Công an cảnh báo chiêu trò sử dụng trí tuệ nhân tạo để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

28/03/2023 09:36

Trao đổi với báo chí, về việc xuất hiện hành vi ghép mặt, giọng nói giống hệt người thân để lừa đảo, một lãnh đạo Công an huyện Thanh Trì (Hà Nội) cho biết: “Hành vi sử dụng công nghệ Deepfake AI, tạo ra các sản phẩm công nghệ âm thanh, hình ảnh và video với độ chính xác rất cao để lừa đảo, không hoàn toàn mới”.

“Để tránh bị lừa, người dân nên kiểm tra nguồn tin, khi bạn mình hỏi vay tiền và chuyển khoản. Khi gặp trường hợp như vậy, chúng ta nên gọi điện thoại lại xem người thân, bạn bè… có đúng cần tiền không. Tiếp đến người gửi tiền, chuyển khoản cũng phải xác minh, số tài khoản đó có đúng họ và tên người thân của mình không.

z4217321876470-25f3fe5cd14d3b17bf38546d279220dd-1679970850.jpg

Trường hợp, nếu người bạn nói tài khoản bị lỗi, phải mượn tài khoản khác... Người chuyển tiền cần kiểm tra từ bạn và số tài khoản đang nhận, xem họ quê quán ở đâu và yêu cầu gửi hình ảnh căn cước công dân cho mình xem.

Sau đó, gọi điện nhờ ngân hàng mà số tài khoản yêu cầu gửi, xem người đó có số CCCD, trùng với số tài khoản mà họ cung cấp không”, lãnh đạo Công an huyện Thanh Trì (Hà Nội) khuyến cáo.

Ngoài ra, vị lãnh đạo Công an huyện Thanh Trì cũng thông tin: “Do cắt ghép, chỉnh sửa và dù đã được công nghệ hỗ trợ, song hầu hết những video này đều có chất lượng thấp, mờ ảo, chập chờn như đang ở nơi sóng yếu.

Đó là một trong những dấu hiệu để người dân nhận biết, cảnh giác. Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ thời gian nhận biết, tỉnh táo để xác định đó là đối tượng lừa đảo. Cẩn thận hơn, người chuyển tiền cũng cần hỏi lại đối tác, sao sóng yếu vậy?

Nếu kẻ lạ mặt trả lời do sóng yếu, người chuyển tiền cần nhận biết, sóng yếu thì giọng nói cũng không rõ nét. Nếu giọng nói rõ nét còn hình ảnh chập chờn, chắc chắn bị lừa, mọi người không nên chuyển tiền cho các đối tác như vậy”.

Còn Trung tá Phan Quang Vinh, Đội trưởng Đội Cảnh sát Phòng chống tội phạm có yếu tố nước ngoài, sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, Phòng CSHS, Công an TP Hà Nội cho biết: “Thủ đoạn trên trong giới công nghệ gọi là Deepfake".

Deepfake sẽ quét video và ảnh chân dung của một người sau đó hợp nhất với video riêng biệt nhờ AI và thay thế các chi tiết trên gương mặt như mắt, miệng, mũi với chuyển động gương mặt, giọng nói như thật.

Càng có nhiều hình ảnh gốc thì AI càng có nhiều dữ liệu để học. Deepfake có thể thay đổi khuôn mặt của người này sang người khác trong video với độ chân thực đến kinh ngạc. Hiện nay, Deepfake đang trở thành nỗi ám ảnh, là "bóng ma" trong thế giới Internet, được tội phạm dùng để lừa đảo.

Hằng Nga