Cục Khai hoang thuộc Bộ Nông trường; Cục Định canh định cư và Vùng kinh tế mới thuộc Ủy ban dân tộc và miền núi, v.v. Kế thừa và phát huy thành tựu 10 năm đổi mới tổ chức các cơ quan hành chính Nhà nước, Chính phủ đã có định hướng thu gọn các Bộ quản lý ngành hiện có theo hướng chuyển từ Bộ quản lý đơn ngành sang Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực có chức năng, nhiệm vụ gần giống nhau, nhằm giảm bớt sự chồng chéo, chia cắt giữa các Bộ, ngành để nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thuỷ lợi và Phát triển nông thôn. Khi đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 02 đơn vị làm nhiệm vụ về chính sách nông nghiệp và phát triển nông thôn là Vụ Chính sách và Cục Định canh định cư và Vùng kinh tế mới.

cuc1-1710292860.jpg
Kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. 

Từ năm 2003, theo yêu cầu thực tiễn về quản lý nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập Cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn (Quyết định số 96/2003/QĐ-BNN ngày 04/09/2003) trên cơ sở hợp nhất Cục Định canh định cư và Vùng kinh tế mới và Vụ Chính sách. Đến năm 2008, Cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn đổi tên thành Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn ngày nay, đồng thời sáp nhập Vụ Kinh tế tập thể thuộc Bộ Thủy sản (Quyết định số 28/2008/QĐ-BNN ngày 28/01/2008). Năm 2014, với yêu cầu đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới theo tỉnh thần Nghị quyết số 26-NQ/TƯ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương trên cơ sở tách ra từ Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn. Tiếp đó, ngày 31/3/2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định số 1119/QĐ-BNN-TCCB sáp nhập 03 phòng chuyên môn và 01 đơn vị sự nghiệp từ Cục Chế biến, Thương mại Nông, Lâm, Thuỷ sản và Nghề muối (nay là Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản).

Đến nay, bộ máy tổ chức của Cục có 08 Phòng chuyên môn và 01 Trung tâm, bao gồm: Phòng Kinh tế hợp tác; Phòng Giảm nghèo và An sinh xã hội nông thôn; Phòng Ngành nghề nông thôn; Phòng Quy hoạch và Bố trí dân cư; Phòng Cơ điện và Phòng Nghề muối; Phòng Công tác phía Nam, Văn phòng Cục và Trung tâm Kiểm định kỹ thuật an toàn máy, thiết bị nông nghiệp.

Nhiệm vụ chính của Cục gồm các lĩnh vực: i) Kinh tế tập thể, hợp tác xã và liên kết theo chuỗi trong nông nghiệp); ii) Trang trại nông nghiệp và kinh tế hộ gia đình; iii) Diêm nghiệp; iv) Cơ điện nông nghiệp; v) Phát triển ngành nghề nông thôn; vi) Đào tạo nghề cho lao động nông thôn; vii) Định canh, bố trí ổn định dân cư, di dân tái định cư, viii) Giảm nghèo, an sinh xã hội nông thôn. Ngoài ra, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn còn là đầu mối phối hợp thực hiện nhiều nhiệm vụ, chương trình quản lý nhà nước khác thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành khác như: Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững (Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội chủ trì); Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Ủy ban Dân tộc chủ trì); Chương trình bảo hiểm nông nghiệp (Bộ Tài Chính chủ trì); Chương trình “Không còn nạn đói” ở Việt Nam; Chương trình Phòng chống ma túy, mại dâm (Bộ Công An chủ trì); Chương trình Huấn luyện an toàn lao động (Bộ Công thương chủ trì) và các chương trình an sinh xã hội nông thôn khác.

Những thành tựu nổi bật

Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002, Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, Cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn được thành lập (2003) và được giao các nhiệm vụ về phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã, quy hoạch và bố trí dân cư, giảm nghèo, đào tạo nghề, ngành nghề nông thôn, cơ điện, nghề muối và các nhiệm vụ khác về phát triển nông thôn. Cục đã tham mưu, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiều chính sách quan trọng về phát triển Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, cụ thể là:

Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, số lượng hợp tác xã nông nghiệp đã tăng 12.569 HTX. Từ năm 2012 đến nay, trung bình mỗi năm tăng thêm 800 hợp tác xã; tính đến hết tháng 6/2023, cả nước có khoảng 20.057 HTX nông nghiệp, 92 Liên hiệp HTX và hơn 30.000 tổ hợp tác nông nghiệp; số lượng thành viên hợp tác xã nông nghiệp khoảng 3,78 triệu người. Không chỉ tăng nhanh về số lượng, mà chất lượng và hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp cũng đã được cải thiện (trong đó có 2.200 HTX ứng dụng công nghệ cao). Năm 2020, doanh thu của các hợp tác xã đạt bình quân 2,44 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân của người lao động thường xuyên đạt 40,5 triệu đồng/năm, gấp 9,1 lần so với năm 2001. Các chuỗi liên kết, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được phát triển với 4 tác nhân tham gia gồm 271 tổ chức khoa học, 586.585 hộ nông dân, 4.028 HTX nông nghiệp tham gia liên kết với 1.867 doanh nghiệp trong sản xuất, thu hoạch chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Cả nước có 19.660 trang trại trong đó: 3.308 trang trại trồng trọt, 12.349 trang trại chăn nuôi, 133 trang trại lâm nghiệp, 1.810 trang trại nuôi thủy sản, 2.060 trang trại tổng hợp. Hiện có 1.034 trang trại đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời, 56 trang trại tham gia hoạt động du lịch nông nghiệp, 4.235 trang trại có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Nhiệm vụ về phát triển nông, lâm trường quốc doanh đến cuối năm 2005 chuyển về Ban đồi mới doanh nghiệp (nay là Vụ Tài chính). Năm 2005, cả nước có 444 nông, lâm trường. Đến cuối năm 2012, còn 387 nông, lâm trường, giải thể 38 đơn vị. Đến tháng 12 năm 2012, tính cả 266 đơn vị, tổ chức không thuộc diện thực hiện sắp xếp theo Nghị quyết 28-NQ/TW, cả nước có 653 doanh nghiệp nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng, vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên được Nhà nước giao quản lý, sử dụng 7.996.467 ha đất.

Công tác Quy hoạch, bố trí dân cư giai đoạn này tiếp tục được quan tâm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản để triển khai nhiệm vụ quy hoạch, bố trí ổn định dân cư. Đặc biệt, gần đây là Quyết định số 1776/QĐ- TTg ngày 21/11/2012 và hiện nay là Quyết định số 590/QĐ-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng và Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 01/3/2020 về ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gỗ từ nông, lâm trường. Kết quả, đến hết năm 2021, cả nước bố trí, sắp xếp định được khoảng 360 nghìn hộ, góp phần ổn định, nâng cao đời sống, sản xuất cho người dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, di cư tự do, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo, bảo vệ môi trường, củng cố quốc phòng, an ninh của đất nước.

Bên cạnh đó, Cục được Bộ giao quản lý nhà nước lĩnh vực di dân, tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện, trong đó có một số dự án thủy điện lớn như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Huội Quảng - Bản Chát,... Đến nay, trên địa bàn 34 tỉnh, thành phố có tổng số 152 dự án thủy lợi, thủy điện phải thực hiện công tác di dân, tái định cư, với tổng số hộ dân phải di dời tái định cư là 81.397 hộ (trong đó: số hộ đã di chuyển đến các điểm tái định cư là 77.429 hộ (chiếm 95,1%); số hộ chưa di chuyển là 3.968 hộ thuộc 25 dự án thủy lợi, thủy điện (chiếm 4,9%).

htx2-1710294336.jpg
HTX Nông nghiệp ngày càng đầu tư cơ giới hóa, ứng dụng cộng nghệ cao

Nhiệm vụ về Giảm nghèo và An sinh xã hội nông thôn tập trung cho hỗ trợ phát triển sản xuất, sinh kế cho hộ nghèo và thực hiện các nhiệm vụ an sinh xã hội theo phân công của Chính phủ: Trong thời kỳ này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo và việc làm giai đoạn 2001-2005; Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo giai đoạn 2006-2010; Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015; Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, sinh đã góp phần quan trọng giúp cho công cuộc xóa đói giảm nghèo của nước ta trong thời kỳ này đạt được nhiều kỳ tích. Tỷ lệ nghèo chung của Việt Nam tính theo phương pháp của Ngân hàng Thế giới năm 2002 đang ở mức là 28,9%, đến năm 2020 đã giảm xuống 2,7%.

Công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn được giao cho Cục từ năm 2014 theo Đề án 1956. Đến nay, cả nước đã đào tạo được 2,84/3,0 triệu lao động nông thôn học nghề nông nghiệp (đạt 94,67% kế hoạch đề ra); số lao động có việc làm sau khi được đào tạo được khoảng 2,79 triệu người (đạt 98,24% so với tổng số lao động được đào tạo); số hộ gia đình có người tham gia học nghề để thoát nghèo là 65.515 hộ, số hộ gia đình có người tham gia học nghề trở thành hộ có thu nhập khá 134.016 hộ.

Ngành nghề nông thôn là một bộ phận quan trọng trong cơ cấu kinh tế ở khu vực nông thôn, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân ở khu vực nông thôn. Hiện cả nước có 168 nghề truyền thống và 1.966 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận. Tổng số cơ sở tham gia sản xuất kinh doanh lĩnh vực ngành nghề nông thôn là 812.956 cơ sở, bao gồm 9.544 doanh nghiệp; 2.988 HTX; 6.735 tổ hợp tác và trên 793.688 hộ gia đình, tạo việc làm cho trên 2,23 triệu lao động. Thu nhập bình quân của lao động đạt 4- 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Cơ điện nông nghiệp, cơ giới hóa nông nghiệp được quan tâm và phát triển ngành, nhiều loại máy, thiết bị được áp dụng trong sản xuất nông nghiệp. Từ năm 2004, Chính phủ cho phép các tỉnh hỗ trợ nông dân mua sắm máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp từ ngân sách của địa phương. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 497/QĐ-TTg ngày 17/4/2009 và Quyết định số 2213/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 về hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn. Xác định tầm quan trọng của việc áp dụng máy móc trong sản xuất nông nghiệp, ngày 23/9/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 48/NQ-CP về cơ chế chính sách hỗ trợ nông dân mua sắm máy móc thiết bị như Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg; Quyết định số 63 và 65 và hiện nay đang trình Chính phủ ban hành Nghị định cơ giới hóa, cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030.

Cùng với chính sách hỗ trợ của Chính phủ, địa phương và các tổ chức, cá nhân đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, đến nay nhiều khâu sản xuất nông nghiệp đã được cơ giới hóa, một số khâu đạt 100% như sản xuất lúa ở ĐBSCL, ĐBSH. Một số doanh nghiệp đã được áp dụng cơ giới hóa đồng bộ và tự động hóa cao trong chăn nuôi; một số nơi đã áp dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp như kiểm soát tưới, tiêu, bảo vệ thực vật, sử dụng thiết bị bay siêu nhẹ “drone” trong gieo trồng, phun thuốc bảo vệ thực vật. Cơ giới hóa nông nghiệp đã góp phần nâng cao năng suất và giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp, tạo tiền đề quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao.

Nghề muối là ngành sản xuất quan trọng ở Việt Nam, với tiềm năng bờ biển dài, song do chưa được quan tâm đầu tư nên hiệu quả thu nhập của người làm muối chưa cao. Hiện diện tích đất làm muối bình quân 3,8 ha/trang trại; giá trị vốn đầu tư và vốn sản xuất kinh doanh bình quân 3,52 tỷ đồng/trang trại; lao động thường xuyên bình quân 3,5 lao động/trang trại. Tổng giá trị sản xuất của các trang trại bình quân 2,86 tỷ đồng/trang trại/năm. Do đó, ngành Muối cần chuyển dịch cơ cấu sản xuất muối gắn với đổi mới công nghệ, đầu tư mới và cải tạo đồng muối để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả. Chính vì vậy, ngày 31/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1325/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021-2030 xác định đưa ngành Muối phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững trên cơ sở tận dụng tối đa lợi thế của các địa phương có truyền thống sản xuất muối để nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa các loại sản phẩm về muối nhằm đáp ứng nhu cầu muối trong nước, hướng đến xuất khẩu muối và tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của nhân dân làm muối.

Với những kết quả, thành tích xuất sắc đã đạt được trong quá trình hình thành và phát triển, tập thể Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn và các tập thể, cá nhân thuộc Cục qua các thời kỳ đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động các hạng, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng các thời kỳ và nhiều phần thưởng cao quý khác của các Bộ, ngành, địa phương.

Tự hào với truyền thống vẻ vang sau 20 năm xây dựng và trưởng thành (2003 - 2023), tập thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT nguyện chung sức đồng lòng, tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, không ngừng đổi mới sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn thử thách, đón nhận những thời cơ vận hội mới, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng nền “Nông nghiệp sinh thái - bền vững, Nông thôn hiện đại - đáng sống, Nông dân chuyên nghiệp - văn minh”.

Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn
Duy Phát

Duy Phát

20:42 24/06/2021

bài viết hay :v